Môi trường an ninh toàn cầu và khu vực trước ngưỡng cửa năm 2018

Bùi Văn Nam Thượng tướng, PGS, TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an
21:34, ngày 28-03-2018

TCCS - Năm 2017 đầy ắp sự kiện đã trôi qua. Thế giới bước vào năm 2018 với hy vọng xen lẫn lo âu. Hy vọng là bởi nền kinh tế thế giới 10 năm sau khủng hoảng toàn cầu (2008 - 2009) đã lấy lại được đà tăng trưởng cao nhất trong thập niên qua. Lo âu là bởi, bên cạnh mảng sáng về kinh tế, còn là những mảng tối của bất ổn trên nhiều mặt, nhất là về an ninh. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là sự pha trộn điển hình của hai gam màu đó.



Bức tranh tổng quát

Bức tranh kinh tế nhiều màu sắc

Nổi bật trong năm 2017 chính là màu sáng của kinh tế thế giới, trước hết là sự tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu. Kinh tế Mỹ tăng trưởng vững chắc, ở mức 2,2%; kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao hơn dự kiến, ở mức 6,8%; kinh tế Nhật Bản tiếp tục phục hồi nhanh, tăng trưởng ở mức 1,7%, trong khi kinh tế Nga lần đầu tiên sau nhiều năm đã có mức tăng trưởng dương, 1,7%. Đáng chú ý, kinh tế khu vực đồng ơ-rô (euro) tăng trưởng 2,4%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Tổng thể, kinh tế toàn cầu trong năm tăng trưởng 3,6%, mức cao nhất kể từ năm 2010 đến nay, nhờ phục hồi kinh tế trong nước, nới lỏng tài khóa, tiền tệ ở nhiều nền kinh tế, và nhờ sự tăng trưởng của sản xuất công nghiệp, tiêu dùng, thương mại và đầu tư.

Nhưng năm 2017 cũng chứng kiến sự chững lại của tiến trình toàn cầu hóa, liên kết kinh tế quốc tế khi trào lưu “dân túy” đột ngột nổi lên từ cuối năm 2016 với việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và đặc biệt là sự kiện nhà tỷ phú bất động sản Đô-nan Trăm trúng cử Tổng thống Mỹ đã có quyết định đối ngoại đầu tiên là Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), gây tâm lý lo ngại sâu sắc lan rộng.

Tuy nhiên, những diễn biến cuối năm cho thấy, toàn cầu hóa, liên kết kinh tế quốc tế là không thể đảo ngược, rõ nhất là ở châu Á - Thái Bình Dương với Hội nghị cấp cao APEC (Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) diễn ra trong tháng 11-2017 chứng kiến việc 11 nền kinh tế TPP (trừ Mỹ) đạt thỏa thuận cấp bộ trưởng tại thành phố Đà Nẵng về tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP) với vai trò đi đầu của Nhật Bản; Trung Quốc đẩy mạnh các sáng kiến liên kết, nổi bật là sáng kiến “Vành đai, con đường” (BRI) và đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Cơ chế Hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC); Nhật Bản và Ấn Độ thúc đẩy “Hành lang tăng trưởng Á - Phi”.

Kinh tế thế giới năm 2018 được dự báo tiếp tục trong chu kỳ tăng trưởng khá. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu ở mức 3,7% - 3,8%, trong đó các nước phát triển tăng trưởng 2,4%, các nước đang phát triển: 4,8%, Mỹ: 2,5% , Trung Quốc: 6,6%, Nhật Bản: 1,2% và khu vực đồng ơ-rô: 2,1%. Thương mại toàn cầu năm 2018 - 2019 được dự báo tăng bình quân 3,5%, thấp hơn so với năm 2017 song vẫn tiến triển tích cực. Giá dầu dự báo ít có khả năng biến động lớn, có thể dao động trong khoảng 55 - 65 USD/thùng trong năm 2018 - 2019 do thị trường dầu thế giới đang hướng đến cân bằng, việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga duy trì thỏa thuận giảm sản lượng khai thác đến cuối năm 2018 có thể sẽ được bù đắp bởi tăng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ. Bên cạnh đó, sự tiến bộ vượt bậc về khoa học, công nghệ cũng sẽ là một động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển của kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, cùng với thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2017, kinh tế Việt Nam năm 2018 được dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực, đạt khoảng 6,7% (theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB). Môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện, tăng 14 bậc - từ 82 lên 68/190 nền kinh tế (theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) được nêu trong Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018). Điều này sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tranh thủ được các sáng kiến hợp tác kinh tế do các nước lớn, như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ,... thúc đẩy. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam năm 2018 tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức tiềm ẩn. Xu hướng bảo hộ thương mại còn tăng, tác động đến xuất khẩu của Việt Nam, nhất là xuất khẩu vào thị trường Mỹ do chính sách thương mại cứng rắn và xu hướng bảo hộ của chính quyền Tổng thống Đ. Trăm, và kinh tế Trung Quốc dự báo có thể tăng trưởng chậm lại do chính sách tái cơ cấu nền kinh tế hướng đến chất lượng, quan tâm nhiều hơn đến môi trường. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội, song chủ yếu là tạo cơ hội cho những nền kinh tế phát triển, làm chủ được công nghệ cao; các nền kinh tế nhỏ có thể gặp nhiều thách thức, nhất là về nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng công nghệ, rủi ro công nghệ và phương thức quản lý mới...

Môi trường an ninh nhiều rủi ro và phức tạp

Năm 2017 đánh dấu những nét tương phản lớn về an ninh trên nhiều góc độ, rõ nhất là trên mặt trận chống khủng bố. Năm 2017 ghi nhận thành công to lớn của thế giới, đứng đầu là Nga và Mỹ, trong việc làm tan rã “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng ở Trung Đông, tuy nhiên hoạt động khủng bố trong năm tiếp tục lan rộng ở tất cả các khu vực, và đối tượng tiến hành ngày càng đa dạng hơn. Trong năm đã xảy ra 1.500 vụ khủng bố (tăng 250 vụ so với năm 2016) tại 104 quốc gia, làm chết hơn 10.000 người. Mục tiêu tấn công lan rộng sang các điểm đông dân thường; kẻ khủng bố sử dụng phương tiện kỹ thuật cao, vũ khí có sức hủy diệt lớn, sử dụng cả các ứng dụng in-tơ-nét tinh vi để liên hệ, tổ chức rất khó phát hiện. Nguy hiểm hơn, IS dường như đã thành công trong việc gây dựng “Nhà nước Hồi giáo thứ hai”, là những tín đồ ảo, những cá nhân bị nhiễm tư tưởng cực đoan mà IS đã truyền bá trên in-tơ-nét, và một mạng lưới chân rết khắp nơi trên thế giới. Đến nay, có 6.000 trong số 30.000 thành viên IS thuộc 33 quốc tịch đã từ I-rắc và Xy-ri trở về quê nhà; có 200 trong số 1.000 tay súng IS trở về các nước Đông Nam Á và một số lượng thành viên IS người Duy Ngô Nhĩ (Trung Quốc) đang về Đông Nam Á để tìm cách tổ chức hoạt động khủng bố nhằm vào Trung Quốc. Sự kiện các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan, có vai trò của IS chiếm cứ thành phố Ma-ra-uy tại Phi-líp-pin gần nửa năm, chỉ được kết thúc bởi chiến dịch quân sự kéo dài làm chết hơn 1.000 người cho thấy sự cam go của cuộc chiến chống khủng bố, và cũng cho thấy hoạt động của IS đã tràn vào châu Á, trực tiếp là Đông Nam Á, như thế nào.

Môi trường chính trị - an ninh năm 2017 có nhiều chuyển động đáng lo ngại, mà nguyên nhân chủ yếu là bởi sự biến động trong chính sách nước lớn làm thay đổi cục diện quan hệ quốc tế. Trong năm người ta chứng kiến sự thay đổi rất quan trọng ở hai bán cầu: Mỹ với chủ trương “thu vào” dưới Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm và Trung Quốc với ý chí “vươn ra” quyết liệt sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trung Quốc tiếp tục thực hiện cam kết của mình trong Thỏa thuận toàn cầu về chống biển đổi khí hậu (đạt được tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở Pa-ri, Pháp - COP21), bất chấp Mỹ đơn phương từ bỏ thỏa thuận này. Hơn thế, Trung Quốc lần đầu tiên đóng vai trò trung gian xử lý xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin, trong khi Mỹ bất chấp sự phản kháng của toàn thế giới, đơn phương tuyên bố Giê-ru-sa-lem là thủ đô của I-xra-en. Trung Quốc còn dẫn dắt các sáng kiến liên kết khu vực, như BRI, RCEP, AIIB (Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á), trong khi Mỹ từ bỏ TPP, xét lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà các tổng thống tiền nhiệm đã đạt được.

Diễn biến năm 2017 cho thấy một chuyển động rất quan trọng: Trung Quốc đang tham vọng thay thế Mỹ dẫn dắt các cuộc chơi toàn cầu, và điều này đang làm thay đổi đời sống quan hệ quốc tế. Năm qua chứng kiến việc hầu hết các nước, nhất là ở Đông Á, Đông Nam Á, đều cải thiện quan hệ với Trung Quốc, điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Nga tiếp tục thắt chặt quan hệ “liên minh” thực tế với Trung Quốc trong một cục diện gần giống như tam giác chiến lược Mỹ - Trung - Xô của thời Chiến tranh lạnh, trong đó vai trò của Nga và Trung Quốc đổi chỗ cho nhau, Trung Quốc giờ trở thành một cực đối trọng với Mỹ.

Xu thế đó đồng thời cũng tạo hiệu ứng ngược chiều. Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ được đưa ra cuối năm 2017 cho thấy tham vọng của Mỹ trong triển khai một chiến lược lớn, trên phạm vi rộng, bao phủ từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, và cùng với nó là ý đồ tập hợp lực lượng mới, nòng cốt là “tứ giác kim cương” Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Ô-xtrây-li-a. Thực ra, điều này không mới, nếu nhắc lại ý đồ “liên minh các nền dân chủ” của các chính quyền tiền nhiệm để kiềm chế các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, cả chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lẫn “liên minh kim cương” có hình thành được hay không còn phụ thuộc nhiều vào cách thức Trung Quốc triển khai BRI và điều tiết từng “góc” của “tứ giác” trên lợi ích riêng mà Trung Quốc mang lại cho từng bên trong quan hệ song phương.

Dự báo tình hình châu Á - Thái Bình Dương năm 2018

Cạnh tranh Trung - Mỹ quyết liệt hơn

Giới học giả quốc tế cho rằng, dường như đang có hai châu Á: Về kinh tế, đây là khu vực phát triển năng động bậc nhất thế giới, đang từng bước trở thành trung tâm quyền lực toàn cầu mới của thế kỷ XXI; nhưng về an ninh, châu Á hội tụ nhiều nhất các “điểm nóng”, từ tranh chấp chủ quyền, phát triển và phổ biến vũ khí hủy diệt đến cạnh tranh, đối đầu của nước lớn và cũng là nơi thiếu vắng các cơ chế hợp tác an ninh đa phương hữu hiệu. Đặc biệt, cả bốn “điểm nóng” ở Đông Á là bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, biển Hoa Đông và Biển Đông đều tiềm ẩn nguy cơ xung đột vũ trang, kéo theo sự can dự trực tiếp của các cường quốc hàng đầu thế giới. Đây là đặc điểm nổi bật của châu Á - Thái Bình Dương từ nhiều năm qua, nhưng trong năm 2018 điều này có lẽ sẽ rõ rệt hơn.

Nếu như trong năm 2017, quan hệ Trung - Mỹ cơ bản ổn định do hai bên tập trung xử lý các vấn đề nội bộ thì sang năm 2018, cọ xát chiến lược sẽ bộc lộ. Sau một năm, Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm dường như đã nhận ra rằng, không thể hy vọng vào sự nhượng bộ nào của Trung Quốc trong vùng đệm chiến lược Triều Tiên, và Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên của Tổng thống Đ. Trăm chỉ đích danh Trung Quốc là “đối thủ chiến lược” và công kích Trung Quốc ở tất cả các mục trong văn bản này. Đây là chỉ dấu cho thấy năm 2018 sẽ là năm quan hệ Mỹ - Trung va chạm nhiều hơn là hợp tác trên tất cả các mặt, mà rõ nhất có lẽ sẽ là trên lĩnh vực thương mại.

Trung - Mỹ là mối quan hệ song phương chi phối môi trường an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương. Đó là thực tế của năm 2017, và sang năm 2018, tác động của nó còn rộng và xa hơn nữa với sự va chạm của hai chiến lược lớn “Vành đai, con đường” và “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”; một bên được coi là “sứ mệnh lịch sử” của Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, một bên là quyết tâm duy trì vai trò lãnh đạo duy nhất để bảo đảm lợi ích sống còn của nước Mỹ. Sự va chạm này sẽ là yếu tố lớn nhất làm biến động môi trường an ninh toàn cầu, trong đó Đông Á sẽ là tâm điểm. Với thành tựu sau bốn thập niên cải cách, mở cửa, với thành công của Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung Quốc có ý chí cao hơn, điều kiện thuận lợi hơn để thực tế hóa “Giấc mơ Trung Hoa”, trực tiếp là vị thế “cường quốc trung tâm” ở khu vực và hướng tới địa vị cường quốc thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà Báo cáo chính trị Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định, “Trung Quốc đã tiến gần hơn bao giờ hết tới vũ đài trung tâm thế giới”.

Năm của những cuộc bầu cử quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương

Nếu như năm 2017 diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng để đánh giá xu hướng “dân túy” và “biệt lập” ảnh hưởng thế nào đến chính trường châu Âu, đặc biệt là ở Đức và Pháp, thì năm 2018 sẽ chờ đợi nhiều cuộc bầu cử quan trọng tại Nga, Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a và cả cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ. Vào cuối năm 2018, Đảng Dân chủ tự do (LDP) ở Nhật Bản sẽ bầu Chủ tịch của Đảng; nhiều khả năng ông Sin-dô A-bê sẽ tái cử và tiếp tục làm Thủ tướng. Ấn Độ cũng sẽ chuẩn bị tích cực cho tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào năm 2019. Tác động mạnh của trào lưu “dân túy” có thể khiến các ứng cử viên thể hiện hình ảnh “mạnh mẽ, cứng rắn” trong các vấn đề dễ tranh thủ tâm lý của cử tri, trong đó có vấn đề biên giới, lãnh thổ và quan hệ với các quốc gia nhạy cảm, vì thế sẽ tác động trực tiếp đến quan hệ đối ngoại của các quốc gia nói trên. Theo lô-gíc đó, một loạt quan hệ song phương và đa phương giữa các nước nói trên có thể sẽ bị tác động không nhỏ bởi yếu tố chính trị nội bộ.

Biển Đông vẫn là vấn đề an ninh nổi lên trong khu vực

Trong năm 2017, mặc dù tình hình trên thực địa vẫn diễn biến phức tạp nhưng vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn đa phương tạm thời hạ nhiệt. Tuy nhiên, sang năm 2018, cục diện Biển Đông có thể sẽ khác. Biển Đông là phần quan trọng trong cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ, và là giao điểm nóng nhất trong va chạm của hai chiến lược lớn - “Vành đai, con đường” và “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Nhiều nhà phân tích chiến lược ở khu vực cho rằng, với việc đã chính thức khẳng định Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc và đưa vấn đề tôn tạo đảo ở Biển Đông vào Báo cáo chính trị Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc Trung Quốc thể hiện thái độ cứng rắn hơn cả trên thực địa và trên mặt trận ngoại giao trong năm 2018 là điều có thể dự báo được.

Xử lý tranh chấp Biển Đông là một vấn đề mà mấy năm qua ASEAN gặp khó khăn khi tìm kiếm một lập trường đồng thuận. Tác động từ bên ngoài và tính toán riêng của các nước thành viên làm cho ASEAN khó có tiếng nói thống nhất. Tuy nhiên, năm 2018 Chủ tịch ASEAN là Xin-ga-po, một thành viên có nhiều kinh nghiệm và có quan điểm, nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông. Vì thế, ASEAN có lý do để tin rằng trong năm 2018, Xin-ga-po sẽ giúp thể hiện rõ hơn vai trò “trung tâm” của ASEAN trong một số vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, theo những nguyên tắc cốt lõi mà ASEAN đã từng thống nhất. Trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, chúng ta tin rằng Xin-ga-po cũng sẽ có cơ hội chủ động, tích cực hơn trong thúc đẩy đàm phán COC (Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông) một cách thực chất.

Thời cơ cho Việt Nam

Đối với Việt Nam, bức tranh toàn cảnh thế giới và khu vực năm 2018 mở ra cả thời cơ và thách thức. Trong năm 2017, trước những bất định khó lường của thế giới, Việt Nam đã xử lý thành công quan hệ đối ngoại, trong đó ngoại giao với nước lớn có thể được coi là một trong những điểm sáng nhất với rất nhiều chuyến thăm cấp cao, trong đó có hai chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Năm 2017 được đánh giá là một trong những năm thành công nhất trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đà thuận lợi trong quan hệ với các nước lớn là thời cơ lớn nhất đối với Việt Nam trong năm 2018. Ở các mức độ khác nhau, các nước lớn có lợi ích ở khu vực đều coi trọng Việt Nam hơn trong chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam nằm ở giao điểm xung yếu của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; đây là thách thức nhưng cũng là lợi thế của đất nước. Thành công của Năm APEC Việt Nam 2017 và vai trò gia tăng cao trong ASEAN cũng là điểm tựa quan trọng để chúng ta tự tin tham gia cùng các nước định hình “luật chơi” của các thể chế đa phương ở khu vực, xa hơn nữa là cùng đóng góp vào việc định hình một cấu trúc khu vực thuận lợi cho Đông Nam Á/ASEAN, làm cơ sở để thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa./.