Thanh Hóa tạo đột phá để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế
TCCS - Xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong những khâu đột phá trong quá trình phát triển, nhiều nhiệm kỳ qua Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm lãnh đạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội, tăng lợi thế cạnh tranh và tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thanh Hóa là tỉnh nằm ở vị trí chiến lược, cầu nối giữa Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, giữ vai trò hết sức quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước. Với gần 3,6 triệu người, Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông thứ 3 cả nước (sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh); tốc độ tăng dân số bình quân hằng năm ở mức 0,65%. Dân số trong độ tuổi lao động trên 2,4 triệu người, chiếm 67,2% tổng dân số. Lao động đang làm việc trong nền kinh tế khoảng 2,2 triệu người. Toàn tỉnh có 92.049 cán bộ, công chức, viên chức từ cấp huyện trở lên và cán bộ lực lượng vũ trang, doanh nghiệp có vốn nhà nước, với 240 tiến sĩ, 3.670 thạc sĩ, 57.939 cử nhân đại học, 2.753 người có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị...
Trong công cuộc đổi mới đất nước, mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức; song, được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, khơi dậy tiềm năng lao động sáng tạo, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, đạt được những thành tựu hết sức quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực. Giai đoạn 2010 - 2015, kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,4%, mức cao nhất trong 30 năm đổi mới. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2016 đạt 9,05%, năm 2017 đạt 9,08%, cao hơn mức bình quân chung cả nước. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; nhiều dự án lớn được khởi công xây dựng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần và trình độ dân trí của nhân dân được nâng lên. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền được củng cố.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của trí thức, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, những năm gần đây, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh; phát huy vai trò, trách nhiệm đi đầu của đội ngũ này trong việc truyền bá tri thức, văn hóa vào sản xuất và đời sống. Cùng với việc ban hành các chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, tỉnh đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ này phát huy năng lực, cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự phát triển của tỉnh; thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng xét chọn và nâng mức thưởng đối với các danh hiệu cao quý và các giải thưởng nhà nước dành cho trí thức, văn nghệ sĩ; thành lập Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật và Quỹ Hỗ trợ, tài trợ sáng tạo văn học nghệ thuật tỉnh để hỗ trợ, động viên khen thưởng những trí thức, văn nghệ sĩ có các tác phẩm đạt giải cấp tỉnh và toàn quốc, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; nâng mức giải thưởng Lê Thánh Tông và mức giải thưởng cho các văn nghệ sĩ được giải thưởng Trung ương hằng năm; đồng thời tổ chức nhiều lễ trao tặng, tôn vinh trí thức tiêu biểu, động viên, khích lệ anh chị em đội ngũ trí thức hăng say lao động, sáng tạo...
Đến nay, đội ngũ trí thức của tỉnh phát triển nhanh về số lượng, chuyển biến về chất lượng, có cơ cấu hợp lý. Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh trở thành nơi tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức của tỉnh với trên 22.600 cán bộ, hội viên, trong đó 8.831 hội viên có trình độ từ đại học trở lên (có 6 phó giáo sư, 80 tiến sĩ, gần 1.000 thạc sĩ và tương đương). Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh có bước phát triển tiến bộ với 429 hội viên (có 229 hội viên chuyên ngành trung ương, 4 phó giáo sư, 4 nghệ sĩ nhân dân, 32 nghệ sĩ ưu tú, 2 nghệ nhân ưu tú, 4 hội viên được tặng giải thưởng nhà nước về văn học - nghệ thuật).
Cùng với việc lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X Về xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Đảng bộ tỉnh đã quan tâm lãnh đạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo sự thay đổi lớn cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Đặc biệt, trong 3 nhiệm kỳ gần đây, Chương trình phát triển nguồn nhân lực đều được xác định là chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định 5 chương trình trọng tâm, 4 khâu đột phá, trong đó có Chương trình trọng tâm về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực và khâu đột phá về nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tạo nguồn cán bộ được quan tâm. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 12-3-2012, Về tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020. Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVII ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 21-7-2014, Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020 và Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh. Đội ngũ cán bộ được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý nhà nước theo chức danh vị trí việc làm; ý thức đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức quốc phòng - an ninh, tin học, ngoại ngữ; năng lực hội nhập quốc tế... Giai đoạn 2010 - 2017, tỉnh đã cử đi đào tạo tiến sĩ 54 cán bộ, thạc sĩ: 1.263 cán bộ, cử nhân đại học: 3.120 cán bộ(1); cao cấp lý luận chính trị: 1.853 cán bộ; trung cấp lý luận chính trị: 14.803 cán bộ; bồi dưỡng 21.671 lượt cán bộ theo Đề án 165 và tham gia các lớp quốc phòng - an ninh, bồi dưỡng bí thư cấp ủy huyện; bồi dưỡng trưởng, phó ban Đảng cấp tỉnh, huyện, quản lý nhà nước và bồi dưỡng khác... Nhìn chung, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh được tăng cường về số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng được nâng lên. Trong số 69 ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, có 2 phó giáo sư, 10 tiến sĩ, 34 thạc sĩ... Đây đều là những cán bộ tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; có năng lực vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào tình hình thực tiễn; có tư duy đổi mới, sáng tạo, khả năng đoàn kết, quy tụ và tập hợp quần chúng; luôn trăn trở, tìm tòi giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, vì sự phát triển của tỉnh.
Phát huy những kết quả đạt được, ngay sau khi có kết quả phê duyệt quy hoạch và để chuẩn bị tốt nguồn nhân sự cho nhiệm kỳ tiếp theo, ngày 04-4-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 82-KH/TU, về bồi dưỡng cho 151 đồng chí là cán bộ dự nguồn ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhằm đào tạo, bồi dưỡng trang bị, cập nhật kiến thức về khoa học lãnh đạo, tầm nhìn và tư duy chiến lược, giúp cán bộ nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn trong quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nâng cao phẩm chất chính trị, phong cách lãnh đạo, quản lý,... đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Công tác đào tạo, thu hút đội ngũ chuyên gia đầu ngành được quan tâm. Tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách để đào tạo, thu hút đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chất lượng cao cho tỉnh, như hỗ trợ kinh phí đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo và thưởng khi được công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; hỗ trợ hoạt động và thu hút, đào tạo cán bộ, giảng viên cho Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa, hướng tới thành lập Đại học Y Thanh Hóa; cơ chế, chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh... Đến nay, tỉnh đã thu hút được 30 bác sĩ nội trú đang học tại Đại học Y Hà Nội cho Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa.
Các cơ sở giáo dục đại học tập trung rà soát, đánh giá lại năng lực đào tạo của từng chuyên ngành; xác định rõ những ngành, nghề có thế mạnh, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh để tập trung xây dựng thành các khoa, ngành đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia và khu vực... Toàn tỉnh có 5 cơ sở đào tạo trình độ đại học (Đại học Hồng Đức, Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở Thanh Hóa, Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa, Phân hiệu Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tại Thanh Hóa), 4 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp chuyên nghiệp, 102 cơ sở dạy nghề (6 trường cao đẳng nghề, 17 trường trung cấp nghề, 18 trung tâm dạy nghề và 61 cơ sở có đăng ký hoạt động dạy nghề theo quy định).
Đại học Hồng Đức được xây dựng thành cơ sở đào tạo đa ngành, với 35 ngành đào tạo bậc đại học, 18 ngành đào tạo bậc cao đẳng, 17 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 4 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Trường có 16 phó giáo sư, 118 tiến sĩ đang làm việc ở 33 khoa, phòng, trung tâm đào tạo, nghiên cứu của trường. Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa ngày càng mở rộng quy mô, chất lượng đào tạo, với 1 ngành đào tạo cao học, 17 ngành đào tạo đại học, 4 chuyên ngành cao học liên kết đào tạo và nhiều chuyên ngành đại học liên thông... Đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường được tăng cường với trên 200 cán bộ, giảng viên, trong đó có 2 phó giáo sư, 29 tiến sĩ, 158 thạc sĩ.
Các trường đại học đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo với một số trường đại học trong và ngoài nước để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đại học Hồng Đức liên kết với Đại học Soongsil (Hàn Quốc) trong đào tạo thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh cho 72 học viên; với Đại học Zielona Gora (Ba Lan) trong đào tạo đại học ngành vật lý ứng dụng và công nghệ cho 10 học viên. Hiện nhà trường đang đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép liên kết với Đại học Khoa học ứng dụng Anhalt (Cộng hòa liên bang Đức) trong đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh. Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch hợp tác với các trường đại học ở Ba Lan, Phi-líp-pin, Thái Lan, Thụy Sĩ, Ma-lai-xi-a,... trong đào tạo giảng viên, sinh viên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh. Lực lượng lao động lành nghề, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, các chuyên gia đầu ngành còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu lao động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn, như hóa dầu, nhiệt điện, công nghệ thông tin, chế biến chế tạo, tự động hóa... Lao động là người trong tỉnh làm việc tại các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ thấp. Một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tuy đã được đào tạo chuẩn hóa nhưng còn thiếu tính chuyên nghiệp theo yêu cầu tiêu chuẩn chức danh. Việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng có nơi chưa gắn với quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ theo vị trí việc làm và quy hoạch cán bộ; thu hút đội ngũ chuyên gia đầu ngành về tỉnh chưa nhiều. Năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu...
Trong những năm tới, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh khá của cả nước đòi hỏi tỉnh phải tiếp tục thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực - yếu tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo đảm phát triển bền vững của địa phương. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong việc cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trong ngành, đơn vị mình quản lý; tổ chức thực hiện tốt Đề án Vị trí việc làm để sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực; huy động sự tham gia đánh giá, giám sát của toàn xã hội đối với việc đào tạo và sử dụng nhân lực; chỉ đạo, làm tốt công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông...
Thứ hai, bám sát quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và điều kiện cụ thể địa phương, đơn vị để chủ động triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo vị trí, chức danh công việc nhằm bảo đảm cho đội ngũ cán bộ đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, dày dạn thực tiễn, có bản lĩnh trong xây dựng và hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Làm tốt công tác phát hiện, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nhân tài; tạo sự đột phá về đãi ngộ, tôn vinh nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện chính sách tiền lương linh hoạt theo tiêu chí tài năng và hiệu quả đóng góp; tạo môi trường làm việc thuận lợi và cơ hội thăng tiến để tạo động lực, kích thích, khuyến khích nhân lực chất lượng cao lao động sáng tạo và hiệu quả.
Thứ ba, rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp; xác định cụ thể quy mô, ngành, nghề đào tạo cho từng cơ sở đào tạo, bảo đảm phù hợp với nhu cầu nhân lực của tỉnh. Xây dựng một số khoa đào tạo chất lượng cao theo chuẩn kiểm định trong khu vực ASEAN đối với các chuyên ngành có nhu cầu sử dụng lớn. Đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, Trường Chính trị tỉnh. Xúc tiến xây dựng các trường nghề chất lượng cao, nghề trọng điểm quốc gia...
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, cơ cấu phù hợp. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đội ngũ giảng viên giỏi, các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia giảng dạy tại các trường đại học; các nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, thợ bậc cao của doanh nghiệp tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thứ tư, đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cùng với việc đào tạo lý luận chính trị, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế, khoa học - công nghệ, thông tin thị trường, kỹ năng công tác và phong cách lãnh đạo, xử lý tình huống trong thực thi nhiệm vụ...
Các cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các ngành, cơ quan, đơn vị; mở rộng hình thức đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo của tỉnh với các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài trong đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nghề trọng điểm bằng nhiều hình thức, như chuyển giao nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo; liên kết đào tạo; trao đổi sinh viên, giảng viên; nghiên cứu khoa học, thực tập sinh viên... Quan tâm đào tạo kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tin học, tác phong nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử trong công việc,... cho học viên.
Thứ năm, huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển đào tạo. Cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở đào tạo; quan tâm đầu tư từ ngân sách nhà nước để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức, chuyên gia đầu ngành, các lĩnh vực ưu tiên, các ngành, nghề tỉnh có lợi thế cạnh tranh. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... /.
--------------------------------------
(1) Trong đó, có 26 cán bộ được tuyển chọn đi học các trường đại học nước ngoài theo Đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh; 22 tiến sĩ, 153 thạc sĩ, 27 cử nhân tại các trường đại học nước ngoài theo Đề án “Liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học nước ngoài” tại trường Đại học Hồng Đức
Giới thiệu nhân sự cán bộ công an quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương  (10/12/2018)
Tránh tạo khoảng trống pháp lý trong công tác quy hoạch  (10/12/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Tư pháp Lào  (10/12/2018)
Hoàn thiện quy định của pháp luật về bắt giữ tàu biển  (10/12/2018)
Khai mạc Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (10/12/2018)
Hình thành thế hệ sinh viên mới có khí phách và quyết tâm hành động  (10/12/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển