Dĩ hoà vi quý

Phan Lang
21:02, ngày 31-05-2012
TCCSĐT - Hội nghị cấp cao bất thường mới rồi của EU kết thúc với kết quả mà mọi đại diện trong nội bộ EU hiểu thế nào cũng được. Ai lạc quan thì đánh giá nó thành công. Những người bi quan cũng không đến nỗi vô lý khi coi nó bị thất bại. Thành viên EU nào muốn bảo vệ quan điểm của mình cũng có được cơ sở để không bị nhìn nhận là đã thất thế. EU lại một lần nữa lấy dĩ hoà vi quý làm trọng.
Sự khác biệt quan điểm giữa tân Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel về biện pháp chính sách đưa EU thoát khỏi khủng hoảng không chỉ đơn thuần là chuyện giữa hai nước này, mà còn biểu trưng cho sự phân rẽ ngày càng tăng trong nội bộ EU về định hướng chính sách cho cả liên minh. Đằng sau thực trạng ấy là cuộc ganh đua giành vai trò lãnh đạo EU, là chuyện co cụm và tập hợp lực lượng để gây dựng và tăng cường ảnh hưởng giữa Đức và Pháp. Thực chất vấn đề không phải ở chỗ EU cần tiết kiệm chi tiêu để thoát khỏi khủng hoảng hay dùng tăng trưởng kinh tế để đạt được mục tiêu ấy mà ở chỗ thành viên nào có đủ khả năng và uy tín để đưa EU thoát khỏi khủng hoảng.

Hội nghị này mới chỉ bàn chứ không quyết. Cuộc ganh đua ảnh hưởng giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và tân Tổng thống Pháp Francois Hollande đã thực sự bắt đầu với hội nghị thượng đỉnh bất thường này. Biểu hiện bên ngoài là cuộc tranh luận về đường lối dẫn dắt EU ra khỏi khủng hoảng, nhưng đằng sau đó là cuộc giằng co giữa Đức và Pháp trong vai trò dẫn dắt EU ra khỏi khủng hoảng trên. Bên nào cũng có lợi thế và yếu thế riêng. Đối với Đức, thực hiện kỷ cương tài chính và ngân sách là chuyện nguyên tắc. Trong khi đó đối với Pháp, kết hợp tăng trưởng kinh tế với thực hành tiết kiệm chi tiêu lại mang tính sách lược. Dĩ hòa vi quý là cách có lợi nhất cho tất cả các thành viên EU ở hội nghị này.

Đức chưa bị buộc phải nhượng bộ mang tính nguyên tắc, Pháp chưa bị buộc phải từ bỏ tham vọng và có thêm thời gian để tăng cường tập hợp lực lượng, và các thành viên khác của EU cũng chưa bị buộc phải quyết định lựa chọn đứng về bên nào. Tất cả đều có thêm được thời gian để suy xét cho quyết định của mình tại Hội nghị cấp cao thường kỳ tới đây của EU. Khi đó, nếu còn dĩ hoà vi quý như lần này thì thực chất đều sẽ là thất bại đối với cả Đức và Pháp.

Bởi khi đó, EU sẽ phải quyết định cụ thể chứ không thể nhùng nhằng như ở Hội nghị này. Tại Tây Ban Nha, tình hình tài chính của các ngân hàng cứ ngày càng thêm tồi tệ. Ở Hy lạp, những phe phái không tán đồng chính sách tiết kiệm chi tiêu áp đặt của EU vẫn thắng thế. Thực trạng đó không chỉ buộc EU phải hành động, mà còn là bằng chứng cho thấy, gói giải pháp đã được EU nhất trí và đang triển khai thực hiện không đủ mạnh để đưa EU thoát khỏi khủng hoảng. Không phải Tổng thống Pháp F.Hollande không biết là chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thôi cũng không phải là giải pháp có thể giải cứu các thành viên bị khủng hoảng và đồng euro mà giải pháp nào cũng đều phải có các biện pháp tiết kiệm chi tiêu. Vấn đề đặt ra là xác định mức độ và thứ tự ưu tiên. Mục tiêu ông F.Hollande muốn đạt được không hẳn là EU phải ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, mà chính là từ bỏ mục tiêu thực hiện tiết kệm chi tiêu bằng mọi giá, hay nói cách khác, là nước Đức và bà A.Merkel phải từ bỏ vai trò lấn lướt và chi phối cả EU. Hội nghị cấp cao này chỉ là khúc dạo đầu của cuộc tranh giành ảnh hưởng mới trong EU giữa Đức và Pháp.

Hội nghị cấp cao trong tháng 6 tới rồi sẽ chứng kiến sự nhượng bộ nhất định của cả Đức lẫn Pháp. EU sẽ không từ bỏ định hướng thực hành tiết kiệm chi tiêu trong giải pháp đối phó với khủng hoảng, nhưng giờ cũng không thể không bổ sung thêm những biện pháp kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đức và Pháp sẽ còn phải nhượng bộ nhau dần dần bởi cả hai đều cần tập hợp lực lượng và tranh thủ đối tác trong kỳ vọng sẽ đưa ra bằng chứng chứng minh ta đúng, người sai. Cũng có thể nói, EU đang phải giải lại bài toán đối phó với khủng hoảng tài chính và nợ công./.