Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng ở nông thôn tỉnh Hải Dương hiện nay
TCCSĐT - Chỉ thị số 52CT/TƯ ngày 21-01-2002 của Bộ Chính trị đã khẳng định: kết nạp đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có tính quy luật trong công tác xây dựng Đảng nhằm tăng cường thêm sức chiến đấu, bảo đảm sự kế thừa phát triển của Đảng, tạo thêm nhân tố mới trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.
Hải Dương là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, phát huy truyền thống của quê hương, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã có nhiều cố gắng trong công tác phát triển đảng viên mới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đảng viên nói chung và công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn nói riêng còn bộc lộ những hạn chế cần giải quyết.
Thực trạng công tác phát triển đảng ở nông thôn tỉnh Hải Dương
Đảng viên là những chiến sĩ cách mạng ưu tú, tiên tiến, giác ngộ nhất trong giai cấp công nhân, nhân dân lao động. Họ gắn kết với nhau bằng lý tưởng, nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Đảng viên tạo nên sức mạnh cho tổ chức, sức mạnh của tổ chức ngày càng mạnh nếu đội ngũ đảng viên có đủ tài và đức. Do vậy, đảng viên và đội ngũ đảng viên có chất lượng tốt sẽ quyết định sức mạnh của tổ chức cơ sở đảng.
Công tác phát triển đảng là một yêu cầu khách quan đồng thời là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng nhằm bổ sung đội ngũ đảng viên có chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng trong mỗi giai đoạn cách mạng. Công tác phát triển đảng cũng là nhiệm vụ quan trọng của việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nhằm tăng thêm sinh lực, sức chiến đấu cho Đảng, trẻ hoá đội ngũ đảng viên, bảo đảm sự kế thừa và phát triển của Đảng.
Trong quá trình phát triển, Đảng không ngừng nâng cao số lượng, chất lượng đảng viên. Trung ương Đảng đã ra nhiều chỉ thị nêu rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đảng viên, nâng cao chất lượng đảng viên. Bộ Chính trị nhấn mạnh, kết nạp đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng của công tác xây dựng Đảng, do đó, cần coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, trẻ hóa đội ngũ đảng viên.
Quán triệt được điều đó, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã chú trọng công tác phát triển đảng viên. Qua nghiên cứu quá trình phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn từ năm 2010 đến năm 2014 cho thấy đội ngũ đảng viên đã có sự chuyển biến về mọi mặt. Chuyển biến trước hết là nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề phát triển đảng viên; chuyển biến về ý thức, trách nhiệm của cơ sở đảng trong việc phát triển đảng viên. Năm 2014, Đảng bộ tỉnh Hải Dương có 75.140 đảng viên, chiếm 4,75% dân số; trong đó đảng viên thuộc cơ sở xã, thị trấn thuộc khu vực nông thôn là 58.985 người, chiếm 78.5%; đảng viên ở các cơ sở doanh nghiệp là 7.213 người, chiếm 9,6%; đảng viên ở các cơ sở hành chính sự nghiệp là 6.838 người, chiếm 9,1%; đảng viên thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang là 1.803 người, chiếm 2,4% (1). Trong tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh, đảng viên là nông dân trực tiếp sản xuất ở khu vực nông thôn chiếm 43,4%; trong đó trình độ học vấn đại học 0,3%, cao đẳng và trung cấp 24,5%, còn lại là trình độ học vấn dưới trình độ trung cấp (2).
Các đảng bộ ở khu vực nông thôn là hạt nhân chính trị ở khu vực nông thôn, trực tiếp lãnh đạo mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn; trực tiếp lãnh đạo việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khai thác và phát huy mọi tiềm năng các thành phần kinh tế ở địa phương, lãnh đạo và chăm lo xây dựng kết cấu hạ tầng; lãnh đạo thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục; lãnh đạo việc thực hiện tốt các phong trào chăm lo sức khỏe cộng đồng, dân số kế hoạch hóa gia đình, phong trào đền ơn đáp nghĩa,…
Các tổ chức Đảng bộ ở khu vực nông thôn còn là nơi chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn đội ngũ cán bộ để đưa ra giới thiệu để bầu hoặc bổ nhiệm vào các cơ quan trong hệ thống chính trị ở cơ sở; lãnh đạo và thực hiện việc kiểm tra giám sát đối với chính quyền cơ sở, mặt trận và các đoàn thể nhân dân; lãnh đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, ngăn ngừa tiêu cực, biểu dương, khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt.
Tuy nhiên, đội ngũ đảng viên và tổ chức cơ sở đảng ở khu vực nông thôn vẫn còn nhiều yếu kém và bất cập. Số lượng đảng viên còn ít, có trình độ học vấn thấp, trình độ chính trị thấp, tỏ ra “ngại” học chính trị, ngại tìm hiểu chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một số tổ chức cơ sở đảng thực hiện chưa tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở còn yếu, hiệu quả thấp. Nhiều đảng bộ có tổ chức triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của tổ chức Đảng cấp trên nhưng không đưa ra chương trình hành động thực hiện. Một số đảng bộ xã, thị trấn chưa quan tâm đúng mức tới công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên; tổ chức học tập nghị quyết chưa kịp thời, còn hình thức; công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cho cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ, thiếu thường xuyên; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và quần chúng không sâu sát, chưa coi trọng đúng mức đến ý kiến và đề nghị của cán bộ, đảng viên, quần chúng, do đó chưa phản ánh kịp thời, đầy đủ lên tổ chức đảng và chính quyền cấp trên. Một bộ phận đảng viên sa sút ý chí phấn đấu, ý thức tổ chức kỷ luật kém, vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống; không đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên. Trình độ kiến thức, năng lực lãnh đạo của cấp ủy, nhất là cán bộ chủ chốt xã, thị trấn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới. Một số cấp ủy chưa thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, còn biểu hiện mất đoàn kết, xây dựng quy chế làm việc và thực hiện quy chế chưa tốt. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ ở một số xã, thị trấn chưa được coi trọng, còn hiện tượng cục bộ, nể nang trong công tác cán bộ. Tỷ lệ đảng bộ xã, thị trấn được công nhận “Trong sạch, vững mạnh” hằng năm đạt cao, nhưng chất lượng còn hạn chế, còn chạy theo thành tích.
Những yếu kém, khuyết điểm trên chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Sự lãnh đạo của một số huyện ủy và thành ủy đối với tổ chức cơ sở đảng ở khu vực nông thôn có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức, thiếu hướng dẫn, ít kiểm tra đôn đốc, chậm giải quyết tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, việc củng cố xây dựng và thẩm định xét duyệt tổ chức cơ sở đảng đạt “trong sạch vững mạnh” ở một số nơi làm chưa thật chặt chẽ, còn hình thức và chạy theo thành tích.
Sự phối kết hợp giữa một số cơ sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh với các huyện ủy, thành ủy để giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc ở một số xã phường, thị trấn, đơn vị trong thời gian qua chưa thật sự chặt chẽ, thiếu tích cực và còn hiện tượng đùn đẩy, chờ đợi lẫn nhau, trách nhiệm giải quyết không rõ ràng, cụ thể, để một số vụ việc kéo dài.
Thủ tục hành chính còn rườm rà, văn bản của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp trên xuống tổ chức cơ sở đảng quá nhiều, việc nghiên cứu của cơ sở đảng còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng ở một số đảng bộ xã, thị trấn “ hấp thụ” không hết, triển khai không kịp thời, vận dụng thiếu chính xác.
Một số đảng bộ xã, thị trấn ở khu vục nông thôn thực hiện chưa tốt nhiệm vụ của mình trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị cơ sở. Một số Đảng bộ tỏ ra buông lỏng các nguyên tắc phát triển Đảng, tổ chức và sinh hoạt Đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, còn nhiều biểu hiện “tập trung quan liêu, dân chủ hình thức”, thực hiện tự phê bình và phê bình không thường xuyên; xử lý vi phạm kỷ luật Đảng chưa kịp thời, còn né tránh. Việc phân công nhiệm vụ và phân tích chất lượng đảng viên ở nhiều đảng bộ xã, thị trấn còn hình thức, chưa phản ánh đúng thực trạng chất lượng đội ngũ đảng viên.
Một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác phát triển Đảng ở nông thôn tỉnh Hải Dương hiện nay
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kết nạp đảng viên trong giai đoạn hiện nay; coi công tác kết nạp đảng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đại hội Đảng các cấp, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện, ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; hạn chế những tiêu cực và tệ nạn xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, giúp cho quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức về Đảng, về công cuộc đổi mới, trên cơ sở đó củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, hướng về Đảng và phấn đấu trở thành đảng viên.
Thứ ba, làm tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên trong các đối tượng đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, phụ nữ, người lao động trong các thành phần kinh tế, con em trong những gia đình có công với cách mạng, những nơi còn ít đảng viên…
Thứ tư, kết nạp đảng viên cần được coi trọng cả về số lượng và chất lượng, không chạy theo số lượng đơn thuần. Người được kết nạp vào Đảng phải bảo đảm các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng; Chú trọng tiêu chuẩn giác ngộ lý tưởng của Đảng, đạo đức, lối sống và năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thực hiện nghiêm túc các quy trình, thủ tục, nguyên tắc kết nạp Đảng theo quy định của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Khắc phục tình trạng cơ sở đảng có “nguồn” nhưng trong năm không kết nạp được đảng viên.
Thứ năm, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị của Đảng về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn công tác kết nạp đảng viên với phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, chính quyền và các đoàn thể quần chúng vững mạnh. Quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, chính quyền và các đoàn thể quần chúng.
Thứ sáu, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên về công tác kết nạp đảng viên. Căn cứ chỉ tiêu nghị quyết đại hội và tình hình cụ thể, các huyện ủy, thành ủy, thị ủy và Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, hằng năm giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên đối với các cơ sở đảng; phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp ủy viên phụ trách cụm, cơ sở; chỉ đạo các cơ sở đảng ra nghị quyết chuyên đề; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; định kỳ sơ, tổng kết, nhận diện các điển hình về công tác kết nạp đảng viên; đồng thời quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng tham mưu của các cơ quan chuyên môn, nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú, bồi dưỡng lý luận cho đảng viên mới kết nạp và các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở.
Phát triển đảng là nhiệm vụ thường xuyên, đóng vai trò quan trọng trong nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Việc chú trọng công tác phát triển đảng không những đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn ở Hải Dương, mà còn tạo ra bước chuyển biến mới nâng cao chất lượng mọi mặt của đội ngũ đảng viên, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác này, đòi hỏi Đảng bộ tỉnh Hải Dương phải có nhiều giải pháp, trong đó, những kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng ở khu vực nông thôn có ý nghĩa quan trọng./.
---------------------------------------------------------------
(1) (2) Ban Tổ chức tỉnh ủy Hải Dương (2015), Báo cáo tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, tr.3
Việt Nam tiến bộ đáng kể trong thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ  (21/05/2015)
Xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của toàn hệ thống chính trị  (21/05/2015)
Việt Nam luôn ưu tiên cao cho công tác phòng, chống ma túy  (21/05/2015)
Việt Nam - Liên hợp quốc tăng cường quan hệ và hợp tác nhiều mặt  (21/05/2015)
Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp chống buôn lậu thuốc lá  (21/05/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển