Bình Thuận: Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao
TCCS - Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: tập trung phát triển 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuỗi giá trị, đó là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp để đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững.
Trong thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã tập trung dành nguồn lực của địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống thủy lợi. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã hoàn thành sửa chữa, nâng cấp 7 hồ chứa nước; tiếp tục đầu tư xây dựng 4 dự án, công trình thủy lợi, 14 công trình tưới tiết kiệm nước, kiên cố hóa khoảng 24km kênh nội đồng... bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất. Tỉnh Bình Thuận cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh từng bước được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi đúng hướng; những vùng đất lúa kém hiệu quả được luân canh trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi 17.734ha, nhìn chung các loại cây trồng chuyển đổi trên đất lúa đều phát triển tốt, cho năng suất, hiệu quả cao hơn so với sản xuất lúa.
Để phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, Bình Thuận thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành những vùng chuyên canh lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị; gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến. Cây thanh long hiện là loại cây trồng có lợi thế của tỉnh. Hiện tại, Bình Thuận đã hình thành các vùng chuyên canh cây thanh long chất lượng cao tại huyện Hàm Thuận Nam 7.624ha, Hàm Thuận Bắc 2.436ha. Việc sản xuất thanh long theo hướng VietGAP, hữu cơ được quan tâm thực hiện; hiện nay, toàn tỉnh có 9.037ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP; 560,5ha thanh long được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP; 93ha thanh long được cấp chứng nhận hữu cơ. Ngoài ra, có nhiều mô hình sử dụng công nghệ tiên tiến, như tưới tự động, nhà màng trong sản xuất các loại cây trồng có giá trị cao như rau, hoa, nho, dưa lưới. Tỉnh đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bước đầu thu hút được một số dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngành chăn nuôi tiếp tục chuyển từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, kiểm soát môi trường và dịch bệnh; hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 230 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, trong đó có 63 cơ sở chăn nuôi theo mô hình trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đảm bảo an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh. Công tác phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát giết mổ trên đàn gia súc, gia cầm được tăng cường; tổng sản lượng thịt hơi các loại năm 2022 đạt 85.577 tấn, tăng 25,2% so với năm 2020.
Kinh tế thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, tập trung nâng cao hiệu quả khai thác, nuôi trồng, gắn với chế biến gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản. Tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân vươn khơi, đánh bắt xa bờ và nuôi hải sản trên biển. Toàn tỉnh có 1.962 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên, hầu hết đều được trang bị an toàn, sử dụng trang thiết bị hiện đại, hoạt động dài ngày trên biển, góp phần đưa sản lượng khai thác thuỷ sản năm 2022 đạt 231.328 tấn, tăng 4,4% so với năm 2020.
Bình Thuận có chiều dài bờ biển khoảng 192km và là một trong ba ngư trường lớn của Việt Nam. Bên cạnh việc khai thác nguồn lợi thủy hải sản trong tự nhiên, phát triển nuôi biển là một trong những giải pháp để giảm khai thác, giảm xung đột trong quá trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xây dựng ngành thủy sản bền vững. Nuôi trồng thủy sản ở Bình Thuận phát triển theo hướng tập trung thâm canh, đa dạng hóa loài nuôi gắn với bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nuôi công nghiệp, quy mô lớn với công nghệ hiện đại, bền vững. Hiện nay, tình hình nuôi biển trong tỉnh phát triển khá mạnh tập trung ở các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Phú Quý và thành phô Phan Thiết. Những khu vực nuôi này chủ yếu nằm ở ven bờ, ven đảo là những eo nhỏ, được che chắn gió bởi các mũi nhỏ nhô ra biển. Toàn tỉnh hiện có 7 khu vực biển đang triển khai nuôi trồng thủy sản, với tổng số 135 bè/3.029 lồng. Đối tượng nuôi chủ yếu ở tỉnh là các loại cá biển, như cá bớp, cá mú, cá chim… và các loại tôm hùm, với tổng sản lượng thu hoạch hằng năm đạt khoảng 500 tấn cá tôm.
Theo Đề án phát triển nuôi biển, tỉnh Bình Thuận sẽ phát triển nuôi biển theo chiều sâu với hình thức nuôi tập trung, công nghiệp và nuôi sinh thái. Phát triển nuôi đa loài trong khu vực nuôi nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước và giảm nguy cơ dịch bệnh, trong đó ưu tiên những loài có giá trị kinh tế cao, sản lượng lớn, đặc biệt, hình thành mô hình quản lý cộng đồng gắn với sinh kế người dân địa phương. Phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, chiến lược phát triển ngành thủy sản và quy hoạch tỉnh. Theo đó, vùng nuôi biển tỉnh Bình Thuận được chia thành 2 vùng: (i) Vùng hải đảo xã Tam Thanh - huyện Phú Quý, phát triển nuôi cá lồng bè (như cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng, cá chẽm...) và nuôi thủy sản khác (như tôm hùm xanh, tôm tít, ghẹ, trai ngọc...). (ii) Vùng ven biển huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam. Phát triển nuôi cá lồng bè và các đối tượng nhuyễn thể như vẹm xanh, hàu, ốc hương. Cùng với đó, Bình Thuận cũng tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá các sản phẩm chủ lực, lợi thế của địa phương, như thanh long, nước mắm, hải sản chế biến... để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tổ chức, tham gia các hội chợ triển lãm, hoạt động kết nối đã trưng bày, giới thiệu các sản phẩm lợi thế, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP của địa phương đến các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng thời, giới thiệu tiềm năng, sản phẩm lợi thế của tỉnh đến đối tác trong và ngoài nước để phát triển thị trường tiêu thụ nội địa và tìm đối tác liên kết xuất khẩu. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ triễn lãm tổ chức trong nước.
Trong thời gian tới, Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Tuyên truyền thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác theo hướng chuyên canh, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng gắn với chế biến, tiêu thụ./.
Vị trí, vai trò của dân chủ trong hệ mục tiêu tổng quát của chủ nghĩa xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới  (23/10/2024)
Vai trò của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay  (15/01/2024)
9 dấu ấn nổi bật trong năm 2023 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam  (04/01/2024)
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay