Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 14 đến ngày 20-5-2018

Hồng Ngọc tổng hợp
21:14, ngày 21-05-2018
TCCSĐT - Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; sửa đổi Quy chế theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Bộ Nội vụ công bố quyết định bổ nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý cấp Vụ qua thi tuyển; Hậu Giang tổ chức khai trương, đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công; Thuận An, tỉnh Bình Dương: Tinh gọn bộ máy, chọn người tài không chọn người thân; là những tin nổi bật tuần qua.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Mục tiêu của Nghị quyết là tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới: trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Cụ thể, khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc; giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc.

Hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh. Kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư. Giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành. Chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm. Xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan. Giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%.

Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đến hết 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP, hoàn thành trước 31-5-2018, trong đó xác định cụ thể mục tiêu, các nhiệm vụ phải thực hiện, các văn bản pháp luật phải bổ sung, sửa đổi, thời hạn hoàn thành và đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm, cách thức giám sát, đánh giá.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP, hoàn thành trước ngày 31-5-2018, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện các chỉ số khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, tiếp cận điện năng, đăng ký sở hữu, sử dụng tài sản, nộp thuế, bảo hiểm xã hội theo thông lệ quốc tế.

Thắt chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường liêm chính, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công vụ. Chỉ đạo cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trực thuộc thay đổi thái độ làm việc phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Kịp thời phát hiện, thay thế cán bộ, công chức chần chừ trong công cải cách thủ tục hành chính, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, hoặc có hành vi lạm dụng thẩm quyền, vị trí việc làm để tư lợi riêng.

Tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến; Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp,... chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ quản lý nhà nước. Thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, thuê ngoài đối với các dịch vụ liên quan đến thanh toán, chi trả. Đào tạo nhân lực công nghệ thông tin.

Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đồng bộ, tránh chồng chéo, gây ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra doanh nghiệp. Đảm bảo quyền bình đẳng của doanh nghiệp trước pháp luật.

Sửa đổi Quy chế theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 23/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao ban hành kèm theo Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ngày 27-7-2014.

Quyết định số 23/2018/QĐ-TTg giải thích rõ nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bao gồm: Soạn thảo và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, phê duyệt hoặc ban hành, phê duyệt theo thẩm quyền các đề án, báo cáo, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính; những nhiệm vụ cụ thể khác được giao thực hiện trong các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (không bao gồm những nhiệm vụ thực hiện thường xuyên theo chức năng của các bộ, cơ quan, địa phương).

Nhiệm vụ giao trong văn bản quy phạm pháp luật gồm: Nghị định của Chính phủ, Quyết định quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định mới quy định rõ nội dung thông tin phải cập nhật. Đối với văn bản giao nhiệm vụ không phải là văn bản mật, ngoài cập nhật lên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi và công khai trên mạng dùng riêng của Chính phủ tên văn bản; cơ quan, đơn vị trình ban hành văn bản; cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ; nội dung nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; thời hạn thực hiện nhiệm vụ thì còn phải cập nhật tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao (đã thực hiện, đang thực hiện, chưa thực hiện trong hạn hoặc quá hạn; chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ giao so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).

Ngoài ra, Quyết định số 23/2018/QĐ-TTg cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm và quy trình cập nhật thông tin; thời hạn cập nhật thông tin trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi; nhiệm vụ, quyền hạn theo dõi, đôn đốc; nhiệm vụ, quyền hạn kiểm tra; trách nhiệm của các cơ quan liên quan....

Trong đó, Quyết định nêu rõ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương và báo cáo kết quả kiểm tra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng.

Bộ Nội vụ công bố quyết định bổ nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý cấp Vụ và tương đương năm 2018

Sau hai ngày tổ chức thi, chiều 16-5, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức công bố Quyết định bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý cấp Vụ và tương đương năm 2018 cho 4 chức danh là: Phó Chánh văn phòng; Phó Chánh thanh tra Bộ; Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương; Phó viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trao Quyết định bổ nhiệm: Ông Nguyễn Văn Thủy, Trưởng phòng Tổng hợp, Thư ký Bộ trưởng giữ chức Phó chánh Văn phòng Bộ; ông Trần Ngọc Huy, Trưởng Phòng Thanh tra Nội vụ Khối địa phương giữ chức Phó Chánh Thanh tra Bộ; ông Nguyễn Hữu Thành, Chuyên viên chính Vụ Chính quyền địa phương giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương; Bà Nguyễn Thị Huyền Hạnh, Trưởng phòng Nghiên cứu Tổng hợp, giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước.

Việc thi tuyển chức danh quản lý cấp vụ và tương đương năm 2018 có quá trình chuẩn bị công phu, chu đáo, nhiều cải tiến, đảm bảo công khai minh bạch, lựa chọn chính xác. Đạt được kết quả này là công sức của ứng viên đã miệt mài nghiên cứu trong các đề án, trong đó có những ý tưởng rất độc đáo, thoát ra những quy định hiện hành và có tầm nhìn tương lai lâu dài. Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, việc tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo quản lý là việc làm hoàn toàn đúng và phù hợp trong tình hình hiện nay. Lợi ích thiết thực của đợt thi tuyển là giải quyết được nhiều vấn đề, tránh cục bộ trong từng vụ, từng cơ quan đơn vị. Có thi điều kiện như nhau thì cơ hội ngang nhau và khắc phục tình trạng “chạy chức chạy quyền”, “bổ nhiệm thân quen”. Cuối năm 2018, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức sơ kết, rút ra bài học kinh nghiệm, có cách làm mới gọn hơn, hiện đại hơn, minh bạch hơn và phổ biến phạm vi cả nước.

Các cá nhân được nhận Quyết định bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo trên bày tỏ vinh dự khi được Hội đồng thi tuyển của Bộ Nội vụ công tâm, lựa chọn. Cho rằng, kỳ thi rất có ý nghĩa trong công tác tuyển chọn cán bộ, các tân lãnh đạo quản lý cấp Vụ và tương đương khẳng định sẽ nỗ lực hết mình, cống hiến trí tuệ và sức lực để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trong tương lai.

Xây dựng nền hành chính công hiện đại, thân thiện

Ngày 18-5, tỉnh Hậu Giang tổ chức khai trương, đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công của tỉnh tại số 09, đường Điện Biên Phủ, khu vực 4, Phường 5, thành phố Vị Thanh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu cho biết, việc đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công của tỉnh góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới. Theo đó, Trung tâm Hành chính công tỉnh Hậu Giang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết thủ tục hành chính; lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi đến làm việc để làm thước đó đánh giá hiệu quả hoạt động của Trung tâm.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tăng cường công tác giám sát, phản biện, góp ý, tuyên truyền về công tác cải cách hành chính của tỉnh nói chung và hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh nói riêng, nhằm góp phần giúp tỉnh thực hiện tốt công tác này. Kết quả hoạt động của Trung tâm là một gợi ý mới và là kinh nghiệm để tỉnh nghiên cứu, thành lập Trung tâm Hành chính công tại một số địa phương, nhất là ở cấp huyện.

Cũng theo ông Lê Tiến Châu, công tác cải cách hành chính của Hậu Giang thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện qua Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2017 xếp hạng 41/63 tỉnh, thành trên cả nước, tăng 22 bậc so với năm 2016; trong đó, công tác kiểm soát thủ tục hành chính và việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tăng 24 bậc, từ hạng 63 lên hạng 39. Các chỉ số khác như: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đều có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Trung tâm Hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động sẽ đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong công tác cải cách hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và nhất là doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh khi đến tìm hiểu, thực hiện thủ tục đầu tư vào Hậu Giang, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trung tâm Hành chính công tỉnh Hậu Giang là đơn vị sự nghiệp thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thực hiện việc công khai, hướng dẫn thủ tục hành chính; đôn đốc, theo dõi việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết hồ sơ và trả kết quả cho cá nhân tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên tất cả các lĩnh vực. Hiện Trung tâm có 2 phòng chuyên môn và 4 phòng giải quyết thủ tục hành chính là nơi làm việc, tiếp công dân của công chức các sở, ngành được biệt phái đến đây.

Tinh gọn bộ máy, chọn người tài không chọn người thân

Đồng chí Đỗ Thành Tâm, Bí thư Thị ủy Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết: Ban Thường vụ Thị ủy Thuận An đã xây dựng kế hoạch số 47-KH/TU ngày 28-02-2018 thực hiện tinh giản tổ chức bộ máy phù hợp với tình hình của địa phương và đã triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ.

Trước mắt, trong tháng 5-2018, Thuận An sẽ thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh như Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy kiêm Trưởng phòng Nội vụ thị xã, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thị ủy kiêm Chánh Thanh tra thị xã. Từ năm 2018- 2021, Thuận An sẽ thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh như Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thị xã. Trưởng Ban Dân vận Thị ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thị xã. Phó Trưởng phòng Văn hóa - thông tin kiêm Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao. Giảm 1 chức danh Phó chủ tịch HĐND thị xã, số lượng cấp phó của các cơ quan thuộc khối Đảng, đoàn thể, UBND thị xã phù hợp đặc điểm từng cơ quan trong quá trình thực hiện. Thí điểm sáp nhập Văn phòng Thị ủy với Văn phòng HĐND - UBND thị xã. Trung tâm phát triển Quỹ đất về Ban quản lý dự án- đầu tư xây dựng thị xã. Trạm chăn nuôi thú y, Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, Trạm khuyến nông thành một Trung tâm trực thuộc thị xã. Thực hiện Văn phòng chung đối với Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể Thị xã (trừ Liên đoàn Lao động).

Ngoài ra, Thuận An còn xây dựng kế hoạch, đề án thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 19 - NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thị xã. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, xây dựng chính quyền điện tử; cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở thị xã, xã - phường bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.

Đối với cấp xã phường, từ 2018-2020, Thuận An thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy, đồng thời là Chủ tịch HĐND. Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở những nơi có đủ điều kiện. Triển khai thực hiện mô hình bí thư hoặc Phó Bí thư chi bộ, đồng thời là trưởng ấp, khu phố. Thuận An xây dựng, thực hiện kế hoạch khắc phục tình trạng trưởng, phó ấp, trưởng khu phố chưa là đảng viên. Thực hiện nghiêm, nhất quán việc khoán kinh phí chi phụ cấp theo định mức cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ấp, khu phố.

Bí thư Thị ủy Thuận An Đỗ Thành Tâm nói: Trong thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biến chế phải công tâm, khách quan, đoàn kết. Thuận An lựa chọn cán bộ công chức phải có năng lực, trách nhiệm, đảm đương được nhiệm vụ đảng, nhà nước và nhân dân giao phó. Thị ủy Thuận An chọn người tài ở lại làm việc, kiên quyết không giữ lại người thân, người quen. Điều đầu tiên là phải chọn tiêu chí sắp xếp cán bộ làm sao cho phù hợp. Trước tiên lãnh đạo phải xác định công tác tinh giảm biên chế là phải hết sức công tâm, khách quan chọn những người tài là những người có năng lực trình độ để chúng ta bố trí công việc còn lại. Để đánh giá được cán bộ thì Thị ủy rà soát lại hiệu quả công tác hằng năm,trong đó đặc biệt là năm 2017 làm cơ sở đánh giá năng lực cán bộ./.