Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 19 đến ngày 25-12-2016

Hồng Ngọc tổng hợp
15:00, ngày 26-12-2016
TCCSĐT - Làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh về tình hình kinh tế - xã hội địa phương ngày 22-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn phải giải quyết tốt nhất 3 điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, và cho rằng, phải coi đây là “phòng thí nghiệm thể chế của Việt Nam” để phát triển.

Bộ Công Thương khai trương Cổng Dịch vụ công trực tuyến

Sáng 23-12, Bộ Công Thương đã chính thức khai trương Cổng Dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương và Dịch vụ công mức độ 4 dán nhãn năng lượng.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương là một trong những Bộ được đánh giá cao trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành và triển khai dịch vụ công trực tuyến nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp với số lượng hồ sơ được xử lý trên môi trường mạng đạt hơn 700.000 hồ sơ/năm.

Tuy nhiên, các dịch vụ công trực tuyến của Bộ được triển khai trong nhiều giai đoạn khác nhau dẫn đến việc các dịch vụ công trực tuyến này được triển khai các nền tảng công nghệ khác nhau trên các website riêng biệt.

Để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực Công Thương, Bộ Công Thương đã xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến để tích hợp toàn bộ các dịch vụ công cấp độ 3 và 4 của Bộ tại một cửa duy nhất.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Việc triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến là một cố gắng lớn của các đơn vị thuộc Bộ, nhằm thực hiện cam kết cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ của Bộ Công Thương đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương khi đưa vào hoạt động sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện khai báo hồ sơ trực tuyến tại Bộ Công Thương. Cụ thể: Đảm bảo toàn bộ quy trình được thực hiện trên mạng theo một quy trình xử lý thống nhất chung; cho phép người khai có thể thực hiện tất cả các dịch vụ công trực tuyến của Bộ thông qua một tài khoản duy nhất; giảm thiểu số lượng chứng từ và dữ liệu khai báo, giúp giảm thời gian, số lượng hồ sơ mà doanh nghiệp phải nộp; dễ dàng tra cứu thông tin mọi lúc mọi nơi; tập trung quản lý cho cơ quan Bộ, giúp cán bộ xử lý hồ sơ nhanh hơn, tăng hiệu năng của hệ thống, giảm bớt thời gian chờ đợi của doanh nghiệp.

Cổng Dịch vụ công trực tuyến này cũng là đầu mối duy nhất kết nối của Bộ Công Thương liên thông đến Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tại buổi lễ, Bộ Công Thương cũng triển khai dịch vụ công trực tuyến Đánh giá chứng nhận và dán nhãn năng lượng ở mức độ 4 nhằm giảm nhanh số lượng các trường hợp phải làm thủ tục kiểm tra, dán nhãn năng lượng.

Khu kinh tế hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn là “phòng thí nghiệm thể chế của Việt Nam”

Chiều 22-12, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh về tình hình kinh tế - xã hội địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng Quảng Ninh sẽ là đầu tàu kinh tế phát triển mạnh nhất cả nước trong nhiệm kỳ này, giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm.

“Để thực hiện tầm nhìn mạnh bạo này, thì then chốt là xây dựng niềm tin để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ vào Quảng Ninh”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, một địa phương thành công khi có 3 yếu tố: doanh nghiệp tốt, người giỏi và người giàu. Nếu cải thiện môi trường kinh doanh tốt thì thu hút được nhà đầu tư, thu hút được người giỏi và doanh nghiệp. Nếu có môi trường sống tốt sẽ thu hút được người giàu. Động lực tăng trưởng của Quảng Ninh phải dựa trên năng suất, ứng dụng công nghệ, tính năng động và đổi mới sáng tạo.

“Chính quyền Quảng Ninh phải là chính quyền đối thoại, chính sách đồng bộ với bộ máy, thái độ cầu thị, học hỏi kinh nghiệm, triển khai ý tưởng mới nhanh chóng và quyết đoán thông qua dịch vụ công hiệu quả”, Thủ tướng yêu cầu và nêu rõ, Quảng Ninh phải trở thành một trong 5 địa phương đứng đầu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phấn đấu tối thiểu có 25.000 doanh nghiệp vào năm 2020, gấp đôi hiện nay.

Thủ tướng đánh giá cao việc Quảng Ninh xác định chủ đề công tác năm 2017 là: “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh”. Điều quan trọng là phải đưa chủ đề này vào thực tiễn với những biện pháp cụ thể, mục tiêu cụ thể; tổng kết, rút kinh nghiệm mô hình người dân đánh giá chính quyền, đánh giá người cung cấp dịch vụ.

Thủ tướng cho biết, tại phiên họp thường kỳ tháng 11 vừa qua, Chính phủ đã lần đầu tiên biểu quyết, thống nhất chủ trương xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, trong đó có Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và yêu cầu tỉnh Quảng Ninh sớm hoàn thiện Đề án để trình cơ quan có thẩm quyền. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, UBND các tỉnh và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng các dự án luật về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, báo cáo Chính phủ cho ý kiến để trình Quốc hội.

Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn phải giải quyết tốt nhất 3 điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, phải coi đây là “phòng thí nghiệm thể chế của Việt Nam” để phát triển. Mục tiêu là cải thiện môi trường kinh doanh, với câu hỏi đặt ra là làm sao các tỷ phú thế giới phải đến Vân Đồn. Về năng lực cạnh tranh của đặc khu này, Thủ tướng nêu rõ, phải ưu tiên cải thiện 12 trụ cột của năng lực cạnh tranh quốc gia theo tiêu chí quốc tế.

Thừa Thiên Huế khai trương Cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến

Chiều 23-12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức khai trương Cổng dịch vụ công tỉnh theo mô hình Trung tâm Hành chính công tập trung trực tuyến.

Tại lễ khai trương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, sau thời gian nghiên cứu, xây dựng với sự hỗ trợ của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam chi nhánh Huế và Viettel Huế về cung cấp dịch vụ thanh toán, nhắn tin trực tuyến và dịch vụ cấp thẻ điện tử doanh nghiệp, Cổng dịch vụ công tỉnh Thừa Thiên Huế, mô hình một cửa hiện đại và tích hợp, liên thông phù hợp kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh đã chính thức khai trương.

Cổng dịch vụ công tỉnh Thừa Thiên Huế là một hệ thống liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến các mức độ thống nhất và duy nhất trên phạm vi toàn tỉnh; tạo môi trường cho công dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin và gửi hồ sơ đăng ký giải quyền thủ tục hành chính mọi lúc mọi nơi. Thực hiện công khai minh bạch quá trình tiếp nhận, thụ lý, xử lý hoàn trả hồ sơ cho công dân, doanh nghiệp. Đảm bảo việc giám sát của công dân, doanh nghiệp toàn bộ quá trình xử lý thủ tục hành chính đối với cán bộ công chức làm nhiệm vụ.

Đặc biệt, Cổng dịch vụ công là môi trường liên thông giải quyết thủ tục hành chính thông qua khả năng kết nối, tích hợp quá trình xử lý thủ tục hành chính nội bộ của đơn vị với dịch vụ thanh toán, tin nhắn trực tuyến. Hình thành cơ sở dữ liệu hồ sơ của công dân, doanh nghiệp làm cơ sở xác thực hồ sơ điện tử cho công dân và doanh nghiệp tạo tiền đề giảm thiểu hồ sơ phải nộp khi giải quyết thủ tục hành chính.

Cùng với Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin về doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể đang triển khai được chia sẻ, xác thực và tích hợp vào Thẻ điện tử doanh nghiệp dưới dạng hồ sơ điện tử là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện cắt giảm hồ sơ hành chính cần phải nộp khi giải quyết thủ tục hành chính.

Việc xây dựng và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công và dịch vụ cung cấp sử dụng Thẻ điện tử doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thể hiện ý chí và cam kết mạnh mẽ của Lãnh đạo tỉnh trong việc cải cách hành chính, thúc đẩy sản xuất đầu tư , cải thiện môi trường kinh doanh phục vụ ngày càng tốt hơn cho công dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính

“Xác định cải cách hành chính là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 04-5-2012 về kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012-2015, trong đó xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp, với 42 chuyên đề, đề án trên 6 lĩnh vực: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính và công tác chỉ đạo điều hành”. Đó là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình.

Kết quả về cải cách thủ tục hành chính, tổng số thủ tục hành chính các sở, ngành đề xuất cắt giảm là 135 thủ tục, chiếm tỷ lệ 13,02%; về thời gian, tất cả các sở, ngành đều cắt giảm trên 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính, có đơn vị cắt giảm trên 50%. Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, tất cả các thủ tục hành chính của tỉnh, thời gian thực hiện đều được rút ngắn hơn so với quy định của Trung ương.

Từ tháng 06-2016, UBND tỉnh chỉ thị thiết lập và niêm yết công khai đường dây nóng của UBND tỉnh và của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tại tất cả các điểm tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính để kịp thời tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, kiến nghị của tổ chức công dân và doanh nghiệp; thành lập Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nhằm tăng cường kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền.

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện theo quy định của Chính phủ, bảo đảm hoạt động ổn định, phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp; thành lập và đưa vào hoạt động có hiệu quả Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, giải quyết 100% tổng số thủ tục hành chính 2 cấp tỉnh và huyện, với mục tiêu giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, công khai, minh bạch, hạn chế tối đa các khâu trung gian, giảm phiền hà và rút ngắn thời gian giải quyết, tạo thuận lợi hơn nữa cho tổ chức, cá nhân khi làm việc với các cơ quan công quyền. Trung tâm Hành chính công là đầu mối thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, trả kết quả việc giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức và cá nhân. Năm 2016, tổng số hồ sơ tiếp nhận tại Trung tâm là 68.833 hồ sơ, số hồ sơ giải quyết trước hạn: 15.518 hồ sơ, đạt 23%. Số hồ sơ giải quyết đúng hạn: 45.491 hồ sơ, đạt 66%. Số hồ sơ đang giải quyết và trả lại bổ sung: 7.101. Số hồ sơ giải quyết quá hạn: 723 hồ sơ, chiếm 1%. Nhìn chung tinh thần, thái độ của công chức khi tiếp xúc, giải quyết công việc với các tổ chức và cá nhân chấp hành tốt các quy định, nội quy, quy chế của tỉnh. Mọi thông tin về tiến trình, thời gian giải quyết đều công khai, minh bạch…

Cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước trong tỉnh được quan tâm đầu tư, nâng cấp; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, tăng cường tính công khai, minh bạch, thuận tiện trong hoạt động công vụ. Xây dựng và vận hành “Mạng văn phòng điện tử liên thông” góp phần vào việc xây dựng chính quyền điện tử. Hoàn thành việc nâng cấp Cổng thông tin điện tử tỉnh, tạo nền tảng cho phép thiết lập các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thực hiện công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức khi thực thi công vụ. Tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục không còn phù hợp, rút ngắn một nửa thời gian thực hiện các thủ tục so với quy định của Nhà nước và đơn giản hóa tối đa thành phần hồ sơ trong mỗi thủ tục hành chính; mở rộng việc nhận hồ sơ qua mạng, nhận và trả kết quả qua bưu điện đối với các thủ tục thực hiện tại Trung tâm Hành chính công 2 cấp, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân.

Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin; sử dụng chữ ký số và xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho các ngành, địa phương trong tỉnh. Thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế, thuyên chuyển vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Chính phủ và Quyết định số 3186 ngày 04-11-2016 của UBND tỉnh (nhất là đối với những vị trí nhạy cảm và thường xuyên tiếp xúc, giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân và doanh nghiệp).

Bộ máy hành chính nhà nước cần tổ chức một cách khoa học

Diễn đàn khoa học về "Kết quả thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2015: Sự hài lòng của người dân” được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) tổ chức chiều 22-12-2016 tại Hà Nội.

Tại Diễn đàn, ông Đỗ Quý Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ đã báo cáo kết quả công tác cải cách hành chính nhà nước gia đoạn 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Theo báo cáo, trong giai đoạn 2011 - 2015 các bộ, ngành và địa phương đã ban hành trên 11.700 văn bản. Triển khai Nghị quyết 30/NQ-CP, nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện cải cách hành chính một cách đồng bộ, thống nhất. Ban hành Quyết định 1383/QĐ-BNV ngày 28-12-2012 phê duyệt đề án Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Về công tác thanh tra, kiểm tra, trong giai đoạn 2011 - 2015 đã có 1.600 cơ quan đơn vị và ở địa phương là trên 8.000 cơ quan đơn vị đươc thanh tra, kiểm tra…

Tại diễn đàn, các đại biểu đã góp ý vào bản báo cáo, trong đó tập trung vào vấn đề tổ chức bộ máy hành chính cần khoa học, cải cách hành chính cần gắn với công nghệ, cần có bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về cải cách hành chính . Nhiều ý kiến nhấn mạnh vào vấn đề bộ máy biên chế phải tinh giảm nhưng hiệu quả phải cao từ đó lương của cán bộ công chức sẽ đáp ứng được theo cuộc sống hàng ngày. Chức năng của bộ, ngành được rà soát, kiểm điểm, minh bạch và gắn trách nhiệm cho người đứng đầu…./.