Quan hệ Mỹ - Mỹ La-tinh: Bình đẳng mới bền lâu
TCCSĐT - Năm 2014 khép lại với một sự kiện đặc biệt: quan hệ đối đầu suốt 53 năm giữa Mỹ và Cu-ba được tuyên bố đi tới bình thường hóa trong bài phát biểu của hai nhà lãnh đạo đứng đầu đất nước vào ngày 17-12-2014. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn trong chính sách của Mỹ đối với khu vực Mỹ La-tinh.
Kết thúc hơn nửa thế kỷ sóng gió
Mỹ và Cu-ba cắt đứt quan hệ ngoại giao từ năm 1961. Kể từ đó, Mỹ tăng cường áp đặt lệnh cấm vận kinh tế đối với Cu-ba. Cho đến đầu thế kỷ XXI mới có những dấu hiệu “tan băng” đầu tiên trong quan hệ hai nước. Tháng 11-2001, lần đầu tiên sau 40 năm, chuyến hàng xuất khẩu lương thực thực phẩm từ Mỹ đến Cu-ba, đáp ứng lời kêu gọi viện trợ giúp Cu-ba khắc phục hậu quả của siêu bão Mi-sen, mở đầu cho một loạt động thái tích cực tiếp sau đó. Tháng 5-2002, cựu Tổng thống Mỹ G. Các-tơ đã ghi dấu ấn thiện chí khi trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Cu-ba kể từ sau năm 1959 để giúp làm sáng tỏ nghi vấn về vũ khí sinh học của Cu-ba. Tháng 12-2006, phái đoàn lớn nhất của Quốc hội Mỹ tới Cu-ba kể từ sau năm 1959 nhằm khởi động một “kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ - Cu-ba”. Tháng 4-2009, Tổng thống mới đắc cử Ba-rắc Ô-ba-ma ra quyết định dỡ bỏ những hạn chế về du lịch gia đình và kiều hối về Cu-ba. Tuy nhiên, vào cuối năm 2012, vụ việc công dân Mỹ A-lanh Grốt bị giam giữ tại Cu-ba với cáo buộc làm gián điệp cho Oa-sinh-tơn đã làm ngưng trệ các nỗ lực hòa giải trong quan hệ hai nước. Đến tháng 9-2012 khi Cu-ba phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán với Oa-sinh-tơn về việc tìm kiếm một giải pháp cho vụ A-lanh Grốt, dẫn tới việc Cu-ba trả tự do cho công dân Mỹ này bị giam giữ tại Cu-ba 5 năm qua và một điệp viên người Cu-ba làm việc cho chính phủ Mỹ bị bắt giữ từ cách đây 20 năm. Đổi lại, Mỹ cũng đã trả tự do cho ba chiến sỹ tình báo của Cu-ba bị giam giữ ở Mỹ.
Với kết quả của hơn 18 tháng đàm phán bí mật, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma và Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô đã có cuộc điện đàm kéo dài 45 phút trong ngày 16-12-2014. Ngày 17-12-2014, hai nhà lãnh đạo tuyên bố quyết định bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cu-ba, đưa quan hệ hai nước sang một trang mới. Diễn văn của Tổng thống B. Ô-ba-ma khẳng định: “trong một sự thay đổi có ý nghĩa nhất về chính sách trong hơn 50 năm qua, chúng ta sẽ chấm dứt cách tiếp cận lỗi thời nhiều thập kỷ qua, không thúc đẩy được các lợi ích của Mỹ để thay vào đó sẽ bình thường hóa quan hệ với Cu-ba”. Còn tờ báo Gran-ma - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cu-ba - đã dẫn lời nhiều người dân Cu-ba nhấn mạnh rằng, ngày 17-12-2014 là một mốc son quan trọng trong lịch sử của Cu-ba, cũng như của châu Mỹ và toàn thế giới.
Cu-ba và một Mỹ La-tinh
Việc quyết định bình thường hóa quan hệ với Cu-ba của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma không chỉ nhằm khôi phục quan hệ với quốc đảo Tự do mà còn thể hiện sự điều chỉnh chính sách đối với khu vực láng giềng mà bấy lâu nay Mỹ không mấy coi trọng đúng mức. Trong thời gian gần đây, Mỹ La-tinh, trong đó có Cu-ba đang ngày càng có quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại chặt chẽ với Nga và Trung Quốc.
Tháng 7-2014, Tổng thống Nga V. Pu-tin thăm chính thức Cu-ba, cam kết xóa 90% (tương đương 30 tỷ USD) món nợ khổng lồ 35 tỷ USD mà Cu-ba nợ từ thời Liên Xô trước đây. Nhà lãnh đạo Nga cũng đã ký hàng loạt thỏa thuận hợp tác với Chủ tịch Cu-ba R. Ca-xtơ-rô trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, công nghiệp,... trong đó có thỏa thuận hợp tác khai thác dầu khí tại vùng biển của Cu-ba.
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào Cu-ba, có ít nhất 65 công ty lớn của Trung Quốc đang làm ăn tại đây. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã nắm cảng biển lớn nhất của Cu-ba tại khu công nghiệp Ma-ri-en. Tại Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa Trung Quốc, Cộng đồng các quốc gia Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê (CELAC) năm 2014, Bắc Kinh đã công bố khoản Quỹ 35 tỷ USD của Trung Quốc đầu tư vào khu vực Mỹ La-tinh, trong đó 20 tỷ USD dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng, 10 tỷ USD cho phát triển và 5 tỷ USD cho các lĩnh vực khác. Cũng trong tháng 7-2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến công du đến khu vực này, kêu gọi Pê-ru, Bra-xin và Trung Quốc thảo luận kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt từ bờ biển Thái Bình Dương của Pê-ru đến bờ biển Đại Tây Dương của Bra-xin. Diễn đàn hợp tác đầu tiên giữa Trung Quốc với CELAC diễn ra ở Thủ đô Bắc Kinh vào ngày 08 và ngày 09-01-2015 trong bối cảnh kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Mỹ La-tinh gia tăng nhanh chóng (năm 2013 đạt 261,6 tỷ USD, tăng 20 lần so với năm 2000). Tính đến hết năm 2013, tổng đầu tư của Trung Quốc vào các nước Mỹ La-tinh đạt trên 80 tỷ USD. Trung Quốc còn thể hiện chiến lược xây dựng ảnh hưởng của mình bằng công trình xây dựng kênh đào Ni-ca-ra-goa kết nối Thái Bình Dương, dự kiến bảo đảm khoảng 5% lưu lượng vận tải đường biển quốc tế. Tháng 6-2013, Tổng thống Ni-ca-ra-goa Đa-ni-en Oóc-tê-ga và người đứng đầu nhà đầu tư kiêm nhà thầu - Công ty Hồng Công “HK Nicaragua Canal Development Investment” (HKND) - doanh nhân người Trung Quốc Oang Gin, đã ký văn bản chính thức cấp phép đầu tư xây dựng kênh đào này. Theo đó, công ty của Trung Quốc được quyền xây dựng và quản lý kênh đào cùng các dự án liên quan trong thời hạn 50 năm. Ni-ca-ra-goa sẽ được nhận 1% lợi nhuận trong năm đầu tiên kênh đào đi vào hoạt động và tỷ lệ lợi nhuận được hưởng sẽ tăng 10% sau mỗi thập niên và ước đạt 100% sau 100 năm. Như vậy, sau 100 năm, Ni-ca-ra-goa sẽ chính thức lấy lại quyền quản lý con kênh của mình.
Trong khi Nga và Trung Quốc xúc tiến các bước đi khẳng định sự hiện diện tại Mỹ La-tinh thì Mỹ lại vấp phải nhiều chỉ trích và phản đối của các nước trong khu vực. Chỉ trong năm 2014, Tổng thống Bra-xin Đin-ma Ru-sép đã hủy chuyến thăm cấp nhà nước đến Oa-sinh-tơn ngay sau khi nghe tin Mỹ đặt hệ thống nghe lén. Ê-cu-a-đo rút khỏi Hiệp ước tương hỗ liên Mỹ (TIAR), cáo buộc Mỹ không bảo vệ các nước cùng châu lục như cam kết, đồng thời lợi dụng Hiệp ước để can thiệp quân sự vào một số nước. Vê-nê-xu-ê-la phản đối phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri và Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma về tình hình nội bộ, trục xuất ba cán bộ ngoại giao đại sứ quán Mỹ với cáo buộc tiếp tay cho phe đối lập gây bất ổn tại nước này.
Thay đổi cách tiếp cận
Khi nhậm chức tổng thống Mỹ nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2009, ông B. Ô-ba-ma đã từng có phát biểu được dư luận hoan nghênh, khẳng định “đã đến lúc cần phải phát triển một mối quan hệ bình đẳng với Mỹ La-tinh. Trước đây, có lúc chúng tôi tìm cách áp đặt các điều kiện của mình. Có thể chúng tôi đã sai lầm và chúng tôi thừa nhận điều đó”. Và trong bốn năm của nhiệm kỳ đầu tiên, không phủ nhận là ông B. Ô-ba-ma đã có nhiều động thái thể hiện sự thay đổi cách tiếp cận với Mỹ La-tinh, qua đó không còn dùng sức mạnh quân sự và hoạt động chính trị nhằm can thiệp, lôi kéo các nước trong khu vực, thay vào đó là thừa nhận vai trò của Mỹ La-tinh đẩy quan hệ bằng công cụ kinh tế thương mại làm đòn bẩy”. Đây chính là một sự điều chỉnh, thay đổi cách tiếp cận với Mỹ La-tinh của Tổng thống B. Ô-ba-ma.
Có thể nói, vẫn chưa quá muộn để Mỹ lấy lại ảnh hưởng đã bị suy giảm tại Mỹ La-tinh do sự cạnh tranh từ các cường quốc khác. Các công ty Mỹ hiện vẫn nằm trong số những nhà đầu tư lớn nhất vào khu vực này và trong tổng số 20 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Mỹ đã ký kết trên toàn thế giới, có 11 FTA với Mỹ La-tinh. Mặc dù thương mại giữa Trung Quốc và khu vực này đang tăng lên nhanh chóng và được dự báo sẽ thay thế dần vị trí của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ nhưng trong thời gian ngắn tới, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và toàn bộ khu vực Mỹ La-tinh vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo. Trong việc gây dựng ảnh hưởng tại Mỹ La-tinh, Oa-sinh-tơn có một lợi thế mà không đối thủ nào có được, đó là vị trí địa - chính trị gần gũi, song hơn ai hết, Mỹ cần xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng với các nước Mỹ La-tinh chứ không phải là áp đặt lối chơi của riêng mình tại khu vực như trước đây./.
Trận đầu ra quân đánh thắng của bộ đội Tăng - Thiết giáp  (05/02/2015)
Trận đầu ra quân đánh thắng của bộ đội Tăng - Thiết giáp  (05/02/2015)
Lãnh đạo các tỉnh biên giới Lào thăm, chúc Tết tại tỉnh Nghệ An  (05/02/2015)
Trung Quốc kiên định áp dụng phổ thông đầu phiếu tại Hong Kong  (05/02/2015)
Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân đón Tết, vui Xuân  (05/02/2015)
Ban Tuyên giáo các cấp tiếp tục tuyên truyền truyền thống của Đảng  (05/02/2015)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên