Thực hiện khảo sát trong hoạt động của Hội đồng Nhân dân

Ngô Quyền Phó trưởng Ban Dân tộc, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai
13:26, ngày 10-04-2018

TCCSĐT - Khảo sát là một hoạt động nằm trong nội dung giám sát của Hội đồng Nhân dân. Đây là hoạt động thường xuyên mang tính thực tiễn. Thông qua khảo sát, Thường trực, các ban, tổ và đại biểu Hội đồng Nhân dân nắm được kết quả thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực thi các nghị quyết Hội đồng Nhân dân trên địa bàn.

Qua đó, phát hiện những điểm chưa phù hợp, hạn chế của các chính sách của Trung ương được áp dụng tại địa phương, những điểm còn hạn chế của Nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành khi thực hiện trong thực tế, do vậy, để thực hiện khảo sát một cách có hiệu quả cần phải có một quy trình chặt chẽ, thống nhất.

Trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, không có giải thích khái niệm “khảo sát” và cũng không quy định mục cụ thể cho hoạt động này. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa “khảo sát” là hoạt động “xem xét một cách cụ thể, đối chiếu, để tìm hiểu”. Như vậy, hoạt động khảo sát nghiêng về việc thực hiện trên thực tế nhiều hơn là chỉ xem xét, nghiên cứu báo cáo. Như vậy, khảo sát là một hoạt động nằm trong hệ thống các hoạt động khi tiến hành giám sát. Điều này cho thấy, hoạt động giám sát có nội hàm lớn hơn khảo sát. Trong quá trình thực hiện, hoạt động khảo sát có lúc được diễn ra như một hoạt động độc lập, không nằm trong hoạt động giám sát. Vậy qua thực tiễn, khi thực hiện độc lập, hoạt động khảo sát được tiến hành theo một quy trình đầy đủ các bước: chuẩn bị, tiến hành, kết thúc, theo dõi, đôn đốc các kiến nghị sau khảo sát.

Khi tiến hành khảo sát, phải thực hiện nhiệm vụ xem xét, đối chiếu trên thực tế với đối tượng cụ thể, thời gian, địa điểm cụ thể, trong đó, báo cáo của đối tượng khảo sát, các báo cáo của cơ quan quản lý chỉ mang tính chất tham khảo. Do vậy, hoạt động khảo sát độc lập thường tiến hành đối với những vấn đề “nóng” của cuộc sống, đòi hỏi phải tiến hành ngay, để từ đó rút ra kết luận, kiến nghị và giải pháp để giải quyết sự việc. Bên cạnh đó, cũng có hoạt động khảo sát nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật trong thực tiễn để đánh giá, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Để hoạt động khảo sát có hiệu quả, cần phải đến tận nơi, “đến tận ngõ, gõ tận cửa” của cơ quan chức năng, của hiện trường thực tế liên quan đến nội dung vấn đề để tìm hiểu, đối chiếu với những thông tin đã có (cả thông tin chính thống như báo cáo, thông báo... của cơ quan nhà nước và thông tin chưa chính thống như thông tin trong dư luận...), từ đó đưa ra kết luận và có kiến nghị xác đáng.

Quy trình một cuộc khảo sát độc lập bao gồm các bước: Một là, chuẩn bị. Đây là bước nắm bắt thông tin nhằm xác định rõ nội dung, đối tượng cần giám sát. Sau khi tập hợp tương đối đầy đủ các thông tin, ban đại biểu Hội đồng Nhân dân cần báo cáo Thường trực Hội đồng Nhân dân và xin ý kiến để tiến hành khảo sát. Việc xin ý kiến giúp Thường trực cân đối các hoạt động giám sát, khảo sát của các ban, tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân, tránh chồng chéo, trùng lặp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động ở cơ sở. Sau khi được Thường trực Hội đồng Nhân dân nhất trí, các ban, tổ đại biểu tiến hành gửi văn bản thông báo khảo sát đến các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc đối tượng khảo sát (văn bản thông báo có thể là kế hoạch khảo sát, công văn thông báo,... tùy theo mức độ của nội dung cần khảo sát). Trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức lấy ý kiến của các cá nhân, đơn vị về nội dung khảo sát thông qua việc tổ chức hội nghị hoặc lấy phiếu điều tra xã hội học. Sau khi thông báo, tiến hành khảo sát trực tiếp tại đơn vị, địa phương, lắng nghe ý kiến của người dân, ý kiến của lãnh đạo cơ quan đơn vị, từ đó đưa ra kết luận và kiến nghị. Sau khi kết thúc khảo sát cần có sự theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau khảo sát của cơ quan, đơn vị, địa phương theo nội dung khảo sát.

Trong năm 2017, Ban Dân tộc Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai đã tiến hành một số cuộc khảo sát độc lập. Đoàn khảo sát đã ban hành kế hoạch khảo sát, trong đó nêu rõ mục đích yêu cầu, nội dung, thành phần đoàn khảo sát, thời gian, địa điểm... Khi tiến hành khảo sát, đoàn khảo sát của Ban Dân tộc đã đi đến từng thôn, bản cụ thể, với các hộ dân cụ thể để xem xét, đối chiếu với quy định của chính sách, qua đó có những đánh giá cụ thể. Ví dụ: Khi thực hiện khảo sát việc thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP, ngày 27-4-2015 của Chính phủ quy định mức hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số, Đoàn khảo sát đã đến các thôn của xã Nậm Mòn, thôn của xã Thải Giàng Phố (Bắc Hà), các thôn của Lao Chải, Tả Phìn... (Sa Pa) trực tiếp nghe người dân và cán bộ thôn nói về tình trạng tảo hôn, từ đó đưa ra các kiến nghị đối với tỉnh về việc bố trí kinh phí cho các huyện thực hiện chính sách này.

Đến nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ra văn bản chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số theo quy định của Nghị định 39 năm 2015. Bên cạnh đó, để bảo đảm cho việc thẩm tra chính xác các chính sách mà Hội đồng Nhân dân tỉnh sắp ban hành, Ban Dân tộc Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng đã tiến hành khảo sát thực tế một số chính sách dự thảo nghị quyết do Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành, như tiến hành khảo sát việc ra chính sách đối với nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ biên giới, hỗ trợ nhân công phát quang đường thông tầm nhìn biên giới, đường tuần tra biên giới, đường lên mốc quốc giới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020. Ban đã tham gia cùng bộ đội biên phòng tỉnh thực hiện tuần tra biên giới, để có cơ sở xác thực, vững chắc trong việc đưa ra ý kiến thẩm tra dự thảo nghị quyết. Sau khi thẩm tra, Đoàn giám sát báo cáo với Thường trực Hội đồng Nhân dân kết quả khảo sát để Thường trực có ý kiến với các cơ quan quản lý về nội dung của kết quả giám sát. Khi thực hiện xong các cuộc khảo sát, cần theo dõi sát sao việc thực hiện giải quyết các kiến nghị của đoàn khảo sát. Bởi ngoài việc khảo sát phục vụ cho thẩm tra, cần khảo sát độc lập đi vào kiểm tra, đánh giá thực tế những vấn đề có tính chất cần giải quyết ngay, do vậy, cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết cần thực hiện ngay việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm mà đoàn khảo sát đã chỉ ra và có báo cáo trở lại cho Hội đồng Nhân dân nắm bắt.

Khảo sát là một hoạt động quan trọng, qua hiệu quả của công tác khảo sát, Hội đồng Nhân dân khẳng định vai trò, trách nhiệm. Đồng thời, thông qua khảo sát, Thường trực, các ban, tổ, và đại biểu Hội đồng Nhân dân sẽ góp tiếng nói giúp cho cơ quan quản lý xử lý được những vấn đề tồn tại trong quá trình điều hành. Mặt khác, thông qua công tác khảo sát, Hội đồng Nhân dân nắm bắt những bất cập trong việc ban hành và thực hiện chính sách để kịp thời chỉnh sửa./.