TCCSĐT - Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người nông dân và cộng đồng dân cư giữ vai trò là chủ thể, được biết, được bàn, được quyết định, tự làm, tự giám sát và thụ hưởng. Vai trò chủ động, tích cực của nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, hỗ trợ của Nhà nước có ý nghĩa quyết định đến thành công của xây dựng nông thôn mới.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ yêu cầu: ... xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước của mỗi cấp chính quyền địa phương theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo luật định(1).

Việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương gắn kết hữu cơ với đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp. Quá trình này tác động trực tiếp đến sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh - quốc phòng với mục tiêu tổng thể: xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước hiện đại; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân; gắn kết nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, phát triển nông thôn với đô thị; xây dựng nông thôn giàu đẹp, khang trang, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vững an ninh - trật tự; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chương trình xây dựng nông thôn mới là cuộc vận động mang tính cách mạng để cộng đồng dân cư nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ một cách toàn diện; xây dựng nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Trong cuộc vận động này, người nông dân và cộng đồng dân cư giữ vai trò là chủ thể, được biết, được bàn, được quyết định, tự làm, tự giám sát và thụ hưởng. Vì vậy, vai trò chủ động, tích cực của nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, hỗ trợ của Nhà nước có ý nghĩa quyết định đến thành công của xây dựng nông thôn mới.

Để phát huy vai trò chủ động, tích cực của nông dân, cần thực hiện hệ thống đồng bộ các giải pháp, trong đó, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền, hệ thống các tổ chức đoàn thể, nâng cao năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức xã là những giải pháp quan trọng.

Kiện toàn chính quyền địa phương xã để quản lý có hiệu lực, hiệu quả các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chính quyền xã là cấp chính quyền địa phương, gồm Hội đồng nhân dân xã và Ủy ban nhân dân, có nhiệm vụ tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn xã; quyết định những vấn đề của xã trong phạm vi được phân quyền, phân cấp theo quy định của pháp luật; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền. Chính quyền xã chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương cấp huyện về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình; quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn xã.

Một đặc trưng nổi bật ở xã, là sự thống nhất quá trình lãnh đạo, quản lý với quá trình trực tiếp triển khai thực hiện trên thực tế đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Chính quyền xã cũng không đơn thuần chỉ là “cánh tay nối dài” của cơ quan nhà nước cấp trên mà còn có vai trò độc lập tương đối. Vì thế, trong tổ chức và hoạt động luôn đòi hỏi tính chất đa ngành, liên ngành với một số nét đặc thù và tính độc lập nhất định tùy từng loại hình xã.

Trong quá trình chuyển đổi từ một Nhà nước quản lý là chủ yếu sang một Nhà nước phục vụ, kiến tạo phát triển, chính quyền xã cần đẩy mạnh việc phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, như phát triển mạng lưới y tế, giáo dục, bảo đảm cung cấp các dịch vụ công cộng cho cộng đồng, hỗ trợ và mở rộng quyền tự quản của các thôn/làng trong việc phát triển và giải quyết các vấn đề văn hóa - xã hội trên cơ sở kế thừa và phát huy hương ước hay luật tục.

Chính quyền xã còn có vai trò điều phối, khắc phục các khiếm khuyết do sự phát triển của kinh tế thị trường, bảo vệ môi trường, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thực hiện bảo trợ xã hội đối với các đối tượng chính sách và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, nhằm thực hiện dân chủ và công bằng. Tuy vậy, ngay cả trong lĩnh vực này chính quyền xã cũng không tự mình làm tất cả, mà chỉ là chủ thể chính, đứng ra thu hút, động viên và khuyến khích toàn thể xã hội cùng tham gia thực hiện.

Do đó, cần tiếp tục đổi mới, kiện toàn chính quyền xã để có thể thực hiện tốt các chức năng: a/ Cầu nối giữa Nhà nước với các tổ chức và cá nhân trong xã; b/ Đại diện cho Nhà nước, nhân danh Nhà nước để thực thi quyền lực nhà nước; c/ Trực tiếp triển khai, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước ở xã; d/ Điều tiết sự tự quản của các thôn/làng trên địa bàn xã.

Thôn (làng, bản, buôn, ấp) tuy không phải là một cấp chính quyền song có vai trò ngày càng quan trọng trong thực hiện quản lý địa bàn nông thôn. Trưởng thôn là cánh tay nối dài của chính quyền xã, trực tiếp triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến người dân; tổ chức thực hiện các hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư. Trong đổi mới, kiện toàn tổ chức chính quyền xã cần quan tâm đổi mới cách thức bầu trưởng thôn, để trưởng thôn thực sự là người được nhân dân trong thôn tín nhiệm cử ra gánh vác công việc chung; có sức khỏe, năng lực, trình độ đảm đương công việc. Chú trọng nhân rộng mô hình nhất thể hóa chức danh lãnh đạo, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, làm cho mối quan hệ giữa tổ chức đảng và chính quyền chặt chẽ hơn, góp phần đảm bảo sự giám sát của nhân dân đối với tổ chức đảng và đảng viên. Hơn nữa, khi đó, số lượng cán bộ thôn sẽ giảm, thu nhập của cán bộ kiêm nhiệm chức danh tăng lên, đồng thời tiết kiệm một khoản không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt, việc nhất thể hóa chức danh lãnh đạo tạo điều kiện giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, nâng cao trình độ, khả năng tư duy toàn diện, tính quyết đoán, tự chịu trách nhiệm trước tập thể. Để thực hiện chủ trương này, chi bộ, chi ủy cơ sở thống nhất phân công bí thư chi bộ ra tranh cử chức danh trưởng thôn, kết hợp theo phương thức “Đảng cử dân bầu” với sự lựa chọn cán bộ có năng lực từ người dân, từ thực tế cuộc sống. Thông qua đó, lựa chọn được những người xứng đáng và có năng lực quản lý thôn.

Kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức xã

Cán bộ xã hiện nay chủ yếu xuất thân từ nông dân, lớn lên và trưởng thành trong môi trường nông thôn, nên năng lực và trình độ còn nhiều hạn chế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã trong thời gian qua đã được quan tâm, kết quả là tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị ngày càng cao. Tuy nhiên hiện nay, do chưa thấy hết được tính phức tạp, sự đa dạng trong hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nên công tác đào tạo cho họ, nhất là đào tạo kỹ năng thực hành có tính nghề nghiệp chưa được chú ý đúng mức, thậm chí có phần xem nhẹ.

Hơn nữa, trình độ dân trí của nhân dân đã được nâng cao, tính chất quản lý ngày càng phức tạp nên cán bộ cấp xã cần phải có trình độ, kỹ năng thực hành tổng hợp trực tiếp từ thực tế cuộc sống ở cơ sở. Nếu cán bộ cấp trên cơ sở cần phải chuyên sâu thì cán bộ cấp xã lại phải có tri thức ở diện rộng, đa năng, có thể giải quyết được hoặc ít ra cũng biết được thủ tục và cách giải quyết các vấn đề rất khác nhau, nảy sinh ở cơ sở, để trực tiếp hướng dẫn cho người dân thực hiện.

Do vậy, cần đổi mới và thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng năng lực thực thi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật và kỹ năng thực hành có tính nghề nghiệp cho từng chức danh của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã. Các cơ sở đào tạo cán bộ cấp xã, ví dụ các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các trung tâm chính trị huyện cần đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã, theo hướng đa diện, coi trọng kỹ năng thực hành. Đồng thời, nghiên cứu đổi mới tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức cơ sở hướng mạnh vào kỹ năng thực hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý đối với các quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.

Trong giai đoạn hiện nay, cần gắn việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã với xây dựng nông thôn mới. Các ngành kế hoạch, đầu tư, nội vụ và nông nghiệp cấp trên cần phối hợp chỉ đạo, triển khai, đôn đốc, kiểm tra, xây dựng đề án cho từng xã, hoàn thiện quy hoạch và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở. Tập trung hoàn thành quy hoạch theo hướng xây dựng quy hoạch tổng thể của các xã gắn với quy hoạch của huyện và tỉnh, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất của địa phương; tránh tình trạng tự phát theo kiểu ”mạnh ai lấy làm”; từ đó dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung, đặc biệt quy hoạch kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật. Tất nhiên, cần căn cứ tình hình thực tế của từng tỉnh, thành phố để quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nhưng cũng nên có quy hoạch mẫu để làm tiền đề cho cán bộ cấp huyện và nhất là cấp xã xây dựng quy hoạch của địa phương mình phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, địa phương và cơ sở.

Cần lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới có tâm huyết, gắn bó, chia sẻ với nông dân, có quyết tâm chính trị cao, quyết không chịu thua kém với những nơi cùng điều kiện, và biết chủ động, năng động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới. Hơn nữa, bản thân và gia đình phải gương mẫu, tiên phong trong việc thực hiện; phải thường xuyên quán triệt và thực hiện vai trò chủ thể của nông dân, Nhà nước đóng vai trò “hỗ trợ”; chỉ như vậy mới phát huy được sức mạnh tổng hợp trong nông dân.

Đổi mới tổ chức, hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội

Cần đề cao vị trí, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc bảo vệ và thực thi quyền lợi của nông dân; tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng kinh tế tập thể, thực hiện tốt Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; bảo đảm công tác giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động của chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức nhằm ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Mặt trận Tổ quốc xã và các ban công tác mặt trận thôn phát huy vai trò là tổ chức đoàn kết rộng rãi nhân dân, tuyên truyền sâu rộng chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi của nông dân, đặc biệt của những người yếu thế. Đồng thời, thực hiện tốt vai trò thay mặt nhân dân địa phương thực hiện chức năng giám sát và phản biện đối với hoạt động của bộ máy chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là trong các vấn đề, các lĩnh vực hoạt động liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, sinh hoạt của người dân.

Mặt trận Tổ quốc xã cũng cần phát huy vai trò của các tổ chức thành viên như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật, bảo đảm quyền lợi của nông dân là đoàn viên, hội viên; phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các khóa tập huấn nâng cao trình độ cho đoàn viên, hội viên về khả năng tự bảo quyền lợi của mình trước những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và ảnh hưởng tiêu cực của những hủ tục lạc hậu; phối hợp tổ chức các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, phổ biến kiến thức, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, các mô hình làm kinh tế giỏi. Đồng thời, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phát huy truyền thống lá lành đùm lá rách của dân tộc, chăm lo giúp đỡ những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng nông dân như: người già cô đơn, trẻ mồ côi, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn,... giúp họ tự vươn lên trong cuộc sống.

Chính quyền cần xây dựng cơ chế và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của nông dân, nhất là Hội Nông dân trực tiếp thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống của nông dân và hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; chăm lo xây dựng, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.

----------------------------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, HN, 2016, tr.180.