Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 10 đến ngày 16-10-2016

Đức Toàn tổng hợp
16:27, ngày 17-10-2016
TCCSĐT - Hội thảo khoa học “Về bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương”; Phân cấp thẩm quyền quyết định vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; Hướng dẫn phạm vi thực hiện chính sách cho cán bộ, công chức vùng đặc biệt khó khăn; Thành lập Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính Cà Mau; Hà Nội công bố Bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực Nông nghiệp và kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 9 tháng và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2016 của Thành phố Hồ Chí Minh là những tin nổi bật tuần qua.

Tăng lương cho cán bộ, công chức: Phải gắn với tinh giản biên chế

Ngày 12-10 tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học “Về bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương” nhằm lấy ý kiến rộng rãi trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Cải cách chính sách tiền lương cần phải gắn liền với cải cách hành chính, tinh giản biên chế, quản lý nghiêm túc cán bộ, công chức.

Chính sách tiền lương hiện còn nhiều bất cập là một trong những nguyên nhân làm thay đổi diện mạo cán bộ, công chức và viên chức theo hướng méo mó. Biểu hiện dễ thấy là việc nhũng nhiễu, chạy chức chạy quyền, lười biếng, không chuyên tâm, lợi ích nhóm, vô cảm, không còn là “công bộc” của người dân,… Nhìn ra các nước, sở dĩ họ hạn chế được nhũng nhiễu của đội ngũ công quyền với người dân là do có hệ thống luật pháp nghiêm minh và được trả lương tương xứng với vị trí việc làm.

Ở ta, việc xây dựng hệ thống tiền lương rất quan trọng nhưng không khó bằng việc giải quyết những vấn đề vượt tầm của hệ thống tiền lương, thậm chí nằm ngoài hệ thống tiền lương nhưng lại có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cải cách hệ thống tiền lương.

Theo ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, tính đến hết năm 2015, số lượng đối tượng áp dụng chế độ tiền lương theo qui định hiện hành (không tính lực lượng vũ trang) khoảng 2,727 triệu người, trong đó: Cơ quan hành chính quản lí nhà nước từ cấp huyện trở lên: khoảng 310,1 ngàn người; Cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoản thể chính trị xã hội từ cấp huyện trở lên: khoảng 86,4 ngàn người; Đơn vị sự nghiệp công lập: khoảng 2,074 triệu người; Cán bộ, công chức cấp xã: khoảng 256,6 ngàn người. Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã hưởng phụ cấp hằng tháng là 302,648 ngàn người.

Trong số 2,7 triệu người đang hưởng lương ngân sách, có nhiều người không làm được việc, tiêu tốn ngân sách mỗi năm. Theo Tiến sĩ Trần Xuân Cầu, nguyên Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý nguồn lực, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, việc tinh giản biên chế nên nhắm tới các đối tượng này để lấy nguồn cho cải cách tiền lương, tăng lương cho những người làm việc thực sự. Lâu nay, chúng ta vẫn trả lương theo cách tư duy trả thấp, thông cảm, chia đều, có thế nào trả thế đấy, chờ đợi, phụ thuộc ngân sách nên phản tác dụng. Nhà nước bỏ nhiều tiền nhưng không thu được kết quả.

Nhưng việc tinh giản biên chế hiện nay đang như “va vào đá”, gặp rấ nhiều lực cản. Thêm vào đó, khi xây dựng đề án vị trí việc làm, nhiều cơ quan nhà nước, đơn vị không xác định được khối lượng công việc và không xác định được cơ cấu công chức theo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nên chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu. Nếu tinh giản được số cán bộ, công chức không làm được việc, thì sẽ có tiền để cải cách tiền lương.

Thực tế, những lần cải cách tiền lương vừa qua đều xảy ra tình trạng “gọt chân cho vừa giày”. Phương án ban đầu rất hay, rất khoa học nhưng cuối cùng vì thiếu nguồn nên vừa phát hạ bớt mức tăng tiền lương tối thiểu vừa phải thu hẹp độ giãn cách của hệ số tiền lương so với đề án ban đầu.

Để giải quyết vấn đề nguồn cho cải cách tiền lương, theo các chuyên gia, phải đổi mới tư duy về nguồn lực con người và thay đổi quan điểm về đầu tư phát triển cũng như về tích lũy và tiêu dùng theo hướng: Nhà nước cần dành nhiều hơn nguồn lực cho đầu tư phát triển yếu tố con người, mà trực tiếp nhất là để giải quyết các yêu cầu của cải cách tiền lương; thậm chí nếu có phải vì vậy mà giảm bớt đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, nhất là các công trình tư nhân có thể làm được, thì vẫn phải giảm.

“Sẽ là vô nghĩa nếu cải cách chính sách tiền lương không gắn liền với cải cách hành chính, tinh giản biên chế, tăng cường quản lý cán bộ, công chức và viên chức,…vì lúc đó sẽ như “muối bỏ biển”” - ông Trần Xuân Cầu nói.

Phân cấp thẩm quyền quyết định vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 89/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2016, trong đó có đề cập đến phân cấp thẩm quyền quyết định vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị quyết nêu rõ: Về thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ thống nhất về nguyên tắc phân cấp thẩm quyền quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân. Việc phân cấp thẩm quyền quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phải được thực hiện theo điều kiện, quy trình, thủ tục rõ ràng và gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm không tư nhân hóa.

Trước mắt, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ (đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp bảo đảm chi thường xuyên) được quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở bảo đảm việc làm ổn định và thu nhập cho số lượng người làm việc tăng thêm.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ (đơn vị sự nghiệp do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên) thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong tổng số người làm việc được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật, bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trường hợp tăng thêm số lượng người làm việc so với tổng số người làm việc được cấp có thầm quyền giao, các bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Nội vụ thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Nghị quyết cũng đề cập việc đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng giáo dục. Theo đó, Chính phủ thống nhất chủ trương đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Các trường đại học được giao quyền tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức nhân sự, tài chính và tăng cường trách nhiệm giải trình; quy định rõ về kiểm định chất lượng và cơ chế học bổng nhằm bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao cho con em hộ nghèo, đối tượng chính sách; giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản; đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (hội đồng trường).

Hướng dẫn phạm vi thực hiện chính sách cho cán bộ, công chức vùng đặc biệt khó khăn

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc hướng dẫn phạm vi thực hiện Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề xuất của Bộ Nội vụ về việc giao Ủy ban Dân tộc ban hành văn bản hướng dẫn việc xác định xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi theo Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 01-02-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 01-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo cho đến khi có văn bản mới để thực hiện thống nhất Nghị định số 116/2010/NĐ-CP.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2010/NĐ-CP trong năm 2016. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020 trước ngày 20-10-2016.

Phân công chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phân công các thành viên chính phủ chuẩn bị một số báo cáo, nội dung phục vụ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc vào ngày 20-10-2016, bế mạc vào ngày 22-11-2016.

Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ trưởng Bộ Tài chính chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về tình hình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về việc kiện toàn bộ máy của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương theo Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương từ sau Đại hội Đảng XII đến nay.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ đánh giá về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đánh giá kết quả việc đổi mới trong các kỳ thi năm học 2015 - 2016 và dự kiến kỳ thi năm học 2016 - 2017; kết quả chương trình dạy học theo mô hình Việt Nam mới (VNEN); việc dự kiến đưa các môn học ngoại ngữ (tiếng Nga, tiếng Trung…) trong các chương trình giáo dục.

Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị, bổ sung nội dung “Việc chỉ đạo thực hiện các giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” và “tình hình biến đổi khí hậu gây thiệt hại cho kinh tế - xã hội, giải pháp khắc phục trong thời gian tới” trong Báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị, bổ sung nội dung “Bài học kinh nghiệm và các giải pháp để bảo vệ môi trường” trong Báo cáo của Chính phủ về việc khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị, bổ sung nội dung “Công tác quản lý và hiệu quả sử dụng vốn ODA giai đoạn 2011 - 2015” trong Báo cáo của Chính phủ về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công.

Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan bổ sung nội dung “Việc chỉ đạo thực hiện các giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” và “Tình hình biến đổi khí hậu gây thiệt hại cho kinh tế - xã hội, giải pháp khắc phục trong thời gian tới” trong Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 do Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Hội trường.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ: Công an, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ khẩn trương chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ giải trình về việc chưa trình Quốc hội đối với 2 dự án Luật: Luật công an xã và Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Thành lập Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính Cà Mau

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải vừa ký ban hành quyết định thành lập Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau, trụ sở làm việc tại số 298 đường Trần Hưng Đạo, phường 5, thành phố Cà Mau.

Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính Cà Mau được thành lập với mục tiêu nhằm đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ thực hiện công tác cải cách hành chính, giảm phiền hà, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp rút ngắn thời gian và dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) tỉnh Mà Mau trong thời gian tới ngày càng thân thiện, minh bạch, hiệu quả cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cộng đồng xã hội.

Theo đó, Trung tâm có chức năng làm đầu mối và chịu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, hướng dẫn và giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân theo quy định; phối hợp với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh giải quyết công việc hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa liên thông hiện đại. Đồng thời, có nhiệm vụ niêm yết công khai thủ tục hành chính (thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, mức thu phí, lệ phí…).

Trung tâm còn có nhiệm vụ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đến liên hệ giải quyết công việc; tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ của tổ chức, cá nhân về giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành tỉnh theo quy định hiện hành của tỉnh; thẩm định hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc chuyển hồ sơ đến các các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan giải quyết; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện giải quyết thủ tục, hồ sơ đảm bảo nội dung và tiến độ; trả kết quả cho tổ chức, cá nhân theo đúng thời gian quy định; tiếp nhận, xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của tổ chức, cá nhân đối với các quy định về thủ tục hành chính và công chức, viên chức làm việc tại trung tâm…

Ông Lê Quang Hảo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau cho biết: "Năm 2016, tỉnh Cà Mau chọn công tác cải cách hành chính, làm khâu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Theo đó, Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Qua 9 tháng đầu năm 2016, Cà Mau đã thực hiện được 18/24 nhiệm vụ kế hoạch cải cách hành chính năm 2016, đạt 75% kế hoạch đề ra. Việc thành lập Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp tỉnh đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính ngày càng sâu rộng và thiết thực hơn, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp...".

Công bố Bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực Nông nghiệp

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5582/QĐ- UBND về việc công bố Bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, sẽ có 75 thủ tục hành chính trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội, bao gồm: 2 thủ tục hành chính cấp Thành phố là xác nhận đăng ký huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Có 63 thủ tục hành chính cấp sở thuộc 11 nhóm lĩnh vực như: Chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, kiểm lâm, bảo vệ thực vật, thủy lợi, Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy - sản ; 07 thủ tục hành chính cấp quận, huyện, thị xã và 03 thủ tục hành chính cấp xã, phường, thị trấn.

Trước đó, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo từ nay đến cuối năm, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị của Thành phố phải tiếp tục tiến hành rà soát, xác định lại nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND thành phố và UBND cấp huyện; sắp xếp lại các Ban quản lý dự án, thực hiện tinh giản biên chế, đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính trong nội bộ các cơ quan quản lý nhà nước của thành phố theo tinh thần 5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả công việc; một việc - một đầu mối xuyên suốt từ thành phố đến cơ sở.

Khắc phục thủ tục chồng chéo

Ngày 13-10, UBND TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 9 tháng và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2016 của thành phố.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, cải cách hành chính là một trong những chương trình đột phá trong giai đoạn 2016 - 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X xác định. Do đó năm 2016 có thể coi là năm đầu thực hiện Nghị quyết một cách đồng bộ trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, ông Tuyến cho biết, dù mới qua 9 tháng thực hiện kế hoạch (Quyết định số 7034/QĐ-UBND) thực hiện công tác cải cách hành chính, thế nhưng hệ thống liên thông văn bản điện tử của thành phố đả được triển khai xuống 222 đơn vị quận/huyện, sở, ngành của thành phố và đã trao đổi hơn 900.000 văn bản điện tử qua môi trường mạng. Công tác xây dựng và cung cấp dịch vụ công trực tuyến được UBND Thành phố chỉ đạo cung cấp khoảng 1.700 dịch vụ ở mức độ 2; 426 dịch vụ ở mức độ 3 và 58 dịch vụ ở mức độ 4 của danh mục các thủ tục hành chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong 9 tháng đầu năm, TP. Hồ Chí Minh cũng có đánh giá chỉ số cải cách hành chính để chấn chỉnh thái độ của cán bộ, công chức tiếp dân, khắc phục những quy trình thủ tục hành chính cần sửa đổi, bổ sung, loại bỏ. UBND Thành phố đã phân cấp, ủy quyền cho các sở ngành, quận/huyện cải cách mạnh mẽ trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, gắn với giảm phiền hà, giải quyết nhanh gọn thủ tục cho cá nhân, tổ chức, như đấu thầu, tổ chức biên chế, đất đai, môi trường, xây dựng, đầu tư, lao động, nhất là, việc cải cách đã giúp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đơn vị.

Tuy nhiên, dù đạt được một số kết quả tích cực nhưng một số thủ tục hành chính ở các lĩnh vực vẫn còn chồng chéo, bất cập. Mục tiêu của trong công tác cải cách hành chính là 3 tháng cuối năm sẽ tập trung vào phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố và triển khai xây dựng xong Đề án “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh” giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030./.