Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 18 đến ngày 24-02-2019

Hồng Ngọc tổng hợp
21:59, ngày 25-02-2019
TCCSĐT - Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc đánh giá 5 điểm nổi bật về kết quả cải cách hành chính năm 2018; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về cơ chế một cửa; Hậu Giang thiết kế mô hình mới để giảm đầu mối, giảm trung gian, bớt lãnh đạo; Ninh Thuận cải cách thủ tục hành chính từ Trung tâm Phục vụ hành chính công; Quảng Bình nhiều vi phạm trong quản lý biên chế, tuyển dụng công chức, viên chức; là những tin nổi bật tuần qua.

5 điểm nổi bật về kết quả cải cách hành chính năm 2018

Chiều 21-02, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ. Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc nhìn nhận 5 điểm nổi bật về kết quả cải cách hành chính (CCHC).

Đầu tiên, thể chế được cải cách, hoàn thiện thêm một bước quan trọng, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Số văn bản nợ đọng ngày càng giảm (năm 2018 số lượng văn bản “nợ ban hành” còn 4 văn bản).

Thứ hai là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2018, đã cắt giảm, đơn giản hóa đến 3.345/6.191 điều kiện kinh doanh, đạt 54,5%. Ước tính, tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp gần 900 tỷ đồng/năm. Cắt giảm, đơn giản hóa 30 thủ tục và 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyến ngành (68,2%), tiết kiệm cho doanh nghiệp và xã hội trên 5.400 tỷ đồng/năm.

Thứ ba, đã tập trung triển khai cải cách, tổ chức, sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước và đạt kết quả quan trọng, ví dụ, giảm đầu mối trung gian, khắc phục chồng chéo, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm một số việc chỉ do một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm, “để giảm tình trạng đi lại nhiều đầu mối phức tạp”.

Thứ tư, cải cách hành chính công đạt kết quả tích cực.

Thứ năm, ứng dụng công nghệ thông tin trong hành chính công được đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, còn một số hạn chế cần nhìn nhận thẳng thắn để làm tốt hơn trong năm nay: không ít nội dung cải cách chưa được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương còn để xảy ra tình trạng “trục trặc”, trên bảo dưới không nghe. Còn tình trạng có văn bản mới ban hành đã cần sửa đổi; văn bản được ban hành có dấu hiệu trái nội dung, trái thẩm quyền, có nội dung sai nghiêm trọng.

Một bộ phận cán bộ có thái độ phục vụ, nhất là cán bộ tiếp xúc với người dân, còn bất cập, chưa thuyết phục. Tình trạng tham nhũng vặt, gây phiền hà cho người dân ở cơ quan hành chính và một số đơn vị công lập vẫn còn.

Thủ tục hành chính một số lĩnh vực rườm rà, còn tình trạng “cắt giấy phép mẹ đẻ giấy phép con”, thủ tục hành chính còn nhiều, đi liền với đó là chi phí không chính thức... Thủ tướng dẫn ra Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy có 5 bất cập chủ yếu trong thủ tục hành chính là: trình tự thực hiện phức tạp; thủ tục thiếu các bước thực hiện; thiếu mốc thời gian trong trình tự thủ tục hành chính; thời hạn giải quyết thủ tục kéo dài; tiêu chí xem xét giải quyết thủ tục hành chính còn mơ hồ. Đây chính là nguyên nhân gây nhũng nhiễu và tham nhũng vặt.

Thủ tướng yêu cầu trong năm 2019 tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, sửa các văn bản lạc hậu, sai sót, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật. Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, một số Nghị định của Chính phủ, trong đó có Nghị định 59 về theo dõi thi hành pháp luật. Bộ Tư pháp khẩn trương ban hành Bộ tiêu chí để theo dõi, đánh giá mức độ hiệu quả thực thi pháp luật tại các bộ, ngành, các địa phương.

Tất cả các bộ, ngành, địa phương đều có phương án đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh và các hoạt động kiểm tra chuyên ngành, khắc phục tình trạng “cắt giấy phép mẹ mà đẻ giấy phép con”. Khẩn trương công bố các thủ tục hành chính liên thông thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao. Đổi mới phương thức làm việc.

Các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết tốt các hồ sơ thủ tục hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý và đặc biệt là chú trọng, nâng cao chất lượng một cửa, một cửa liên thông.

Cần đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính và đơn vị công lập theo tinh thần tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp gắn chặt chẽ với tinh giản biên chế. Tập trung cải cách công vụ, công chức. Xây dựng khung khổ pháp luật về Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Nghiên cứu cách thức để tiến tới giao kết quả cải cách thủ tục hành chính như là một chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ hằng năm trong thi đua.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về cơ chế một cửa

Ngày 19-02, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa quốc gia (NSW), cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) đã chủ trì phiên họp lần thứ 4 nhằm kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng triển khai năm 2019.

Trong năm 2018, cả nước có 13 bộ, ngành hoàn thành 173 thủ tục hành chính (TTHC) kết nối với NSW (đạt 97% so với mục tiêu của Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP), giải quyết 1,9 triệu hồ sơ của khoảng 27.000 doanh nghiệp.

Theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26-9-2018, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao các bộ, ngành phấn đấu triển khai mới 138 TTHC trên NSW. Tới hết năm 2018, các bộ đã hoàn thành 106 thủ tục, chiếm 77% so với mục tiêu. Bên cạnh triển khai liên thông các TTHC tại cảng biển, thủy nội địa, các bộ, ngành cũng triển khai cơ NSW tại các cảng hàng không quốc tế trên cả nước.

Phó Thủ tướng đánh giá các bộ, ngành đã đạt được mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là có chuyển biến căn bản trong thực hiện NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại. Tuy vậy, Phó Thủ tướng cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc như số lượng TTHC triển khai mới chưa đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, cần phải tập trung khắc phục để góp phần đưa đất nước bứt phá, phát triển toàn diện trong năm 2019.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý không chuyển tất cả từ tiền kiểm sang hậu kiểm, có những hàng hóa bắt buộc phải tiền kiểm nhưng phải quy định rõ trình tự, thủ tục, thời hạn, nội dung, tiêu chí, cách thức kiểm tra.

Đồng thời, trong năm 2019, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành phải tính đến bài toán nhân sự, quy trình, thủ tục, công nghệ, hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, kết nối một cửa quốc gia với ASEAN và quốc tế, đồng thời phải có giải pháp để người dân và cộng đồng doanh nghiệp giám sát chặt chẽ lĩnh vực này.

Ninh Thuận: Cải cách thủ tục hành chính từ Trung tâm Phục vụ hành chính công

Nhằm đổi mới công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, hướng đến nền hành chính phục vụ theo hướng hiện đại, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh đã ký quyết định phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, đặt tại Bưu điện tỉnh Ninh Thuận.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Thuận được thành lập trên cơ sở tách nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả từ Văn phòng Phát triển kinh tế của tỉnh và các sở, ban ngành thuộc UBND tỉnh để hợp nhất với bộ phận kiểm soát thủ tục hành chính của Ban Tiếp công dân - Nội chính trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh. lập thành Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Cụ thể, đây là cơ quan đầu mối tập trung thực hiện các nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan cấp tỉnh và các cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh; đồng thời là đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho biết, việc tỉnh thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công sẽ tạo chuyển biến mới, tăng năng suất, hiệu quả làm việc và tăng tính minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị; đồng thời giảm bớt thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức cho tổ chức, công dân; tạo điều kiện thuận lợi để phát huy quyền dân chủ của người dân, tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, khi Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động sẽ góp phần tinh gọn bộ máy ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các sở, ban, ngành đang hoạt động không hiệu quả hiện nay.

Văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận đang phối hợp với các ngành rà soát, đưa thủ tục hành chính của các sở, ban ngành thuộc UBND tỉnh và thủ tục hành chính của một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh vào thực hiện tại Trung tâm; đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Trung tâm đi vào hoạt động từ đầu tháng 3-2019.

Hậu Giang: Thiết kế một mô hình mới để giảm đầu mối, giảm trung gian, bớt lãnh đạo

Chiều 22-02, tại cuộc họp thông qua Đề án cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Nội vụ và Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu cho rằng, việc sắp xếp này nhằm thiết kế một mô hình mới để giảm đầu mối, giảm trung gian cũng như bớt lãnh đạo.

Theo ông Nguyễn Chí Hùng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang, Đề án cơ cấu tổ chức bộ máy của Văn phòng UBND tỉnh về mặt tổ chức chỉ còn 3 phòng, 1 ban và 2 đơn vị sự nghiệp thay thế cho 8 phòng, 1 ban và 2 đơn vị sự nghiệp như hiện nay.

Thực hiện Đề án sẽ hợp nhất phòng Hành chính - Tổ chức và Quản trị - Tài vụ thành phòng Hành chính - Quản trị; hợp nhất các phòng Tổng hợp, Kinh tế, Khoa giáo - Văn xã, Ngoại vụ thành phòng Nghiên cứu - Tổng hợp; hợp nhất phòng Nội chính với phòng Tin học thành phòng Nội chính. Điều này sẽ giải quyết được những tồn tại, hạn chế như một số phòng rất ít biên chế như Phòng Ngoại vụ (3 biên chế), Phòng Tin học (2 biên chế), không đủ điều kiện để hoạt động như một đơn vị cấp phòng. Cùng với đó, các phòng chức năng tương đồng nhưng đôi khi công tác phối hợp chưa nhịp nhàng, ảnh hưởng tiến độ và chất lượng tham mưu.

Theo ông Phan Hoàng Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hậu Giang, Đề án cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Nội vụ thực hiện sẽ giảm đầu mối là 1 phòng, 1 Chi cục thuộc Sở; giảm 8 phòng thuộc Ban, Chi cục. Đối với vị trí lãnh đạo, sẽ giảm 2 cấp trưởng phòng, tương đương; giảm 2 cấp Phó Trưởng phòng thuộc Sở; giảm 6 cấp Trưởng phòng và 3 Phó trưởng phòng thuộc Ban, Chi cục. Biên chế đến năm 2021 theo lộ trình giảm tối thiểu 10% biên chế được giao năm 2015.

Dự kiến cả hai Đề án cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Nội vụ và Văn phòng UBND tỉnh sẽ bắt đầu được thực hiện từ đầu tháng 4-2019. Đây là hai đơn vị đầu tiên được tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội đồng thẩm định các đề án, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW về cơ cấu tổ chức bộ máy cấp tỉnh.

Quảng Bình: Nhiều vi phạm trong quản lý biên chế, tuyển dụng công chức, viên chức

Đến cuối tháng 8-2018, Quảng Bình đang sử dụng 292 biên chế sự nghiệp để tuyển dụng vào làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là không đúng quy định Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đây là nội dung kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; tuyển dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước của UBND tỉnh Quảng Bình, giai đoạn từ 01-01-2016 đến 01-8-2018 vừa được Thanh tra Bộ Nội vụ công bố.

Theo Thanh tra Bộ Nội vụ, việc thi tuyển công chức được UBND tỉnh Quảng Bình cơ bản thực hiện theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi tuyển còn tồn tại, hạn chế là Hội đồng tuyển dụng công chức quy định lệ phí chấm phúc khảo không đúng quy định; việc thông báo kết quả điểm thi để niêm yết không đúng thẩm quyền; còn có bài thi chấm, tổng hợp điểm chưa sát so với đáp án, thang điểm tuy không làm thay đổi kết quả tuyển dụng. Theo phân cấp, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định bổ nhiệm ngạch chuyên viên (hoặc tương đương) đối với 30 trường hợp không bảo đảm đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn ngạch theo quy định.

Thanh tra Bộ Nội vụ cho rằng việc tuyển dụng công chức không qua thi tuyển theo chính sách thu hút của tỉnh không đúng quy định. Sở Nội vụ cũng ban hành quyết định bổ nhiệm ngạch chuyên viên đối với năm trường hợp xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm.

Kết luận thanh tra cũng cho thấy, có 7 công chức khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại còn thiếu một trong các điều kiện, tiêu chuẩn về quản lý nhà nước, trình độ ngoại ngữ, tin học. Ba trường hợp được bổ nhiệm chỉ căn cứ vào thông báo của Ban Thường vụ thành ủy (hoặc huyện ủy) để Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức ban hành quyết định bổ nhiệm chức vụ trưởng phòng mà không thực hiện trình tự, thủ tục bổ nhiệm theo quy định của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, một số trường hợp thời điểm bổ nhiệm lại chậm so với quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 4 Phó Giám đốc là vượt quá số lượng quy định.

Hồ sơ công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chưa được lưu giữ tại Sở Nội vụ; tài liệu liên quan đến việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại của các cơ quan, tổ chức không được lưu giữ trong hồ sơ công chức; hồ sơ công chức của các cơ quan, tổ chức còn thiếu một số thành phần hồ sơ theo quy định; nhiều cơ quan, tổ chức chưa thực hiện việc đăng ký quản lý hồ sơ cán bộ, công chức; chưa mở sổ giao nhận, sổ theo dõi, khai thác, sử dụng hồ sơ cán bộ, công chức.

Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; tuyển dụng công chức, viên chức; xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó và quản lý hồ sơ công chức. Chấm dứt việc giao và sử dụng biên chế sự nghiệp để làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; sắp xếp, điều chuyển số viên chức đang công tác trong cơ quan, tổ chức hành chính sang các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng quy định.

Tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát lại tất cả các cuộc tuyển dụng viên chức năm 2016, 2017, 2018 của tất cả các cơ quan, tổ chức; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các sai phạm (nếu có) trong quá trình thanh tra, kiểm tra và báo cáo kết quả về Bộ Nội vụ trong quý III-2019.

Thanh tra Bộ Nội vụ cũng kiến nghị Chủ tịch tỉnh thu hồi quyết định tuyển dụng đối với ba trường hợp được tuyển dụng vào công chức theo chính sách thu hút của UBND tỉnh không đúng quy định. Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức rà soát điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục đối với các trường hợp được tuyển dụng, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ tháng 6-2012 đến nay; lập kế hoạch cử các công chức không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn ngạch công chức đi đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn ngạch công chức hiện giữ; không bổ nhiệm lại đối với các trường hợp không đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn ngạch công chức hiện giữ; thu hồi quyết định tuyển dụng, quyết định bổ nhiệm đối với các trường hợp không đáp ứng quy định.

Cùng với đó, Quảng Bình sắp xếp, tổ chức lại số lượng Phó Giám đốc của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo số lượng theo đúng quy định; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức rà soát, cập nhật, bổ sung thường xuyên hồ sơ công chức, đặc biệt là văn bằng, chứng chỉ đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn ngạch công chức; tổ chức thực hiện việc đăng ký, quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, mở sổ giao nhận, sổ theo dõi, khai thác, sử dụng hồ sơ cán bộ, công chức; triển khai thực hiện chế độ báo cáo công tác quản lý hồ sơ công chức theo quy định.

“Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra những hạn chế, tồn tại như đã nêu trên để có hình thức xử lý phù hợp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức để phát hiện những sơ hở, hạn chế và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời”, kết luận thanh tra nêu rõ./.