TCCSĐT - Với hàng loạt thỏa thuận được ký kết, chuyến thăm tới Trung Quốc của Thủ tướng New Zealand J. Ardern là cơ hội để New Zealand và Trung Quốc củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương. Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Quốc kể từ khi bà J. Ardern trở thành Thủ tướng New Zealand hồi tháng 10-2017.

New Zealand - Trung Quốc thúc đẩy quan hệ song phương

 
 Thủ tướng New Zealand J. Ardern và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: straitstimes.com

Trong chuyến thăm tới Trung Quốc ngày 31-3 và 01-4-2019, Thủ tướng J. Ardern đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Trong bối cảnh đang xảy ra tranh cãi giữa hai nước về việc sử dụng thiết bị viễn thông của Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã hối thúc New Zealand tạo lập một môi trường đầu tư “công bằng, minh bạch và thuận lợi”. Dù không trực tiếp đề cập đến Tập đoàn công nghệ Huawei, song Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, Trung Quốc muốn các mối quan hệ được cải thiện sẽ phục vụ các lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp hai bên. Về phần mình, Thủ tướng J. Ardern cảm ơn Thủ tướng Lý Khắc Cường đã gửi lời chia buồn liên quan các vụ xả súng đẫm máu tại hai đền thờ ở thành phố Christchurch hôm 15-3 làm 50 người thiệt mạng. Thủ tướng J. Ardern nêu rõ, bà muốn đến thăm Bắc Kinh vào thời điểm này để nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với Trung Quốc, một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của New Zealand.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng J. Ardern còn có cuộc hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó hai bên nhất trí tiếp tục làm giàu quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước dựa trên nguyên tắc tin tưởng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi.

Trung Quốc và New Zealand chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972. New Zealand là quốc gia phát triển đầu tiên ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Trung Quốc từ năm 2008. Trong chuyến thăm New Zealand của Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng 3-2018, hai bên đã nhất trí nâng cấp FTA song phương. Việc nâng cấp FTA thể hiện cam kết của hai nước đối với thương mại mở và phát triển kinh tế. Trung Quốc hiện đã vượt qua Australia để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của New Zealand.

Tuy nhiên, quan hệ giữa Trung Quốc và New Zealand trở nên căng thẳng kể từ khi Cơ quan tình báo New Zealand hồi tháng 11-2018 đã ngăn không cho Công ty điện thoại di động Spark sử dụng thiết bị của Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc trong dự án nâng cấp mạng 5G theo kế hoạch do những lo ngại về an ninh. Căng thẳng hai nước tiếp tục gia tăng khi ngày 10-02 vừa qua, chuyến bay quốc tế số hiệu NZ289 của Hãng hàng không Air New Zeland khởi hành từ Auckland, thành phố lớn nhất của New Zeland đến Thượng Hải, sau 4 giờ 30 phút trên không đã buộc phải quay ngược về điểm xuất phát do nhà chức trách Trung Quốc không cấp phép cho máy bay hạ cánh.

Có thể thấy, căng thẳng giữa New Zealand và Trung Quốc đã tác động đến kinh tế của cả hai nước. Giới chuyên gia nhận định, việc Huawei bị cấm ở New Zealand khiến tập đoàn này bị tổn hại về danh tiếng, đồng thời ảnh hưởng tới cả nền kinh tế của Trung Quốc. Trong khi đó, quyết định cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G có thể khiến New Zealand mất đi lượng lớn du khách từ Trung Quốc. Giữa những lo ngại về mối quan hệ căng thẳng, việc hai nước nhất trí làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng J. Ardern đã mở ra cơ hội để thúc đẩy hợp tác, cũng như tìm cách giải quyết tranh cãi liên quan đến vấn đề thiết bị viễn thông 5G.

Đảng AKP cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với nhiều thách thức hậu bầu cử địa phương

 
 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan. Ảnh: TTXVN

Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan đang phải đối mặt với thử thách chính trị lớn khi đảng này chịu thất bại trong cuộc bầu cử địa phương tại một số thành phố lớn như Ankara, có thể là cả Istanbul - thành phố lớn nhất nước với gần 13 triệu dân. Kết quả này được xem thách thức nghiêm trọng nhất mà đảng AKP của Tổng thống T. Erdogan từng phải đối mặt kể từ khi đảng này thành lập năm 2001 đến nay.

Theo kết quả chưa chính thức do Ủy ban Bầu cử Tối cao (YSK) Thổ Nhĩ Kỳ công bố ngày 01-4, với 90% số phiếu được kiểm, Liên minh Nhân dân (gồm đảng Công lý và Phát triển - AKP và Đảng Phong trào Dân tộc - MHP đồng minh) hiện đang dẫn đầu cuộc bầu cử địa phương tại Thổ Nhĩ Kỳ với 51,8% số phiếu, trong khi Liên minh Dân tộc đối lập (gồm 2 đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) và đảng Tốt) chỉ giành được 37,6% số phiếu. Tuy nhiên, trong cuộc đua vào ghế thị trưởng ở các thành phố lớn như Istanbul và Ankara, đảng AKP cầm quyền lại không giành được lợi thế.

Trước thềm cuộc bầu cử địa phương ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, cuộc bầu cử này được xem là phép thử đầu tiên đối với Tổng thống T. Erdogan kể từ khi ông đắc cử hồi năm 2018. Bởi đây là cuộc bầu cử địa phương đầu tiên kể từ khi người Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận cải cách hiến pháp vào năm 2017 để mang lại vị trí tổng thống quyền lực hơn cho ông T. Erdogan sau hơn 1 thập niên nắm quyền. Tuy nhiên, với thất bại của đảng AKP trong cuộc bầu thị trưởng tại một số thành phố lớn lần này, vị thế của Tổng thống T. Erdogan và đảng AKP cầm quyền dường như đã bị suy yếu nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do nền kinh tế của đất nước đang trong thời kỳ suy thoái, thất nghiệp gia tăng và tỷ lệ lạm phát ở mức 2 con số. Trong khi, nhiều năm trước đó, phần lớn thành công của AKP và Tổng thống T. Erdogan được nhân dân ủng hộ rộng rãi, chính là nhờ nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Có thể thấy, những dấu hiệu suy thoái và bất ổn kinh tế thời gian qua đã tác động tới tâm lý cử tri Thổ Nhĩ Kỳ. Không thể phủ nhận AKP đã dẫn dắt Thổ Nhĩ Kỳ liên tục gần 17 năm qua và có danh tiếng rất lớn trong nước, song chính quyền của Tổng thống T. Erdogan gần đây cũng đã phải đối mặt với những cáo buộc tham nhũng trong nội bộ đảng AKP, cộng với tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút đã khiến tỷ lệ ủng hộ đối với AKP và Tổng thống T. Erdogan bắt đầu giảm. Chính bởi vậy mà từ trước đến nay, các cuộc bầu cử địa phương tại Thổ Nhĩ Kỳ vốn không mấy gây sự chú ý của dư luận quốc tế, song chính bởi sự thất bại của AKP cầm quyền tại một số thành phố lớn lần này đã khiến sự kiện này được quan tâm.

Kết quả của cuộc bầu cử địa phương lần này được coi là biến động chính trị lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ cuộc đảo chính bất thành năm 2016. Đây cũng là thách thức bầu cử nghiêm trọng nhất mà đảng AKP của Tổng thống T. Erdogan phải đối mặt. Nếu chính quyền hiện tại ở Thổ Nhĩ Kỳ không lắng nghe thông điệp của cử tri, thì những thất bại như những gì vừa diễn ra tại cuộc bầu cử địa phương sẽ có nguy cơ tái diễn trong cuộc bầu cử toàn quốc tiếp theo ở đất nước này.

Chính trường Algeria vẫn còn tiềm ẩn khó lường

 
 Tổng thống A. Bouteflika. Ảnh: TTXVN

Sau hơn 20 năm cầm quyền tại Algeria, Tổng thống A. Bouteflika đã quyết định từ chức. Dẫu quyết định từ chức của Tổng thống A. Bouteflika được coi là động thái hạ nhiệt cuộc khủng hoảng chính trị tại Algeria, song giới phân tích nhận định, chính trường nước này vẫn còn diễn biễn khó lường trong thời gian tới.

Lên cầm quyền từ năm 1999, Tổng thống A. Bouteflika, 81 tuổi, là người đã giúp Algeria vượt qua giai đoạn “thập niên đen tối” và nội chiến trong những năm 90 của thế kỷ XX vốn cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người và giành được những thành tựu phát triển nhất định. Ông cũng đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2014.

Năm 2013, sức khỏe của Tổng thống A. Bouteflika suy giảm nghiêm trọng. Năm 2018, khi đảng Mặt trận giải phóng quốc gia (FLN) cầm quyền tại Algeria quyết định cử ông A. Bouteflika là đại diện tham gia tranh cử cho cuộc bầu cử năm 2019, mầm mống của cuộc khủng hoảng đã xuất hiện. Hàng chục nghìn người thuộc mọi tầng lớp xã hội của Algeria đã liên tục thực hiện các cuộc biểu tình, tuần hành để phản đối lại quyết định tiếp tục tranh cử của Tổng thống A. Bouteflika, đồng thời yêu cầu thay đổi hệ thống chính trị cũ kỹ do các cựu chiến binh thiết lập kể từ năm 1962, sau khi Algeria giành được độc lập từ Pháp. Đặc biệt, những người trẻ tuổi Algeria cho biết lý do họ phản đối lại quyết định tiếp tục tranh cử của Tổng thống A. Bouteflika bởi mong muốn đất nước có sự thay đổi, với một nhà lãnh đạo mới trẻ trung hơn, nhiệt huyết hơn, tạo nhiều cơ hội hơn cho thanh niên và giới trẻ.

Trước làn sóng biểu tình ngày càng lên cao của người dân, ngày 02-4, Tổng thống A. Bouteflika chính thức đệ đơn từ chức lên Hội đồng Hiến pháp. Một ngày sau khi chính trị gia 82 tuổi tuyên bố từ chức, Hội đồng Hiến pháp chính thức chấp thuận đơn xin từ chức của Tổng thống A. Bouteflika. Theo đó, giai đoạn cầm quyền kéo dài hai thập niên của ông A. Bouteflika chính thức chấm dứt.

Dù quyết định từ chức của Tổng thống A. Bouteflika được coi là động thái nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài suốt hơn một tháng qua tại quốc gia Bắc Phi này, nhưng cũng chưa thỏa mãn được yêu sách của những người biểu tình tại Algeria hiện nay. Những người biểu tình tại Algeria chẳng những muốn tổng thống phải từ chức mà ngay cả các “tùy tùng thân cận” của ông và thậm chí là cả hệ thống chính quyền của Tổng thống A. Bouteflika cũng phải “ra đi”. Thế nên, các cuộc biểu tình quy mô lớn có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

Trong khi đó, theo Hiến pháp Algeria, sau khi Tổng thống A. Bouteflika từ chức thì Chủ tịch Hội đồng Quốc gia (Thượng viện), ông A. Bensalah (77 tuổi) sẽ tạm thời giữ chức tổng thống trong tối đa 3 tháng và sẽ có tối đa 90 ngày để tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới và trao quyền cho người đứng đầu nhà nước đắc cử. Nhưng cho dù, Chủ tịch Thượng viện A. Bensalah giữ chức tổng thống tạm thời thì quân đội vẫn giữ vai trò then chốt trong cuộc bầu cử Tổng thống Algeria sắp tới.

Với tình trạng rối ren hiện nay, liệu Algeria có thể tổ chức thành công một cuộc bầu cử tổng thống với chỉ trong vòng 3 tháng chuẩn bị hay không. Đây vẫn là một dấu hỏi và chính trường Algeria vẫn tiềm ẩn những diễn biễn khó lường.

Đảng cầm quyền Hàn Quốc ở thế bất lợi sau cuộc bầu cử bổ sung

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng địa phương bổ sung đã khép lại với chiến thắng thuộc về các ứng cử viên của đảng Công lý cánh tả và đảng đối lập Hàn Quốc Tự do (LKP). Trong bối cảnh tỷ lệ tín nhiệm đối với Tổng thống Moon Jae-in và đảng Dân chủ (DP) cầm quyền có dấu hiệu giảm sút, kết quả này được xem không có lợi cho đảng cầm quyền Hàn Quốc trước thềm cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 4-2020.

Theo kết quả kiểm phiếu, Ủy ban Bầu cử trung ương Hàn Quốc (NEC) công bố ngày 04-4, với 45,75% số phiếu ủng hộ, ứng cử viên Yeo Young-guk thuộc đảng Công lý cánh tả đã giành chiến thắng, trở thành nghị sĩ đại diện khu vực Changwon-Seongsan, thuộc tỉnh Nam Gyeongsang. Người về thứ hai là ứng cử viên Kang Ki-youn của đảng đối lập Hàn Quốc Tự do, chỉ kém 0,54% số phiếu bầu.

Hãng Korea Gallup phân tích cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon Jae-in giảm mạnh là do những khó khăn về kinh tế. Những dấu hiệu suy giảm chỉ số kinh tế như đầu tư, việc làm… trong năm 2018 và những tháng gần đây, sự giảm sút về triển vọng phục hồi kinh tế. Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc ngày 02-4 cho biết, nợ quốc gia của nước này trong năm 2018 ở mức cao kỷ lục với con số phải trả ngay là 651.800 tỷ won (573,9 tỷ USD), tương đương mỗi người dân phải gánh một khoản nợ 13,19 triệu won. Cùng với đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của Hàn Quốc trong tháng 3-2019 tiếp tục giảm và là tháng thứ 4 liên tiếp sụt giảm. Tổng kim ngạch xuất khẩu bằng đường biển trong tháng 3-2019 đạt 47,1 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 3 cũng giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 41,8 tỷ USD. Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (NABO) ngày 04-4 dự báo kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 2,5% năm 2019, thấp hơn so với các dự báo của Chính phủ Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế, cũng như thấp hơn mức dự báo tăng trưởng 2,7% mà NABO đưa ra hồi tháng 10-2018.

Trước đó, ngày 03-4, Viện Nghiên cứu Hyundai (HRI) dự đoán nền kinh tế lớn thứ tư châu Á sẽ đối mặt với các “cơn gió ngược” mạnh trong năm 2019 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng ảm đạm và đầu tư nội địa suy giảm. Theo dự đoán của HRI, tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc sẽ đạt 2,5% trong năm 2019 và nền kinh tế Hàn Quốc sẽ đối mặt với sức ép đi xuống khi xuất, nhập khẩu suy yếu với tiêu dùng và đầu tư nhiều khả năng sẽ bị tác động. Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) có trụ sở tại Mỹ cũng đã hạ dự báo triển vọng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc trong năm 2019 từ mức 2,5%, xuống 2,4%.

Trước thực trạng này, việc bị rơi vào thế bất lợi trong cuộc bầu Quốc hội bổ sung tại Hàn Quốc và Hội đồng địa phương bổ sung là điều dễ hiểu và đây sẽ là thách thức với đảng cầm quyền của Tổng thống Moon Jae-in trong thời gian tới./.