Đối ngoại đảng góp phần tạo nền tảng chính trị quan trọng trong quan hệ của Việt Nam với các nước

Hoàng Bình Quân Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương
15:37, ngày 09-04-2018

TCCS - Bám sát đường lối đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kết luận số 73-TB/TW, ngày 08-02-2012, của Bộ Chính trị khóa XI về “Tăng cường quan hệ đối ngoại của Đảng trong tình hình mới”, công tác đối ngoại đảng năm 2017 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều nội dung mang tính đột phá, góp phần tạo nền tảng chính trị quan trọng trong quan hệ của nước ta với các nước; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước; đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.


Năm 2017 tình hình thế giới và khu vực diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, chứa đựng các yếu tố bất an, bất định, bất ngờ, tác động đa chiều đến môi trường an ninh và phát triển của các quốc gia. Các cơ chế quản trị khu vực và toàn cầu gặp nhiều thách thức, đồng thời giảm sút vai trò trong giải quyết các vấn đề an ninh, biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề phát triển. Việc tôn trọng và thực thi luật pháp quốc tế có chiều hướng bị xem nhẹ, đặt ra không ít thách thức đối với việc giải quyết các mâu thuẫn và tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế. Xu hướng cường quyền, áp đặt, đề cao sức mạnh, đe dọa và sẵn sàng sử dụng sức mạnh trong quan hệ quốc tế có chiều hướng gia tăng, gây tâm lý bất an, nhất là đối với các nước vừa và nhỏ. Tranh chấp chủ quyền biên giới, lãnh thổ, biển, đảo có nhiều diễn biến mới phức tạp. Các nước lớn đẩy mạnh thực hiện những tham vọng và mục tiêu chiến lược ở các khu vực khiến cạnh tranh và tập hợp lực lượng diễn biến phức tạp. Chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân tộc, dân túy ở nhiều nước trỗi dậy ngày càng mạnh. Xu hướng bảo hộ thương mại, đề cao lợi ích kinh tế có chiều hướng gia tăng. Việc lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền để gia tăng can dự vào công việc nội bộ các nước và các khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Bất ổn nội bộ và các “điểm nóng” về an ninh, đặc biệt là tại khu vực Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh, bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, có nhiều diễn biến phức tạp mới. Hoạt động khủng bố, các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, thảm họa thiên nhiên, môi trường ngày càng tác động tiêu cực đến sự phát triển và an ninh của các quốc gia. Kinh tế thế giới phục hồi tích cực hơn, song còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bất bình đẳng kinh tế, phân cực xã hội tác động tiêu cực đến an ninh và gắn kết xã hội ở nhiều nước.

Trong bối cảnh đó, với tư cách là một đảng cộng sản cầm quyền, Đảng ta tiếp tục chủ động mở rộng và tăng cường quan hệ với các chính đảng trên thế giới, làm nền tảng và động lực chính trị cho quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên cơ sở kiên định nguyên tắc độc lập, tự chủ, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc; lấy giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Những kết quả lớn của hoạt động đối ngoại đảng năm 2017

Một là, quan hệ giữa Đảng ta với các đảng cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng có chung biên giới tiếp tục được củng cố, có bước phát triển quan trọng, góp phần tăng cường sự tin cậy, tạo nền tảng chính trị quan trọng, định hướng tổng thể sự hợp tác toàn diện giữa nước ta và các nước bạn.

Đảng ta tăng cường thúc đẩy quan hệ theo hướng đi vào chiều sâu với Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Sự tin cậy chính trị và đoàn kết đặc biệt giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ngày càng được thắt chặt. Đối ngoại đảng đã phát huy hiệu quả sự kiện kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (05-9-1962 - 05-9-2017) và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 - 18-7-2017) để triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, trao đổi đoàn cấp cao với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, thể hiện sinh động mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Năm 2017, trên kênh đảng, hai bên đã trao đổi 39 đoàn với việc nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của hai Đảng dẫn đầu sang thăm lẫn nhau; đồng thời kết thúc thành công Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam với việc ta đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vô-la-chít sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam (tháng 12-2017) và cùng bế mạc “Năm Đoàn kết Hữu nghị”. Các cơ chế hợp tác giữa hai Đảng ngày càng được đổi mới, đi vào chiều sâu, thực chất, chú trọng vào những vấn đề chiến lược, những nội dung cụ thể, thiết thực. Hai Đảng đã tổ chức thành công Hội thảo lý luận lần thứ 5 với chủ đề “Phát triển nhanh và bền vững” (tháng 8-2017). Đảng ta rất chú trọng thúc đẩy hợp tác trong công tác đào tạo cán bộ và giáo dục truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào cho thế hệ trẻ hai nước. Đây vừa là nền tảng, vừa là chiều sâu trong quan hệ hai nước. Ta cũng mở 3 lớp cho 111 cán bộ cấp cao và 12 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 190 cán bộ quản lý cấp cao của Lào.

Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục đóng vai trò quan trọng, định hướng và dẫn dắt sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước. Năm 2017 là năm đặc biệt trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước với hai chuyến thăm rất quan trọng. Đầu năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Trung Quốc và vào cuối năm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức nước ta. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10-2017). Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Tổng Bí thư của hai Đảng thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau trong cùng một năm. Các cuộc gặp, trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, đạt được những nhận thức chung quan trọng, qua đó gia tăng sự tin cậy chính trị giữa hai nước, kiểm soát và xử lý thỏa đáng các bất đồng, trong đó có vấn đề Biển Đông. Sự tin cậy chính trị giữa hai nước cũng được thể hiện thông qua việc Tổng Bí thư hai Đảng cử đặc phái viên sang chúc mừng và thông báo kết quả đại hội ngay sau khi Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc thành công. Năm qua, hai Đảng cũng tổ chức thành công Hội thảo lý luận lần thứ 13 với chủ đề “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí và truyền thông trong tình hình mới - Kinh nghiệm của Việt Nam, kinh nghiệm của Trung Quốc” (tháng 5-2017), Cuộc gặp đại diện hai Bộ Chính trị lần thứ hai; đẩy mạnh hợp tác đào tạo cán bộ, góp phần thúc đẩy hiệu quả thực chất trong hợp tác giữa hai Đảng.

Quan hệ chính trị giữa Đảng ta với Đảng Nhân dân Cam-pu-chia tiếp tục được tăng cường, giữ vai trò quan trọng trong củng cố nền tảng chính trị giữa hai nước. Trao đổi đoàn cấp cao giữa hai Đảng được thúc đẩy trong năm hai nước kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (24-6-1967 - 24-6-2017) và Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia, Cam-pu-chia - Việt Nam 2017. Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Cam-pu-chia (tháng 7-2017) mang dấu mốc lịch sử, là dịp để hai bên nhìn lại chặng đường lịch sử quan hệ 50 năm qua, khơi dậy tiềm năng, đưa quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới, thực chất và hiệu quả hơn.

Quan hệ hữu nghị, đoàn kết thủy chung, trong sáng, tin cậy giữa Đảng ta và Đảng Cộng sản Cu-ba không ngừng phát triển và ngày càng thắt chặt. Chiều sâu trong quan hệ giữa hai Đảng được thúc đẩy qua các hoạt động trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và lý luận. Hai Đảng đã tổ chức thành công Hội thảo lý luận lần thứ ba với chủ đề “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ công tác chính trị, tư tưởng trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội VII Đảng Cộng sản Cu-ba” (tháng 5-2017). Đây là cơ hội để hai Đảng trao đổi kinh nghiệm, cùng thảo luận những vấn đề đang đặt ra từ thực tiễn phát triển của mỗi nước, góp phần quan trọng làm rõ những vấn đề về lý luận phát triển của mỗi đảng, góp phần thúc đẩy quan hệ chính trị truyền thống tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nước.

Hai là, quan hệ của Đảng ta với các đảng cầm quyền, tham chính và các đảng có vai trò quan trọng tại các nước trong khu vực, các nước lớn và đối tác quan trọng có nhiều đột phá mới, tạo cơ sở chính trị và động lực để thúc đẩy mở rộng quan hệ của nước ta với các nước, tăng cường tuyên truyền, tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác của các chính đảng, của các nước, của chính giới đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Với tư cách là một đảng cầm quyền, Đảng ta coi trọng việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm quản lý đất nước, quản lý kinh tế - xã hội; thúc đẩy hình thành khuôn khổ quan hệ ổn định lâu dài và sự hợp tác nhiều mặt, bình đẳng, cùng có lợi giữa Việt Nam với các nước... Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới In-đô-nê-xi-a và Mi-an-ma (tháng 8-2017) đã tạo bước chuyển quan trọng, củng cố và mở rộng khuôn khổ hợp tác với hai nước. Với In-đô-nê-xia, kết quả chuyến thăm đã góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác thực chất, tạo lập bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước. Với Mi-an-ma, chuyến thăm đã nâng cấp quan hệ hai nước lên quan hệ đối tác hợp tác toàn diện, tạo dấu mốc và động lực mới đưa quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Mi-an-ma đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, chúng ta đã triển khai nhiều chuyến thăm của Thường trực Ban Bí thư, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng tới các nước, thúc đẩy quan hệ với nhiều đảng cầm quyền, mở rộng quan hệ với các đảng tham chính, ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác... tạo ra nền tảng quan hệ ngày càng rộng mở của đối ngoại đảng Việt Nam.

Mặt khác, ta cũng đón nhiều đảng cầm quyền, tham chính và các đảng có vị thế quan trọng tại các nước vào thăm, làm việc, như Đảng Dân chủ tự do cầm quyền Nhật Bản, Đảng Dân tiến Nhật Bản, Đảng Hành động nhân dân cầm quyền Xin-ga-po; Đảng Đề xuất cộng hòa cầm quyền của Ác-hen-ti-na, Liên minh các đảng cải cách và bảo thủ ở châu Âu... Việc các cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các đoàn công tác cấp cao của các nước, các đảng đến Việt Nam đều có nhu cầu và mong muốn làm việc, tiếp xúc với lãnh đạo Đảng ta cũng như các cơ quan tham mưu của Đảng cho thấy các đảng cầm quyền, tham chính cũng như chính giới các nước ngày càng coi trọng và nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Nhìn chung, các chính đảng ở các nước, dù theo những khuynh hướng chính trị khác nhau, song hầu hết đều thể hiện mong muốn thúc đẩy và tăng cường hợp tác với Đảng ta, đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng ta trong việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, hoan nghênh những đóng góp quan trọng của ta đối với việc thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, ủng hộ lập trường của Việt Nam về các vấn đề khu vực cũng như quốc tế.

Ba là, quan hệ của Đảng ta với các đảng cộng sản, công nhân, cánh tả tiếp tục được thúc đẩy thực chất. Đây là hướng quan hệ truyền thống và quan trọng của Đảng ta. Trong bối cảnh các đảng trên thế giới còn khó khăn về nhiều mặt, Đảng ta coi trọng và nỗ lực trong việc tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân; tăng cường trao đổi các vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, về xây dựng đảng và về các vấn đề lớn của thế giới ngày nay; chủ động tham gia có hiệu quả các cuộc gặp, diễn đàn, hội thảo khu vực và quốc tế của các đảng; đoàn kết và hợp tác bằng các hình thức phù hợp; tích cực góp phần chia sẻ với các đảng bạn vào sự hồi phục và đi lên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Mặt khác, với một số đảng, ta chủ động thúc đẩy chiều sâu quan hệ với việc tăng cường hội thảo lý luận, đối thoại chính trị, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo cán bộ, tích cực tham dự các hoạt động của các đảng bạn, chủ động đón các đoàn vào thăm và làm việc tại Việt Nam.

Bốn là, Đảng ta tiếp tục tham gia các diễn đàn đa phương chính đảng một cách chủ động, tích cực và hiệu quả. Thông qua việc tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế của các chính đảng, Đảng ta đã góp phần làm cho bạn bè quốc tế hiểu đúng và sâu sắc hơn về tình hình và công cuộc đổi mới của Việt Nam, vận động các chính đảng và chính giới các nước đồng thuận với lập trường của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế, thực hiện lợi ích của đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Các chính đảng trong và ngoài khu vực đánh giá tích cực về vai trò và đóng góp của Đảng ta trong nỗ lực thúc đẩy sự đoàn kết, đồng thuận, định hướng phối hợp trong hoạt động của các diễn đàn theo hướng năng động, thực chất hơn. Đảng ta đã tham gia tích cực Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân lần thứ 19, các hoạt động kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười tại Nga, Hội thảo quốc tế các đảng cộng sản và công nhân tại Ấn Độ, Diễn đàn Xao Pao-lô lần thứ 23, Diễn đàn “Các chính đảng và một xã hội mới” lần thứ 21. Với vai trò là Ủy viên Ủy ban Thường trực Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP), Đảng ta tiếp tục chủ động tham gia các hoạt động của ICAPP, có nhiều sáng kiến và đóng góp thiết thực vào việc thực hiện những mục tiêu, dự án ưu tiên của ICAPP; vị thế, vai trò và uy tín của Đảng ta tại ICAPP ngày càng được khẳng định và coi trọng.

Phương hướng, nhiệm vụ công tác đối ngoại đảng thời gian tới

Thế giới bước vào thời kỳ thay đổi nhanh chóng với những biến đổi về chất gắn liền cùng cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật mới và cạnh tranh gay gắt về địa - chính trị. Năm 2018, bối cảnh khu vực và quốc tế có thể sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của nước ta. Nhiệm vụ tạo môi trường hòa bình, ổn định trong bối cảnh đất nước tăng cường hội nhập quốc tế đang đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác đối ngoại trong việc tối đa hóa lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Việc quản lý, phối hợp và chỉ đạo các hoạt động đối ngoại cũng đứng trước yêu cầu phải nâng cao tính hiệu quả, thiết thực; bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước. Trên tinh thần đó, công tác đối ngoại đảng thời gian tới cần tập trung vào một số phương hướng, nhiệm vụ lớn sau:

Thứ nhất, tăng cường kết nối đồng bộ, toàn diện và hiệu quả giữa các hoạt động đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp trong mặt trận đối ngoại.

Thứ hai, tạo bước chuyển tích cực trong phát huy năng lực nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về công tác đối ngoại của các ban, bộ, ngành liên quan; chú trọng đổi mới hình thức và nội dung trong công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại.

Thứ ba, đưa quan hệ đối ngoại của Đảng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, đồng thời mở rộng có trọng tâm, trọng điểm các mối quan hệ. Theo đó, thời gian tới cần đưa quan hệ của Đảng ta với các chính đảng trên thế giới đi vào chiều sâu, trên cơ sở không ngừng củng cố sự tin cậy chính trị và chiến lược, vun đắp nền tảng quan hệ truyền thống, quan hệ đặc biệt giữa Đảng ta và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Nhân dân Cam-pu-chia, Đảng Cộng sản Cu-ba, tạo nền tảng chính trị ngày càng vững chắc, giữ vai trò định hướng tổng thể quan hệ giữa nước ta với các nước bạn. Tiếp tục chủ động và tạo đột phá trong việc mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền, tham chính ở các nước trong khu vực, các nước lớn, đối tác quan trọng nhằm thúc đẩy khuôn khổ quan hệ ổn định lâu dài. Tăng cường đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau với các đảng cộng sản và công nhân, cánh tả, các đảng và phong trào độc lập dân tộc, cách mạng và tiến bộ. Tiếp tục chủ động và tích cực phát huy vị thế, uy tín tại các diễn đàn đa phương của các chính đảng. Tiến hành sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 73-TB/TW, ngày 08-02-2012, của Bộ Chính trị khóa XI về “Tăng cường quan hệ đối ngoại của Đảng trong tình hình mới”.

Thứ tư, triển khai có hiệu quả các chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là các chuyến thăm của Tổng Bí thư, tạo những dấu mốc mới, động lực mới cho quan hệ của nước ta với các đối tác quan trọng.

Phát huy những kết quả quan trọng đã đạt được trong năm 2017 và trong những năm qua, đối ngoại đảng sẽ không ngừng phát huy tinh thần tích cực, chủ động, đổi mới, sáng tạo và hiệu quả, khẳng định là trụ cột vững chắc trong ba trụ cột của mặt trận ngoại giao, cùng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu duy trì môi trường hòa bình ổn định cho sự nghiệp phát triển đất nước; giữ vững chủ quyền lãnh thổ, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng./.