Đổi mới nhận thức và nâng cao trình độ chuyên môn, tạo việc làm cho nông dân
TCCSĐT - Văn kiện Đại hội XII của Đảng (tháng 01-2016) đề ra phương hướng: “Tạo cơ hội để mọi người có việc làm và cải thiện thu nhập... Chú trọng giải quyết việc làm cho lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp do việc tích tụ, tập trung ruộng đất hoặc thu hồi đất phát triển công nghiệp, đô thị và các công trình công cộng. Khuyến khích đầu tư xã hội tạo ra nhiều việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” (1).
Để triển khai, thực hiện phương hướng nêu trên cần có một số giải pháp hữu hiệu trong nhận thức về lực lượng lao động nông thôn, cũng như hỗ trợ nâng cao trình độ đào tạo nghề cho nông dân, từ đó tạo việc làm ở khu vực này nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn đóng góp vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Một là, đổi mới nhận thức về nông dân, nông nghiệp, nông thôn
Cần khắc phục quan niệm cho rằng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là “gánh nặng” của đất nước trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từ đó nảy sinh cách làm phiến diện, sai lầm, như “xin - cho”, “cứu trợ”,… cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Thực tế cho thấy, nông dân Việt Nam có thể phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa mạnh, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới, có thể làm giàu cho mình, làm giàu cho đất nước, chủ động, tích cực góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trước tiên là trong nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời khắc phục kiểu tư duy tiểu nông của một bộ phận nông dân, nhất là ở những vùng chưa phát triển sản xuất hàng hóa, vốn quen sống tự cấp, tự túc, để thúc đẩy việc tiếp nhận cách thức sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Giải pháp là trên cơ sở và cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa “tam nông”, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến để đổi mới tư duy, trước hết và cơ bản tập trung tuyên truyền, phổ biến về các vấn đề:
- Phát triển hộ kinh tế sản xuất hàng hóa theo hướng kinh tế trang trại và kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới;
- Nội dung, yêu cầu của “Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm” theo Quyết định số 101/2007/QĐ-TTg trong thời kỳ 2011 - 2020 với các (tiểu) chương trình: việc làm tạm thời, hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động nông thôn, hỗ trợ dân cư nông thôn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài,...;
- Trách nhiệm, quyền lợi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; phổ biến chủ trương, chính sách cũng như tổ chức tư vấn cho nông dân cách thức tiếp cận hệ thống an sinh xã hội;
- Xây dựng nông thôn mới với các tiêu chí về kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, an ninh, quốc phòng.
Hai là, tiếp tục mở rộng và nâng cao trình độ đào tạo nghề cho nông dân
Tiếp tục thực hiện Đề án tổ chức hoạt động khuyến nông cho nông dân giai đoạn 2016 - 2020 nhằm đẩy mạnh hướng dẫn nông dân lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng năng suất; sử dụng hiệu quả nguồn nước, điện, máy móc và công cụ cơ giới; phát triển kinh tế tập thể (tổ kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới) trong nông nghiệp; tham gia thực hiện chính sách tiêu thụ nông sản;....
Xây dựng và tổ chức triển khai, thực hiện Chương trình đào tạo nghề cho nông dân trẻ. Trước mắt đào tạo các nghề ngắn hạn cho lực lượng lao động này trên các lĩnh vực như nông - ngư nghiệp, các nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn (sửa chữa cơ khí, điện, điện tử,....). Về lâu dài, thực hiện đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề trong các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, thú y,....
Chuyển đổi hoặc nâng cao tay nghề đối với những nông dân có tuổi đời tương đối cao, trình độ học vấn thấp. Về nội dung, cần trang bị cho nhóm đối tượng này những kiến thức cơ bản trong sản xuất nông nghiệp như: hướng dẫn những kỹ năng, kỹ thuật sản xuất, canh tác mới nhất, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả như mô hình “vườn, ao, chuồng” (VAC), mô hình “rừng, vườn, ao và chăn nuôi” (RVAC),... Bồi dưỡng những kiến thức mới trong kinh doanh, như kiến thức về tiếp cận thị trường và khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng; kiến thức về giới thiệu sản phẩm; kiến thức về thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký cho thương hiệu nông sản hàng hóa,... Tuyên truyền và bồi dưỡng cho nhóm đối tượng này những hiểu biết về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những kiến thức về luật pháp liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội, đến quyền lợi và nghĩa vụ của nông dân. Về phương pháp, do đặc thù của nhóm đối tượng này là trình độ học vấn chưa cao, hạn chế trong nhận thức, nên phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn nhiều phương pháp khác nhau như: tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, hỗ trợ, tư vấn,... Trong đó, chú trọng phương pháp giáo dục bằng hình ảnh trực quan đơn giản nhưng sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.
Phát triển hệ thống Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân theo hướng tổ chức triển khai thực hiện Đề án nâng cấp, bổ sung trang thiết bị cho các trung tâm đã có; đầu tư xây dựng các trung tâm mới.
Xây dựng kế hoạch hằng năm và dài hạn để tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên, cộng tác viên về dạy các nghề trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản... theo tiêu chuẩn học nghề trung cấp, sơ cấp hoặc dạy nghề tại chỗ cho đối tượng là nông dân; tổ chức dạy nghề, liên kết dạy nghề và phối hợp đào tạo liên thông giữa các trình độ nghề cho lao động nông thôn. Coi trọng đào tạo nghề theo các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia và nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, thu hút những người tham gia đào tạo vào mạng lưới tiêu thụ sản phẩm. Bởi chỉ bảo đảm được “đầu ra”, người học mới thực hành nghề được đào tạo.
Đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề bằng cách gắn với các mô hình sản xuất - kinh doanh điển hình hay các dự án tại địa phương. Thông qua đó có thể dạy nghề tại các cơ sở dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của các tập đoàn, tổng công ty; dạy nghề lưu động; dạy nghề tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; dạy nghề gắn với các vùng chuyên canh, làng nghề;… Phương thức đào tạo cũng cần đa dạng hóa, phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện của mỗi huyện, xã,… như: đào tạo tập trung tại các cơ sở dạy nghề đối với những nông dân chuyển đổi nghề nghiệp; đào tạo nghề lưu động cho nông dân tại các làng, bản, buôn, ấp; truyền nghề của các nghệ nhân, những người thợ lành nghề, nhất là tại các làng nghề, cho những người học việc theo kiểu dân gian.
Thúc đẩy đào tạo nghề theo phương châm xã hội hóa với vai trò chủ đạo và giám sát của Nhà nước, xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương. Chỉ riêng Nhà nước thì rất khó bảo đảm được sự đa dạng của các hình thức dạy nghề cho nông dân. Do đó, phải có sự kết hợp các hình thức xã hội hóa, như “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Nhà nước và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cùng làm”, “Nhà nước và tổ chức xã hội cùng làm”,… Từ đó sẽ hình thành một số mô hình dạy nghề phù hợp với các vùng, miền trong cả nước.
Trong quá trình thúc đẩy công tác dạy nghề theo phương châm xã hội hóa, hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước chỉ được phát huy khi các cơ sở đào tạo được thụ hưởng quyền tự chủ. Có như vậy mới phát huy tối đa sức mạnh của các doanh nghiệp và người học nghề.
Để hoạt động dạy nghề cho nông dân đạt hiệu quả, chính quyền các địa phương chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và các doanh nghiệp đóng tại các xã, huyện, thị trấn, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với khuyến nông, công ngư,…. Sự phối hợp này càng chặt chẽ nhịp nhàng thì công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển tại địa phương và nhu cầu của người học nghề. Một số hình thức phối hợp như:
- Cơ quan Nhà nước (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cấp tỉnh) phối hợp với khu vực kinh tế nhà nước tổ chức dạy nghề tại các cơ sở đào tạo của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty; phối hợp với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tổ chức dạy nghề tại các cơ sở của doanh nghiệp; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội hay xã hội - nghề nghiệp (nông dân, thanh niên, phụ nữ, …) tổ chức dạy nghề có tính đại trà tại các địa phương;...
- Liên kết cơ sở đào tạo, cơ sở cung ứng lao động và cơ sở tuyển dụng lao động để đào tạo nghề. Đây là giải pháp có tính xã hội hóa nhằm hướng vào những lao động và doanh nghiệp ở nông thôn có nhu cầu đào tạo nghề. Sự liên kết với các trường dạy nghề sẽ thúc đẩy hình thành mạng lưới các điểm đào tạo nghề theo hướng chính quy và bảo đảm “đầu ra” của công tác đào tạo.
Một mặt, tiến hành liên kết “ba nhà” - cơ sở đào tạo, cơ sở cung ứng lao động và cơ sở tuyển dụng lao động - trong việc đào tạo nghề mới hoặc đào tạo lại đối với những người đã qua đào tạo nhằm thỏa mãn yêu cầu nguồn lao động có chất lượng cao của các cơ sở tuyển dụng. Thông qua đó, bảo đảm công tác đào tạo gắn với tuyển dụng, với yêu cầu lao động thực tế tại các doanh nghiệp. Mặt khác, cần khuyến khích hoặc có chính sách, như miễn hoặc giảm thuế, để các doanh nghiệp, các làng nghề dành ngân sách cho việc đào tạo, bồi dưỡng lao động trẻ có năng lực tại chỗ thay vì tuyển dụng từ bên ngoài, gây tốn kém và thiếu ổn định.
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009 của Thủ tướng chính phủ, hay còn gọi là “Đề án 1956”, nhằm góp phần thực hiện khâu đột phá từ Đại hội XI của Đảng (năm 2011) đã xác định là: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao,...” trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020 (2). Chỉ tiêu là bảo đảm hằng năm đào tạo khoảng 1 triệu lao động nông thôn, đưa tỷ lệ được đào tạo nghề lên khoảng 30% vào năm 2020.
Các giải pháp cơ bản bao gồm: Ban hành và thực hiện chính sách thu hút những người được đào tạo về làm việc ở nông thôn, đặc biệt vùng cao, biên giới, hải đảo; phát triển mạng lưới dạy nghề theo hướng dân chủ hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa nhằm từng bước nâng cao chất lượng dạy nghề theo phương châm hiệu quả, bền vững; công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông dân phải gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm bảo đảm yêu cầu nhân lực thực tế ở từng địa phương.
Ba là, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề
Ưu tiên hỗ trợ các cơ sở dạy nghề của doanh nghiệp để thu hút lao động sau khi tốt nghiệp; gắn dạy nghề với nhu cầu của doanh nghiệp; hỗ trợ lao động nông thôn chuyển đổi việc làm và đào tạo lao động có kỹ thuật cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm bảo đảm an ninh lương thực một cách hợp lý.
Hỗ trợ cho vay vốn để học nghề, trước hết cho các hộ nông dân nghèo. Chi phí cho việc học nghề, hoặc chuyển đổi nghề là một vấn đề lớn đối với người nghèo. Vì vậy cần có chính sách giảm chi phí học nghề, như hỗ trợ cho vay vốn để đào tạo nghề cho hộ nông dân nghèo. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi để người dân sau khi đi học nghề có thể có việc làm phù hợp ở địa phương, hoặc việc làm tại các doanh nghiệp được xây dựng trên đồng ruộng trước đây của họ.
- Hỗ trợ đào tạo nghề để tham gia xuất khẩu lao động theo “Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020” theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg, ngày 29-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, coi trọng thực hiện các chính sách: Người lao động được hỗ trợ học bổ túc văn hóa, học nghề, ngoại ngữ,...; được vay tín dụng ưu đãi với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội; các cơ sở dạy nghề cho xuất khẩu lao động cũng được vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư tăng quy mô đào tạo.
Bốn là, tổ chức triển khai, thực hiện Đề án tạo việc làm cho nông dân
Thực hiện giao chỉ tiêu tín dụng cho vay giải quyết việc làm. Cụ thể, Ngân hàng chính sách xã hội huy động vốn để cho vay; Ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất và phí quản lý; tập trung nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển các ngành, nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nông thôn nhằm khuyến khích tạo nhiều việc làm bền vững có năng suất cao gắn với việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ; xem xét khả năng mở rộng đối tượng vay vốn đối với kinh tế trạng trại và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nghèo ở nông thôn; đầu tư phát triển mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm trong khu vực nông thôn; thí điểm phát triển hệ thống thông tin thị trường về việc làm (bao gồm cả làm việc ở nước ngoài) đến cấp xã thông qua các kênh như: mạng internet, thông tin tại nhà văn hóa xã, bưu điện xã, chương trình phát thanh và truyền hình của trung ương và địa phương, các chương trình phát sóng bằng tiếng dân tộc thiểu số của các đài địa phương.
Tổ chức triển khai, thực hiện các chương trình việc làm tạm thời: Người lao động bị thất nghiệp hoặc thiếu việc làm trong các hộ gia đình nghèo hoặc cận nghèo được tạo việc làm tạm thời thông qua các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ nông thôn (đường giao thông, mạng tưới tiêu, nạo vét sông, hồ,...); thu gom rác thải và làm vệ sinh môi trường;... Người tham gia được trả công bằng hiện vật (suất ăn, lương thực, thực phẩm); tiền lương theo ngày tương đương với mức lương tối thiểu hoặc kết hợp cả hai hình thức trên./.
------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.136 - 137
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.106
Việt Nam ủng hộ hợp tác nghiên cứu chính sách kinh tế với Lào  (09/12/2016)
Lãnh đạo Việt Nam gửi điện thăm hỏi về vụ động đất ở Indonesia  (09/12/2016)
Trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng tặng nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan  (09/12/2016)
Việt Nam - Malaysia hướng tới kim ngạch thương mại 15 tỷ USD  (09/12/2016)
Madagascar chào đón các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư  (09/12/2016)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Tây Ban Nha  (09/12/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay