Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 03 đến ngày 09-10-2016

Hồng Ngọc tổng hợp
14:02, ngày 10-10-2016
TCCSĐT - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Công Thương kiểm tra, làm rõ căn cứ pháp lý, điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục liên quan đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm Hàm vụ phó, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, người quản lý doanh nghiệp đối với ông Vũ Quang Hải, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 01-11-2016.

Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ

Chính phủ ban hành Nghị định 123/2016/NĐ-CP Ngày 01-9-2016, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ có hiệu lực từ ngày 15-10-2016. Theo đó, bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.

Bộ trưởng là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, lãnh đạo công tác của bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực được giao trong phạm vi toàn quốc.

Bộ trưởng làm việc theo chế độ thủ trưởng và Quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là Thứ trưởng) giúp bộ trưởng thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể do bộ trưởng phân công và chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Thứ trưởng không kiêm người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc bộ, trừ trường hợp đặc biệt.

Khi bộ trưởng vắng mặt, một thứ trưởng được bộ trưởng ủy nhiệm thay bộ trưởng điều hành và giải quyết công việc của bộ. Số lượng thứ trưởng thực hiện theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ.

Tổ chức và hoạt động của bộ thực hiện theo nguyên tắc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của bộ, bộ trưởng; đề cao trách nhiệm của bộ trưởng trong mọi hoạt động của bộ; tổ chức bộ máy của bộ theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chỉ thành lập tổ chức mới khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ bảo đảm không chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ; công khai, minh bạch và hiện đại hóa hoạt động của bộ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Qua hệ thống này không quan chức nào có thể nói dối

Từ năm 2013, Văn phòng Chính phủ đã triển khai, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống Quản lý cơ sở dữ liệu - theo dõi tại Văn phòng Chính phủ và được cập nhật thường xuyên. Đây là nguồn thông tin, dữ liệu căn bản phục vụ tổ công tác của Thủ tướng khi làm việc với các bộ, ngành, địa phương.

Hệ thống cơ sở dữ liệu kết hợp với phần mềm liên thông văn bản giúp thống kê chính xác và đẩy đủ nhất số liệu các văn bản đi, đến; số lượng các nhiệm vụ đã hoàn thành, đang hoàn thành hay đã quá hạn của từng bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, phần mềm liên thông văn bản còn hỗ trợ quản lý các văn bản đi, đến; trạng thái văn bản trao đổi với các bộ, ngành, địa phương. Qua đây, các văn bản hành chính được chuyển đến từng bộ, ngành, địa phương; đến từ cán bộ, công chức, viên chức theo dõi, xử lý. Điều này góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành và gắn kết chặt chẽ, minh bạch các thông tin từ cấp Trung ương tới địa phương.

Trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, đoàn công tác của Thủ tướng đã tiến hành kiểm tra một số bộ, ngành như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và UBND Thành phố Hà Nội. Những con số thống kê được nêu lên trong các buổi làm việc đã cho thấy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, cũng như phần mềm liên thông văn bản đã, đang trở thành công cụ hỗ trợ đặc biệt cho công tác tham mưu, tổng hợp phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: "Khi họp Chính phủ là tất cả đều hiện cái máy này lên, ông nào, bộ nào, ngành nào, cơ quan nào hiện còn bao nhiêu việc quá hạn là đổ hết ra". "Cải cách hành chính bằng việc kiểm soát minh bạch công việc qua ứng dụng công nghệ thông tin. Mà công nghệ thông tin ứng dụng vào, không ai nói dối được đâu. Vì anh vào ngày nào, giờ nào nó hiện lên thế. Chứ còn đưa văn bản thì anh nói dối, hôm nay kí thì bảo là kí từ hôm trước", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận xét.

Việc đưa hệ thống dữ liệu và phần mềm liên thông văn bản vào sử dụng hiện không chỉ giúp Chính phủ quản lý sát sao các nhiệm vụ đã chỉ đạo, tiến độ thực hiện của nó; mà còn rút ngắn thời gian cho hành chính văn thư, góp phần cải cách thủ tục hành chính đúng như mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước

Ngày 05-9-2016, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; quán triệt, triển khai đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cấp trên.

Ngày 08-9-2016, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 27/CT-TTg về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương xác định rõ mục tiêu của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; xây dựng nhà nước đổi mới, sáng tạo; tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp và người dân được tự do sản xuất, kinh doanh theo pháp luật; lấy phục vụ nhân dân là mục tiêu quan trọng nhất…

Phú Yên thực hiện xếp hạng viên chức theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp

Từ ngày 19 đến 23-9, HĐND tỉnh Phú Yên tổ chức giám sát công tác tuyển dụng, quản lý sử dụng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Qua các báo cáo, số liệu thống kê cho thấy, việc sử dụng biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh giữ ở mức ổn định.

Theo thống kê, tổng số biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh là 19.213 người. Cụ thể: Biên chế sự nghiệp giáo dục đào tạo là 14.695 người; biên chế sự nghiệp y tế là 3.266 người; biên chế sự nghiệp văn hóa, thông tin và thể thao là 394 người; biên chế sự nghiệp khác là 858 người.

Về chất lượng đội ngũ viên chức, toàn tỉnh có 12 tiến sĩ, 23 bác sĩ chuyên khoa II, 539 thạc sĩ. Những người có trình độ đại học và cao đẳng chiếm 72%. Việc bố trí, sử dụng người làm việc tại các đơn vị, địa phương phù hợp theo hướng gắn với các tiêu chí về năng lực chuyên môn, trình độ đào tạo của đội ngũ viên chức.

Ông Đặng Lê Tiến, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên cho biết: Biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh luôn ở mức ổn định giữa các năm; tổng số biên chế không tăng thêm so với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh giao trước ngày 31-12-2012.

Để việc quản lý biên chế sự nghiệp công lập theo đúng quy định, tỉnh Phú Yên đã xây dựng đề án vị trí việc làm theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; đồng thời thực hiện cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh Phú Yên đang thực hiện xếp hạng viên chức theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Mỗi hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng với trình độ chuyên môn của viên chức trong từng ngành, từng lĩnh vực. Đến tháng 8-2016, Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên đã xếp hạng chức danh nghề nghiệp cho 5.430 viên chức là giáo viên.

Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về công tác cải cách hành chính

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về công tác cải cách hành chính.

Theo đó, phát huy những lợi thế, khắc phục khó khăn, TP. Hồ Chí Minh cần nỗ lực triển khai những nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, tiếp tục triển khai kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; đề ra những giải pháp thiết thực để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp (tập trung vào nhóm các thủ tục hành chính phục vụ hội nhập quốc tế, khởi sự doanh nghiệp, đầu tư, xây dựng, du lịch, đất đai, hạ tầng kỹ thuật đô thị, lưu thông hàng hóa và tiêu dùng...). Gắn cải cách thủ tục hành chính với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ.

Niêm yết thủ tục hành chính trên các lĩnh vực tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Thực hiện việc xin lỗi công dân đối với các trường hợp hồ sơ trễ hẹn do lỗi của cơ quan hành chính nhà nước và giải thích cụ thể đối với các trường hợp trả lại hồ sơ.

TP. Hồ Chí Minh cũng cần đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức. Thực hiện tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm, kỹ năng tác nghiệp và thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ. Thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý, đánh giá công chức, viên chức, bảo đảm khách quan, trung thực; tạo điều kiện bình đẳng cho mọi công dân thi tuyển vào cơ quan nhà nước.

Hoàn thiện tổ chức các cơ quan chuyên môn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; khắc phục những nhược điểm, hạn chế trong thực hiện cải cách hành chính, nhất là về cải cách thủ tục hành chính, về tinh thần trách nhiệm, kỹ năng tác nghiệp và thái độ ứng xử của cán bộ, công chức tại các bộ phận một cửa, một cửa liên thông; xử lý kịp thời vi phạm pháp luật.

Về Chương trình Chính phủ điện tử và xây dựng cơ sở dữ liệu tổng thể của quốc gia, Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ đã giao các nhiệm vụ cụ thể về triển khai Chính phủ điện tử và phân công trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, trong đó bao gồm: Xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ Chính phủ đến cấp xã… thiết lập cổng dịch vụ công quốc gia trên cơ sở hình thành từ các hệ thống thông tin về thủ tục hành chính, dân cư, đất đai, xây dựng và doanh nghiệp./.