Hà Nội tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển giáo dục ngoài công lập
TCCS - Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục - đào tạo đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập. Ở Hà Nội, các trường ngoài công lập ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục Thủ đô, góp phần giảm tải cho các trường công lập, nhiều trường đã xây dựng được thương hiệu chất lượng cao, được nhân dân tin tưởng.
Một số thành tựu cơ bản và những hạn chế cần khắc phục
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện nay toàn thành phố có 3.225 cơ sở giáo dục ngoài công lập với tổng số 45.842 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 10.066 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc ở các trường mầm non; 27.330 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc ở các nhóm trẻ; 2.784 cán bộ, giáo viên, nhân viên cấp tiểu học; 1.192 cán bộ, giáo viên, nhân viên cấp trung học cơ sở và 4.470 cán bộ, giáo viên, nhân viên cấp trung học phổ thông. Công tác quản lý tổ chức bộ máy các trường ngoài công lập đã có những bước chuyển biến tích cực, bộ máy tổ chức được kiện toàn kịp thời, đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ năng lực ngày càng cao, đội ngũ giáo viên cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và số lượng theo quy định.
Các trường ngoài công lập ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục Thủ đô, góp phần giảm tải cho các trường công lập. Nhiều trường đã xây dựng được thương hiệu chất lượng cao được nhân dân tin tưởng, được nhiều đoàn trong nước đến tham quan, học tập mô hình quản lý, tổ chức hoạt động, như Trường THCS - THPT Pascal; Trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu; Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh; Trường THPT Olympia; Trường Tiểu học - THCS - THPT Marie Curie...
Đầu tư dạy học ngoại ngữ, các lớp tiếng Anh, lớp song ngữ Anh - Pháp, đi kèm là phương pháp dạy học, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, trải nghiệm… là một trong những thế mạnh của các trường ngoài công lập. Thành công nhất với mô hình này là Trường Tiểu học - THCS Đoàn Thị Điểm. Học sinh của Trường được đào tạo bài bản và đúng khoa học nên các em có một nền tảng ngoại ngữ rất tốt, khả năng phản xạ và giao tiếp tốt với người nước ngoài, các kỹ năng sống, kỹ năng học tập và hoạt động theo nhóm được thực hiện tốt. Đây cũng là nền tảng cho các em chuyển tiếp vào các cấp học cao hơn chuyên về ngoại ngữ như Trường THPT Chuyên ngữ, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ…
Có thể nói, quy mô, mạng lưới các trường ngoài công lập luôn tiếp tục được mở rộng, nền nếp, kỷ cương trong quản lý, tổ chức hoạt động được chú trọng, chất lượng dạy và học được nâng cao, thu hút ngày càng nhiều học sinh vào học tại các trường, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh trên địa bàn Thủ đô. Theo ghi nhận qua các năm học gần đây cho thấy, danh sách học sinh đoạt giải thưởng cao tại các cuộc thi kể chuyện bằng tiếng Anh, giải toán qua mạng internet, nhà tin học trẻ tuổi… dành cho học sinh khối tiểu học và trung học cơ sở do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức đều có sự góp mặt đáng kể của các trường ngoài công lập.
Có được kết quả này là do số lượng trường tư mở ra nhiều, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, đòi hỏi các đơn vị muốn tồn tại phải nắm bắt nhanh và bảo đảm yêu cầu của xã hội. Cụ thể, 15 năm trước, hàng loạt trường tư ra đời với cùng mục tiêu là tạo ra môi trường học tập đa ngôn ngữ, nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh, nhưng thời điểm hiện tại, mục tiêu đã mở rộng nhiều hướng phát triển khác nhau như bồi dưỡng năng khiếu, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, phát triển tư duy thẩm mỹ và sức khỏe tinh thần cho học sinh… Nhiều cơ sở khi đi vào hoạt động đã xác lập ngay một số giá trị cốt lõi, như nhân cách, trí tuệ, cảm xúc, đam mê, năng lượng… làm cơ sở xây dựng chương trình và phương pháp giảng dạy phù hợp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống giáo dục ngoài công lập tại Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, như nhiều trường do khả năng tài chính eo hẹp, phải thuê mướn mặt bằng làm cơ sở đào tạo, thiếu hụt lực lượng giáo viên cơ hữu nên lượng tuyển sinh chưa cao, quy mô đào tạo nhỏ. Nhiều trường mẫu giáo được thuê từ nhà dân, không có phòng học và sân chơi bảo đảm diện tích, không đáp ứng được yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm; thiếu nhà vệ sinh,… Cùng với đó, công tác sau cấp phép với các cơ sở còn hạn chế, chưa tuyên truyền tốt để phụ huynh lựa chọn đúng trường lớp; công tác quản lý giáo dục trên địa bàn của một số phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, của các xã, phường còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý, nhiều cơ sở nhóm trẻ mẫu giáo chưa được cấp phép, chưa có quyết định thành lập nhưng vẫn hoạt động, trong khi đó, cơ quan có thẩm quyền chưa kiên quyết đình chỉ các cơ sở này. Việc tổ chức cho trẻ hoạt động, vui chơi theo chương trình quy định chưa bảo đảm chất lượng, một số nhóm lớp nhỏ lẻ chủ yếu chỉ lo cho trẻ ăn ngủ và giữ trẻ an toàn mà chưa chú trọng đến việc giáo dục…; đội ngũ giáo viên mầm non ngoài công lập nghề nghiệp thiếu ổn định, thu nhập còn khoảng cách; giáo viên rất ít khi tham dự các hoạt động hội họp, sinh hoạt chuyên môn, tham quan học tập do ngành tổ chức... Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động ở nhiều trường, lớp mầm non ngoài công lập còn chưa được quan tâm, đặc biệt là chế độ nghỉ hè, thai sản... Vẫn còn số lượng khá đông giáo viên chưa được tham gia đóng bảo hiểm (những người trông trẻ thuộc các nhóm trẻ gia đình) do thời gian hợp đồng làm việc thường không ổn định, chỉ tạm thời từ 2 - 3 tháng.
Một điểm quan trọng nữa là, trong khi các trường công lập được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất, trả lương giáo viên, được cấp kinh phí hằng năm cho hoạt động giáo dục (tính trên đầu học sinh), ví dụ như ở cấp trung học phổ thông là 4,5 triệu đồng/năm học/học sinh), thì các trường ngoài công lập hoạt động chủ yếu dựa vào kinh phí của các nhà đầu tư tâm huyết với giáo dục và sự đóng góp của phụ huynh theo cơ chế xã hội hóa giáo dục. Học sinh học trường ngoài công lập hiện nay có phần “thiệt thòi” hơn so với học sinh các trường công lập khi không được cấp định mức từ ngân sách hằng năm, phải đóng học phí cao hơn. Ngoài ra, trường ngoài công lập còn phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ở một khía cạnh khác, thực tế cho thấy trường tư luôn luôn có nhà đầu tư. Và hiệu trưởng trường tư chỉ là người làm thuê. Khi quan điểm giáo dục của hiệu trưởng và nhà đầu tư thống nhất thì trường sẽ phát triển nhanh và ngược lại. Nhiều trường tư không thể phát triển vì nhà đầu tư đưa lợi nhuận lên hàng đầu, gạt bỏ nhiều hoạt động cần có trong việc giáo dục học sinh. Trong số các trường tư mang danh “quốc tế” hiện nay ở Hà Nội, chỉ có 11 trường thực sự là trường quốc tế theo quy định của luật pháp Việt Nam, nhiều trường khác chỉ là danh xưng nhằm lôi cuốn người học. Cùng với các hạn chế đó là các dịch vụ chăm sóc thu phí cao, những lập lờ về các “yếu tố nước ngoài” trong chương trình đào tạo. Câu chuyện đau lòng mới đây ở một trường thuộc quận Cầu Giấy, một học sinh tử vong vì bị bỏ quên trên ô-tô, đã bộc lộ một thực tế là quy trình quản lý học sinh, dịch vụ giáo dục của ngôi trường này không hoàn hảo, chuyên nghiệp, chưa tương xứng mức tiền học phí trên 100 triệu đồng/năm học.
Cần sự chung tay, góp sức để phát triển
Thứ nhất, để khắc phục những hạn chế và phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập, thành phố Hà Nội cùng với chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi về đất đai và cung cấp các dịch vụ hạ tầng tốt nhất cho việc thành lập các cơ sở giáo dục mới; cần hỗ trợ về mặt chuyên môn và pháp lý một cách nhanh nhất.
Thứ hai, đẩy mạnh sự phối hợp với các địa phương. Sở Giáo dục và Đào tạo xác định vai trò trong phân cấp của các địa phương rất quan trọng, 30 quận, huyện, thị xã đang quản lý số lượng trường rất lớn, theo tính toán chiếm khoảng 91,7% số các trường học trên toàn địa bàn thành phố nên rất cần có sự vào cuộc của lãnh đạo các địa phương. Do vậy, Sở đã có hội nghị giao ban với tất cả các chủ tịch quận, huyện, thị xã để trao đổi công tác giáo dục, đào tạo tại địa phương, thống kê các nội dung, tồn tại hạn chế của các ngành, từng quận, huyện, thị xã, trong đó có việc quản lý các nhóm trẻ, quy hoạch mạng lưới trường học của địa phương.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, hậu kiểm tra cấp phép, sau cấp phép đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, kiên quyết xử lý các vi phạm theo thẩm quyền; đặc biệt, tập trung tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật, kỷ cương trong quản lý nhóm trẻ, các lớp mẫu giáo mầm non, tư thục. Toàn ngành giáo dục và đào tạo thực hiện phương châm sâu sát cơ sở, kỷ cương trong thực chất và đánh giá.
Thứ tư, từ thực tiễn triển khai mô hình trường ngoài công lập nhiều năm qua tại Hà Nội cho thấy, một trong những giải pháp quan trọng trong việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục giai đoạn tới là tập trung thực hiện bảo đảm công bằng trong giáo dục, công bằng trong việc thụ hưởng phúc lợi giáo dục của học sinh trường ngoài công lập với học sinh trường công lập. Đây là những vấn đề cơ bản cần thống nhất trong quan điểm xã hội hóa giáo dục. Giáo dục công lập và ngoài công lập là hai bộ phận hữu cơ của nền giáo dục quốc dân, giáo dục Việt Nam muốn bay cao, bay xa thì cần phải quan tâm, coi trọng đồng đều đến hai bộ phận hữu cơ này để cả hai đều phát triển cân đối, hài hòa và hỗ trợ tích cực lẫn nhau nhằm tạo ra một nền giáo dục chất lượng, bền vững. Thực tiễn hơn hai mươi năm qua cho thấy, giáo dục ngoài công lập đã phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới giáo dục ở Việt Nam.
Để giảm bớt sự bất bình đẳng về thụ hưởng phúc lợi giáo dục của học sinh, giảm gánh nặng chi phí cho gia đình học sinh, đồng thời cũng là giải pháp để khuyến khích, thúc đẩy sự đầu tư, phát triển đối với hệ thống trường ngoài công lập những năm tới, Nhà nước nên cân nhắc việc giảm trừ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với trường ngoài công lập; ưu tiên, tạo nhiều thuận lợi hơn nữa cho các trường ngoài công lập bằng những cơ chế, chính sách cụ thể, đồng thời hỗ trợ ngân sách cho tất cả học sinh đến trường, dù các em theo học ở mô hình nào, nhằm giảm áp lực cho phụ huynh, tạo động lực để các trường ngoài công lập phát triển.
Để hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển một cách bài bản và lâu dài, ngoài việc cần có thêm các chủ trương, chính sách từ các cơ quan quản lý còn đòi hỏi sự chung tay đóng góp của nhiều bộ, ngành và các nguồn lực xã hội, đặc biệt cần sự chủ động chuyển mình của chính các cơ sở giáo dục ngoài công lập./.
Tôn vinh và lan tỏa những giá trị tốt đẹp vì cộng đồng  (25/12/2020)
Hà Nội triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân  (20/12/2020)
Hà Nội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025  (15/12/2020)
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền xã hội hóa giáo dục ở Hà Nội  (10/12/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam