Cà Mau nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội
TCCSĐT - Qua 05 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217/QĐ-TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị “Về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội”, vai trò, chức năng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong công tác giám sát và phản biện xã hội được nâng cao, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, các mặt công tác này vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi sớm có những giải pháp tháo gỡ.
Từ khi có Quyết định số 217/QĐ-TW của Bộ Chính trị “Về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội” (gọi tắt là Quyết định 217/QĐ-TW) và các văn bản của Trung ương có liên quan, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đã chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng nhiều văn bản cụ thể hóa để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên từ tỉnh đến cơ sở và người dân, tổ chức thực hiện với phương châm “Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”.
Công tác tuyên truyền, phổ biến Quyết định 217/QĐ-TW và các văn bản của Trung ương, của tỉnh có liên quan được triển khai với nhiều hình thức như: thông qua các hội nghị cán bộ chủ chốt, hội nghị cấp ủy đảng mở rộng, các cuộc họp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức các lớp tập huấn, thông qua các cuộc sinh hoạt chi bộ, cuộc họp của chi hội, tổ hội các đoàn thể, các cuộc họp dân, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng,… Đến cuối năm 2018, theo báo cáo của Tỉnh ủy Cà Mau, toàn tỉnh có trên 96% đảng viên đã tiếp thu, quán triệt và trên 70% đoàn viên, hội viên đã nắm bắt, hiểu biết Quyết định 217/QĐ-TW và các văn bản từ Trung ương đến tỉnh có liên quan. Nhờ đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về công tác giám sát, phản biện xã hội cũng như vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác này ngày càng được nâng lên.
Chuyển biến trong công tác giám sát, phản biện xã hội
Để công tác giám sát bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau xây dựng kế hoạch giám sát thông qua Chương trình phối hợp, thống nhất hành động; Chương trình phối hợp giám sát giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức thành viên và các cơ quan nhà nước cùng cấp; thông qua các đơn thư yêu cầu, khiếu nại, tố cáo, phản ánh của các tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở đó, vào quý IV hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chọn nội dung giám sát và phản biện, thống nhất kế hoạch này với Thường trực Hội đồng Nhân dân, Thường trực Ủy ban Nhân dân cùng cấp, sau đó xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội; bảo đảm công tác này phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, với Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, với quy chế phối hợp hành động của Mặt trận với các tổ chức thành viên và các tổ chức chính quyền có liên quan, hạn chế trình trạng chồng chéo, trùng lắp nội dung giám sát, phản biện.
Trong 05 năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh Cà Mau đã thành lập 59 đoàn, trực tiếp giám sát 352 cuộc, tập trung vào các lĩnh vực như: công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp; thực hiện chính sách đối với người có công; việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn; xây dựng nông thôn mới; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hòa giải ở cơ sở; việc thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo - dân tộc; công tác giảm nghèo; việc vay vốn sản xuất của nông dân; bảo vệ môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm;… Bên cạnh việc giám sát trực tiếp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng Nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức 159 cuộc giám sát về chương trình, kế hoạch thực hiện theo các chuyên đề về chấp hành pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo; văn hóa, giáo dục, y tế; thực hiện chính sách đối với người có công; bảo hiểm xã hội: bảo hiểm y tế; an toàn giao thông; tệ nạn xã hội; bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; những vấn đề đột xuất mà xã hội đang quan tâm, bức xúc;…
Ở cấp huyện và cơ sở, bên cạnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tỉnh chú trọng nâng cao hiệu quả công tác giám sát thông qua việc chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Tính chung, trong 05 năm qua, cấp huyện và cơ sở đã tiến hành 3.519 cuộc giám sát chủ yếu về: quy hoạch, kế hoạch, dự án, thiết kế các công trình được đầu tư trên địa bàn; việc thu và sử dụng các khoản đóng góp của người dân đối với các công trình phúc lợi xã hội tại địa phương (xây cầu, làm đường giao thông nông thôn, xây nhà ở cho đối tượng chính sách, hộ nghèo,…). Qua giám sát, các địa phương đã phát hiện, điều chỉnh, kiến nghị sửa chữa 53 công trình được triển khai thực hiện không đúng với thiết kế được phê duyệt ban đầu. Các cuộc giám sát ở cơ sở cũng đã góp phần ghi nhận kịp thời ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên, người dân, doanh nghiệp liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của họ và báo cáo đến các cấp thẩm quyền để xem xét, xử lý.
Cùng với hoạt động giám sát, công tác phản biện xã hội được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện thông qua 03 hình thức: (1) Tổ chức hội nghị phản biện, (2) Gửi văn bản dự thảo sẽ được phản biện đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện, (3) Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Mặt trận Tổ quốc với các cơ quan, tổ chức có văn bản dự thảo được phản biện. Với cách làm này, 05 năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tham gia phản biện đối với dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp; dự thảo các bộ luật, luật; các văn bản của Trung ương; góp ý gần 1.500 loại văn bản dự thảo, báo cáo chuyên đề về chính sách xã hội của địa phương; các nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh; các chỉ thị, quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh;…
Kết quả bước đầu và những khó khăn, hạn chế
Theo báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau, qua gần 05 năm thực hiện Quyết định 217/QĐ-TW, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Đó là:
Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ đảng viên, đoàn viên và người dân trong tỉnh về vai trò, chức năng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp ngày càng chủ động hơn trong việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội theo luật định.
Công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã góp phần tăng cường tính thống nhất trong phối hợp hành động giữa các thành viên của Mặt trận Tổ quốc, phát huy dân chủ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương. Ở nhiều nơi, nội dung, hình thức giám sát bám sát được nhiệm vụ chính trị địa phương, nhất là những yêu cầu bức xúc của nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội; giúp cấp ủy đảng, chính quyền lãnh đạo, quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn.
Việc tăng cường phối hợp thực hiện công tác giám sát giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội với các cơ quan có liên quan đã giúp phát hiện, chấn chỉnh một số hạn chế, khuyết điểm trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ở một số địa phương, đơn vị. Qua đó, kịp thời kiến nghị, đề xuất cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành có liên quan những giải pháp khắc phục. Về cơ bản, các đơn vị được giám sát đã có văn bản thông báo các giải pháp khắc phục theo kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tỉnh ủy Cà Mau, qua thực tiễn, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã và đang còn một số hạn chế:
Vẫn còn một số cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị chưa chủ động trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; còn trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp trên nên hiệu quả công tác này chưa cao. Bên cạnh đó, nội dung, hình thức hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa sát hợp với thực tiễn và nhu cầu, bức xúc của người dân.
Ở nhiều nơi, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa thật sự đi vào chiều sâu, hiệu quả pháp lý chưa cao; chủ yếu chỉ thể hiện qua các phát hiện, nêu ý kiến, kiến nghị tại các kỳ họp, phiên họp của các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng được giám sát và phản biện, với nội dung hạn chế. Nhiều ý kiến, kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội vẫn chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm xem xét, giải quyết, trả lời đúng mức.
Phản biện xã hội là việc làm mới và khó đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, công tác này tuy có tiến bộ nhưng nhìn chung chưa thật tốt; nhiều nơi chưa tổ chức được hội nghị phản biện, chủ yếu chỉ dừng lại ở việc đóng góp văn bản khi có yêu cầu; ở cấp huyện và cơ sở - việc triển khai công tác phản biện xã hội còn lúng túng, chất lượng phản biện chưa cao.
Theo Quy định tại Quyết định 217/QĐ-TW, hằng năm, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch phản biện và có văn bản gửi đến các ngành có nhu cầu phản biện. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cà Mau, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, ít có cơ quan nào có nhu cầu đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phản biện. Đây cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phản biện xã hội.
Các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ công tác giám sát, phản biện xã hội đối với cấp cơ sở còn rất hạn chế; trình độ, năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh của cán bộ Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội làm công tác giám sát, phản biện xã hội, nhất là ở cơ sở, còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến tình trạng rụt rè, e ngại, nhất là khi phải thực hiện công tác phản biện xã hội đối với những dự án, đề án, chủ trương, chính sách có tính chuyên môn cao.
Để công tác giám sát, phản biện xã hội đạt chất lượng cao
Từ thực tiễn qua 05 triển khai thực hiện Quyết định 217/QĐ-TW ở tỉnh Cà Mau, để nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng như ở nhiều địa phương khác trong thời gian tới, thiết nghĩ, cần chú trọng thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Quyết định 217/QĐ-TW và các văn bản có liên quan trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân để tạo sự thống nhất trong nhận thức về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc góp phần thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội.
Thứ hai, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng tăng cường các hoạt động hướng về cơ sở; phát huy tốt vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thông qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên, nhân dân và phản ánh đến cấp ủy, chính quyền các cấp để có giải pháp giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của nhân dân.
Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần chủ động phối hợp với chính quyền các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội hằng năm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình, chú ý chọn những vấn đề mà người dân, dư luận xã hội đang quan tâm. Điều quan trọng là cần tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phản biện đối với các dự thảo nghị quyết quan trọng của cấp ủy địa phương; đồng thời có điều kiện theo dõi, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện tốt các kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội.
Thứ tư, hằng năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh cần chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các cấp chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp đặt ra, lựa chọn những nội dung cần thiết phải phản biện để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch phản biện sát với tình hình địa phương, đơn vị. Cách làm này không chỉ giúp nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội mà còn giúp tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thứ năm, chú trọng bố trí đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức chính trị, bản lĩnh chính trị cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để làm công tác giám sát và phản biện xã hội. Đồng thời, phải thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn sâu theo từng chuyên đề về công tác giám sát và phản biện xã hội với nội dung phù hợp cho đội ngũ cán bộ này.
Thứ sáu, tranh thủ và phát huy tốt vai trò, trí tuệ của các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các nhân sĩ, trí thức thuộc các giới, các dân tộc, tôn giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, cần chú trọng thực hiện liên thông đồng bộ các nhiệm vụ: công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền - góp phần phòng chống tham nhũng, tham phí - ngăn chặn các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ./.
Thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bắc Ninh đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới  (11/01/2019)
Thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bắc Ninh đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới  (11/01/2019)
Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới  (11/01/2019)
Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới  (11/01/2019)
10 sự kiện nổi bật của Ngành tài chính năm 2018  (11/01/2019)
Thông cáo chung về hợp tác - phát triển biên giới Việt Nam - Campuchia  (11/01/2019)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên