“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng…”
TCCSĐT - Tính đến nay, sau 148 năm kể từ ngày tờ báo đầu tiên xuất hiện (tờ Gia Định báo năm 1865) và sau 88 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tờ Thanh niên (21-6-1925) - tờ báo mở đầu cho nền báo chí cách mạng, báo chí Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, thực hiện tốt sứ mệnh cao cả trong việc tuyên truyền, giáo dục, cổ động nhân dân, góp phần to lớn vào sự thắng lợi của sự nghiệp cách mạng cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Báo chí Việt Nam - “trăm hoa khoe sắc”
Theo Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, “tính đến tháng 6-2012, cả nước có 748 cơ quan báo chí in với 1.052 ấn phẩm báo chí, 184 báo, 564 tạp chí, 25 báo ngày, 67 đài phát thanh, truyền hình, 62 báo điện tử, 1.024 trang tin điện tử tổng hợp chung (trong đó có 300 trang của các cơ quan báo chí); tổng số trang mạng xã hội 191 trang; tổng số blog trên 2 triệu; có gần 17 nghìn nhà báo, đang hoạt động trên khắp mọi vùng miền của Tổ quốc và ở nước ngoài...” (1). Như vậy, từ những tờ báo đầu tiên được trình bày thủ công bằng công nghệ lạc hậu thô sơ, do các nhà báo nghiệp dư, với kinh phí eo hẹp, thậm chí tự lực cánh sinh, nhưng với sự nỗ lực, tinh thần sáng tạo, đổi mới, hội nhập với thế giới, qua bao thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, nền báo chí cách mạng đã có sự phát triển, tăng tốc mạnh mẽ, bắt kịp với trình độ làm báo của các nước tiên tiến trên thế giới, ứng dụng hiệu quả thành tựu của công nghệ thông tin, mở rộng các loại hình báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử; tăng lượng xuất bản phẩm, thời lượng phát sóng; cập nhật các kênh phát thanh, truyền hình, tạo ra mạng lưới thông tin toàn cầu.
Song hành với sự phát triển của các loại hình báo chí là sự gia tăng, bổ sung lớn mạnh của đội ngũ những người làm báo, bao gồm các phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật in ấn, chế bản, phát hành được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tri thức, kỹ năng và trình độ ngoại ngữ, đã cập nhật, xử lý tốt những thông tin đa chiều, cung cấp cho công chúng những món ăn tinh thần bổ ích, thiết thực, kích thích sự hăng say trong lao động sản xuất, tạo niềm tin và sự hứng khởi trong nhân dân.
Trong bối cảnh giao lưu toàn cầu hiện nay, báo chí là kênh tuyên truyền hữu hiệu góp phần vào việc gìn giữ, bảo đảm ổn định tình tình chính trị, định hướng dư luận trong việc nắm bắt kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Với khả năng thông tin nhanh nhạy, phản ánh chân thực, đề cập đến mọi vấn đề trong và ngoài nước, báo chí đã đưa ra những dự báo về xu thế vận động, phát triển và những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, giúp các nhà chức trách có kế hoạch và chiến lược phù hợp để chỉ đạo, điều hành đất nước.
Là chiến sĩ thông tin trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, nhà báo phải biết chọn lọc, xử lý thông tin; biết gạt bỏ, loại trừ những luồng tin xấu, gây bất lợi cho quốc gia dân tộc. Đồng thời phản ánh và ghi lại những tấm gương điển hình, những con người mới, tiêu biểu để nêu gương, nhân rộng trong toàn xã hội, tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng, mang lại những hiệu ứng tốt trong nhận thức, hành động của nhân dân.
Đánh giá về vai trò, vị trí to lớn của truyền thông đại chúng trong đó có báo chí, Đảng, Nhà nước ta nhận định: “Thông tin đại chúng phát triển nhanh về số lượng và quy mô, về nội dung và hình thức, về in, phát hành, truyền dẫn, ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong đời sống vǎn hóa tinh thần của xã hội. Hệ thống mạng thông tin trong nước và quốc tế được thiết lập, tạo khả nǎng lựa chọn, khai thác các nguồn thông tin bổ ích phục vụ đông đảo công chúng. Đội ngũ các nhà báo ngày càng đông và có bước trưởng thành về chính trị, tư tưởng và nghiệp vụ” (2). Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác báo chí xuất bản trong những năm qua cũng còn tồn tại những bất cập, hạn chế gây ảnh hưởng xấu tới dư luận mà một trong những nguyên nhân căn bản xuất phát từ sự xuống cấp về đạo đức, tư tưởng và chuyên môn nghiệp vụ của nhà báo: “Quản lý văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản còn thiếu chặt chẽ. Môi trường văn hóa bị xâm hại, lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ độc hại làm suy đồi đạo đức, nhất là trong thanh thiếu, niên rất đáng lo ngại” (3).
Sự xuống cấp của một bộ phận nhà báo
Trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc xuất hiện một cách ồ ạt các tờ báo, tạp chí, một mặt tạo nên sự đa dạng, phong phú trong việc cung cấp thông tin đa chiều cho công chúng nhưng mặt khác, với tình trạng quản lý dễ dãi, thiếu trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành trong việc kiểm duyệt, thẩm định nội dung, hình thức, đã để xảy ra những vụ việc đáng tiếc trong việc đăng tải những thông tin gây bất lợi cho các tổ chức cá nhân, thậm chí xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Sự thiếu cẩn trọng của nhà báo trong việc duyệt tin bài, soát lỗi morat, phát tán những hình ảnh tế nhị, phản cảm đã tạo ra những phản ứng dữ dội từ dư luận. Đặc biệt trước sự phát triển của công nghệ thông tin, loại hình báo điện tử, trang tin điện tử ngày càng gia tăng với các máy chủ được đặt ở nước ngoài hoạt động dưới sự chỉ đạo, giật dây của các thế lực thù địch, các tổ chức phi chính phủ, đã đăng tải những bài báo có nội dung không lành mạnh, kích thích bạo lực lật đổ, tuyên truyền những tư tưởng phản động, làm “ô nhiễm” môi trường văn hóa, đầu độc tư tưởng, tình cảm của một bộ phận lớn công chúng. Việc ngăn chặn, xử lý các trang tin điện tử, các trang web đen chưa thực sự hiệu quả, còn tồn tại nhiều kẽ hở khiến cho các luồng tin trái chiều không ngừng lan rộng, phổ biến đầy rẫy trên in-tơ-nét.
Và một trong những vấn đề đáng báo động trong đời sống báo chí hiện nay là sự tha hóa, biến chất của một số nhà báo khi một số người đã đi lệch chuẩn, vượt ra khỏi quy tắc ứng xử và đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng báo chí để trục lợi, đe dọa những người có chức có quyền để tống tiền, cầu danh vị; đăng tải những thông tin thiếu trung thực, chạy theo thị hiếu nhất thời của công chúng để viết và đưa những tin bài giật gân, câu khách rẻ tiền, hạ thấp uy tín, vai trò của báo chí.
Người làm báo phải luôn giữ được “bút sáng lòng trong”, phản ánh và ghi lại một cách chân thực, sinh động hiện thực đời sống với những con người cụ thể, có địa chỉ rõ ràng. Nhưng hiện nay, một số nhà báo còn ngại đi, ngại đến, ngại gian khổ, khó khăn, làm báo theo kiểu mì ăn liền, sao chép, đạo văn tạo ra những tác phẩm thấp kém về nội dung và cẩu thả trong hình thức thể hiện.
Mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động đến mọi lĩnh vực và báo chí cũng không nằm ngoài quy luật tác động đó. Một số nhà báo đã phải trả giá cho những nhận thức lầm lạc khi bẻ cong ngòi bút, để cho các thế lực phản động lợi dụng, chi phối, đi ngược lại lợi ích dân tộc.
Bên cạnh đó, một số cơ quan báo chí hoạt động thuần túy vì lợi nhuận, lợi dụng uy tín, diễn đàn để kiếm lời. Tình trạng nhiều tạp chí có chỉ số thường gợi ý hoặc đặt vấn đề với các nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu muốn đăng bài để tính điểm công trình khoa học, họ phải bỏ một khoản chi phí lớn cho việc biên tập, đăng bài, không được lấy nhuận bút,… đã làm giảm uy tín, chất lượng khoa học của tạp chí, gây hoài nghi và mất niềm tin vào những cơ quan ngôn luận, nghiên cứu khoa học, đi ngược lại tôn chỉ, mục đích cao đẹp của nghề viết báo.
Với tính chất truyền tin nhanh nhạy, phổ biến rộng khắp, tức thì, tác động sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, một thông tin báo chí sai lầm có thể gây những hậu quả nghiêm trọng cho toàn xã hội, đe dọa an ninh, chính trị quốc gia. Vì thế hơn ai hết, nhà báo phải là người đi trước đón đầu, xứng đáng là những “cánh chim báo bão”, thấy được sức mạnh to lớn của báo chí, cảnh giác trước sự mê hoặc, cám dỗ của đồng tiền, danh vị, gìn giữ nhân phẩm, mài sắc ngòi bút, đấu tranh không khoan nhượng với những hành động đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc, chống lại tà đạo, ngợi ca và bảo vệ những giá trị chân, thiện, mỹ.
Báo chí ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, tạo ra sự đồng thuận, nhất trí của toàn dân tộc, chống lại những tư tưởng thù địch, mở rộng quan hệ hợp tác, bắc những cây cầu hữu nghị để đất nước có nhiều điều kiện, cơ hội phát triển bền vững, thịnh vượng.
Làm báo cũng là làm cách mạng
Trong điều kiện, hoàn cảnh làm việc hiện nay, nhà báo cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, khó khăn, thách thức. Nhiều nhà báo trong quá trình tác nghiệp bị các thế lực quá khích đe dọa, tấn công, bị cướp giật trang thiết bị tác nghiệp, bị khủng bố tinh thần khi đưa tin, bài phản ánh những vấn đề nhức nhối của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, việc một số tờ báo in, do những điều kiện về kinh phí hoạt động, lượng độc giả ngày càng ít, phải đình bản, rút ngắn số trang và tần số xuất bản phát hành (từ nhật báo chuyển sang tuần báo, bán nguyệt san rồi nguyệt san) đã tác động không nhỏ đến tâm lý người làm báo khiến họ không yên tâm công tác, chưa thể tận tâm, tận lực với nghề. Nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, những chiến sĩ thông tin trên mặt trận tư tưởng văn hóa phải thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý thức rõ về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của báo chí, về năng lực, phẩm chất đạo đức, văn phong của người làm báo:
- Nhà báo phải ý thức rõ về nghề nghiệp của mình, một nghề vinh quang, vẻ vang, tự hào trong việc tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo. “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” (4). “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà” (5).
- Và để thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả, vẻ vang của mình, nhà báo phải vượt qua những khó khăn, thử thách, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn tay nghề. “Phải có ý chí tự cường, tự lập, kém thì phải cố mà học. Chúng ta phải làm thế nào để vượt được khó khăn, làm tròn nhiệm vụ. Người cách mạng gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn, chứ không chịu thua khó khăn” (6); “Cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau đồi tư tưởng nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động” (7).
Nhà báo muốn viết cho hay, cho chân thật, hùng hồn sinh động thì phải đi sâu đi sát thực tế, học cách ăn nói của quần chúng, hướng về quần chúng để miêu tả, phản ánh, phục vụ nhu cầu thông tin của nhân dân, nâng cao trình độ dân trí. “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới,… Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu” (8).
- Để nâng cao trình độ, tay nghề, mài sắc ngòi bút, mỗi nhà báo phải nâng cao đạo đức cách mạng, tu dưỡng nhân cách, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm của thế giới, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ. “Trong nghề làm báo, ta có những kinh nghiệm của ta, nhưng ta cũng cần phải học thêm kinh nghiệm của các nước anh em. Muốn thế, thì những người làm báo ít nhất cũng cần biết một thứ tiếng nước ngoài” (9). Đặc biệt khi viết, nhà báo phải học cách viết ngắn gọn, giản dị, trong sáng, dễ hiểu, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân, tránh thói ba hoa, chuộng hình thức, sáo ngữ, viết theo kiểu đếm chữ lấy tiền. “Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như cách giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải rõ cái tư tưởng và lòng ao ước của quần chúng” (10).
Ngày nay những tư tưởng, quan điểm và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác báo chí vẫn vẹn nguyên tính thời sự, giúp nhà báo nhìn nhận lại chính mình để điều chỉnh hành vi, thực hiện tốt sứ mệnh cao cả mà nhân dân giao phó. Dù phải đứng trước những khó khăn, thách thức, những tác động ghê gớm của kinh tế thị trường, sự tác oai, tác quái của đồng tiền, danh lợi và những cám dỗ vật chất nhưng những nhà báo chân chính vẫn luôn kiên định lập trường tư tưởng, không chùn chân, nhụt chí mà sẵn sàng đương đầu, chấp nhận thử thách để khẳng định nhân cách, phẩm chất trong sáng trong việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, nhân lên những tình cảm trong sáng, vị tha, tạo ra một môi trường văn hóa thực sự lành mạnh và đầy tính dân chủ, nhân văn./.
-------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Báo cáo Sơ kết công tác quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông;
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 44;
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 169;
(4) Lê Quốc Lý (chỉ đạo biên soạn), Quan điểm của C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V. I. Lê- nin, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về báo chí, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 144;
(5) Sđd, tr. 140;
(6) Sđd, tr. 141;
(7) Sđd, tr. 144;
(8) Sđd, tr. 141 - 143;
(9) Sđd, tr. 143;
(10) Sđd, tr. 128;
Ủy Ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội và Bộ Công an ký kết Quy chế phối hợp công tác  (20/06/2013)
Campuchia đứng đầu về tăng trưởng sản xuất gạo  (20/06/2013)
Đại hội báo chí tiếng Nga toàn thế giới lần thứ 15  (20/06/2013)
ASEAN cần đoàn kết trước thách thức trên Biển Đông  (20/06/2013)
Tổng Bí thư sẽ thăm chính thức Vương quốc Thái Lan  (20/06/2013)
- Các quốc gia tầm trung trong bối cảnh mới và hàm ý chính sách đối với Việt Nam đến năm 2030
- Vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa
- Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng nền kinh tế tự chủ trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay và một số gợi ý cho Việt Nam
- Xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay