Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 05 đến ngày 11-6-2017)

Nhân Hòa (Tổng hợp từ TTXVN, Chinhphu.vn, TCCSĐT)
23:31, ngày 12-06-2017
TCCSĐT - Hướng tới xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch của Việt Nam và khu vực; Vinh danh những tấm gương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017; Du lịch miền Trung - Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu; Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên; HĐND Thành phố Hồ Chí Minh họp bất thường về môi trường thành phố; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng làm việc tại Thái Nguyên;… là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần tạo bước phát triển thực chất cho y học cổ truyền trong thời kỳ mới

Ngày 06-6, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ kỷ niệm “60 năm y, dược cổ truyền Việt Nam đổi mới và phát triển (1957 - 2017)”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện nhiều bộ, ban, ngành, các thế hệ cán bộ đã, đang công tác trong lĩnh vực y dược cổ truyền đã đến dự lễ.

Đến dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời tri ân tới những thầy thuốc và ghi nhận thành tích đã đạt được của Cục Quản lý Y dược cổ truyền 60 năm qua. Phó Thủ tướng nêu rõ: Trải qua hàng ngàn năm lịch sử y học cổ truyền Việt Nam đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, phương pháp quý báu trong phòng bệnh, chữa bệnh bằng thuốc và không dùng thuốc, được lưu truyền, phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác, ngày càng được bổ sung để hoàn thiện hơn, khoa học hơn. Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế là bảo tồn, phát huy có hiệu quả di sản này trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Phó Thủ tướng đề nghị, bằng cơ sở khoa học, các y bác sỹ cần nghiên cứu để lý giải các giá trị của các bài thuốc y học cổ truyền của cha ông; góp phần khẳng định giá trị của thuốc y học cổ truyền đối với sức khỏe con người. Có như vậy, người dân mới tin dùng, ngày càng có thêm nhiều người trồng cây thuốc nam, làm nguyên liệu phát triển nền y học cổ truyền nước nhà. Bên cạnh đó, ngành y tế phải chú trọng nghiên cứu để kết hợp điều trị giữa đông y và tây y; cần chú trọng công tác đào tạo để các bác sỹ tây y cũng am hiểu và có thể kê đơn sử dụng các biện pháp điều trị bằng y học cổ truyền và dùng thuốc nam để phối hợp điều trị.

Phó Thủ tướng mong rằng, kế thừa 60 năm xây dựng và phát triển, trong thời kỳ mới, y học cổ truyền Việt Nam sẽ có bước phát triển thực chất; phát huy các kết quả đạt được để góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Hướng tới xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch của Việt Nam và khu vực

Tối 09-6-2017, tại Quảng trường Biển Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam diễn ra Lễ khai mạc Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI- 2017.

Tham dự Lễ khai mạc có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Quân khu 5, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đại diện các ngoại giao đoàn; các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các tỉnh, thành phố bạn, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Nam cùng đông đảo du khách và nhân dân trên địa bàn. 

Phát biểu khai mạc Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Đinh Xuân Thu nhấn mạnh, Festival lần này là sự tiếp nối thành công của các kỳ tổ chức trước do tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức. Đây cũng là dịp để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác tin cậy, đầy trách nhiệm giữa Quảng Nam, Việt Nam với UNESCO và các tổ chức quốc tế, các địa phương trong và ngoài nước về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; đẩy mạnh giao lưu, hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch với các nước trong khu vực và bạn bè quốc tế. Qua đó, giới thiệu tiềm năng du lịch, bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam và của xứ Quảng, hướng tới xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch của Việt Nam và khu vực.

Thay mặt Chính phủ, phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Quảng Nam không hẳn là nơi có những điều kiện thuận lợi nhất về phát triển du lịch, phát triển kinh tế nhưng bằng tất cả trách nhiệm và sự sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đồng sức đồng lòng, thành công trong xây dựng một hình ảnh độc đáo của địa phương trong phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung. Theo Phó Thủ tướng, mọi người hãy cùng chung sức, đồng lòng bằng những hành động thiết thực để khơi dậy những tiềm năng, bảo tồn và phát huy những di sản quý báu mà thiên nhiên đã ban tặng, mà cha ông đã trao truyền để phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế bền vững.

Vinh danh những tấm gương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017

Ngày 10-6-2017, tại Hà Nội, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tổ chức trọng thể Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017. Đây là hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm 69 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” và cũng là dịp để các điển hình tiêu biểu trong toàn quốc gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong lao động, học tập, rèn luyện và công tác.

Tới dự Lễ Tuyên dương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính.

Báo cáo tại Lễ Tuyên dương, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, 400 đại biểu, đại diện góp mặt trong Lễ Tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm nay là những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho các dân tộc Kinh, Thái, Chăm, Ê đê, Mường, Tày, Nùng với một số tôn giáo như Đạo Phật, Công giáo, Bà La Môn; những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa thi đua yêu nước đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trên mọi miền của Tổ quốc đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu, công tác, học tập, lao động, sản xuất; đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của thời kỳ mới. Họ đến từ mọi ngành nghề và trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ các gương điển hình là công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác và chiến sĩ đang ngày đêm giữ gìn an ninh trật tự bảo vệ Tổ quốc đến các điển hình vượt khó vươn lên - điển hình trong khởi nghiệp, lập nghiệp và trong hoạt động văn hóa, xã hội; các nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học tiêu biểu thuộc các địa phương và bộ, ngành.

Phát biểu tại Lễ Tuyên dương, nhắc lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất”, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng và đề nghị các tập thể, cá nhân được tuyên dương hôm nay không chủ quan, thỏa mãn mà phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng phấn đấu, không ngừng vươn lên, cống hiến nhiều hơn nữa, đạt được những thành tích cao hơn nữa, xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người mãi mãi noi theo.

Tổng Bí thư cho rằng đằng sau những gương điển hình tiên tiến, đằng sau những việc làm tốt là những tấm lòng yêu nước, yêu chế độ, trọng nghĩa tình, tương thân tương ái với đồng bào, đồng chí và đồng đội; là quyết tâm làm giàu cho mình và cho quê hương, đất nước; là ý chí vươn lên nắm lấy những hiểu biết mới về khoa học và công nghệ để lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Những cá nhân tiêu biểu được tuyên dương là những tấm gương sáng, là hạt nhân nòng cốt để góp phần làm cho phong trào thi đua ngày càng đi vào chiều sâu thực chất và đạt kết quả tốt hơn.

Du lịch miền Trung - Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu

Sáng 10-6-2017, tại Khách sạn Mường Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức Diễn đàn Du lịch miền Trung - Tây Nguyên với chủ đề: “Du lịch miền Trung - Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp thương hiệu”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự Diễn đàn có gần 200 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành trung ương; đại diện lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố miền Trung, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) và 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng), thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội; lãnh đạo một số trường đại học, cơ quan nghiên cứu, tổ chức, hiệp hội du lịch; các doanh nghiệp du lịch, hàng không, đường sắt, các nhà đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học và nhiều cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước….

Thay mặt Chính phủ, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương ở miền Trung- Tây Nguyên trong phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực và nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư tại địa phương.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để du lịch miền Trung - Tây Nguyên thực sự phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và là ngành kinh tế mũi nhọn, các cấp uỷ, chính quyền trong khu vực phải vào cuộc mạnh hơn nữa. Trước hết, phải khắc phục tính bắt chước trong phát triển du lịch, từng địa phương trong khu vực phải tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng và độc đáo. Tiếp đến, phải liên kết với các doanh nghiệp du lịch lớn trong phát triển du lịch. Sau nữa, phải phát triển du lịch cộng đồng, phát huy vai trò của nhân dân trong việc làm du lịch. Cuối cùng, phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch, nên kết hợp các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp du lịch trong đào tạo nhân lực du lịch,…

Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên

Sáng 11-6 tại Thành phố Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15-6-1957-15-6-2017) và 10 năm Ngày thành lập thành phố Hà Tĩnh.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho tỉnh Hà Tĩnh những tình cảm đặc biệt. Người luôn theo dõi từng bước đi của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh.

Ngày 15-6-1957, trong bộn bề khó khăn của đất nước, Người đã về thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh. Nói chuyện với nhân dân và cán bộ của tỉnh, Bác luôn nhắc nhở phải phát huy tinh thần đoàn kết; đẩy mạnh sản xuất, đề cao kỷ luật lao động, công tác; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; nêu cao tính chiến đấu trong các tổ chức cơ sở đảng, thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình; xây dựng thuần phong mỹ tục, giữ gìn an ninh, trật tự… Bác vừa nhắc nhở vừa mong muốn “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên’’.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng những lời dạy bảo của Bác không chỉ là sự quan tâm sâu sắc, những tình cảm hết sức quý báu mà Người dành cho Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh mà còn là kim chỉ nam cho tỉnh nhà trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá kinh tế Hà Tĩnh đã có những bước phát triển đột phá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng hoàn thiện. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá; nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp mới, nhiều dự án kinh tế trọng điểm được triển khai hiệu quả. Cải cách hành chính và môi trường đầu tư được cải thiện mạnh mẽ, thu hút được nhiều nguồn lực phục vụ phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nhiều chuyển biến tích cực. Hà Tĩnh từ một địa phương nông nghiệp lạc hậu đã trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới.

HĐND Thành phố Hồ Chí Minh họp bất thường về môi trường thành phố

Ngày 11-6, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX tổ chức kỳ họp thứ tư chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tham dự kỳ họp.

Phát biểu tại kỳ họp, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh cần thực hiện các giải pháp đồng bộ trong công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải nhằm xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân.

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Ủy ban Nhân dân Thành phố cần đẩy mạnh đúng mức công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, phù hợp từng nhóm đối tượng, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường của người dân.

Vấn đề ô nhiễm môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay bắt nguồn từ việc xả rác bừa bãi của người dân cũng như quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Vì vậy, Ủy ban Nhân dân thành phố cần tập trung các giải pháp ở từng khâu cho phù hợp nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Việc phân loại rác tại nguồn phải được triển khai rộng khắp, đồng bộ trong nhân dân; trong đó các cơ quan, đơn vị, trường học phải thực hiện tiên phong.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường đô thị, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đối với vấn đề quét dọn rác thải, Ủy ban Nhân dân thành phố đang thực hiện phân cấp cho sở, ngành và quận, huyện. Thành phố đang thí điểm phân công cho các quận 1, 3 ,5 thực hiện việc quét dọn cầu, đường ở địa phương trong vòng 1 năm để triển khai toàn diện trong thời gian tới. Thời gian qua, công tác phân loại rác tại nguồn mới chỉ được thực hiện thí điểm ở các địa phương.

Thành phố phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ thực hiện phân loại 50% lượng rác thải và sẽ có những chính sách khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tỷ lệ chôn lấp rác thải hiện nay trên địa bàn thành phố là 76%, thành phố sẽ thực hiện các giải pháp cũng như kêu gọi đầu tư công nghệ xử lý hiện đại, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ chôn lấp rác còn 60% và đến năm 2025 còn 25%.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng làm việc tại Thái Nguyên


Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27-7-1947-27-7-2017), ngày 11-6, Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng làm Trưởng đoàn đã đến đặt vòng hoa, dâng hương báo công Bác tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Phú Đình, Định Hóa.

Đặt vòng hoa và dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sỹ tại Khu di tích 27-7 - nơi công bố bức thư của Bác Hồ ghi nhận sự ra đời ngày Thương binh Liệt sỹ (27-7), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng đoàn công tác đã bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân sâu sắc đối với những công lao to lớn của các Anh hùng Liệt sỹ đã hiến trọn tuổi thanh xuân, máu xương, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Tại đây, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã trao tặng 25 triệu đồng cho Ủy ban Nhân dân huyện Đại Từ để góp phần hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho thương binh hạng nặng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã có buổi nói chuyện chuyên đề với Chi bộ Vụ Dân tộc (thuộc Đảng bộ Văn phòng Quốc hội) về những nội dung cơ bản của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tại Điềm Mặc, Định Hóa vào tháng 10-1947 với bút danh “XYZ.”

Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Trường Cao đẳng Kinh tế-Tài chính và Công nghệ Thái Nguyên. Đây là ngôi trường có bề dày thành tích và có số lượng đông đảo du học sinh các nước: Lào, Campuchia và Thái Lan đang theo học; trong đó, riêng số lưu sinh viên Lào đang học tập là trên 800 sinh viên. Nhà trường phấn đấu đến năm 2020 sẽ đào tạo khoảng 2.000 sinh viên quốc tế ở các hệ khác nhau.