Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 29-5 đến ngày 04-6-2017
Tập huấn trực tuyến về công tác tổ chức, cán bộ và quản lý công chức, viên chức
Ngày 03-6, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn về công tác tổ chức, cán bộ và quản lý công chức, viên chức. Tham dự Hội nghị gồm 500 đại biểu ở Hội trường tại Hà Nội và trên 1.000 đại biểu đại diện thường trực tỉnh ủy, thành ủy; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, lãnh đạo và chuyên viên Ban Tổ chức tỉnh ủy, Sở Nội vụ tại 72 điểm cầu trong cả nước.
Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nêu rõ, Hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng để trao đổi, giải đáp, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc và thống nhất thực hiện các nội dung về công tác tổ chức, cán bộ và quản lý công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị một cách nhất quán, tổng thể và liên thông.
Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu trao đổi, tập trung thảo luận về các nhóm nội dung chính:
Trong nhóm nội dung công tác tổ chức, cán bộ, các ý kiến cần trao đổi về những bất cập đối với tổ chức, bộ máy, biên chế trong hệ thống chính trị hiện nay và đề xuất giải pháp. Trong phân cấp quản lý cán bộ còn bộc lộ một số điểm hạn chế, bất hợp lý, giữa Trung ương và địa phương, địa phương và cơ sở còn chưa tổng thể, thống nhất và liên thông;… Những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng, thẩm định Đề án vị trí việc làm khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và giải pháp để dễ hiểu, dễ làm và đạt hiệu quả. Kết luận số 12-KL/TW ngày 22-3-2017 của Bộ Chính trị sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về công tác cán bộ còn có gì băn khoăn trong quá trình tổ chức thực hiện; công tác quy hoạch cán bộ theo Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW ngày 24-02-2017 của Ban Tổ chức Trung ương đã chặt chẽ, rõ ràng chưa và cần giải đáp hay hướng dẫn, bổ sung gì thêm.
Đối với nhóm nội dung liên quan đến công tác tuyển dụng, vị trí việc làm, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị cần thảo luận, làm rõ về tình hình và khó khăn vướng mắc trong thực hiện công tác tuyển dụng, tổ chức thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức; xây dựng vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức; đánh giá, kỷ luật, thôi việc… đối với công chức, viên chức ở các bộ, ngành, địa phương trong thời gian vừa qua; đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Nhóm nội dung tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đồng chí Phạm Minh Chính lưu ý cần nêu những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân của tình hình thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các bộ, ngành, địa phương trong thời gian vừa qua; nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới...
Trong mỗi nhóm nội dung cần tập trung thảo luận, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu chia sẻ thêm những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, những mô hình hay và những bài học kinh nghiệm của địa phương, cơ quan, đơn vị mình để nghiên cứu nhân rộng điển hình trong cả hệ thống chính trị.
Các đại biểu dự tập huấn được trao đổi, hướng dẫn một số nội dung liên quan đến công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; những nội dung chủ yếu trong các văn bản của Đảng, quy định của pháp luật và tình hình, nhiệm vụ, giải pháp về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...
Cải cách hành chính để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nội dung trọng tâm được các chuyên gia, nhà khoa học bàn luận tại hội thảo "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Dự án luật Hành chính công" do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 03-6, tại Hà Nội.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang bắt đầu bước vào một giai đoạn phát triển và hội nhập mới. Để có thể tiếp cận xu thế của công nghiệp 4.0, một trong những yêu cầu quan trọng đó là áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động hành chính, dịch vụ công của các cơ quan nhà nước; từ đó tạo môi trường kinh doanh, sản xuất thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Dự án Luật Hành chính công được xây dựng sẽ tạo hành lang pháp lý góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng chính phủ/chính quyền điện tử, đổi mới, nâng cao nhận thức của các tầng lớp cán bộ, nhân dân, góp phần làm tăng các yếu tố tích cực, giảm thiểu những yếu tố thách thức trong tiến trình Việt Nam tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như trong hội nhập quốc tế.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đa số các bộ, ngành, địa phương đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với tổng số dịch vụ công trực tuyến đạt được là 828 dịch vụ công cấp bộ, 11.409 dịch vụ công cấp tỉnh. Theo kết quả tổng hợp, tại các bộ, 45,6% số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 92,8% số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến; tương ứng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 81,67% và 22,63%.
Tại các bộ, ngành, địa phương, một số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn một số hạn chế nhất định, điển hình như số dịch vụ công trực tuyến triển khai nhưng chưa phát sinh hồ sơ trực tuyến, một số địa phương báo cáo đã cung cấp số lượng lớn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhưng chưa báo cáo số hồ sơ trực tuyến phát sinh.
Bên cạnh đó, công tác triển khai pháp luật về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử gắn kết với cải cách hành chính trong những năm qua cũng bộc lộ một số hạn chế, khó khăn nhất định. Khó khăn lớn nhất là thiếu kinh phí. Ngoài khó khăn chính về kinh phí khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, còn có một số khó khăn vướng mắc khác như người đứng đầu một số cơ quan chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, chưa gương mẫu, tham gia trực tiếp vào quá trình chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, mới chỉ quan tâm tới số lượng dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin còn thiếu sự phối hợp; các bộ, ngành, địa phương chậm xây dựng, ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử (cấp bộ), Kiến trúc Chính quyền điện tử (cấp tỉnh) theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn đến trùng lắp, không kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Một số văn bản quy phạm pháp luật cho ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước còn thiếu hoặc chưa cập nhật phù hợp với thực tiễn, tiêu biểu như quy định về quy trình, thủ tục trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước, lưu trữ hồ sơ điện tử, sử dụng chữ ký số trong văn bản điện tử, kết nối, chia sẻ dữ liệu, cơ chế quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn Nhà nước.
Ứng dụng công nghệ thông tin tại nhiều nơi chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động cải cách hành chính. Nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin tại nhiều bộ, ngành địa phương vừa thiếu, vừa hạn chế về năng lực, nhất là bộ phận chuyên trách, tham mưu, quản lý về ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo nhiều đại biểu, để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tới, thì việc tiếp tục nghiên cứu, ban hành, đề xuất ban hành các văn bản pháp luật để hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử có vai trò quan trọng, trong đó có dự án Luật Hành chính công.
Bộ Khoa học và Công nghệ vươn lên đứng thứ 3 về Chỉ số cải cách hành chính năm 2016
Trên cơ sở triển khai các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ về cải cách thủ tục hành chính, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện, đảm bảo yêu cầu, tiến độ theo kế hoạch, xác định đầy đủ các nhiệm vụ cải cách hành chính. Theo đó, năm 2016, chỉ số cải cách hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ tăng 14 bậc so với năm 2015, đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng của khối bộ, ngành.
Đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Bộ coi cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm thời gian qua và triển khai nghiêm túc. Ngày 28-01-2016, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký Quyết định số 155/QĐ- BKHCN ban hành Kế hoạch rà soát thủ tục hành chính năm 2016 của Bộ. Quyết định 3941/QĐ-BKHCN đã quy định rõ nội dung, thời hạn và các đơn vị liên quan tham gia triển khai công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm 2016 tại Bộ…
Đối với tổ chức bộ máy, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai kiện toàn tổ chức và hoạt dộng giai đoạn 2016-2020 để phù hợp với thực tiễn và các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.
Trong lĩnh vực cải cách hành chính công, Bộ thực hiện phân cấp tối đa cho các bộ, ngành và địa phương trong việc bố trí, sử dụng ngân sách Nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ; tiến hành kiểm tra, giám sát việc sử dụng, thanh quyết toán kính phí đối với các hoạt động khoa học và công nghệ của bộ, ngành và địa phương theo quy định. Tiếp tục hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập khi thực hiện cơ chế tự chủ…
Sơn La: Khai trương Trung tâm Hành chính công tỉnh
Ngày 02-6, UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị công bố Quyết định thành lập và khai trương Trung tâm Hành chính công tỉnh Sơn La. Việc ra đời Trung tâm Hành chính công tỉnh Sơn La sẽ tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân chỉ đến một nơi để giải quyết các thủ tục hành chính, tạo môi trường làm việc thân thiện, công khai, minh bạch, thuận lợi, văn minh, hiện đại.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh yêu cầu cán bộ, công chức của Trung tâm Hành chính công tỉnh cần thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tác phong, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống. Đồng thời thực hiện tốt nội quy, quy chế của Trung tâm và các cam kết đã đề ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi đến giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính. Giám đốc các sở, ngành rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế giải quyết thủ tục hành chính trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị; quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, Văn phòng UBND tỉnh với Trung tâm Hành chính công tỉnh để tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật...
Hưng Yên: Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, văn minh và hiện đại
Trong giai đoạn năm 2016 - 2018, tỉnh Hưng Yên tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, cơ quan chức năng bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính; thực hiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản tại tất cả các sở, ngành, đơn vị cấp huyện, cấp xã. Đến nay, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại, cập nhật bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Một số đơn vị như Bảo hiểm xã hội, Cục Thuế tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường và các huyện Văn Lâm, Văn Giang, thành phố Hưng Yên... đã ban hành mới quy chế hoạt động, bố trí địa điểm phù hợp, chủ động mua sắm trang thiết bị cơ bản, lắp đặt trang thiết bị điện tử, cài đặt và đưa vào sử dụng phần mềm một cửa.
Theo bảng kết quả đánh giá chỉ số cải cách hành chính năm 2016 tỉnh Hưng Yên, một số sở, ban, ngành như: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên được xếp loại tốt, đạt 80 điểm trở lên. Trong đó, các chỉ số do đơn vị tự đánh giá và thẩm định của ngành chức năng về cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông…đều tương đương nhau. Một số đơn vị được xếp loại tốt có vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Năm 2017, tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung cải cách hành chính. Các thành viên Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh đôn đốc thực hiện nhiệm vụ tham mưu xây dựng các văn bản đúng tiến độ; thực hiện cải cách hành chính theo hướng đơn giản, cắt giảm thủ tục rườm rà trên các lĩnh vực; rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp công lập để hướng tới khoán chi tài chính, tự chủ tài chính. Hưng Yên cũng tiếp tục nghiên cứu xây dựng trung tâm hành chính công tỉnh, huyện; khẩn trương xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử để cung cấp dịch vụ công cấp độ 3,4, nhằm xây dựng nền hành chính theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng các dịch vụ hành chính công của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Bến Tre đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Tỉnh Bến Tre triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cải cách thủ tục hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức; nâng cao trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã ban hành kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021. Theo đó, đến năm 2021 tổng biên chế tinh là 2.968 người. Thời gian tới, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Phước cho biết, thời gian qua, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, toàn diện tất cả các nội dung. Đến nay, 100% cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ chế một cửa. UBND thành phố Bến Tre và UBND huyện Châu Thành đã áp dụng mô hình một cửa, một cửa liên thông hiện đại.
Từ ngày 01-01 đến ngày 31-3-2017, các sở, ban, ngành của tỉnh đã tiếp nhận 65.489 hồ sơ, giải quyết đúng thời hạn quy định 65.062 hồ sơ, trễ thời gian quy định 427 hồ sơ; UBND các huyện, thành phố đã tiếp nhận 10.300 hồ sơ, giải quyết đúng thời gian quy định 10.290 hồ sơ, trễ thời gian quy định 10 hồ sơ. Theo UBND tỉnh Bến Tre, đối với các trường hợp giải quyết hồ sơ chậm trễ so với thời gian quy định; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức không tốt, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện xin lỗi bằng văn bản hoặc xin lỗi trực tiếp, đồng thời nhắc nhở cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý. Hiện nay, 100% các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố có mạng nội bộ và kết nối internet băng thông rộng. Tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức trong cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp huyện đạt 95,6%. Ngoài ra, 100% cơ quan, đơn vị (cấp tỉnh 579 đơn vị, cấp huyện 42 đơn vị) được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm có xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và phương án tự chủ theo quy định./.
Tiếp tục chuyển đổi số tài khoản thẻ ATM của VietinBank cho khách hàng  (05/06/2017)
Tiếp tục chuyển đổi số tài khoản thẻ ATM của VietinBank cho khách hàng  (05/06/2017)
Việt Nam - Cộng hòa Séc thắt chặt quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt  (05/06/2017)
Thủ tướng thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản  (04/06/2017)
Đồn Cao Đông Triều và Đền An Biên là di tích cấp Quốc gia  (04/06/2017)
Namibia và Việt Nam tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác cùng có lợi  (04/06/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên