Mỹ - Anh củng cố mối quan hệ đặc biệt

BTV/TTXVN
22:45, ngày 17-07-2018

TCCSĐT - Tổng thống Mỹ D. Trump đã khép lại chuyến thăm đầu tiên của ông tới Anh trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng từ ngày 13 đến ngày 15-7-2018. Đây là một chuyến thăm gây nhiều tranh cãi liên quan đến những tuyên bố của ông D. Trump về việc Anh rời Liên minh châu Âu EU (EU) hay còn được gọi là Brexit.

Nhất trí với chiến lược Brexit

Chương trình nghị sự của cuộc hội đàm giữa Tổng thống D. Trump và Thủ tướng Anh T. May bao gồm các vấn đề về mối quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ, thỏa thuận thương mại tự do Mỹ - Anh sau Brexit, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), quan hệ với Nga, vấn đề Triều Tiên và Iran, tình hình Trung Đông.

Tại cuộc hội đàm ở Chequers, dinh thự của Thủ tướng T. May ở Buckinghamshire, Thủ tướng T. May và Tổng thống D. Trump đã khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Anh - Mỹ, đồng thời nhất trí theo đuổi một thỏa thuận thương mại “tham vọng” sau Brexit.

Thủ tướng T. May khẳng định mối quan hệ Anh - Mỹ là “không thể thiếu vì sự tự do, công bằng và hòa bình”. Theo bà T. May, Anh và Mỹ đã từng “vai kề vai” trong quá khứ và hai bên sẽ tiếp tục sát cánh trong những thỏa thuận thương mại tương lai. Hai bên đã nhất trí sẽ theo đuổi một thỏa thuận thương mại tự do song phương mang lại lợi ích cho nền kinh tế hai nước khi Anh rời EU. Thủ tướng T. May cũng cho biết, Anh đang hướng tới những thỏa thuận thương mại sau Brexit với một số khu vực khác, trong đó có khu vực Thái Bình Dương.

Về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Thủ tướng T. May nhấn mạnh, “đây là trách nhiệm của chúng tôi để bảo đảm sự tồn tại của cộng đồng xuyên Đại Tây Dương”, bởi điều này là cơ sở bảo vệ cho những lợi ích và giá trị của các thế hệ. Bà bày tỏ tin tưởng mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương sẽ tiếp tục là nền tảng vững chắc cho nền an ninh và sự thịnh vượng của cả hai bên trong những năm tới.

Về phần mình, Tổng thống D. Trump cho biết ông nhất trí với chiến lược Brexit của Thủ tướng T. May, ủng hộ bất kỳ đường hướng nào mà Thủ tướng Anh lựa chọn cho quan hệ tương lai giữa Anh và EU, đồng thời hy vọng hai nước có thể đạt được thỏa thuận tự do thương mại song phương. Ông cho rằng, Thủ tướng T. May đang làm việc rất tốt, đồng thời gửi lời cảm ơn đến nhà lãnh đạo Anh khi theo đuổi một thỏa thuận thương mại công bằng và tương xứng với Mỹ. Tổng thống D. Trump khẳng định một thỏa thuận thương mại giữa Anh và Mỹ sau Brexit là “hoàn toàn có thể”.

Đối với NATO, Tổng thống D. Trump nhấn mạnh Washington đã giúp khối liên minh này có được tinh thần và sự đoàn kết tốt nhất từ trước đến nay. Theo ông D. Trump, Washington đã chi trả 90% chi phí hoạt động của NATO, song khoản đóng góp này lại hỗ trợ cho châu Âu nhiều hơn Mỹ. Tuy nhiên, ông D. Trump khẳng định, NATO vẫn là một liên minh có tính thống nhất rất cao. Về vấn đề Triều Tiên và Iran, Tổng thống D. Trump cho biết đã cùng Thủ tướng T. May thảo luận về việc ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí quan điểm Iran không bao giờ được sở hữu vũ khí hạt nhân.

Mối quan hệ đặc biệt

Có thể khẳng định, Thủ tướng Anh T. May là người chờ đợi chuyến thăm lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ D. Trump tới “xứ sở sương mù”, bởi chính phủ của bà đang muốn thuyết phục người dân tin rằng, sau khi rời EU, nước Anh vẫn có mối “quan hệ đặc biệt” với đồng minh số một Mỹ.

Sự kỳ vọng của Thủ tướng T. May vào mối quan hệ đặc biệt giữa Anh và Mỹ được thể hiện rõ nét qua việc bà là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Mỹ sau khi ông D. Trump trở thành Tổng thống hồi tháng 01-2017. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu khi đặt trong bối cảnh Anh đã quyết định rời khỏi EU. Hơn bao giờ hết, Anh cần Mỹ cho một mối quan hệ hậu Brexit, cũng giống như việc Anh vẫn luôn cần mối quan hệ đặc biệt với Mỹ để duy trì vị thế của một cường quốc thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.

Trên thực tế, mối quan hệ đặc biệt Anh - Mỹ không chỉ dựa trên quan hệ về chính trị và kinh tế mà còn đan xen lợi ích trong tất cả các lĩnh vực. Trong một thế kỷ qua, hợp tác giữa Mỹ và Anh về an ninh, tình báo cũng như quốc phòng là một sự hợp tác bền chặt. Về kinh tế, kim ngạch thương mại song phương đạt con số 160 tỷ bảng mỗi năm (khoảng 210 tỷ USD). Anh và Mỹ cũng là nhà đầu tư lớn nhất của nhau. Trong khi đó, về giáo dục, theo thống kê hằng năm có tới 17.000 sinh viên Mỹ sang học tập tại các trường đại học của Anh. Riêng trong năm 2017 đã có 3,5 triệu du khách Mỹ tới “Xứ sở sương mù”. Mặc dù thời gian qua giữa Anh và Mỹ đã có những bất đồng quan điểm về việc Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hay Anh “thất vọng” trước việc Mỹ áp mức thuế nhập khẩu mới đối với nhôm và thép, song mối quan hệ đặc biệt giữa hai bên luôn giúp hóa giải mọi vấn đề.

Kỳ vọng nhiều, song trên thực tế không nhiều ý kiến lạc quan về chuyến thăm của Tổng thống D. Trump sẽ đáp ứng được những mong muốn của Thủ tướng T. May, khi chuyến thăm đã tiềm ẩn những điều bất lợi. Trả lời phỏng vấn độc quyền của tờ The Sun (Anh) ngày 12-7 trước thềm chuyến thăm Anh 4 ngày ngay sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại thủ đô Brussels (Bỉ), Tổng thống D. Trump cho rằng, Anh có thể sẽ không đạt được thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ nếu vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch Brexit “mềm” như hiện nay. Tổng thống D. Trump - người luôn ủng hộ Brexit “cứng” - cho rằng, kế hoạch Brexit “mềm” của Thủ tướng T. May có thể sẽ “giết chết thỏa thuận thương mại tự do Anh - Mỹ” vì điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải đàm phán với EU thay vì đàm phán trực tiếp với Anh. Tổng thống Mỹ cũng cho rằng, nội dung của Sách trắng do Chính phủ Anh công bố ngày 12-7 về tương lai quan hệ hậu Brexit với EU “là một thỏa thuận khác xa những gì người dân Anh đã bỏ phiếu lựa chọn”.

Bên cạnh đó, xét một cách khách quan, chuyến thăm của Tổng thống D. Trump diễn ra vào thời khắc khó khăn của nước Anh. Cụ thể là chính trường Anh, thậm chí ngay trong chính đảng Bảo thủ đã tiếp tục bộc lộ chia rẽ về Brexit, với việc nhiều quan chức chính phủ từ chức, trong đó gây xáo trộn nhiều nhất là sự từ chức của Ngoại trưởng Anh B. Johnson và Bộ trưởng Brexit, D. Davis chỉ vài ngày sau khi Nội các Anh thông qua kế hoạch Brexit. Hai quan chức trên lo ngại rằng, kế hoạch này sẽ càng gắn chặt Anh hơn vào mối quan hệ với EU và khiến Anh khó khăn hơn trong việc đạt được các thỏa thuận thương mại với các nước khác như Mỹ.

Chính vì vậy, những tuyên bố “gây sốc” của Tổng thống D. Trump đã khiến dư luận không khỏi hoài nghi hiệu quả của những nỗ lực mà Thủ tướng Anh đang theo đuổi nhằm bảo đảm một thỏa thuận thương mại tự do đầy tham vọng giữa Anh và Mỹ sau khi Anh đã rời khỏi EU.

Mặc dù được đánh giá là chuyến thăm gây nhiều tranh cãi, nhưng với việc Tổng thống D. Trump tuyên bố ủng hộ chiến lược Brexit của Thủ tướng T. May, đồng thời khẳng định một thỏa thuận thương mại giữa Anh và Mỹ sau Brexit là “hoàn toàn có thể”, ít nhiều nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã giúp Thủ tướng Anh có được cam kết về việc củng cố mối quan hệ đặc biệt và triển vọng về một thỏa thuận thương mại song phương thời hậu Brexit./.