Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 26-3 đến ngày 01-4-2018

Hồng Ngọc tổng hợp
20:51, ngày 02-04-2018
TCCSĐT - Triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, các tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bình Thuận, Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch và bước đầu thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị và đạt được một số kết quả.

Quảng Nam: Sắp xếp tinh gọn đầu mối các cơ quan tham mưu giúp việc

Đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Tỉnh ủy Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch số 139-KH/TU triển khai thực hiện Nghị quyết với những nhiệm vụ cụ thể như: Kiện toàn, sắp xếp tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh; sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh. Cùng với đó, tổ chức lại Văn phòng Tỉnh ủy theo hướng chuyển giao các nhiệm vụ quản lý về tài chính, tài sản, kế toán…, ở các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy về Văn phòng Tỉnh ủy, trực tiếp quản lý và phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy.

Tỉnh ủy đã ban hành quy định chặt chẽ việc thành lập tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng; sắp xếp lại các tổ chức hội, giải thể các hội hoạt động không hiệu quả; thực hiện nghiêm túc và nhất quán nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động, tự chịu trách nhiệm và tuân thủ pháp luật.

Toàn tỉnh đã tiến hành khảo sát, đánh giá về quy mô dân số, diện tích tự nhiên để xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã đảm bảo đúng tiêu chí theo quy định; rà soát tiêu chí và sắp xếp thôn, tổ dân phố, nhằm giảm đầu mối, giảm số người hoạt động không chuyên trách, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 27-4-2016 của Tỉnh ủy; mở rộng và tổ chức thực hiện mô hình Trung tâm hành chính công ở các huyện, thị xã, thành phố; cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cấp đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp; hoàn thiện đề án vị trí việc làm; kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm; giảm tỷ lệ người phục vụ trong từng cơ quan, nhất là khối văn phòng.

Ngay từ đầu năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Trung ương. Theo đó, trước tiên tỉnh thực hiện thí điểm chủ trương kiêm nhiệm chức danh: Trưởng Ban Tổ chức kiêm Trưởng Phòng Nội vụ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh thanh tra ở một số huyện, thị xã, thành phố có điều kiện; thực hiện thí điểm chủ trương Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện ở những nơi có điều kiện; thực hiện thí điểm việc hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện ở những nơi có điều kiện; đồng thời, xin ý kiến Trung ương để thực hiện hợp nhất Trung tâm Bồi dưỡng chính trị vào Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy.

Sau khi có chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương tỉnh sẽ thực hiện hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh thành một văn phòng tham mưu, giúp việc chung; rà soát, sắp xếp các cơ quan trực thuộc cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định khung của Trung ương. Tỉnh triển khai phương án giảm số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; giảm đại biểu Hội đồng nhân dân công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước; xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền quyết định và thực hiện thí điểm mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo. Phấn đấu đến hết năm 2018, Quảng Nam sẽ cơ bản hoàn thành việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Vĩnh Phúc thành công bước đầu trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế

Thực hiện Đề án 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị giai đoạn 2016 - 2021, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tích cực triển khai Đề án, bước đầu đạt được những kết quả khả quan.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, khi bắt đầu triển khai, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quán triệt sâu rộng nội dung của Đề án. Cùng với đó, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách cho cán bộ, công chức… tạo động lực mạnh mẽ trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND, quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp và một số chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách, mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Trước khi thực hiện nghị quyết này, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố toàn tỉnh có 18.700 người. Dự kiến, sau khi thực hiện Nghị quyết trên, sẽ giảm xuống chỉ còn 8.073 người. Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND về hỗ trợ công chức, viên chức và lao động hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng được đánh giá sẽ tạo sự công bằng, bình đẳng giữa cán bộ, công chức, viên chức khi có nhu cầu thôi việc tự nguyện.

Qua sắp xếp tổ chức bộ máy, hiện tỉnh đã giảm được 131 đầu mối; trong đó, các cơ quan hành chính giảm 71 đầu mối (khối Đảng và đoàn thể giảm 28 đầu mối, khối chính quyền giảm 43 đầu mối) và các đơn vị sự nghiệp giảm 60 đầu mối.

Về tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức, tính đến hết tháng 02-2018, tỉnh đã giảm được 563 biên chế. Điều đáng quan tâm là người hoạt động không chuyên trách giảm với số lượng khá lớn, đến hết tháng 02-2018, toàn tỉnh giảm gần 9.983 người.

Vĩnh Phúc đang xem xét thực hiện chế độ hội đặc thù đối với một số hội. Đồng thời, tỉnh không giao biên chế hoặc chỉ tiêu lao động hợp đồng, không hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước với nhiều hội và để các hội hoạt động theo đúng nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động... Bên cạnh đó, nhiều vấn đề trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức; những vấn đề liên quan tới chi tiêu, mua sắm tài sản công, xây mới và nâng cấp trụ sở làm việc sẽ được tỉnh xem xét thận trọng mới quyết định, để tránh lãng phí, tiêu cực.

Thái Nguyên tinh giản biên chế gắn với sử dụng hiệu quả cán bộ, công chức

Thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW của Đảng, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Đề án số 09 với mục tiêu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Theo đề án đã được ban hành, Thái Nguyên đặt mục tiêu từ nay đến năm 2021 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các tổ chức bên trong của từng tổ chức, giảm tối đa cấp trung gian, cấp phó.

Để đạt được các mục tiêu của đề án, đối với hệ thống tổ chức Đảng, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã đề ra các nhiệm vụ với lộ trình, thời gian hoàn thành cụ thể như: Bắt đầu từ đầu năm 2018 thực hiện thống nhất Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy; thực hiện Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời làm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện; cơ bản hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện ở những nơi có điều kiện. Điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm mối quan hệ của đảng ủy khối cơ quan theo hướng tinh gọn bộ máy; thực hiện tổ chức lại Đảng ủy Khối doanh nghiệp theo hướng chuyển giao các cơ sở đảng về các huyện, thành, thị ủy. Tỉnh đổi mới cơ chế hoạt động của ban bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh theo hướng chuyển về Bệnh viện phục hồi chức năng; chuyển chức năng dân tộc, tôn giáo về một cơ quan đảm nhận; cơ bản thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp...

Đối với công tác tinh giản biên chế ở khối Đảng, đoàn thể, từ năm 2018 đến năm 2021, tỉnh Thái Nguyên dự kiến tinh giản biên chế ít nhất gần 100 người, đảm bảo đến năm 2021, khối Đảng, đoàn thể tỉnh Thái Nguyên thực hiện tinh giản biên chế với mức giảm tối thiểu 10% so với tổng số biên chế được giao. Ở khối chính quyền, hàng năm giảm trung bình 2,5% ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, thời gian thực hiện định kỳ hàng năm đến năm 2021, chấm dứt các hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính. Việc tuyển dụng công chức, viên chức phải căn cứ vào số biên chế được giao sau khi trừ đi số biên chế phải giảm do thực hiện tinh giản biên chế hàng năm...

Qua thống kê mới nhất của tỉnh Thái Nguyên, hiện biên chế khối Đảng, đoàn thể toàn tỉnh là 1.037 người, trong đó cấp tỉnh là 468 biên chế, còn lại là cấp huyện và hợp đồng lao động hưởng lương ngân sách tỉnh. Số lượng lãnh đạo ở tỉnh cấp trưởng là 107 người và cấp phó là 131 người. Khối chính quyền cấp tỉnh, biên chế quản lý nhà nước có trên 1.200 biên chế công chức. Biên chế sự nghiệp văn hóa - thông tin và sự nghiệp khác là 1.227 người; biên chế sự nghiệp giáo dục - đào tạo hơn 3.100 người; biên chế sự nghiệp y tế trên 5.000 người...

Bình Thuận xây dựng kế hoạch thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 82-KH/TU ngày 30-01-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Đồng chí Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết: Theo Kế hoạch số 82-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, toàn tỉnh có 62 cơ quan, địa phương, đơn vị phải xây dựng kế hoạch để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (trong đó, có 55 đơn vị thuộc tỉnh quản lý và 7 đơn vị thuộc ngành dọc Trung ương quản lý). Tính đến ngày 16-3-2018, toàn tỉnh đã có 39/62 cơ quan, địa phương, đơn vị đã gửi kế hoạch về Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đạt tỷ lệ gần 62,9%.

Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 82-KH/TU, Tỉnh ủy yêu cầu hàng năm các đơn vị rà soát Kế hoạch tinh giản biên chế đến năm 2021 theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương, thực hiện tinh giản biên chế theo đúng mục tiêu và lộ trình, đảm bảo thực hiện mục tiêu đến năm 2021 giảm ít nhất 10% biên chế so với biên chế Trung ương giao năm 2015 theo Kế hoạch số 73-KH/TU ngày 02-11-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 17-KL/TW của Bộ Chính trị.

Tỉnh ủy Bình Thuận cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian; giải thể hoặc sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả, các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế. Vấn đề này phải thực hiện trong năm 2018 và cơ bản hoàn thành trong năm 2019.

Ninh Thuận sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị ở địa phương tinh gọn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động

Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch số 92-KH/TU để triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cho biết: Kế hoạch số 92-KH/TU xác định rõ các nhóm nhiệm vụ thực hiện thường xuyên, theo lộ trình và những nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể đối với từng cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Việc xác định rõ mốc thời gian bắt đầu, thời gian hoàn thành, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện nhằm đảm bảo việc tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp. Quan điểm của tỉnh là: Những việc có đủ điều kiện để làm ngay thì tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; những việc cần phải thực hiện theo lộ trình hoặc cần có văn bản hướng dẫn của Trung ương phải hết sức chủ động, làm tốt công tác chuẩn bị để có thể triển khai ngay khi có đủ điều kiện.

Tỉnh đã mạnh dạn, quyết liệt khi thực hiện một số nội dung mới. Cụ thể: Quy định khung về số lượng phòng chuyên môn của các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh không quá 3 phòng/cơ quan, đơn vị, địa phương như, Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra, Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện…

Những việc có đủ điều kiện cần làm sớm, làm ngay sẽ được tỉnh chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ hoàn tất một số nhiệm vụ như: Xây dựng kế hoạch thu hồi biên chế giai đoạn 2015-2021 của tỉnh, đảm bảo mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015; rà soát, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong của các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội theo hướng tinh gọn, tối đa không quá 3 phòng chuyên môn/cơ quan, đơn vị gắn với thực hiện nghiêm quy định về số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của mỗi đơn vị, phòng, ban; khuyến khích hợp nhất, sáp nhập các phòng chuyên môn có ít biên chế hoặc có nhiệm vụ tương đồng; sắp xếp tổ chức lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả.

Quy định số lượng cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể trên nguyên tắc tinh giản bộ máy, biên chế và giảm chi tiêu thường xuyên để nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành. Tỉnh cũng tiến hành thực hiện đề án tổ chức lại văn phòng cấp ủy để phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy tỉnh; thí điểm hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện ở các huyện Thuận Nam, Ninh Hải và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm; điều chuyển nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về dân tộc, y tế cấp huyện về Văn phòng HĐND và UBND huyện, thành phố. Trên cơ sở đó, kiện toàn tổ chức bộ máy cho phù hợp. Riêng Bác Ái là địa phương có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trước mắt vẫn giữ nguyên Phòng Dân tộc huyện.

Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền, cơ quan của cấp ủy và Mặt trận Tổ quốc có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp huyện, những nơi có đủ điều kiện theo hướng dẫn của Trung ương. Trước mắt, thực hiện mô hình Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện ở 7/7 huyện, thành phố; Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, các huyện Thuận Bắc, Bác Ái; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra các huyện Ninh Sơn, Thuận Nam và Bác Ái. Ngoài ra, thực hiện thí điểm mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp xã ở 4 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Nam và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.

Tỉnh cũng xây dựng đề án triển khai sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập các thôn, khu phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định. Ban hành quy định khung số lượng chức danh cán bộ, công chức cấp xã, xác định rõ vị trí việc làm, tiêu chuẩn của từng chức danh; thực hiện nghiêm túc, nhất quán việc khoán kinh phí chi phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố. Bên cạnh đó, xây dựng đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, khu phố trên phạm vi toàn tỉnh; thực hiện khoán kinh phí đối với một số hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội./.