Tác động của di dân tự do trong quá trình đô thị hóa đến quy mô dân số và phát triển trên địa bàn thành phố Hà Nội
TCCSĐT - Là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước nên ở Hà Nội, các lĩnh vực ngành nghề, dịch vụ rất đa dạng. Hà Nội có nhu cầu về các loại nghề nghiệp khác nhau, từ những nghề cần được đào tạo ở bậc cao đến các loại công việc lao động phổ thông. Vì thế, mặc dù đã quá tải về dân số, hạ tầng, ô nhiễm về môi trường cùng tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông gia tăng, nhưng với nhiều người dân sống ở nông thôn và các tỉnh thì Thủ đô vẫn là điểm đến đầy hứa hẹn.
Hà Nội và sự gia tăng quy mô dân số
Ở nước ta, kể từ khi bắt đầu thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện đất nước (năm 1986), quá trình đô thị hóa cũng được đẩy mạnh đồng thời với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Nhiều đô thị mới có quy mô vừa phải được hình thành và phát triển. Là Thủ đô của cả nước, 1 trong hai đô thị đặc biệt, trong hơn 30 năm qua, Hà Nội có những bước phát triển mạnh mẽ. Không gian đô thị Hà Nội được mở rộng với việc thành lập hai quận mới là quận Long Biên và quận Hoàng Mai (năm 2003). Năm năm sau đó, (từ tháng 8-2008), toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) sáp nhập vào Hà Nội; thành phố Hà Đông trở thành quận Hà Đông. Đầu năm 2014, Hà Nội có thêm hai quận mới là Bắc Từ Liêm và quận Nam Từ Liêm (được tách ra từ huyện Từ Liêm). Hà Nội được mở rộng về địa giới hành chính, cùng với Luật Cư trú, điều kiện đăng ký thường trú, quyền tự do cư trú của công dân tại Hà Nội được mở rộng và dễ dàng hơn... dẫn đến quy mô dân số tăng đột biến trong đó chủ yếu là tăng cơ học. Theo số liệu được đăng trên Cổng Giao tiếp điện tử của thành phố Hà Nội, dân số trung bình trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017 là 7.654,8 nghìn người, tăng 1,8% so với năm trước; tỷ lệ dân số thành thị là 49,2% và tỷ lệ dân số nông thôn là 50,8%(1).
Cùng với việc tăng dân số do mở rộng địa giới hành chính, số lượng người di cư tự do vào Hà Nội làm việc, lao động cũng tăng nhanh. Di cư tự do có nghĩa là những người nàynày không nằm trong chương trình di cư của Chính phủ, họ tự quyết định địa bàn nhập cư, trang trải mọi chi phí đi lại di chuyển, tìm việc làm.
Từ góc độ nơi xuất cư, người di cư vào Hà Nội chủ yếu từ nông thôn, các địa phương lân cận. Quá trình đô thị hóa khiến đất nông nghiệp bị thu hẹp, người dân ở nông thôn thiếu việc làm, hoặc việc làm mang lại thu nhập thấp; không có đất để làm ruộng, hoặc thu nhập từ làm nông nghiệp quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống, tăng thời gian nông nhàn. Các công trình hạ tầng, như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí,…ở nông thôn ít và chất lượng chênh lệch so với Hà Nội. Không có hoặc thiếu cơ sở đào tạo, thiếu cơ hội việc làm cho những người đã được đào tạo ở các bậc học sau đại học.
Xét về độ tuổi, người di cư vào Hà Nội chủ yếu ở độ tuổi lao động, còn trẻ. Người di cư đến các vùng, trong đó có Hà Nội, đa số là người trẻ. Tỷ lệ người di cư ở độ tuổi dưới 30 ở Hà Nội là 68,7%(2).
Xét về trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp, người di cư vào Hà Nội rất đa dạng. Họ là những người có trình độ học vấn, có chuyên môn và cả những người không có trình độ chuyên môn, không được đào tạo nghề. Với số lượng các trường đại học có uy tín hàng đầu, các trung tâm đào tạo lớn của cả nước, số lượng học sinh, sinh viên về Hà Nội học tập ngày càng đông. Cùng với việc học, các em tham gia vào các công việc mang tính thời vụ để có thêm thu nhập; học sinh sinh viên tra trường ở lại Hà Nội để tìm việc làm. Bên cạnh đó, những gia đình ngoại tỉnh có điều kiện kinh tế cũng chuyển về Hà Nội sinh sống để con cái họ được hưởng các điều kiện học tập, chăm sóc tốt hơn; hoặc đưa con lên Hà Nội học phổ thông để có điều kiện thuận lợi học lên các bậc cao hơn. Kết quả Điều tra di cư nội địa quốc gia năm 2015 cho thấy, tỷ lệ người di cư có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn người không di cư. Một con số góp phần minh họa cho số lượng người ở các địa phương khác, ở nông thôn di cư về Hà Nội tăng đó là số lượng nhà ở tại Hà Nội được người ngoại tỉnh mua.
Bên cạnh những người có trình độ học vấn, được đào tạo chuyên môn, nghề nghiệp, Hà Nội còn là điểm đến của rất đông những lao động di cư từ ngoại tỉnh, không có chuyên môn, không được đào tạo nghề. Họ đến Hà Nội làm những công việc giản đơn,nặng nhọc, không cần đến trình độ học vấn, kinh nghiệm, nhưgiúp việc gia đình, dọn vệ sinh, bán hàng rong, thợ xây, xe ôm, đánh giày, thu mua đồng nát... Tuy làm những công việc giản đơn như vậy, nhưng hầu hết người di cư đều nhận thấy rằng, họ được hưởng lợi từ việc di cư: Có thu nhập cao hơn so với ở lại nông thôn làm công việc đồng áng; cải thiện cuộc sống gia đình, có thêm nguồn thu nhập cho các nhu cầu giáo dục, chữa bệnh, đi lại, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và dịch vụ ở quê hương.
Như vậy, những yếu tố từ nơi xuất cư đẩy người dân di cư vào Hà Nội diễn ra ở cả ba nhóm đối tượng là người có trình độ, được đào tạo; người có điều kiện kinh tế; và người nghèo thu nhập thấp.
Những khó khăn trong cuộc sống của lao động di cư làm những công việc nặng nhọc, giản đơn
Để có việc làm ở Hà Nội, nhiều lao động di cư chấp nhận làm những việc không phù hợp với nguyện vọng để tìm cơ hội kiếm được việc làm phù hợp và có mức thu nhập cao hơn. Người lao động di cư làm các công việc phổ thông hiện nay được coi là thuộc nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội và thường dễ bị lạm dụng hơn.
Khó khăn lớn nhất đối với lao động di cư tự do là nơi ở. Phần lớn người di cư thường phải thuê nhà trọ, chật hẹp thiếu tiện nghi sinh hoạt.
Lao động di cư có trình độ học vấn thấp, chưa qua đào tạo nghề nghiệp thường phải chấp nhận những công việc không ổn định, thu nhập thấp. Do vị thế trên thị trường lao động rất yếu, nên để có việc làm lao động di cư thường chấp nhận điều kiện làm việc kém thuận lợi hơn. Rất nhiều người làm việc không có hợp đồng lao động, hay hợp đồng lao động miệng như thợ may, nhân viên bán hàng trong các cửa hàng tư nhân, nhân viên bán hàng trong các nhà hàng, người lau chùi vệ sinh tự do, thợ khuân vác, bốc xếp… Những người lao động tại khu vực phi chính thức, thường không ký hợp đồng lao động, nên không được hưởng các chế độ như: bảo hiểm xã hội, các chính sách bảo hiểm ngắn hạn, như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, không có chế độ nghỉ lễ và chủ nhật. Họ thường là những người gặp nhiều rủi ro trong cuộc sống, như dễ bị lạm dụng tình dục (đối với phụ nữ)... Con cái của lao động di cư tự do cũng gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện sinh hoạt, về sự chăm sóc tiếp cận các dịch vụ giáo dục, đào tạo và y tế tại nơi đến.
Do điều kiện sống và làm việc mang tính chất tạm thời nên phần lớn người di cư không tham gia vào các hoạt động cộng đồng, không tham gia các đoàn thể.
Người lao động nhập cư còn phải đối diện với những cám dỗ của tệ nạn xã hội như nghiện hút, trộm cắp, mại dâm… rồi vô tình đưa những tệ nạn này về quê khi hồi hương.
Tác động của lao động di cư tự do tại Hà Nội và những vấn đề đặt ra
Việc lao động di cư tự do vào Hà Nội bổ sung nguồn lao động cho thành phố, đặc biệt là thúc đẩy phát triển ngành kinh tế dịch vụ, thúc đẩy sự phát triển đa dạng của các lĩnh vực ngành nghề, dịch vụ và có ý nghĩa đối với sự tăng trưởng kinh tế ở Thủ đô. Hà Nội có điều kiện thu hút và lựa chọn nguồn chất xám cho sự phát triển.
Lao động di cư là nguồn nhân lực rất lớn cho các công việc lao động giản đơn, đặc biệt ở các công việc nặng nhọc, có thu nhập thấp và nguy hiểm mà người dân thành phố không muốn làm. Nếu không có người di cư đến, Hà Nội sẽ thiếu lao động làm việc trong các ngành xây dựng, may, giúp việc gia đình…
Người dân nhập cư vào Hà Nội mang theo lối sống, truyền thống văn hóa, tính cách, thói quen, tập tục của địa phương mình. Sự đa dạng văn hóa vùng miền theo người di cư vào Hà Nội góp phần làm đa dạng hóa văn hóa của Hà Nội.
Cùng với những tác động tích cực của lao động di cư vào Hà Nội, tình trạng tăng dân số cơ học quá nhanh, đặc biệt là ở khu vực nội thành vượt tầm kiểm soát, tạo nhiều sức ép cho Thủ đô. Đó là:
Thứ nhất, hạ tầng của Hà Nội quá tải. Các điều kiện về kết cấu hạ tầng, như nhà ở, trường học, bệnh viện, điện, nước, đường phố, vệ sinh môi trường và các điều kiện khác không đáp ứng kịp nhu cầu của người dân sống tại Hà Nội. Phương tiện di chuyển phổ biến của người dân là xe máy bởi các phương tiện giao thông công cộng chưa thuận lợi, chưa thực sự phù hợp với nhu cầu di chuyển thực tế của người dân và đặc thù các khu dân cư, hệ thống đường phố, ngõ nhỏ. Tình trạng kẹt xe, tắc đường ngày càng nghiêm trọng mặc dù không thể phủ nhận một thực tế rằng, hệ thống đường, cầu vượt, hầm ngầm ở những nơi “trọng điểm” của Hà Nội trong những năm vừa qua đã không ngừng được xây dựng, mở rộng, nâng cấp.
Hệ thống trường lớp, đặc biệt là ở các quận mới, khu đô thị mới, chịu những áp lực rất lớn do số học sinh tăng cao, đặc biệt các em ở lớp đầu cấp. Những quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều chung cư cao tầng mọc lên trở thành những “điểm nóng” quá tải về trường lớp. Một số trường tiểu học ở các quận, như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân..., có lớp lên tới 60 học sinh/lớp, cao gần gấp đôi so với sỹ số quy định trong điều lệ trường tiểu học là không quá 35 học sinh. Thiếu lớp học đã góp phần làm giảm tỷ lệ học sinh tham gia học 2 buổi/ngày, không đáp ứng đủ điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện... Tình trạng này sẽ còn trầm trọng hơn khi xu hướng người di cư đến Hà Nội tiếp tục tăng còn nguồn lực để xây dựng các công trình hạ tầng lại khó khăn, quỹ đất đai ngày càng bị thu hẹp…
Thứ hai, ô nhiễm môi trường. Bụi, khí xả thải, tiếng ồn, rác, phế thải các loại,… từ các công trình xây dựng có quy mô lớn; các phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh, từ sinh hoạt của người dân,… làm ô nhiễm bầu không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tác nhân gây ô nhiễm môi trường lớn nhất ở Hà Nội là khí thải từ những dòng xelưu thông trên đường. Tính tới năm 2020, trên đường phố Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy lưu thông.
Các công trường xây dựng lớn, nhỏ đang được thi công trên địa bàn thành phố, đường bị đào bới để triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật cùng hàng loạt các khu đô thị, chung cư, các công trình xây dựng liên tiếp mọc lên trong một thời gian ngắn để đáp ứng nhu cầu nhà ở, văn phòng, các công trình hạ tầng xã hội làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường. Bụi bẩn từ công trường xây dựng, từ các xe chở vật liệu xây dựng ra vào công trường không được che chắn cẩn thận; rác, phế thải xây dựng từ nhiều công trình không được tập kết đúng quy định,…gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến cảnh quan của một thành phố “xanh, sạch”.
Sự gia tăng mật độ dân số trên địa bàn thành phố Hà Nội, tốc độ phát triển của các ngành công nghiệp cùng hệ thống cấp thoát nước của thành phố xuống cấp chưa được đầu tư xây dựng tu bổ,… là những nguyên nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm nguồn nước tại Hà Nội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của người dân Thủ đô.
Thứ ba, cảnh quan chung của Hà Nội truyền thống đang dần bị thay đổi để đáp ứng nhu cầu nhà ở, giao thông, hạ tầng. Hà Nội là thành phố cổ có các công trình kiến trúc nhiều trăm năm tuổi, có hệ thống các phố cổ, nhiều sông hồ tự nhiên, tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ở, đi lại, làm việc, sinh hoạt của người dân, nhiều sông hồ bị lấp nhường cho các tòa nhà cao tầng, các tuyến đường… cảnh quan của Hà Nội truyền thống đang dần bị mai một.
Một phần nữa là người di cư vào Hà Nội, do chưa thích ứng được với hoàn cảnh mới, nếp sống mới, cách nghĩ khác cộng với tâm lý nơi đang tạm trú để làm việc chỉ là chỗ “ở tạm” nên cũng chưa có ý thức đầy đủ trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan chung.
Thứ tư, sức ép về quản lý an ninh, trật tự công cộng, bảo đảm môi trường sống lành mạnh. Dòng người di cư từ nông thôn về Hà Nội rất đa dạng về loại hình, phức tạp về thành phần nên rất khó có thể thống kê chính xác về số lượng cũng như tình hình lao động di cư tự do. Một đặc điểm của người di cư tự do vào Hà Nội, đặc biệt là người di cư làm việc ở khu vực phi chính thức là hay thay đổi chỗ làm việc và chỗ ở. Một bộ phận lao động tự do vào Hà Nội tìm việc làm trong thời gian nông nhàn nên thường không đăng ký tạm trú, gây khó khăn cho việc quản lý nhân khẩu tại Hà Nội, làm nảy sinh thêm nhiều vấn đề xã hội phức tạp về bảo vệ trật tự và an toàn xã hội.
Loại di dân kiểu con lắc là yếu tố rất tích cực để nâng cao đời sống cho người dân vùng nông thôn gần sát các vùng đô thị và góp phần điều tiết giá cả hàng hóa và giá cả lao động phổ thông trên thị trường lao động tại các thành phố, nhưng cũng là nhân tố làm cho việc quản lý trật tự trị an trên địa bàn các thành phố rất khó khăn. Trong nhiều trường hợp, nếu xử lý không tốt dễ dẫn đến những hành động nhìn bề ngoài rất phản cảm, tạo nên sự phản ứng, kích động.Chẳng hạn như việc quản lý những người bán hàng rong (đa phần trong số họ là người di cư từ nông thôn hay các vùng ven đô vào Hà Nội) bán hàng không đúng nơi quy định, ở các khu vực không cho phép bán hàng rong.
Người nhập cư từ nông thôn vào Hà Nội góp phần làm gia tăng tỷ lệ nghèo ở Hà Nội.
Điều kiện sống khó khăn, thiếu thốn, công việc bấp bênh, thiếu kiến thức xã hội và cơ hội tiếp cận với các dịch vụ đã khiến người lao động di cư vào Hà Nội trở thành nạn nhân của nhiều tệ nạn xã hội, làm nóng thêm các vấn đề, như tạo sinh kế ổn định, môi trường sống lành mạnh; nâng cao cơ hội tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ xã hội, được hưởng các chính sách về y tế, nhà ở, vệ sinh, điện nước…; hỗ trợ lao động di cư làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, tránh trở thành tội phạm.
Thứ năm, những "lệch pha" trong văn hóa và lối sống giữa người dân sống ổn định lâu năm ở Hà Nội và người mới di cư vào Hà Nội bởi nếp sống của người dân nông thôn có nhiều nét khác biệt. Rời bỏ gốc văn hóa nông nghiệp - nông thôn đến sinh sống trong môi trường công nghiệp - đô thị, người di cư mang văn hóa nông thôn vào đô thị.
Một số đề xuất làm giảm di cư tự do trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn Hà Nội
Gia tăng dòng người di cư từ nông thôn vào thành phố, các khu đô thị không phải là vấn đề riêng có của Việt Nam, hay Hà Nội. Đó là tình trạng chung của các nước thực hiện công nghiệp hóa. Vì thế, nhiều quốc gia, đã đưa ra những biện pháp giải quyết theo cách của mình. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, do làn sóng người nhập cư ồ ạt tràn về các thành phố lớn khiến quy mô dân số ở thành phố phình to, gây sức ép lớn lên hệ thống kết cấu hạ tầng, nhà ở, y tế, giáo dục, an sinh xã hội… nên hai thành phố lớn nhất là Bắc Kinh và Thượng Hải áp dụng mức trần dân số, trong đó, Thượng Hải giới hạn dân số ở mức 25 triệu người, còn Bắc Kinh ở mức 23 triệu người. Để đạt mức trần này, các biện pháp khá mạnh đã được áp dụng. Một trong số đó là từ năm 2014, các nhà máy, trường học và chợ nằm ngoài kế hoạch phát triển ở Bắc Kinh bị đình chỉ hoạt động. Người có nhà cho lao động phổ thông thuê cũng được lệnh chấm dứt hợp đồng. Tại Thượng Hải, các “làng trong đô thị” - khu nhà ở giá rẻ tập trung dân nhập cư cũng được di dời, xây dựng lại các khu phố cổ. Về dài hạn, để giải quyết triệt để vấn đề di cư vào đô thị, Trung Quốc đổi mới cách nhìn nhận về vai trò của nông thôn, định hướng phát triển nông thôn song song với quá trình đô thị hóa; quan tâm tới nội dung của quá trình đô thị hóa là đô thị hóa dân số nông thôn; đưa nông dân vào nhập cư đô thị một cách trật tự; phát triển thành thị và nông thôn theo hướng thành thị và nông thôn thu hút lẫn nhau ở những lợi thế của mình; phối hợp phát triển hệ thống thành phố và thị trấn theo vùng đô thị;… Ở Hàn Quốc, từ năm 1970, Chính phủ đã đưa ra chiến lược phát triển đô thị bằng cách mở rộng vùng đô thị, song song với việc nâng cấp mở rộng các đô thị đã có; xây dựng một loạt các thành phố vệ tinh mới có quy mô vừa và nhỏ, hình thành những thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh. Còn ở Nhật Bản, Chính phủ thiên về các giải pháp mang tính khuyến khích kinh tế để giãn bớt dân ở Thủ đô Tokyo. Mới đây, Chính phủ nước này dự định sẽ trả khoảng 3 triệu Yen, tương đương 600 triệu đồng, cho ai đồng ý rời khỏi Tokyo.
Ở nước ta hiện nay,việc giải quyết bài toán nhập cư vào Hà Nội cần được đặt trong bối cảnh của thế giới hiện đại: Xu thế công nghệ hiện đại kết nối vạn vật, hiện đại hóa. Xu thế phát triển xanh bảo vệ môi trường sinh thái, du lịch sinh thái, nông nghiệp sạch, nông nghiệp du lịch; nhu cầu sống gần với thiên nhiên khi các đô thị ồn ào và ô nhiễm, cường độ làm việc căng thẳng dẫn đến các căn bệnh xã hội mới; tâm lý người lao động phổ thông di cư vào thành thị tìm việc làm nhưng không muốn định cư lâu dài tại đô thị.
Cho đến nay, ở nước ta, sự cần thiết phải quản lý tình trạng di cư tự do vào Hà Nội đặc biệt là lao động phổ thông là vấn đề được thống nhất, tuy nhiên cách quản lý như thế nào lại khác nhau. Có quan điểm cho rằng cần có các biện pháp hành chính để ngăn, làm giảm bớt dòng người di cư vào Hà Nội bởi những tác động tiêu cực của hiện tượng này, tuy nhiên, có quan điểm khác cho rằng, việc sử dụng các biện pháp mang tính hành chính để ngăn cản dòng người di cư vào Hà Nội là không nên và không thể áp dụng. Thay vì ngăn cản, nên quan tâm đến tâm tư, sự khó khăn trong cuộc sống của người lao động cũng như vai trò của họ đối với sự phát triển của đô thị, tạo điều kiện cho họ làm việc tốt hơn, có tổ chức hơn, để phát huy khía cạnh tích cực của đội ngũ lao động này vào quá trình phát triển của Thủ đô.
Giải pháp tổng thể để xử lý tận gốc vấn đề người lao động di cư vào Hà Nội, cũng như các thành phố lớn để mưu sinh, đó là cùng với phát triển các thành phố lớn - các “điểm đến” của luồng dân di cư thì rất cần tập trung phát triển mạnh các “điểm đi” - những thành phố nhỏ, ngoại vi, nông thôn. Giải pháp lâu dài và quan trọng không thể khác hơn là cải thiện điều kiện sống, cơ hội việc làm và các dịch vụ xã hội ở nơi xuất cư, nhằm cản dòng chảy di cư về các đô thị lớn. Người dân quan tâm đến những nhu cầu thiết yếu, như việc làm, học hành và y tế. Nếu những mối quan tâm này được đáp ứng ở mức độ nhất định cũng sẽ làm giảm dòng người di cư vào Hà Nội để mong cuộc sống được bảo đảm hơn, tốt hơn.
Nhu cầu du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp cảnh quan; xu hướng sống gần gũi với thiên nhiên gia tăng, tránh những ô nhiễm nơi đô thị đông đúchiện nay cũng là xu hướng đáng quan tâm để một mặt mở thêm cơ hội nghề nghiệp tại các vùng nông thôn quanh Hà Nội, phát triển ngành nghề truyền thống, mặt khác thu hút ngược nguồn lực tài chính, con người về các khu vực này.
Hà Nội cần hướng tới việc phát triển những ngành công nghệ cao, cần nhiều chất xám, cùng với đó làhạn chế phát triển các ngành nghề thu hút nhiều lao động phổ thông, ít chất xám và có giá trị gia tăng không cao.
Trên địa bàn Hà Nội, cần nghiên cứu và nhân rộng các mô hình hỗ trợ lao động di cư, giúp họ có thể sinh hoạt trong các nhóm để giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với nhau cũng như có cơ hội nắm bắt và tiếp cận các chính sách an sinh xã hội. Phát huy các mô hình đang được triển khai hiện nay, như mô hình tập huấn về các chủ đề: những vấn đề sức khỏe thường gặp của người lao động di cư khu vực phi chính thức, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, an toàn và tai nạn lao động đối với người lao động di cư khu vực phi chính thức, những nguy cơ, rủi ro mà người bán hàng rong và thu mua phế liệu thường gặp phải, …, cải thiện sinh kế cho lao động di cư.
Cùng với việc tạo điều kiện để lao động di cư cải thiện điều kiện sống, tiếp cận với các dịch vụ xã hội công bằng với người dân tại chỗ, cũng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tính kỷ luật và sự tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy định về những điều nên làm và không nên làm cho những gười dân sống ở Hà Nội. Đồng thời có những chế tài để xử phạt nghiêm, đủ sức răn đe những hành vi vi phạm./.
-------------------
(1) Xem https://vanban.hanoi.gov.vn/kttd/-/hn/DBSLnqREexi2/2368/186356/8/co-cau-dan-so-va-lao-ong-cua-thu-o-nam-2017.html;jsessionid=EqURS+ERB6h3LAjkGK1nLJC3.undefined
(2) Xem: Điều tra di cư nội địa Việt Nam năm 2015, Nxb. Thông tấn, 2016
Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương  (28/12/2018)
Nước Nga năm 2018 từ đánh giá của Tổng thống V.Putin  (28/12/2018)
Báo chí phải thực sự là lực lượng dẫn dắt, định hướng dư luận  (28/12/2018)
Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế  (28/12/2018)
Năm nhiệm vụ công tác thông tin đối ngoại bảo vệ chủ quyền lãnh thổ  (28/12/2018)
Tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn  (28/12/2018)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay