Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 28-11 đến 4-12-2016)
TCCSĐT - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tiếp xúc cử trị thành phố Tân An; Trưởng Ban Dân vận Trung ương tiếp xúc cử trị thành phố Đà Lạt; Bộ trưởng Tô Lâm tiếp xúc cử trị huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; Phó Chủ tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu tiếp xúc cử trị tại Thanh Hóa; Chủ tịch nước: Doanh nghiệp phải bám sát giá trị Thương hiệu quốc gia; Công bố Quyết định đặc xá cho 4.180 phạm nhân năm 2016; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng dự Hội nghị Quân ủy Trung ương; Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ… là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.
Thủ tướng Chính phủ: Không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng cho biết, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc, Chính phủ đã trình Quốc hội 45 báo cáo. Thủ tướng đánh giá Chính phủ đã thực hiện tốt nhiệm vụ báo cáo, giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội. Tất cả những vấn đề mà Chính phủ đưa ra đều được Quốc hội thảo luận, thống nhất, biểu quyết thông qua với sự nhất trí cao. Thủ tướng biểu dương các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành chuẩn bị công phu, phối hợp chặt chẽ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận đánh giá cao.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 3 luật, xem xét và cho ý kiến đối với 14 dự luật; thông qua 11 Nghị quyết, trong đó có các nghị quyết về: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước 2017; các kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính- ngân sách nhà nước 5 năm 2016-2020, về chất vấn và trả lời chất vấn…
Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, góp ý hoàn thiện dự thảo các nghị quyết của Chính phủ về chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch năm 2017. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là chủ động ngay từ ngày đầu tháng đầu của năm (2017), phải thực sự bắt tay vào việc, không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi” mà nhiều người hay nói.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tiếp xúc cử tri thành phố Tân An
Ngày 28-11, tại Long An, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã có buổi tiếp xúc với cử tri thành phố Tân An.
Phát biểu với cử tri thành phố Tân An, Phó Thủ tướng cho rằng, với chức năng của Đoàn đại biểu Quốc hội, những ý kiến của cử tri liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An sẽ tiếp thu và báo cáo với Quốc hội.
Đối với những vấn đề liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Đoàn sẽ kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng giải quyết, còn với những việc cụ thể, thuộc trách nhiệm của các cấp chính quyền trong tỉnh, đề nghị lãnh đạo tỉnh Long An tập trung giải quyết dứt điểm.
Vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm, thể hiện sự bức xúc do loại tội phạm này chậm bị đẩy lùi. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, các cơ quan đang rất khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, thanh tra và đã có kết quả thanh tra một số dự án như nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, các dự án sản xuất sản xuất Ethanol. Cũng theo Phó Thủ tướng, các dự án này, có dự án đã đi vào hoạt động nhưng kém hiệu quả, có dự án chưa thể hoạt động, gây lãng phí lớn, có dự án đã phát hiện dấu hiệu tiêu cực và chuyển cơ quan điều tra.
Cũng theo Phó Thủ tướng, để đạt mục tiêu ngăn ngừa tham nhũng, đáp ứng mong đợi của bà con, tới đây, cần làm tốt việc xây dựng thể chế, cụ thể, Đảng, Nhà nước sẽ có tổng kết, đánh giá, qua đó sửa đổi những quy định hiện hành liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng như Nghị quyết Trung ương 3, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Hình sự... sao cho chặt chẽ, khả thi, hạn chế tối đa kẽ hở cho tham nhũng tồn tại.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương tiếp xúc cử tri thành phố Đà Lạt
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có buổi tiếp xúc với cán bộ, công nhân viên chức, cử tri thành phố Đà Lạt.
Đồng chí Trương Thị Mai đã ghi nhận, tiếp thu những ý kiến xác đáng của cử tri; đồng thời cho biết hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới sẽ tăng cường nâng cao chất lượng, đội ngũ đại biểu; triển khai áp dụng quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội của cử tri để tăng cường mối quan hệ tương hỗ và sự giám sát của cử tri với các đại biểu Quốc hội. Liên quan đến vấn đề tài nguyên môi trường, bà Trương Thị Mai yêu cầu lãnh đạo địa phương cần quan tâm, phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ rừng tại Lâm Đồng đạt 55% vào năm 2020... Những ý kiến, kiến nghị của cử tri sẽ được Đoàn tổng hợp, trình Quốc hội xem xét, giải quyết trong thời gian tới.
Bộ trưởng Tô Lâm tiếp xúc cử tri huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh
Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giải đáp, ghi nhận một số vấn đề kiến nghị, ý kiến của cử tri; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh giải quyết những vấn đề trong thẩm quyền theo phản ánh của cử tri. Bộ trưởng Tô Lâm cũng thông tin với cử tri về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; an ninh - quốc phòng của thế giới, khu vực và trong nước với quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tiếp tục duy trì và tạo điều kiện cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, qua tiếp xúc với các cử tri, vấn đề cử tri quan tâm nhất phải kể tới tình hình đất nước, đặc biệt trong việc ổn định, bảo vệ và định hướng phát triển đất nước; các vấn đề an sinh xã hội, đời sống của người dân; môi trường; xây dựng nông thôn mới; chính sách xã hội liên quan đến vấn đề nông thôn, nông nghiệp; công tác tổ chức cán bộ, chống tiêu cực, tham nhũng lãng phí; duy trì trật tự, kỷ cương, ổn định xã hội...
Phó Chủ tịch Quốc Hội Uông Chu Lưu tiếp xúc cử tri tại Thanh Hóa
Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã tiếp xúc cử tri tại các huyện Nông Cống, Tĩnh Gia, Triệu Sơn, Đông Sơn.
Phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trân trọng cảm ơn tình cảm, sự tin tưởng của cử tri đối với các đại biểu Quốc hội; đồng thời, trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là những vấn đề đang được cử tri quan tâm. Các ý kiến của cử tri sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa tổng hợp trình Quốc hội và các cấp, các ngành có thẩm quyền để giải quyết.
Hỗ trợ 10 tỉnh khắc phục thiệt hại do bão, mưa lũ
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định trích 115 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 để hỗ trợ 10 địa phương thực hiện hỗ trợ dân sinh và khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu như: công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, đê điều,… thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão năm 2016.
Cụ thể, tỉnh Yên Bái được hỗ trợ 25 tỷ đồng; tỉnh Hòa Bình 10 tỷ đồng; tỉnh Hà Giang 10 tỷ đồng; tỉnh Tuyên Quang 10 tỷ đồng; tỉnh Thái Nguyên 10 tỷ đồng; tỉnh Vĩnh Phúc 10 tỷ đồng; tỉnh Quảng Ninh 10 tỷ đồng; tỉnh Ninh Bình 10 tỷ đồng; tỉnh Thanh Hóa 10 tỷ đồng và tỉnh Nghệ An 10 tỷ đồng.
Chủ tịch nước: Doanh nghiệp phải bám sát giá trị Thương hiệu quốc gia
Chiều 30-11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp Đoàn đại biểu các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2016.
Chương trình thương hiệu quốc gia do Hội đồng thương hiệu quốc gia, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức 2 năm/lần. Năm 2016, có 88 doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia.
Phát biểu với các doanh nghiệp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, mỗi quốc gia trên thế giới đều mong muốn khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh, qua đó thu hút tối đa các nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai Chương trình thương hiệu quốc gia nhằm mục tiêu xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao việc các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia đã nỗ lực vươn lên, phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp.
Công bố Quyết định đặc xá cho 4.180 phạm nhân năm 2016
Sáng 30-11, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với Bộ Công an, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tổ chức Họp báo trong nước và quốc tế công bố Quyết định đặc xá cho những phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù và những phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có điều kiện được đặc xá theo quy định của pháp luật.
Tại buổi họp báo, Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn công bố các quyết định đặc xá năm 2016.
Chủ tịch nước đã ký quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 4.180 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2016; đặc xá cho 186 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù và 18 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2016. Các Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01-12-2016.
Trao đổi với báo chí, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước cho biết trong những năm qua, xuất phát từ bản chất nhân đạo của Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiến hành nhiều đợt đặc xá tha tù cho những phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng và những phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có điều kiện theo quy định của pháp luật.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng dự Hội nghị Quân ủy Trung ương
Ngày 30-11, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương tổ chức Hội nghị phiên cuối năm 2016 để xây dựng Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và công tác xây dựng Đảng bộ Quân đội năm 2017.
Tới dự hội nghị có Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương, khẳng định, năm 2016 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X; mặc dù tình hình còn nhiều khó khăn, phức tạp, song Quân ủy Trung ương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt, toàn diện các nhiệm vụ được giao.
Nổi bật là Quân ủy Trung ương đã tham mưu với Đảng, Nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; chủ động nắm, dự báo tình hình, phối hợp, xử lý kịp thời các tình huống không để bị động, bất ngờ; hoạt động đối ngoại quốc phòng được tăng cường và đạt hiệu quả thiết thực.
Quân ủy Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo Quân đội tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt trong bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang xem xét dấu hiệu vi phạm của ông Võ Kim Cự
Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang xem xét dấu hiệu vi phạm của ông Võ Kim Cự liên quan Dự án Formosa Hà Tĩnh.
Sáng 30-11, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã tiếp xúc cử tri quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, thông báo kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Có ý kiến cho rằng, Đảng, Chính phủ, Quốc hội cần phải xem xét trách nhiệm, mức độ sai phạm đối với Đại biểu Quốc hội Võ Kim Cự, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh liên quan đến sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Trả lời ý kiến của cử tri, đồng chí Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, tất cả các ý kiến của cử tri nêu là những vấn đề đang gây nhiều bức xúc, dư luận quan tâm.
Về kiến nghị xem xét trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, đồng chí Đinh Thế Huynh cho biết, hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang kiểm tra dấu hiệu vi phạm của ông Võ Kim Cự cũng như dấu hiệu vi phạm ở Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trong việc xây dựng Dự án Formosa, đặc biệt là quá trình lắp đặt, xây dựng, quản lý hệ thống xả thải. Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ có công bố kết quả khi kết thúc việc kiểm tra.
Vinh danh 88 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2016
Tối 30-11-2016, tại Hà Nội, Hội đồng Thương hiệu quốc gia và Bộ Công Thương tổ chức Lễ công bố các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2016. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Năm 2016, 88 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, trong đó có 23 doanh nghiệp đã 5 lần đạt Thương hiệu quốc gia, 9 doanh nghiệp đạt 4 lần liên tiếp, 14 doanh nghiệp đạt 3 lần, 13 doanh nghiệp đạt 2 lần và 29 doanh nghiệp đạt lần đầu. Đây là những doanh nghiệp tiên phong, có sức lan tỏa lớn đối với Thương hiệu quốc gia và đại diện cho 16 lĩnh vực ngành hàng sản xuất và xuất khẩu tại Việt Nam, được lựa chọn theo những tiêu chí khắt khe nhất của Ban Tổ chức.
Trong số đó, các doanh nghiệp đạt doanh thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên có 70/88 doanh nghiệp và 26 doanh nghiệp có doanh thu từ 5.000 tỷ đồng trở lên. Theo số liệu báo cáo, tổng doanh thu năm 2015 của các doanh nghiệp này đạt hơn 662 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2013. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 2 tỷ USD và đóng góp cho ngân sách nhà nước là 59.093 tỷ đồng, tăng hơn 27,6% so với năm 2013, tạo việc làm cho hơn nửa triệu lao động. Đáng chú ý, những doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia trong mọi điều kiện vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu. Có những doanh nghiệp giữ mức tăng trưởng gần 70%.
Đại lễ tưởng niệm và tri ân các Anh hùng, liệt sỹ tại Côn Đảo
Trong 2 ngày 03 và ngày 04-12-2016, tại Nghĩa trang Hàng Dương (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Ban Liên lạc Cựu tù chính trị Côn Đảo thành phố Hà Nội phối hợp cùng Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ tưởng niệm và tri ân các Anh hùng, liệt sỹ tại Côn Đảo.
Tại Đại lễ, hơn 600 tăng ni, phật tử cùng các cựu tù chính trị từng bị giam cầm tại Côn Đảo, khách mời đã thực hiện các nghi lễ tưởng niệm và tri ân các Anh hùng, liệt sỹ.
Nằm trong chương trình Đại lễ, trước đó, trong các ngày 01 và ngày 02-12, Ban tổ chức đã làm lễ tưởng niệm và tri ân tại Cầu tàu lịch sử 914 và biểu diễn chương trình nghệ thuật với chủ đề "Hát cho đồng đội tôi nghe" tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.
Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ
Ngày 04-12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri các quận Ninh Kiều và Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
Cử tri đã kiến nghị với các đại biểu Quốc hội nhiều vấn đề như cần tiếp tục đầu tư cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Cần Thơ; nghiên cứu thấu đáo về những chính sách góp phần thiết thực nâng cao đời sống nhân dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa; về kỷ luật cán bộ liên quan đến vụ việc Trịnh Xuân Thanh; xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, bạo lực học đường...
Tiếp thu, ghi nhận các ý kiến cử tri quận Ninh Kiều và quận Cái Răng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt các đại biểu Quốc hội đánh giá các ý kiến phát biểu của cử tri rất chất lượng, thể hiện sự quan tâm đến những vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời đã trao đổi, làm rõ thêm, trả lời một số vấn đề cử tri quan tâm.
Trước ý kiến của cử tri cho rằng vùng đồng bằng sông Cửu Long còn chưa được đầu tư nhiều, Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo kế hoạch sử dụng vốn đầu tư công trung hạn 5 năm tới mà Quốc hội mới thông qua, sẽ dành nguồn lực đầu tư cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Cần Thơ. Nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương sẽ tập trung vào xây dựng những tuyến đường huyết mạch, bảo đảm tính kết nối giữa các địa phương với nhau.
Trả lời ý kiến cử tri về công tác phòng chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Đảng, Nhà nước rất kiên quyết trong phòng chống tham nhũng và không có vùng cấm đối với bất cứ ai. Căn cứ vào Hiến pháp và pháp luật, Quốc hội đang giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu để ban hành hoàn thiện chính sách pháp luật xử lý kỷ luật sau khi cán bộ chuyển công tác, đã về hưu mà phát hiện có sai phạm./.
An ninh phi truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta - mấy vấn đề cần quan tâm  (06/12/2016)
Khơi dậy tiềm năng của kinh tế tư nhân như một động lực quan trọng của nền kinh tế  (06/12/2016)
Khơi dậy tiềm năng của kinh tế tư nhân như một động lực quan trọng của nền kinh tế  (06/12/2016)
Đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch quốc gia  (06/12/2016)
Đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch quốc gia  (06/12/2016)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam