Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 12 đến 18-11-2018
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: Không ban hành thủ tục hành chính không cần thiết làm nặng gánh cho doanh nghiệp
Chiều 17-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã làm việc với Bộ Y tế, về triển khai các nhiệm vụ sau Hội nghị thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết tháng 11-2018, Bộ Y tế đã chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia với việc kết nối 7/23 thủ tục hành chính (1 ở lĩnh vực thiết bị y tế và 6 thủ tục ở dược). Tiếp đó, tháng 12-2018, Bộ Y tế sẽ hoàn thành kết nối 10 thủ tục hành chính. 6 thủ tục hành chính còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 01-2019. Bộ Y tế cũng đã cắt giảm 1.363/1.871 điều kiện đầu tư, kinh doanh (đạt 72,85%) và 169/234 thủ tục hành chính (đạt 72,22%).
Cũng theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, bên cạnh đó, năm 2018, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính ban hành 4 Thông tư số danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu gắn mã HS ở các lĩnh vực: Thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm; Hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn và trang thiết bị y tế. Bộ cũng ban hành danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc dùng cho người và mỹ phẩm xuất khẩu, nhập khẩu đã xác định mã số hàng hóa, gồm 10 danh mục với hơn 3.000 ngành hàng, gồm tất cả các loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá Bộ Y tế là một trong những cơ quan tích cực thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, điều hành hiệu quả việc quản lý giá vật tư y tế, dịch vụ khám chữa bệnh, góp phần giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ Y tế cũng là một trong các bộ tiên phong đã cắt giảm 72,85% các điều kiện kinh doanh, so với mục tiêu cắt giảm 50% được Chính phủ giao.
Phó Thủ tướng cho biết nhất trí với các đề xuất của Bộ Y tế và yêu cầu Bộ Y tế làm việc với các bộ, ngành liên quan để có sự thống nhất và báo cáo Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục quán triệt chủ trương của Chính phủ để giảm bớt thủ tục, tránh cắt thủ tục này lại “cài cắm” thêm những thủ tục kinh doanh ở những văn bản khác; không ban hành thủ tục hành chính không cần thiết, không phục vụ cho mục tiêu quản lý nhà nước và làm nặng gánh cho doanh nghiệp, đẩy mạnh hậu kiểm thay vì tiền kiểm.
Cả nước tinh giản được hơn 40.000 biên chế
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 39/NQ-TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cả nước đã tinh giản được hơn 40.000 biên chế. Đây là thông tin tại Diễn đàn “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết 39/NQ-TW” do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 15-11, tại Hà Nội.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 400.000 công chức và khoảng 2.000.000 viên chức. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 39/NQ-TW của Bộ Chính trị đến hết tháng 9-2018, cả nước đã tinh giản được hơn 40.000 người. Tuy nhiên, hệ thống "cồng kềnh" biên chế công vụ Việt Nam vẫn đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, với 4,8% công chức trên tổng dân số. Điểm đặc biệt, mặc dù lương thấp nhưng tổng chi lương của Việt Nam đến năm 2020 có thể lên hơn 11% GDP, cao hơn hẳn tỷ lệ hiện nay của các nước có thu nhập cao.
Giải thích về hệ thống biên chế công vụ "cồng kềnh", kém hiệu quả, ông Đặng Ngọc Dinh, Trung tâm Nghiên cứu phát triển Hỗ trợ cộng đồng chia sẻ: Nguyên nhân chính là do rào cản trong văn bản pháp luật, trong đó việc quy định cứng về tổ chức, biên chế trong các văn bản luật chuyên ngành không thuộc hệ thống văn bản pháp luật về tổ chức nhà nước, làm tăng tổ chức bộ máy, tăng biên chế; cơ chế “xin-cho” nặng nề, tệ nạn tham nhũng còn nhiều; hệ thống khổng lồ các tổ chức đoàn thể chính trị hưởng lương; xã hội ít khích lệ kinh doanh... gây khó khăn cho các cấp hướng dẫn, phân cấp, tổ chức thực hiện và vướng mắc trong quá trình sắp xếp, kiện toàn các tổ chức, tinh giản biên chế theo yêu cầu cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, nguyên nhân chủ quan là do người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương chưa làm hết thẩm quyền và trách nhiệm, còn có biểu hiện ngại va chạm, nể nang, thiếu nhất quán trong chỉ đạo tổ chức thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế. Hiện tượng “chạy chọt” để không phải vào diện tinh giản biên chế vẫn còn tồn tại gây ra tệ nạn tham nhũng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương. Ngoài ra, các quy định trong các luật khác nhau như: Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Khiếu nại, tố cáo... chưa đồng bộ khiến cho việc thực hiện các luật còn trùng lặp, chồng chéo. Vì vậy, muốn tinh giản được biên chế, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện tinh giản biên chế, tiến hành tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, phân loại công chức, viên chức hàng năm; xây dựng cơ chế giám sát cụ thể... nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân.
Hưng Yên cần thực hiện đúng quy định về quản lý biên chế, bổ nhiệm công chức
Theo Kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Hưng Yên đã xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế của tỉnh giai đoạn 2015 - 2021, dự kiến tinh giản biên chế công chức đến năm 2021 là 208 người/1.894 biên chế công chức, đạt 10,98%; năm 2016 và 2017 đã tinh giản được 69 biên chế công chức. Tuy nhiên, HĐND và UBND tỉnh Hưng Yên giao 30 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp cho Thanh tra Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải từ những năm sau tái lập tỉnh để làm công tác thanh tra là không đúng quy định; có đơn vị sử dụng lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ- CP để làm công việc văn thư, đánh máy, thủ quỹ.
Năm 2015, UBND tỉnh Hưng Yên đã tổ chức kỳ thi tuyển công chức để tuyển dụng 234 công chức vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức hành chính cấp huyện trở lên. Nhìn chung, việc thi tuyển công chức được thực hiện theo quy định nhưng UBND tỉnh phê duyệt yêu cầu tuyển dụng chuyên ngành đào tạo chưa phù hợp đối với một số vị trí việc làm của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; yêu cầu điều kiện đăng ký dự tuyển công chức loại hình đào tạo chính quy là không đúng quy định; việc Sở Nội vụ ban hành thông báo tuyển dụng công chức không đúng thẩm quyền.
Qua kiểm tra 28 hồ sơ được tiếp nhận không qua thi tuyển cho thấy, trước khi tổ chức sát hạch, Hội đồng kiểm tra, sát hạch không báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định về hình thức và nội dung sát hạch; trong số những trường hợp được tiếp nhận, có 9 trường hợp đã được bổ nhiệm vào ngạch công chức nhưng trong hồ sơ còn thiếu chứng chỉ quản lý nhà nước, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Kiểm tra việc xét tuyển viên chức tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (năm 2015, 2017); Sở Y tế (năm 2017); Sở Kế hoạch và Đầu tư (năm 2017); UBND huyện Văn Lâm (năm 2017); UBND huyện Khoái Châu (năm 2017) và kiểm tra việc tổ chức xét tuyển đặc cách viên chức đối với 10 trường hợp của 6 cơ quan, tổ chức hành chính (các Sở Công Thương, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Văn phòng UBND tỉnh, UBND huyện Kim Động), Đoàn thanh tra nhận thấy trong quá trình thực hiện, có cơ quan, tổ chức hành chính xây dựng và phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức tại thời điểm tuyển dụng vượt số còn thiếu so với chỉ tiêu biên chế được giao; một số cơ quan quy định điều kiện thí sinh đăng ký dự tuyển loại hình đào tạo chính quy và có hộ khẩu thường trú ở tỉnh Hưng Yên là chưa phù hợp quy định...
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra còn 2 phòng chuyên môn của UBND cấp huyện có số lượng cấp phó mỗi phòng vượt 1 người. Qua kiểm tra 551 hồ sơ bổ nhiệm, trong đó 89 hồ sơ thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, 462 hồ sơ thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, tổ chức hành chính, có 2 công chức khi được bổ nhiệm lần đầu không đủ thời gian giữ chức vụ 5 năm; 27 công chức còn thiếu một hoặc một số điều kiện tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học. Thời điểm xem xét bổ nhiệm lại và thời điểm ban hành quyết định bổ nhiệm lại đối với một số trường hợp còn chậm.
Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên thực hiện và chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý biên chế công chức; tuyển dụng công chức, viên chức; xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên; nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đối với công chức; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; số luợng cấp phó và quản lý hồ sơ công chức.
Bắc Kạn: Đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị
Cùng với các địa phương trong cả nước, Bắc Kạn đang thực hiện quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế.
Nghị quyết số 13/2018, ngày 17-7-2018 của HĐND Bắc Kạn đã quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Đây là bước đi đột phá của tỉnh Bắc Kạn trong tinh gọn bộ máy ở cơ sở. Theo Nghị quyết này, số lượng chức danh ở mỗi thôn, tổ dân phố, tổ nhân dân, tiểu khu giảm từ 14 người xuống còn từ 3 đến 5 người, nhưng sẽ kiêm nhiệm nhiều chức danh khác nhau. Cấp xã, từ 17 đến 19 chức danh không chuyên trách như hiện nay sẽ giảm xuống còn không quá 8 chức danh.
Không chỉ ở cơ sở, thời gian qua các phòng, ban cấp huyện, cấp tỉnh, sự cồng kềnh cũng không kém. Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 91, ngày 31-01-2018, nêu rõ nhiều nội dung, nhiệm vụ tỉnh sẽ thực hiện, trong đó có việc sáp nhập một số cơ quan, đơn vị, sở ngành. Hiện nay, thành phố Bắc Kạn và các huyện đã giải thể Phòng Y tế và Phòng Dân tộc, chuyển chức năng của hai phòng này về Văn phòng HĐND và UBND quản lý; sáp nhập Trung tâm Văn hóa - Thể thao với Đài Truyền thanh - Truyền hình thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn là một trong những đơn vị được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 trung tâm trực thuộc, đó là Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Phòng - Chống bệnh xã hội, Trung tâm Phòng - Chống HIV/AIDS và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe. Sau khi sáp nhập, hoạt động của đơn vị này được vận hành linh hoạt hơn.
Đối với khối các cơ quan Đảng, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn kết thúc hoạt động kể từ ngày 01-10-2018. Theo đó, 31 tổ chức cơ sở đảng và 755 đảng viên thuộc Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh được chuyển giao về các đơn vị khác. Cụ thể, 14 tổ chức cơ sở Đảng và 464 đảng viên về trực thuộc Đảng ủy Các cơ quan tỉnh; 16 tổ chức cơ sở đảng và 267 đảng viên về trực thuộc Thành ủy Bắc Kạn; một tổ chức cơ sở đảng và 10 đảng viên về trực thuộc Huyện ủy Chợ Mới.
Tỉnh Bắc Kạn còn có chủ trương sáp nhập các sở gồm: Sáp nhập Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư; sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải.
Đến nay, 16/21 sở, ban, ngành đã thực hiện xong việc thành lập, sáp nhập, giải thể các phòng chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, UBND cấp huyện theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Đối với các đơn vị hành chính nhà nước, các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc sở, ban, ngành và tương đương cấp tỉnh giảm từ 135 phòng xuống còn 101 phòng. Các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc chi cục, ban trực thuộc sở, ban ngành và tương đương cấp tỉnh giảm từ 60 phòng xuống còn 39 phòng. Các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, giảm từ 9 xuống còn 7 đơn vị, số phòng giảm từ 41 phòng xuống còn 31 phòng. Đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ban, ngành giảm từ 104 đơn vị xuống còn 94 đơn vị, số phòng giảm từ 248 phòng xuống còn 192 phòng. Các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện giảm từ 348 xuống còn 326 đơn vị... Số đơn vị sự nghiệp thuộc đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh giảm từ 3 xuống còn 2 đơn vị. Số phòng ban thuộc các tổ chức Hội cấp tỉnh giảm từ 8 phòng xuống còn 4 phòng, ban.
Từ ngày 01-01-2019, Bắc Kạn cùng với 9 tỉnh khác sẽ thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND với tên gọi chung là Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND.
Thực tế cho thấy, việc đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đang nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân và đa số cán bộ, đảng viên. Sự thống nhất về nhận thức chính là cơ sở, nền tảng vững chắc để cả hệ thống chính trị của tỉnh Bắc Kạn hành động.
Phú Yên đẩy mạnh ứng dụng thông tin trong cải cách hành chính
Ngày 15-11, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ do ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thành viên Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên về tình hình thực hiện cải cách hành chính trong năm 2018.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên Võ Đức Thơ cho biết, đến tháng 10-2018, tỉnh đã hoàn thành 66/75 nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch, chiếm tỷ lệ 88%; đáng chú ý là việc tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động cải cách hành chính. Cụ thể như, Trục liên thông văn bản (tại địa chỉ http://truclienthong.phuyen.gov.vn) hoạt động tương đối ổn định. Hiện nay, việc kết nối liên thông qua Trục đã đảm bảo đến 4 cấp (riêng cấp xã dùng chung với cấp huyện, xem như 1 đơn vị trực thuộc). Tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi trên mạng đạt tỷ lệ bình quân 80%. Cùng với đó là Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (http://congdichvucong.phuyen.gov.vn) chính thức đưa vào sử dụng từ tháng 01-2017 và từng bước hoàn thiện. Tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh là 921 dịch vụ. Ngoài ra, việc triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 (phiên bản 2000, 2008 và 2015) được triển khai từ năm 2007. Đến nay, toàn tỉnh có 182/186 cơ quan, đơn vị xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vào hoạt động cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Mặc dù đã có bước chuyển trong cải cách hành chính nhưng số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến ở mức độ 3, 4 ở Phú Yên chủ yếu vẫn là cập nhật lại từ bộ phận một cửa để xử lý. Bên cạnh đó, việc cập nhật, sửa đổi hệ thống tài liệu ISO chưa kịp thời để đồng bộ với thủ tục hành chính.
Tại buổi làm việc, ông Bùi Thế Duy lưu ý trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách hành chính, tỉnh Phú Yên cần lưu tâm đến mức độ ứng dụng của người dân. Các phần mềm ứng dụng cần đồng bộ hóa để nâng cao hiệu quả và thuận lợi trong sử dụng. Vấn đề liên thông một cửa giữa các cơ quan nhất là ở những đơn vị liên quan đến thủ tục đầu tư như Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng… phải có sự gắn kết./.
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 12 đến 18-11-2018)  (19/11/2018)
Biểu quyết 5 Luật và thảo luận dự án Luật Thi hành án hình sự sửa đổi  (19/11/2018)
Những tấm gương nặng lòng với con chữ cho trẻ ở vùng khó khăn  (19/11/2018)
Xây dựng mẫu hình người nông dân thế hệ mới trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới  (19/11/2018)
Việt Nam tích cực và trách nhiệm cao, vun đắp liên kết kinh tế khu vực  (19/11/2018)
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Thanh Hóa, Hà Tĩnh  (18/11/2018)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên