TCCSĐT - Sau 3 ngày bỏ phiếu liên tục tại Quốc hội Anh, kịch bản Anh rời EU càng thêm khó đoán định trong khi hạn chót (ngày 29-3) đã cận kề. Các nhà lập pháp Anh vẫn nói không với thỏa thuận (sửa đổi) mà Chính phủ của bà Theresa May đã đạt được với EU, đồng thời, nói không với kịch bản Brexit “cứng” và cũng nói không với việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về vấn đề này.

3 lần bỏ phiếu kết quả vẫn không rõ ràng cho Brexit

Hạ viện Anh vẫn nói "không" với dự thảo thỏa thuận Brexit sửa đổi tại cuộc bỏ phiếu lần hai diễn ra vào ngày 12-3, với tỉ lệ 391 phiếu chống và 242 phiếu thuận. Sau khi thỏa thuận Brexit sửa đổi bị bác bỏ, ngày 13-3, Quốc hội Anh tiếp tục bỏ phiếu về việc liệu có rời EU mà không có thỏa thuận Brexit hay không. Kết quả, với 321 phiếu chống và 278 phiếu thuận, các nghị sỹ Anh đã tiếp tục loại bỏ phương án Brexit không thỏa thuận.

Ngày 14-3, Hạ viện Anh tiếp tục bỏ phiếu thông qua đề xuất của chính phủ, theo đó gia hạn điều khoản 50 và ủng hộ việc đề nghị EU trì hoãn thời điểm rời EU. Với 412 phiếu thuận và 202 phiếu chống, các nghị sĩ đã bỏ phiếu nhất trí lui ngày Anh rời EU đến sau ngày 29-3 và tổ chức một cuộc bỏ phiếu thứ ba về thỏa thuận với EU. Ngoài ra, phần lớn các nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu phản đối đề xuất trì hoãn Brexit để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về vấn đề này.

Thủ tướng Anh Theresa đã yêu cầu Hạ viện Anh lần thứ ba bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit sửa đổi, dự kiến vào ngày 20-3 tới. Nếu các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận mà bà May đã nhất trí với EU từ tháng 11 năm ngoái trong cuộc bỏ phiếu thứ ba này, Thủ tướng May sẽ đề xuất với các nhà lãnh đạo EU một khoảng thời gian gia hạn Brexit ngắn từ ngày 29-3 sang ngày 30-6 tới. Tuy nhiên, trong trường hợp thứ hai, nếu các nghị sĩ từ chối hậu thuẫn thỏa thuận Brexit sửa đổi, nước Anh sẽ phải đề xuất kéo dài thời gian hơn so với phương án đầu tiên. Lùi thời hạn Brexit quá ngày 30-6 đồng nghĩa với việc nước Anh vẫn phải tham gia các cuộc bầu cử tại Nghị viện châu Âu (EP) vào ngày 24 đến 26-5 tới, điều được cho sẽ càng "gây nhiễu" trên chính trường Anh hậu Brexit, đồng thời lộ trình rời khỏi EU sẽ bị kéo dài không hạn định.

Trong cuộc bỏ phiếu liên tiếp thứ 3 trong vòng 3 ngày, Hạ viện Anh đã thông qua đề xuất lùi thời hạn đưa nước này rời khỏi Liên minh châu Âu đến sau ngày 29-3 tới, đồng thời phản đối đề xuất trì hoãn Brexit để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2. Kết quả này được xem tạm thời dẹp bỏ khả năng những người ủng hộ Anh ở lại EU có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới, nhưng cũng không khiến cho tương lai Brexit của nước Anh trở nên rõ ràng hơn.

Như vậy là sau 2 lần bác bỏ dự thảo thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May và cũng phản đối khả năng "ly hôn" không thỏa thuận, Hạ viện Anh đã lựa chọn một "khoảng dừng", được cho là nhằm tạo điều kiện cho nội bộ nước Anh tìm kiếm thêm sự đồng thuận. Tuy nhiên, "kịch bản" Brexit của nước Anh sau quyết định này vẫn khá mờ mịt, bởi vấn đề quan trọng nhất, là lùi thời hạn nước Anh rời khỏi EU bao lâu thì chưa được quyết định, và sẽ phụ thuộc vào một loạt "cửa ải" nữa.

Thủ tướng May không phải là người ủng hộ gia hạn Brexit bởi bà cho rằng đây không phải giải pháp để giải quyết gốc rễ vấn đề. Mấu chốt của Brexit vẫn là nước Anh rời EU có thỏa thuận hay không thỏa thuận, hoặc là không có Brexit. Việc trì hoãn Brexit sẽ khó giải quyết được những vướng mắc hiện nay bởi nội bộ Anh đã quá chia rẽ về vấn đề này. Hơn thế nữa, bản thân việc nước Anh đề xuất trì hoãn lùi thời điểm Brexit cũng khiến vị thế trên bàn thương lượng với EU bị giảm sút. Tuy nhiên, bà May thì đã bị đẩy đến đường cùng và phải chấp nhận giải pháp trì hoãn.

Và khả năng Hạ viện Anh trong cuộc bỏ phiếu lần thứ ba vào ngày 20-3 tới ủng hộ thỏa thuận của bà May cũng rất khó khăn, khi không dễ gì một khoảng thời gian ngắn ngủi lại có thể thay đổi được quan điểm của những nghị sĩ vốn đã 2 lần bỏ phiếu không chấp nhận một thỏa thuận mà họ cho là nước Anh vẫn bị phụ thuộc quá nhiều vào EU sau Brexit. Nếu thỏa thuận này tiếp tục bị từ chối, chắc chắn thời gian trì hoãn sẽ phải kéo dài hơn, khi đó nước Anh có thể bị đẩy vào một “ngã rẽ mới”, mà không biết đến khi nào mới kết thúc.

Cửa ải tiếp theo là EU. Đề xuất kéo dài thời hạn Brexit của Anh vẫn cần được sự nhất trí của 27 nước thành viên EU còn lại. EU dự kiến sẽ đưa vấn đề này ra xem xét tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 21 đến 22-3. Ủy ban châu Âu đã yêu cầu Anh chứng minh lý do trì hoãn Brexit để EU có thể quyết định cho phép Anh ra đi trước khi một Nghị viện châu Âu mới được bầu ra vào tháng 5 và sẽ nhậm chức trong tháng 7, hay tiếp tục tham gia bầu cử EP.

Mấu chốt vẫn là đường biên giới khu vực Bắc Ireland của Anh với Cộng hòa Ireland thuộc EU

Từ khi thỏa thuận “Ngày thứ Sáu tốt lành” được ký cách đây 2 thập kỷ, biên giới giữa Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland với Cộng hòa Ireland đã trở nên “vô hình”. Anh và Ireland thống nhất duy trì một khu vực tự do đi lại chung, cho phép công dân hai nước qua lại lẫn nhau không cần hộ chiếu. Thương mại và dịch vụ giữa hai miền tăng lên nhanh chóng. Cộng hòa Ireland chiếm 27% kim ngạch xuất khẩu quốc tế của Bắc Ireland và trở thành đối tác thương mại số 1 của khu vực này. Như vậy, nền kinh tế Bắc Ireland phụ thuộc lớn vào việc xuất khẩu sang EU, với 52% hàng hóa vận chuyển tới khối EU, bao gồm 38% hàng hóa xuất sang Cộng hòa Ireland.

Chính bởi những lợi ích như vậy nên khi tiến trình “ly hôn” giữa Anh và EU được kích hoạt, cả hai bên đều rất lo ngại về những thiệt hại kinh tế mà Anh và EU sẽ phải gánh chịu nếu một “biên giới cứng” được thiết lập giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) và Cộng hòa Ireland (thuộc EU).

Trong thỏa thuận Brexit mà Anh và EU đạt được hồi tháng 11-2018, hai bên dự kiến thiết lập một điều khoản “rào chắn” nhằm tránh khả năng tái lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland với Cộng hòa Ireland. Ngoài ra, theo thỏa thuận này, toàn bộ Vương quốc Anh sẽ ở lại trong liên minh thuế quan với EU và một liên kết đặc biệt cũng sẽ được quy định thêm cho Bắc Ireland trong giai đoạn chuyển tiếp dự kiến kéo dài đến khi các cuộc thảo luận về mối quan hệ thương mại trong tương lai giữa hai bên được hoàn tất.

Tuy nhiên, các nghị sỹ Anh cho rằng điều khoản “rào chắn” sẽ khiến Anh bị mắc kẹt trong liên minh thuế quan của EU vĩnh viễn. Vì vậy thỏa thuận Brexit mà Anh và EU đạt được hồi tháng 11-2018 đã bị Quốc hội Anh bác bỏ (ngày 15-01-2019).

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Anh đã liên tục thực hiện các nỗ lực nhằm đàm phán lại với EU để tìm kiếm những sửa đổi, thay thế cho điều khoản “rào chắn” liên quan biên giới Anh-Ireland sau Brexit. Trước thềm cuộc bỏ phiếu ngày 12-3-2019 với những thỏa thuận Brexit sửa đổi, bà May đã nhận được một sự đảm bảo từ phía EU rằng điều khoản “rào chắn” không có thời hạn thực thi vĩnh viễn, EU không bẫy nước Anh ở lại vĩnh viễn trong liên minh thuế quan châu Âu, và rằng EU và Anh sẽ nỗ lực tìm giải pháp thay thế điều khoản “rào chắn” trong giai đoạn quá độ, dự kiến từ ngày 29-3-2019 đến 31-12-2020.

Nhưng bất chấp những đảm bảo từ EU, các nghị sỹ Anh theo phe ủng hộ Brexit vẫn cho rằng như thế là chưa đủ để đảm bảo quyền lợi của Anh. Những người này lập luận, điều khoản “rào chắn” sẽ đem đến những rủi ro cả về đối nội lẫn đối ngoại cho Vương quốc Anh. Về mặt đối nội, là việc đặt cho phần lãnh thổ Bắc Ireland một quy chế tách biệt với phần còn lại của Vương quốc Anh. Về đối ngoại, là việc châu Âu ngăn cản Anh tự do tiến hành ký kết các hiệp định tự do thương mại với các nước khác trên thế giới. Và vì thế, tương lai của đường biên giới 500 km giữa khu vực Bắc Ireland của Anh với Cộng hòa Ireland vẫn là một trong những vấn đề lớn nhất chưa được giải quyết.

Phản ứng của EU

Chủ tịch EU Donald Tusk mặc dù trước đó tuyên bố sẽ kêu gọi các nước thành viên chấp thuận việc gia hạn Brexit để Anh có thể suy nghĩ lại về chiến lược Brexit của mình cũng như huy động được sự đồng thuận chung xung quanh vấn đề này, song với quan điểm nhất quán, EU không thảo luận lại thỏa thuận, việc gia hạn thời gian Brexit xem ra cũng không có hiệu quả. Cho đến nay EU vẫn khẳng định thỏa thuận "ly hôn" giữa EU và Anh là thỏa thuận cuối cùng, hàm ý sẽ không có thương lượng lại, ngay cả khi Brexit được hoãn đến ngày 30-6 hay lâu hơn nữa.

Ngày 14-3, Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu, Michel Barnier mô tả việc Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, là một tình huống tồi tệ, nhấn mạnh không ai có thể chứng tỏ được rằng Brexit có thể đem lại kết quả tích cực.

Phát biểu trên được ông Barnier đưa ra tại cuộc tranh luận trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Các vùng và thành phố châu Âu diễn ra tại thủ đô Bucharest, Romania, trong ngày 14 và 15-3. Ông Barnier bày tỏ lấy làm tiếc trước việc Hạ viện Anh một lần nữa bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận Brexit, nhấn mạnh điều này sẽ chỉ khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên, quan chức này lưu ý ông vẫn tôn trọng quyết định của đại đa số người dân Anh.

Bên cạnh đó, ông khẳng định đã nỗ lực đem lại thỏa thuận có lợi, chứ không phải đi ngược lại lợi ích của người dân Anh trong 18 tháng đàm phán về Brexit. Theo ông Barnier, ưu tiên trước mắt sẽ phải là số phận của 4,5 triệu công dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Brexit, trong đó có 3,5 triệu người thuộc các nước thành viên EU sinh sống hoặc làm việc tại Anh và gần 1 triệu người Anh tại EU. Điều phối viên của Nghị viện châu Âu về vấn đề Brexit Guy Verfhofstadt cho rằng EU cần gia tăng sức ép đối với Anh nhằm thúc đẩy tiến trình Brexit. Ông lưu ý EU chỉ có thể nhất trí cho phép Anh trì hoãn Brexit trong một thời gian ngắn nếu Quốc hội nước này làm rõ những điểm sẽ ủng hộ trong thỏa thuận Brexit.

Bộ Ngoại giao Bồ Đào Nha tuyên bố nước này sẵn sàng ủng hộ việc trì hoãn Brexit, nếu Anh đưa ra lời giải thích thỏa đáng, song cũng lưu ý việc trì hoãn này cần đủ lâu để các bên có thể tìm ra giải pháp chấp nhận được.

Giám đốc điều hành Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) Martin Wansleben cho rằng việc Hạ viện Anh bỏ phiếu hoãn Brexit chỉ làm gia tăng sự thiếu chắc chắn về thời điểm kết thúc tình huống vốn đã khó khăn này. Lãnh đạo trên nêu rõ các công ty Đức hoạt động tại Anh vốn không chắc chắn về những gì sắp xảy ra, nay càng không rõ khi nào sẽ xảy ra. Ông Wansleben cho biết 70% số công ty Đức hoạt động tại Anh dự kiến kết quả kinh doanh yếu kém trong năm 2019 và chỉ có 1 trong 5 công ty bày tỏ lạc quan sẽ hoạt động tốt.

Tương lai nào cho Thủ tướng Anh và Brexit

Có ý kiến cho rằng Anh không được phép gia hạn Brexit nếu không đưa ra quyết định rõ ràng về kế hoạch sử dụng thời gian gia hạn để làm rõ vấn đề chấp nhận hay không chấp nhận thỏa thuận Brexit đã được Thủ tướng Anh nhất trí với EU. Như vậy, việc thỏa thuận Brexit của bà May có vượt qua cuộc bỏ phiếu lần nữa ở Hạ viện Anh hay không sẽ là điều kiện để EU cân nhắc cho phép lùi thời hạn Brexit.

Gia hạn ngắn có thể là vấn đề dễ dàng. Tuy nhiên, việc gia hạn lâu hơn sẽ buộc Anh phải đưa ra mục tiêu rất rõ ràng, cụ thể và chính xác để giải thích rằng nước Anh cần gia hạn để làm gì. Điều đó, có thể lại dẫn tới một cuộc bầu cử mới ở Anh hoặc một cuộc trưng cầu dân ý mới.

Khi số phận Brexit chưa thể ngã ngũ, khả năng "Brexit cứng" không thỏa thuận vẫn hiện hữu. Ngay sau khi công bố kết quả bỏ phiếu trì hoãn Brexit vào sáng 15-3, Trưởng đoàn đàm phán của EU, Michel Barnier nhận định tình hình là nghiêm trọng và EU phải chuẩn bị cho lựa chọn Brexit "cứng" dù không mong muốn. Ông lưu ý mọi người không nên đánh giá thấp hậu quả của một Brexit không thỏa thuận.

Việc EP thông qua một số biện pháp dự phòng ngay trước thời điểm Anh tiến hành bỏ phiếu, càng cho thấy liên minh này đã hoàn toàn sẵn sàng cho kịch bản Brexit không thỏa thuận. Bên cạnh đó, Hội đồng châu ÂU cũng đã tăng cường chiến dịch kêu gọi người dân và doanh nghiệp chuẩn bị kịch bản Brexit không thỏa thuận và tổ chức các cuộc thảo luận kỹ thuật với 27 quốc gia thành viên về các vấn đề chung như công tác chuẩn bị, dự phòng cũng như các vấn đề pháp lý và hành chính cụ thể.

Sau một loạt thất bại tại Hạ viện, uy tín và quyền lực của Thủ tướng Theresa May đã chạm tới mức thấp kỷ lục. Nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền của bà cũng vì thế mà không giữ được đoàn kết. Kết quả thể hiện trong cuộc bỏ phiếu lần hai thỏa thuận sửa đổi ngày 12/3 vừa qua càng cho thấy bà May đang mất dần quyền kiểm soát trong đảng và quốc hội. Nguyên nhân được cho là nhà lãnh đạo Anh trên thực tế đã tìm cách thúc đẩy một “Brexit mềm”, ngược lại với những gì lực lượng ủng hộ Brexit cứng rắn mà đảng Bảo thủ mong muốn.

Thủ tướng Anh và số phận Brexit của nước Anh vẫn đang kẹt vào ngõ cụt. Tương lai mờ mịt của tiến trình Brexit cũng đặt vận mệnh chính trị của bà May trước nhiều rủi ro./.