Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 14 đến ngày 20-01-2019
Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả
Tại Nghị quyết số 162/NQ-CP, Chính phủ xác định năm 2019 là năm bứt phá để phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính phủ thống nhất phương châm của năm 2019 là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân và đất nước, quán triệt tinh thần chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cụ thể, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện ở từng cấp, từng ngành.
Để thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử; hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính chất nền tảng; thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ.
Về công tác cải cách hành chính, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, coi đây là khâu đột phá; kiên quyết không để phát sinh các điều kiện kinh doanh, sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành sau khi đã cắt giảm, đơn giản hóa; loại bỏ việc lồng ghép, bổ sung các điều kiện kinh doanh trong văn bản quy phạm pháp luật của bộ, ngành, địa phương hoặc quy định dưới dạng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; triển khai thực hiện cơ chế một cửa đối với tất cả các thủ tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP; triển khai Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và công tác đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính tại tất cả các bộ, ngành, địa phương. Rà soát, lựa chọn các thủ tục hành chính đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định pháp luật để đưa vào cung cấp dịch công trực tuyến mức độ 3, 4.
“Chính phủ tạo sức ép, nhưng nhiều nơi chưa thực tâm cải cách”
Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh nhận định 2018 là một năm “hừng hực khí thế cải cách nhờ sức nóng từ chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng”, với những cải cách thể hiện một dụng ý chính sách tương đối rõ ràng, xuyên suốt, nhưng nhiều cơ quan vẫn chưa muốn cải cách một cách thực tâm. Báo cáo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 15-01-2019.
Báo cáo cho biết, trong năm 2018, các cơ quan Nhà nước ở Trung ương ban hành 948 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 16 luật và 18 nghị quyết của Quốc hội, 1 pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 169 nghị định của Chính phủ, 51 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 590 thông tư của các bộ và 47 văn bản khác, chưa bao gồm các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo VCCI, tinh thần gỡ bỏ rào cản, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân được lan tỏa mạnh mẽ trong các cuộc thảo luận chính sách nói chung, cũng như trong các dự thảo văn bản được ban hành.
Các phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh đã được chuyển hoá thành gần 30 nghị định trong nhiều lĩnh vực. Các bộ, ngành cũng đẩy mạnh ban hành các thông tư bãi bỏ và cắt giảm công tác kiểm tra chuyên ngành. Công tác cải cách thủ tục hành chính cũng được đẩy mạnh khi nhiều văn bản giảm về thành phần hồ sơ, thời gian làm thủ tục hoặc đẩy mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Đáng chú ý, một số ngành, lĩnh vực đã đưa ra nhiều sáng kiến lập pháp hoặc những quy định mới nhằm thu hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực của mình, điển hình trong số đó là nông nghiệp và giáo dục.
Xu hướng chính sách “gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển” được thể hiện rất rõ trong các quy định pháp luật năm 2018. Về gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp, điển hình là loạt nghị định cắt bỏ điều kiện đầu tư kinh doanh; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm kiểm tra chuyên ngành.
“Đây không chỉ là những vấn đề có nhiều quy định pháp luật có tác động lớn được ban hành hoặc sửa đổi trong thời gian qua, mà còn thể hiện một dụng ý chính sách tương đối rõ ràng, xuyên suốt”, VCCI nhận định.
Tuy nhiên, về phía cộng đồng doanh nghiệp cũng đặt ra nhiều câu hỏi, liệu các cải cách trên có thực chất không, có tác động thực tế tới doanh nghiệp không? Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, qua rà soát, có sự chưa nhất quán giữa các bộ, ngành trong cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Nhiều bất cập vẫn tồn tại.
Về các thủ tục hành chính, báo cáo nhận định, tuy đã được thúc đẩy cải cách, nhưng vẫn còn chặng đường dài. Hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã chuyển động nhưng vẫn còn nhiều điểm vướng.
Còn pháp luật về đầu tư tư nhân trong giáo dục được đánh giá là cởi mở với nhiều điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, nhưng chưa nhất quán trong gia nhập thị trường và trong quyền tự quyết của doanh nghiệp.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, năm 2018 đánh dấu một giai đoạn cắt giảm điều kiện, thủ tục quyết liệt, 25 nghị định sửa đổi 80 nghị định về điều kiện kinh doanh là một bước tiến lớn, thực chất, mang tính bước ngoặt với một số ngành hàng. Thế nhưng hầu hết các bộ, ngành phải phải đợi đến tháng 10 mới trình Chính phủ, tức là dưới sức ép của Chính phủ.
“Mức độ công khai tham vấn rất khác nhau, nhiều bộ rất cầu thị khi hỏi các doanh nghiệp, hiệp hội, nhưng nhiều bộ, ngành lại hoàn toàn không tiến hành, tức là họ làm vì sức ép chứ không thực tâm”, ông Đậu Anh Tuấn nhận xét.
Cùng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, trong năm qua, động lực cải cách là đến từ Chính phủ, hầu như chưa có bộ nào tự có sáng kiến cải cách.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Nội vụ
Ngày 15-01, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Nội vụ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao những kết quả và thành tích của Bộ, ngành nội vụ, tinh thần nỗ lực, vượt mọi khó khăn của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ năm 2018.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.
Đó là, công tác xây dựng, ban hành thể chế còn chậm, nhất là các văn bản trong lĩnh vực công vụ, công chức. Nhiều văn bản, đề án về bổ nhiệm, miễn nhiệm, tiêu chuẩn chức danh, quy hoạch, kỷ luật CBCCVC… chưa được ban hành để cụ thể hóa các quy định của Đảng, cũng như Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức sau nhiều năm thực hiện.
Về thực hiện chương trình công tác, vẫn còn tình trạng xin lùi thời hạn hoặc chậm báo cáo, đề xuất để điều chỉnh chương trình công tác. Tinh giản biên chế chưa gắn với đổi mới công tác đánh giá, cơ cấu lại và đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Việc tổ chức thi nâng ngạch tuy đã có những cải tiến nhưng vẫn còn bất cập, còn những biểu hiện vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức và văn hóa công vụ. Vẫn còn những biểu hiện vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức, văn hóa công vụ.
Công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa toàn diện để chấn chỉnh kịp thời những vi phạm trong hoạt động công vụ. Cần lưu ý chất lượng tham mưu và tiến độ thẩm định, xử lý hồ sơ trong lĩnh vực thi đua khen thưởng.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị lãnh đạo Bộ Nội vụ và toàn ngành nội vụ cần nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân hạn chế, tồn tại, tập trung khắc phục các vấn đề nêu trên.
Bước sang năm 2019, Phó Thủ tướng cho rằng, công tác tổ chức bộ máy nhà nước, công chức, viên chức, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đặt ra khá nặng nề. Toàn thể CBCCVC ngành nội vụ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, tập trung triển khai toàn diện các mặt công tác của mình.
Về công tác xây dựng thể chế cần kịp thời hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh trong Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, lưu ý các dự án Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thi đua khen thưởng. Trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm chất lượng, tiến độ, chấm dứt tình trạng “nợ” văn bản, xin chuyển hoặc rút khỏi chương trình.
Công tác cải cách hành chính cần tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, đẩy mạnh việc thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước. Phát huy vai trò cơ quan thường trực về cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cần tích cực phối hợp với các bộ, ngành có liên quan làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; tham mưu đề xuất chính sách và giải pháp để đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, trong đó chú trọng cải cách chính sách tiền lương và chất lượng dịch vụ hành chính, chất lượng dịch vụ công.
Về công vụ và công chức, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị cần khắc phục ngay việc chậm thể chế hóa các quy định về quản lý CBCCVC, nhất là công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, kỷ luật, rà soát những vướng mắc trong công tác quản lý CBCCVC để có giải pháp khắc phục.
Đặc biệt, lưu ý việc xác định vị trí việc làm, bảo đảm khoa học, chính xác làm cơ sở cho việc tuyển dụng, bổ nhiệm, thực hiện chế độ tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7. Trong việc tuyển dụng, cần rà soát sửa đổi ngay các thủ tục bất hợp lý, tăng cường công khai, minh bạch, chấm dứt tình trạng chạy chọt, tiêu cực.
Kiên quyết thực hiện việc tinh giản biên chế các cơ quan theo tỷ lệ và lộ trình đề ra. Tinh giản đồng bộ với các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Cần chấn chỉnh ngay từ công tác tuyển dụng đến đánh giá CBCCVC, kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế đối với những người làm việc kém hiệu quả. Đề xuất các giải pháp xử lý việc thiếu biên chế giáo viên, nhân viên y tế, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, bảo đảm phù hợp với thực tế của địa phương.
Đối với công tác tổ chức bộ máy, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền địa phương, đề xuất phân công, phân cấp phù hợp, trong đó lưu ý cơ chế đặc thù đối với một số đô thị lớn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tư duy cải cách và phát triển
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đánh giá như vậy khi tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết hoạt động năm 2018 và triển khai nhiệm vụ trong năm 2019 của ngành kế hoạch và đầu tư.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2018, ngành và cơ quan Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, làm tốt vai trò nhạc trưởng trong công tác phối hợp, tham mưu tổng hợp chiến lược, phát huy được tinh thần cải cách, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
“Bộ đã tham mưu tư tưởng chính sách tiến bộ, cơ chế vượt trội trong dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Quyết tâm vượt qua chính mình, từ bỏ lợi ích riêng để giải phóng nguồn lực quốc gia khi tham mưu xây dựng Luật Quy hoạch, Luật Đối tác công tư, sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cũng như các nghị định có liên quan”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Ngoài ra, Bộ tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính; mạnh dạn đề xuất gỡ bỏ những quy định ràng buộc dễ dẫn tới “xin - cho”, lợi ích nhóm như bãi bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao), bãi bỏ quy hoạch sân golf...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, một trong những vấn đề trọng tâm của ngành và Bộ trong năm 2019 là phải tận dụng bằng được các cơ hội đem lại, dù là nhỏ nhất để phát triển bứt phá ở 5 nội dung, trong đó có cải thiện bứt phá hiệu quả quản trị nhà nước gắn liền với xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả thực thi chính sách ở mọi cấp, mọi ngành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng ngành kế hoạch và đầu tư và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đóng góp lớn, quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của đất nước trong năm 2018. Phó Thủ tướng chỉ ra Bộ đề xuất “có vẻ như lấy đá ghè chân mình, từ bỏ đặc quyền của mình như đề xuất trong sửa đổi dự án Luật Đầu tư công đã bỏ thủ tục thẩm định nguồn vốn của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hay Bộ đề xuất chuyển một loạt thủ tục tiền kiểm sang hậu kiểm. Tôi đánh giá cao các đồng chí, từ bỏ quyền lợi, đặc quyền của mình vì lợi ích chung”.
Thủ tướng: Việt Nam phải có thứ hạng cao về ICT
Chiều 15-01, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng thứ hạng của Việt Nam về các lĩnh vực do Bộ phụ trách còn thấp, thậm chí có xu thế tụt hạng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam phải có thứ hạng cao về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) bởi đây là nền tảng của các lĩnh vực khác, nền tảng của kinh tế số.
Thủ tướng nhìn nhận, thứ hạng của Việt Nam về các lĩnh vực thuộc Bộ phụ trách còn thấp, thậm chí có xu thế tụt hạng. ICT đáng lẽ là lĩnh vực đầu tàu thì tốc độ tăng trưởng những năm gần đây chậm lại nhiều, chưa đi đầu về công nghệ, về cách mạng công nghiệp 4.0.
Về lĩnh vực công nghệ thông tin, Thủ tướng đề nghị sớm trình Đề án chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động của các bộ, ngành, địa phương, giúp Việt Nam có sự bứt phá về phát triển kinh tế số, xã hội số. “Còn quản lý kết nối chia sẻ dữ liệu, tôi đồng ý phải có nghị định về vấn đề này”, Thủ tướng nói.
Đặc biệt, cần phải nâng cao thứ hạng Việt Nam về Chính phủ điện tử, năm 2020, phải tăng ít nhất 15 bậc về Chính phủ điện tử so với năm 2018. Nhân hội nghị này, Thủ tướng hoan nghênh Văn phòng Chính phủ, đứng đầu là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng rất chủ động xây dựng chính phủ điện tử và yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông là chủ công của Chính phủ điện tử, nhất là vấn đề công nghệ. Văn phòng Chính phủ làm chính sách, đôn đốc kiểm tra, xử lý các vấn đề đặt ra, còn vấn đề công nghệ là Bộ Thông tin và Truyền thông./.
Công tác chống tham nhũng năm 2019 phải đạt kết quả tốt hơn 2018  (21/01/2019)
Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ  (21/01/2019)
Củng cố và phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Australia  (21/01/2019)
Hoạt động của Thủ tướng Chính phủ ngày 21-01-2019  (21/01/2019)
Chủ tịch Quốc hội gặp mặt lãnh đạo, phóng viên thông tấn, báo chí  (21/01/2019)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Đại sứ Trung Quốc  (21/01/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển