Tỉnh Nghệ An phát triển đội ngũ doanh nhân, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo
TCCS - Nghệ An là một trong mười địa phương có số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước. Tính đến hết tháng 12-2018, toàn tỉnh có 19.769 doanh nghiệp đăng ký, trong đó có gần 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp có vai trò là xương sống, trụ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Nghệ An. Do vậy, công tác phát triển đội ngũ doanh nhân, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo là công việc lớn của tỉnh.
Những năm qua, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời đã triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
Một là, chủ động triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển doanh nghiệp, như Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09-12-2011, Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03-6-2017, Về phát triển kinh tế tư nhân, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn và các nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp bằng các chương trình và nhiệm vụ cụ thể, góp phần tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.
Hai là, đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các quy định mới liên quan đến đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ tư vấn pháp lý, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến pháp luật thuế và các thủ tục hành chính thuế. Tỉnh Nghệ An cũng phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức các hội thảo về phát triển từng ngành, lĩnh vực cụ thể, hội thảo về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...; thông qua hội thảo tiếp thu ý kiến các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp bổ sung, điều chỉnh các giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn.
Ba là, tổ chức các hoạt động liên kết, hợp tác và truyền thông cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên website, mạng xã hội nhằm thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp sinh viên, thanh niên, người lao động, các tổ chức, doanh nghiệp. Xây dựng chuyên mục khởi nghiệp trên báo, đài của tỉnh để tôn vinh những tấm gương khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn về khởi nghiệp với các chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan đã tích cực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo, kết nối với các quỹ đầu tư, các nhà tài trợ và các doanh nghiệp để kêu gọi tài trợ, phối hợp đầu tư triển khai dự án đưa khoa học, công nghệ vào thực tế cuộc sống.
Bốn là, tăng cường hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân; tổ chức các cuộc thi, hội thảo và các khóa đào tạo khởi nghiệp sáng tạo.
Sau 6 năm triển khai thực hiện Đề án Bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 - 2015, có tính đến năm 2020 tại Quyết định số 4892/QĐ-UBND, ngày 5-12-2012, của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, tỉnh đã tổ chức thành công 85 khóa đào tạo cho 6.915 lượt học viên tham dự. Trong đó, có 19 lớp khởi sự doanh nghiệp, 51 lớp quản trị doanh nghiệp và đặc biệt đã tổ chức được 15 lớp quản trị chuyên sâu (giám đốc điều hành doanh nghiệp, giám đốc tài chính và giám đốc nhân sự) và 25 hội thảo chuyên đề. Thông qua các khóa bồi dưỡng, các doanh nhân đã được bổ sung, cập nhật những kiến thức, kỹ năng quản trị doanh nghiệp trong thời đại mới, những thay đổi nhanh chóng của khoa học - công nghệ, cũng như đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; dần hình thành được một cộng đồng doanh nhân có tinh thần học tập, có khát vọng vươn lên.
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Nghệ An tổ chức thành công 3 cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có gần 100 dự án được thuyết trình và nhận sự tư vấn của Hội đồng tư vấn khởi nghiệp của tỉnh; 20 dự án được Quỹ Alba Charity, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tài trợ hoặc ký kết hợp tác hỗ trợ đầu tư với số tiền trên 15 tỷ đồng. Tổ chức tốt các sự kiện, như Techfest Vùng Bắc Trung Bộ năm 2018 và Hội thảo “Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Bắc Trung Bộ”; khóa đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh (VSV Angel Camp Nghệ An 2018); các buổi tọa đàm, chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nhân thành đạt với sinh viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh nhằm truyền lửa tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong những người trẻ tuổi của tỉnh nhà.
Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính và cung cấp các dịch vụ tư vấn, phát triển kinh doanh bằng nhiều nội dung thiết thực.
Theo đó, tỉnh Nghệ An tập trung chỉ đạo triển khai Hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử liên thông giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thủ tục hành chính công của các cơ quan nhà nước. Đầu năm 2019 tỉnh Nghệ An đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An tại địa chỉ dichvuhotrodoanhnghiep.enghean.vn, gắn với việc xác định năm 2019 là năm cải cách hành chính, nhằm hướng đến nền hành chính phục vụ, đem đến sự hài lòng cho tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Tính đến hết tháng 12-2018, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử của tỉnh Nghệ An đạt trên 88,1% cao hơn mức bình quân cả nước (35,3%) và Chính phủ yêu cầu (10%).
Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, khởi sự kinh doanh, gia nhập thị trường luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo cải cách. Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tỉnh đã triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ tư vấn và chuẩn bị hồ sơ miễn phí cho các doanh nghiệp liên quan đến các thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh. Thay đổi cách thức giao tiếp, phục vụ: chuyển từ cơ chế xin phép, đăng ký sang cơ chế phục vụ và dịch vụ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Sáu là, kiện toàn cơ quan đại diện doanh nghiệp và tích cực hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Ngoài việc ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trên địa bàn, tỉnh Nghệ An đã quan tâm đến việc tổ chức lại các hội doanh nghiệp và thành lập hiệp hội doanh nghiệp thống nhất góp phần nâng cao vai trò, vị trí của cơ quan đại diện doanh nghiệp, tích cực hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, kết nối với các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư nước ngoài. Qua đó, giúp cho các doanh nghiệp trong tỉnh có cơ hội tiếp cận, hợp tác đầu tư, trở thành nhà cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cho các nhà đầu tư lớn; vừa góp phần tạo việc làm cho doanh nghiệp trong tỉnh vừa đẩy nhanh việc triển khai dự án đầu tư của nhà đầu tư mới.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên, môi trường đầu tư, hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh được cải thiện rõ rệt, góp phần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI liên tục tăng, năm 2018, chỉ số PCI của tỉnh tiếp tục được cải thiện cả về thứ hạng và các chỉ số thành phần; xếp thứ 19, tăng 2 bậc so với năm 2017, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ. Đây là vị trí cao nhất từ trước tới nay của tỉnh Nghệ An. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Nghệ An năm 2018 đứng thứ 4 cả nước với 46,57 điểm, góp phần xây dựng một nền công vụ vì dân và thúc đẩy phát triển bền vững ở Nghệ An. Thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An trong những năm vừa qua đạt nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2014 - 2018, Nghệ An đã thu hút được 690 dự án/142.987 tỷ đồng. Năm 2018 thành lập mới 1.909 doanh nghiệp, tăng 7,43% so với năm 2017, với tổng số vốn đăng ký 10.498 tỷ đồng, tăng 5,82% so với cùng kỳ; có 544 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại trước thời hạn, nhiều hơn cùng kỳ 133 doanh nghiệp.
Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, chất lượng hoạt động được nâng lên đã tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua, thể hiện rõ nhất trong năm 2018, 27/27 chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2018 đạt 8,77% cao nhất trong những năm gần đây. Thu ngân sách năm 2018 đạt 14.052 tỷ đồng, bằng 110,7% dự toán. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ trọng cao, đạt 79,5% trong cơ cấu kinh tế. Văn hóa, xã hội chuyển biến rõ nét; các vấn đề an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao. Tình hình chính trị ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Bên cạnh những kết quả nổi bật trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh nói trên, có thể nhận thấy hoạt động này vẫn còn tồn tại một số hạn chế:
Thứ nhất, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập lớn, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động và có đóng góp cho nguồn thu ngân sách chưa cao (năm 2018 là 59,1%); số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể hằng năm còn lớn.
Thứ hai, cơ cấu doanh nghiệp còn mất cân đối, chủ yếu tập trung vào một số ngành xây dựng và thương mại, dịch vụ; số doanh nghiệp sản xuất và có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn ít.
Thứ ba, phong trào khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được nhiều cơ quan phát động (Sở Khoa học công nghệ, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và các trường đại học trên địa bàn...), tuy nhiên, chất lượng các dự án khởi nghiệp chưa cao, tính ứng dụng vào thực tiễn của nhiều đề án khởi nghiệp sáng tạo bị hạn chế.
Thứ tư, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với các hiệp hội doanh nghiệp, các đơn vị đào tạo và tư vấn hỗ trợ trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý, hỗ trợ đào tạo và giải quyết các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Trong thời gian tới, để làm tốt hơn nữa công tác phát triển đội ngũ doanh nhân và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tỉnh Nghệ An sẽ tập trung chỉ đạo triển khai các chương trình, kế hoạch về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16-5-2016, Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020 và Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18-5-2016, Về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; trong đó thực hiện một số giải pháp trọng tâm là:
Một là, quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua việc triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước để tăng cường tính công khai, minh bạch; tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp; xúc tiến nhanh việc thành lập trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh; khai thác có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có thái độ vòi vĩnh, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp; thực hiện việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi xảy ra tình trạng chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trong thực hiện cải cách hành chính, thực thi đạo đức công vụ ở các cấp, ngành và địa phương.
Hai là, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc nghiên cứu thành lập, tổ chức và vận hành các mô hình vườn ươm doanh nghiệp; tổ chức lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức kết nối hỗ trợ hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh; xây dựng khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bằng các hình thức xã hội hóa trong đầu tư xây dựng không gian làm việc và thiết bị dùng chung...
Ba là, triển khai thực hiện các chính sách thúc đẩy việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp theo định hướng của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Kế hoạch số 601/KH-UBND, ngày 13-9-2018, của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Về triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bốn là, đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ, tư vấn pháp lý và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bằng các hoạt động đối thoại chính quyền, tổ chức làm việc hằng tháng giữa lãnh đạo tỉnh với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp; nghiên cứu xây dựng thêm các tiện tích và nâng cao hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin điện tử Hỗ trợ doanh nghiệp để nắm bắt và giải quyết trực tuyến các kiến nghị của doanh nghiệp, doanh nhân.
Năm là, thúc đẩy phát triển các ngành nghề cốt lõi, chủ lực, phát triển các sản phẩm dịch vụ để có sự liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh; chủ trì phối hợp với Bộ Công thương để điều tra, xây dựng hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh, hỗ trợ kết nối với các tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước để phát triển sản phẩm.
Sáu là, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân theo hướng tăng các hoạt động đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp, sử dụng các phương tiện hiện đại, khai thác kiến thức từ các chương trình trực tuyến trên In-tơ-nét, mạng xã hội...; Lựa chọn những lĩnh vực, chuyên đề mà cộng đồng doanh nhân trên địa bàn còn yếu để mời các chuyên gia, các doanh nhân thành đạt về trao đổi, chia sẻ.
Cùng với các giải pháp đó, tỉnh Nghệ An quyết tâm phát triển mạnh mẽ về mọi mặt để trở thành một tỉnh công nghiệp, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế; luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, xem sự thành công của doanh nghiệp là thước đo về sự hoàn thành nhiệm vụ của chính quyền, cam kết dành nguồn lực tương xứng để xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp phát triển thịnh vượng./.
Đổi mới chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn  (04/06/2019)
Những chuyển đổi kinh tế của Cuba nhằm thu hút đầu tư và sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam  (04/06/2019)
Coi trọng dự báo các vấn đề phát sinh của thương mại thế giới  (03/06/2019)
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Thanh toán dứt điểm các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản  (03/06/2019)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật một số cán bộ  (03/06/2019)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 27-5 đến ngày 02-6-2019  (03/06/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên