TCCSĐT - Thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”, Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Tây Ninh đang nỗ lực phấn đấu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế và an ninh - quốc phòng, xứng đáng là phên dậu biên cương của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển chung của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển tương đối toàn diện; trong đó lợi thế của các ngành, các lĩnh vực đang được phát huy, khai thác tốt. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân nhiều năm gần đây của Tây Ninh đã đạt mức 14,2%, GDP bình quân đầu người đạt 1.580 USD/năm vào năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ giảm tỷ trọng nông nghiệp.

Trong sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hằng năm 17,6%, trong đó có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ 42,8% trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tỉnh. Phát triển công nghiệp đã tập trung chú trọng đúng mức vào các ngành công nghiệp khai thác lợi thế về nguyên liệu nông nghiệp, khoáng sản và nguồn lao động tại địa phương. Các khu công nghiệp của tỉnh hầu hết được tập trung đầu tư ở khu vực phía Nam, nơi có lợi thế hạ tầng và sự lan tỏa từ thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận. Tính đến hết năm 2010, Tây Ninh có 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 4 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, đó là khu công nghiệp Hiệp Thạnh, Bàu Hai Năm, Gia Bình, Thanh Điền. Hiện có 168 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, với tổng vốn đăng ký 476 triệu USD và 2.751 tỷ đồng (127 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài và 41 dự án trong nước). Ngoài ra, Tỉnh còn quy hoạch 23 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.344 héc-ta, trong đó 5 cụm đã đầu tư xây dựng hạ tầng, nhiều dự án đã đăng ký vào các cụm công nghiệp này.

Lĩnh vực dịch vụ bao gồm các ngành thương mại biên giới, du lịch, vận tải, bưu chính viễn thông… phát triển tương đối mạnh trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt đến 21,6%. Hai ngành thương mại biên giới và du lịch được xem là những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tỉnh tập trung đầu tư 2 khu kinh tế cửa khẩu, khu trung tâm thương mại cửa khẩu Mộc Bài thu hút 46 dự án đầu tư, với tổng vốn khoảng 6.200 tỷ đồng và 220 triệu USD, trên tổng diện tích đất cho thuê gần 200 héc-ta; trong đó 14 dự án đi vào hoạt động; khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát có 14 dự án được chấp thuận chủ trương với tổng vốn đầu tư dự kiến là 880 tỷ đồng và 200 triệu USD. Về du lịch, khu du lịch Núi Bà Đen, vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, căn cứ Trung ương cục miền Nam, khu di tích tái hiện cách mạng miền Nam tại Bời Lời đang từng bước được đầu tư chiều rộng và chiều sâu, lượng khách tham quan ngày một nhiều hơn. Riêng khu du lịch núi Bà Đen, tính đến nay đã đón hơn 2 triệu lượt khách.

Kinh tế nông thôn có nhiều tiến bộ. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư; các ngành công nghiệp - dịch vụ từng bước phát triển trên địa bàn nông thôn; tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp đạt 50%. Trồng trọt phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu; về cơ bản, đã giải quyết tốt được đầu ra cho nông sản, nâng cao đời sống nông dân. Chăn nuôi trang trại đầu tư dạng mô hình công nghệ mới, từng bước được hình thành và phát triển, toàn tỉnh có hơn 2.400 trang trại nông - lâm - thuỷ sản được đầu tư. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân hàng năm 12%, chiếm tỷ trọng 13,3% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, sản lượng tăng bình quân hằng năm 22,6%.

Phát triển văn hóa xã hội cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong lĩnh vực giáo dục, cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường, chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên. Tính đến năm 2010, có 16 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập văn hóa. Đào tạo nghề thực hiện theo hướng xã hội hoá, huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia. Trên thực tế, cơ sở đào tạo trong hệ thống công lập hiện chiếm tỷ lệ thấp nhưng vẫn đóng vai trò chủ lực trong đào tạo lao động lành nghề với nhiều loại hình dạy nghề: ngắn hạn cho lao động nông thôn, cho người tàn tật và dạy nghề tại các doanh nghiệp.

Mạng lưới y tế phát triển từ tỉnh xuống đến cơ sở bảo đảm 100% trạm y tế xã có bác sĩ phục vụ, 100% ấp có nhân viên y tế cộng đồng. Bệnh viện tỉnh, huyện thường xuyên được nâng cấp, xây mới và bổ sung trang thiết bị góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh cho dân. Các trạm y tế xã, phường, thị trấn được đầu tư theo hướng đạt chuẩn quốc gia về y tế. Xã hội hóa y tế đạt kết quả bước đầu, trên địa bàn tỉnh có thêm Bệnh viện đa khoa tư nhân và nhiều phòng khám tư nhân. Hiện toàn tỉnh đạt tỷ lệ 6,5 bác sĩ, dược sĩ/vạn dân, 20,5 giường bệnh/vạn dân. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn 17,2%.

Chương trình giải quyết việc làm được đẩy mạnh, quỹ giải quyết việc làm của tỉnh được thành lập. Hằng năm giải quyết việc làm cho 22.138 lao động tại chỗ và tạo điều kiện cho 830 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Chương trình xóa đói giảm nghèo được lồng ghép với các chương trình giải quyết việc làm và các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn khoảng 3%. Ngoài ra, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng luôn được quan tâm đúng mức.

Chăm lo cho đồng bào các dân tộc cũng được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tốt hơn. Chương trình 134 về “Hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo” bước đầu thực hiện đạt kết quả rất khả quan, đã có 273 hộ được hỗ trợ đất ở, 463 hộ được hỗ trợ nhà ở, 105 hộ được hỗ trợ đất sản xuất và xây mới 7 trạm cấp nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí 17,4  tỷ đồng.

Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, xử lý chất thải, phát triển cây xanh luôn được coi trọng. Tỷ lệ hộ dân nông thôn dùng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 85%; 80% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường, 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đi vào hoạt động đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo đúng quy định, 50% chất thải rắn, 50% chất thải y tế được thu gom xử lý. Tỷ lệ cây xanh che phủ tự nhiên đạt 40,5%.

Củng cố quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, giữ vững trật tự an toàn xã hội, tăng cường công tác đối ngoại đã góp phần tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân qua tiếp tục thực hiện dự án xây dựng khu vực phòng thủ, đồng thời triển khai xây dựng 3 khu dân cư biên giới Bắc Tây Ninh giai đoạn 2008 - 2012. Công tác phân giới cắm mốc được tập trung chỉ đạo đạt kết quả tích cực, trong giai đoạn 2006 - 2010 Tỉnh tiến hành khảo sát, xác định 75 vị trí với 84 cột mốc, đã xây dựng hoàn chỉnh 80 cột mốc biên giới.

Còn đó những hạn chế

Dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tỉnh vào loại khá nhưng vẫn chứa đựng yếu tố kém bền vững, làm cho sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các tỉnh trong vùng chưa cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Cụ thể, hầu hết cơ sở sản xuất công nghiệp đều có quy mô nhỏ, sử dụng nhiều lao động, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; công nghiệp chế biến các sản phẩm sau sản xuất đường, bột mì, cao su phát triển chậm. Các ngành dịch vụ phát triển nhanh nhưng không đồng bộ, chỉ tập trung ở dịch vụ thương mại; các dịch vụ tài chính, ngân hàng, tư vấn có phát triển nhưng còn khá khiêm tốn; tiềm năng du lịch, biên mậu khai thác không được triệt để. Sản xuất nông nghiệp còn chịu nhiều yếu tố rủi ro, nhất là nguy cơ tái phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã hạn chế hiệu quả phát triển lĩnh vực chăn nuôi.

Việc triển khai đầu tư các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, các trung tâm thương mại còn chậm. Chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch, nhất là công tác quy hoạch và quản lý đô thị vẫn còn nhiều hạn chế.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào, các điểm dân cư mới với đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp kém đồng bộ. Hạ tầng cầu, đường vẫn chưa đáp ứng được tải trọng vận chuyển.

Công tác xử lý môi trường ở một số cơ sở sản xuất kinh doanh chưa đạt yêu cầu. Việc thu gom, xử lý chất thải công nghiệp, đô thị, y tế còn bất cập; thị xã, thị trấn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Những hạn chế trên do tác động bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ phía chủ quan. Đó là, công tác dự báo, đánh giá tình hình còn yếu; chưa nhận định và lường hết những thuận lợi, khó khăn, thách thức để đề ra nhiệm vụ và giải pháp có tính khả thi cao. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ đảng, chính quyền đôi lúc còn bị động, lúng túng, chạy theo sự vụ; sự phối hợp trong một số hoạt động không được chặt chẽ. Còn quá ít giải pháp tốt trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, kỹ thuật theo chiều sâu.

Bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội

Thứ nhất, phải có sự đoàn kết, nhất trí, nỗ lực, quyết tâm cao trong cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị và sự đồng thuận xã hội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nhất là đối với các vấn đề mang tính quyết sách, phức tạp phát sinh.

Thứ hai, trong lãnh đạo, chỉ đạo phải biết tận dụng thời cơ, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, tìm khâu “đột phá” để tập trung dồn sức thực hiện đạt kết quả; kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục khó khăn. Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Thứ ba, mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, sự đồng thuận cao trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác cán bộ, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, là nhân tố quyết định đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Thứ năm, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương; sự quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương; sự hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong khu vực, các tập đoàn kinh tế quốc gia và phát huy mạnh mẽ nội lực của các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh.

Tiếp tục góp phần phát triển nhanh, bền vững vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020

Một là, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Bằng việc tăng cường mối liên kết, hợp tác với các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Rà soát, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách của Tỉnh trên cơ sở vận dụng cụ thể cơ chế, chính sách của Trung ương trên địa bàn để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế cửa khẩu, tài nguyên, khoáng sản, lao động, du lịch,… Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách có hạn, cần phải tập trung đầu tư có trọng điểm để đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

Hai là, tập trung đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông. Quan tâm chỉnh trang, xây dựng và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia tích cực vào các dự án phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh theo các hình thức đầu tư phù hợp BT, PPP. Huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, cộng đồng xã hội trong việc chỉnh trang, tái thiết, xây dựng và phát triển đô thị khang trang, sạch đẹp, theo hướng văn minh, hiện đại.

Ba là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch phải bảo đảm tính đồng bộ, khoa học, hiệu quả, ổn định lâu dài. Phối hợp với các viện, trung tâm nghiên cứu, các đơn vị tư vấn có uy tín (trong và ngoài nước) khi tiến hành xây dựng các quy hoạch có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, phát triển đô thị,...

Bốn là, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Tăng đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển. Xã hội hóa, thu hút đầu tư xây dựng một số trung tâm đào tạo nghề và công nhân kỹ thuật chất lượng cao. Thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài đến làm việc tại Tỉnh. Hỗ trợ kinh phí đào tạo cho sinh viên, cán bộ, công chức học tập, nâng cao trình độ. Đa dạng hóa các hình thức và nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề gắn với cung ứng, sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Quan tâm hơn nữa công tác đào tạo cho lao động nông thôn.

Năm là, phải thực sự tạo chuyển biến mạnh mẽ về cải cách hành chính đi đôi với củng cố, kiện toàn bộ máy, tổ chức, nâng cao năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.

Sáu là, giải quyết tốt những vấn đề xã hội bức xúc, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc giải quyết, xử lý những vấn đề phức tạp nảy sinh tại địa phương, không để bị động, lúng túng dẫn đến hình thành “điểm nóng”. Khắc phục những hạn chế, yếu kém; nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực; hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót trong hoạt động quản lý Nhà nước. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách, giải pháp bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu của bản thân Tây Ninh để phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh nói riêng, góp phần vào phát triển vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo và trợ giúp về cơ chế, chính sách từ phía Nhà nước. Cụ thể, đổi mới phương pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu vùng thay vì chuyển dịch cơ cấu tỉnh và điều hành trên cơ sở quy hoạch. Thời gian qua các vùng kinh tế được thành lập, có phát triển nhưng còn khép kín theo địa giới hành chính từng tỉnh, thành phố, nên mới khai thác được liên kết trong đầu tư các tuyến giao thông liên vùng. Còn việc phát triển các khu công nghiệp, các lĩnh vực sản xuất thì chưa phân công chức năng, nhiệm vụ cân đối phát triển toàn vùng cho từng địa phương, mà chủ yếu để địa phương tự quyết định. Từ phát triển trên đã dẫn đến sự phân tán nguồn lực, đầu tư phát triển kém bền vững cho toàn vùng. Trong quá trình tổ chức thực hiện phát triển vùng kinh tế trọng điểm, cần có Chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển vùng, để tập trung hỗ trợ cho các tỉnh chậm phát triển trong vùng có điều kiện kết nối hạ tầng giao thông vào các tuyến liên vùng hoặc đầu tư đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị, hạ tầng xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế./.