TCCS - Sự kiện nước Anh rời Liên minh châu Âu và việc ông Đô-nan Trăm trở thành Tổng thống Mỹ được đánh giá là hai trong những “cú sốc” lớn nhất của nền chính trị thế giới năm 2016. Trước những phát ngôn “mạnh mẽ khác lạ” của ông Đ. Trăm trong suốt giai đoạn bầu cử, không ít người cho rằng, cử tri Mỹ là những người “vô trách nhiệm” không chỉ với chính vận mệnh của nước Mỹ mà còn với tương lai của thế giới khi trao quyền lãnh đạo đất nước vào tay một người “luôn có những hành vi không thể tiên đoán được”. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng sự lựa chọn đó là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới giới lãnh đạo tinh hoa của nước này về việc đã đến lúc phải có một cách nhìn khác về lợi ích của tầng lớp lao động trong quyết sách đối nội và đối ngoại.

Sự đối đầu giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa toàn cầu?

Quan điểm của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm hiện nay trở thành chỉ dấu dẫn tới hàng loạt câu hỏi nghiên cứu trong giới quan sát chính trị nội bộ Mỹ. Sự xuất hiện của ông Đ. Trăm và từng nấc thang chiến thắng, dần loại bỏ khỏi “đường đua” từng đối thủ là những chính trị gia kỳ cựu, hay những nhân vật tinh hoa, ứng cử viên được “chọn mặt gửi vàng” ở chặng cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, để nắm giữ vị trí quyền lực nhất, cho thấy những phát ngôn của ông không hoàn toàn ngẫu hứng, mà ẩn sâu sau đó là một tham vọng tạo ra sự thay đổi trong nền chính trị Mỹ, chèo lái đất nước theo cách mà ông cho rằng sẽ “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Lý giải về chiến thắng của ông Đ. Trăm, đa số các trang báo và phương tiện truyền thông đều cho rằng, vị tỷ phú này thu hút được sự chú ý của dư luận là nhờ áp dụng những “kỹ năng, tiểu xảo” tích lũy được từ thời gian sản xuất các chương trình giải trí thực tế mà không phải tiêu tốn lượng tài chính khổng lồ dành cho hoạt động quảng cáo hay điều tra dư luận như các ứng cử viên khác. Tuy nhiên, cách lý giải đó hoàn toàn chưa đầy đủ. Nếu xem xét lại những phát ngôn và bóc tách yếu tố “gây sốc” thì có thể thấy các đường đi, nước bước đều được ông Đ. Trăm tính toán kỹ với sự am hiểu không chỉ những yếu điểm của bộ máy chính trị Mỹ mà cả những quan tâm, tâm lý bất an của cử tri Mỹ, cũng như cách thức chuyển những bất an đó thành lực lượng ủng hộ ông về mặt chính trị.

Hiểu rõ những lo lắng của đại bộ phận cử tri da trắng xung quanh thách thức cạnh tranh về công ăn việc làm từ nhóm người nhập cư đang ngày càng trở thành một lực lượng không nhỏ có đủ điều kiện lên tiếng và tham gia chính trường Mỹ, ông Đ. Trăm đã khôn khéo lựa chọn và thể hiện quan điểm nhất quán theo hướng “đứng lên bảo vệ lợi ích của người lao động” trên hai vấn đề chính sách trọng điểm là nhập cư và thương mại. Với tư tưởng chính trị theo trường phái dân túy, chủ trương đặt “nước Mỹ trên hết” trong các quyết định chính sách, chú trọng “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” thông qua nỗ lực “đưa việc làm trở lại Mỹ”, kêu gọi người dân và doanh nghiệp Mỹ “mua hàng Mỹ và thuê lao động Mỹ”, ông Đ. Trăm đã thể hiện hình ảnh đối lập của “một người ngoài cuộc” tấn công vào cái mà ông cho là “giới tinh hoa gian dối và tha hóa” trong hệ thống chính trị Mỹ. Điều này đã dẫn tới cuộc đối đầu căng thẳng giữa ông Đ. Trăm và giới lãnh đạo chính trị trên chính trường Mỹ.

Ở góc độ sâu xa hơn, các đề xuất chính sách của ông Đ. Trăm trong quá trình tranh cử theo hướng đề cao tinh thần dân tộc chủ nghĩa đã tạo ra mối bất an đối với giới tinh hoa lãnh đạo của nước Mỹ về nguy cơ nước Mỹ sẽ “co vào bên trong”, chuyển hướng theo một tiến trình đi ngược lại các nỗ lực xuyên suốt của nhiều chính quyền tiền nhiệm là xây dựng một “trật tự quốc tế tự do” dưới sự lãnh đạo và chi phối của Mỹ.

Được xây dựng dựa trên nền tảng của chủ thuyết tự do(1), các quyết sách đối ngoại của Mỹ qua nhiều thời kỳ đều phản ánh mong muốn của người Mỹ trong việc theo đuổi một cuộc sống tự do, dân chủ. Trong đó, mục tiêu xuyên suốt trong chính sách đối ngoại của Mỹ qua các chính quyền tiền nhiệm là “thúc đẩy dân chủ”, “mở rộng thịnh vượng” và “bảo đảm tự do tôn giáo” trên toàn thế giới, dù các chính quyền có những ưu tiên khác nhau do chịu ảnh hưởng của hai trường phái tư tưởng tự do và bảo thủ. Theo đó, dưới sự chi phối của tư tưởng tự do, các ưu tiên chính sách đối ngoại mà Đảng Dân chủ mong muốn thúc đẩy đều tập trung vào khía cạnh “thúc đẩy dân chủ trên toàn thế giới”. Trong khi dựa trên nền tảng quan điểm của trường phái bảo thủ, đường hướng chính sách đối ngoại mà Đảng Cộng hòa theo đuổi qua nhiều thời kỳ luôn nhấn mạnh tới lợi ích quốc gia của Mỹ trên khía cạnh an ninh và kinh tế.

Tuy có sự chia rẽ trong ưu tiên chính sách, song cách thức theo đuổi các ưu tiên đối ngoại đó của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa từ sau Chiến tranh lạnh là tương đối đồng nhất trong bối cảnh nước Mỹ trở thành cường quốc số một thế giới với ưu thế vượt trội về sức mạnh tổng hợp trong tương quan so sánh với các trung tâm quyền lực khác. Theo đó, với quan điểm nhấn mạnh tính quyết định của việc xây dựng nền dân chủ trong nỗ lực “mở rộng thịnh vượng”, phương thức triển khai chính sách đối ngoại mà chính quyền của các tổng thống từ Đảng Dân chủ theo đuổi là áp đặt mô hình “dân chủ kiểu Mỹ” đối với các quốc gia khác, hướng tới việc xây dựng một trật tự quốc tế trên nền tảng quan hệ giữa các nền dân chủ. Trong khi đó, chịu ảnh hưởng bởi tập hợp quan điểm cho rằng thịnh vượng về kinh tế sẽ giúp củng cố dân chủ về chính trị, chính quyền của các tổng thống từ Đảng Cộng hòa lại lựa chọn phương thức áp đặt mô hình “thịnh vượng kiểu Mỹ” trên toàn thế giới, hướng tới mục tiêu theo đuổi một trật tự kinh tế toàn cầu dưới sự lãnh đạo và chi phối của Mỹ.

Dưới ảnh hưởng của trường phái bảo thủ ôn hòa, chủ trương thúc đẩy mô hình “thịnh vượng kiểu Mỹ” trên thế giới thông qua nỗ lực thiết lập trật tự kinh tế toàn cầu với các tiêu chuẩn và quy định có lợi cho Mỹ, Chính quyền của Tổng thống G. Bu-sơ (cha) đã theo đuổi đường hướng chính sách đối ngoại theo khuynh hướng chủ nghĩa toàn cầu bảo thủ, thúc đẩy lợi ích kinh tế của Mỹ trên toàn cầu, sẵn sàng can thiệp quân sự nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ (chẳng hạn như chiến dịch “Bão táp sa mạc” và cuộc chiến tranh I-rắc năm 1990) song lại do dự khi phải can thiệp quân sự vì mục đích nhân đạo. Khác với chính sách đối ngoại của Chính quyền G. Bu-sơ (cha), dù cùng chịu ảnh hưởng của trường phái bảo thủ ôn hòa, song chính sách đối ngoại của Chính quyền G. W. Bu-sơ (con) lại mang những đặc điểm của nhóm bảo thủ mới, chủ trương theo đuổi duy trì trạng thái đơn cực của Mỹ, sẵn sàng đơn phương tiến hành các hoạt động quân sự để thể hiện sức mạnh vượt trội cũng như đề cao xu hướng áp đặt, thể hiện trong tuyên bố: các nước phải lựa chọn “cùng với Mỹ hoặc chống lại Mỹ” trên mặt trận chống khủng bố.

Trong khi đó, chịu ảnh hưởng của trường phái tự do trung tả, chủ trương thúc đẩy mô hình “dân chủ kiểu Mỹ” thông qua các biện pháp ngoại giao kết hợp sức mạnh quân sự, Chính quyền của Tổng thống B. Clin-tơn đã triển khai mạnh mẽ chính sách ngoại giao nhằm “thúc đẩy dân chủ trên toàn cầu” dưới ngọn cờ của Chiến lược an ninh quốc gia “cam kết và mở rộng”. Đối lập với trường phái tự do trung tả trên vấn đề đối ngoại của Chính quyền B. Clin-tơn, chịu ảnh hưởng của trường phái tự do thiên tả, chính sách đối ngoại của Chính quyền Tổng thống B. Ô-ba-ma lại đề cao việc xử lý các vấn đề toàn cầu, sử dụng “quyền lực mềm”, chủ trương cắt giảm can thiệp quân sự, hợp tác quốc tế và thực thi chính sách ngoại giao đa phương trong xử lý những vấn đề phát sinh.

Như vậy, dù có đôi chút khác biệt do chịu ảnh hưởng của hai phái bảo thủ ôn hòa và bảo thủ mới hay giữa trường phái tự do trung tả và tự do thiên tả, nhưng chính sách đối ngoại của Tổng thống G. Bu-sơ (cha) và Tổng thống G. W. Bu-sơ (con) đều ưu tiên mục tiêu thiết lập trật tự kinh tế toàn cầu, trong khi mục tiêu đối ngoại hàng đầu được Tổng thống B. Clin-tơn và Tổng thống B. Ô-ba-ma thúc đẩy là thiết lập trật tự quốc tế tự do. Các nỗ lực của các chính quyền tổng thống Cộng hòa và Dân chủ, dù ưu tiên thúc đẩy dân chủ hay mở rộng thịnh vượng, đều có một điểm chung là nhằm thiết lập và củng cố trật tự quốc tế giữa các nền dân chủ theo đuổi mô hình phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa. Và sự đồng nhất mục tiêu theo đuổi chủ nghĩa toàn cầu của giới tinh hoa chính trị Mỹ ở cả hai Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa dường như đang bị thách thức bởi đường hướng chính sách dân tộc chủ nghĩa của ông Đ. Trăm.

Nghệ thuật đàm phán và ngôi vị tổng thống Mỹ

Nếu đổ lỗi cho những bất đồng giữa ông Đ. Trăm với giới tinh hoa của Đảng Dân chủ là do yếu tố chia rẽ đảng phái, thì tình trạng bất đồng giữa ông Đ. Trăm với giới tinh hoa của Đảng Cộng hòa là minh chứng rõ nét cho cuộc đối đầu giữa trường phái chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa toàn cầu. Các đề xuất chính sách của ông Đ. Trăm trong suốt quá trình tranh cử và trên cương vị tổng thống sau này đã tạo nên một sự bất an, thậm chí là bất bình, chống đối từ các thành viên kỳ cựu trong Đảng Cộng hòa.

Về kinh tế, trong khi Đảng Cộng hòa vốn theo đuổi thương mại tự do, cơ bản ủng hộ các hiệp định thương mại giữa Mỹ và thế giới, thì ông Đ. Trăm lại tuyên bố sẽ xem xét lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Ca-na-đa và Mê-hi-cô được ký từ 20 năm trước và quyết định Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quyết định này của Tổng thống Đ. Trăm đã gặp phải sự chỉ trích từ những thành viên chủ chốt trong Đảng Cộng hòa. Phản ứng về quyết định của Tổng thống Đ. Trăm, Thượng nghị sĩ Giôn Mắc Kên cho rằng, quyết định chính thức rút khỏi TPP của Tổng thống Đ. Trăm là một sai lầm nghiêm trọng, dẫn tới nhiều hậu quả lâu dài cho nền kinh tế Mỹ và vị thế chiến lược của nước Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương(2).

Về đối ngoại, điều khiến những nhân vật dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực này của Đảng Cộng hòa, như cựu Cố vấn an ninh quốc gia và Ngoại trưởng Mỹ C. Rai-xơ, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ri-sác A-mi-tết hay cựu quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ P. Uôn-phô-uýt không hài lòng chính là thái độ “khen ngợi thái quá” của ông Đ. Trăm dành cho Tổng thống Nga V. Pu-tin cũng như có những cam kết tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nga trong khi lại có những phát biểu “rời xa” các đồng minh truyền thống trong NATO hay các đồng minh “mỏ neo” tại châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc trong quá trình tranh cử. Đỉnh điểm của cuộc đối đầu giữa ông Đ. Trăm và giới hoạch định chính sách an ninh - đối ngoại trong nội bộ Đảng Cộng hòa là sự kiện hơn 50 quan chức an ninh - đối ngoại, từng phục vụ trong các chính quyền của các tổng thống từ Đảng Cộng hòa cùng ký tên vào một văn bản cảnh báo rằng “nếu được bầu làm Tổng thống, ông Đ. Trăm sẽ đặt an ninh nước Mỹ vào vòng nguy hiểm”(3).

Đối mặt với thực trạng khó khăn trong nội bộ, để có thể tranh thủ được sự ủng hộ của nhóm lãnh đạo tinh hoa trong Đảng Cộng hòa vốn có quyền lực và ảnh hưởng lớn trên chính trường Mỹ, trong quá trình chạy đua vào chiếc ghế tổng thống cũng như đối với các đề xuất chính sách quan trọng của chính quyền sau này, ngay sau khi giành được đề cử trở thành ứng viên chính thức của Đảng Cộng hòa tham gia cuộc bầu cử tổng thống, ông Đ. Trăm đã có nhiều điều chỉnh quan trọng trong các phát biểu, thể hiện thái độ dung hòa với nền tảng chính sách truyền thống của Đảng Cộng hòa.

Sự thỏa hiệp đầu tiên giữa ông Đ. Trăm và giới tinh hoa của Đảng Cộng hòa được thể hiện trong nội dung của bản Cương lĩnh tranh cử được thông qua tại Đại hội của Đảng này. Với việc nhấn mạnh “quan điểm đối ngoại cốt lõi của Đảng Cộng hòa là hòa bình thông qua sức mạnh” và “chiến lược của nước Mỹ là sự cam kết với sự nghiệp phát triển và tiến trình ngoại giao quốc tế, kết hợp với nền quốc phòng mạnh”, với “năng lực quân đội có thể ứng phó với bất kỳ và tất cả những mối đe dọa đối với lợi ích quốc gia sống còn của Mỹ”, nội dung của bản Cương lĩnh tranh cử đã thể hiện sự dung hòa giữa hai trường phái chủ nghĩa toàn cầu bảo thủ của nhóm lãnh đạo truyền thống, với trường phái bảo thủ dân tộc chủ nghĩa do ông Đ. Trăm là đại diện. Trên cơ sở chủ trương theo đuổi đường hướng chính sách “hòa bình thông qua sức mạnh”, các đề xuất chính sách của ông Đ. Trăm nhấn mạnh vào nỗ lực bãi bỏ việc cắt giảm ngân sách quốc phòng, đề xuất ngân sách mới theo hướng tăng chi tiêu quốc phòng, xây dựng lại quân đội và tăng cường năng lực của lực lượng tình báo và an ninh mạng. Cùng với đó, bản Cương lĩnh tranh cử cũng thể hiện những quan tâm then chốt của Đảng Cộng hòa trên khía cạnh an ninh, cho rằng vấn đề chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và vấn đề an ninh mạng là những thách thức an ninh chung cần phải giải quyết(4).

Bên cạnh quan điểm đồng thuận trên các vấn đề an ninh - quân sự, những khác biệt trong quan điểm về vấn đề can thiệp quân sự và thúc đẩy các lợi ích kinh tế giữa hai trường phái chủ nghĩa toàn cầu bảo thủ và chủ nghĩa bảo thủ dân tộc cũng được dung hòa trong Cương lĩnh tranh cử của Đảng Cộng hòa. Trong đó, về vấn đề can thiệp quân sự, bản Cương lĩnh khẳng định, nước Mỹ cần “dính líu” (involvement), nhưng không “can thiệp” (intervention) vào các vấn đề quốc tế, sự dính líu của Mỹ cần được thể hiện thông qua những nỗ lực thúc đẩy các biện pháp hiệu quả (cả kênh đàm phán, ngoại giao và gây sức ép dựa trên ưu thế vượt trội về quân sự) để giải quyết vấn đề(5). Trong khi đó, trên vấn đề kinh tế, dù vẫn khẳng định lập trường thúc đẩy thương mại tự do của phái ôn hòa trong Đảng Cộng hòa thông qua việc nhấn mạnh “thương mại toàn cầu là quan trọng đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ” và vai trò của “các thỏa thuận thương mại đa phương”, song Cương lĩnh tranh cử cũng thể hiện quan điểm của phái chủ nghĩa bảo thủ dân tộc khi nêu đậm tính “công bằng” trong các thỏa thuận thương mại và nêu cao việc đàm phán các thỏa thuận thương mại dựa trên những nguyên tắc cơ bản của việc mở cửa thị trường, thương mại bình đẳng cũng như đặt lợi ích của “nước Mỹ trên hết”(6).

Thỏa hiệp tiếp theo giữa ông Đ. Trăm và giới tinh hoa của Đảng Cộng hòa được thể hiện thông qua các quyết định lựa chọn nhân sự chủ chốt vào bộ máy hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ. Trong đó, hai vị trí quan trọng là Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng được giao phó cho ông Rếch Ti-lơ-xơn và tướng Giêm Mát-tít - những nhân vật chịu ảnh hưởng của phái bảo thủ truyền thống trong Đảng Cộng hòa. Xuất thân từ giới doanh nhân, Ngoại trưởng R. Ti-lơ-xơn được đánh giá là nhân vật bảo thủ thực dụng và là người có kinh nghiệm đàm phán các thỏa thuận quốc tế. Nhận được sự ủng hộ của nhiều cựu quan chức Đảng Cộng hòa, ông R. Ti-lơ-xơn đồng thời cũng được Tổng thống Đ. Trăm tin tưởng rằng sẽ tiếp cận lợi ích quốc gia từ góc độ kinh tế, đàm phán các thỏa thuận quốc tế có lợi cho Mỹ. Khác với Ngoại trưởng R. Ti-lơ-xơn, Bộ trưởng Quốc phòng G. Mát-tít lại xuất thân từ tướng lĩnh quân đội với nhiều kinh nghiệm chiến trường, được đánh giá cao về tính thực tế trong các quyết định chính sách. Ông G. Mát-tít còn được giới chuyên gia đánh giá tích cực và nhiều khả năng sẽ giúp Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm trong các nỗ lực cắt giảm can dự quân sự và tái khẳng định cam kết với hệ thống đồng minh ở nhiều khu vực trọng điểm, như châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Trung Đông.

Yếu tố dân tộc trong chính sách đối ngoại

Như vậy, trên nền tảng quan điểm chính trị theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa, có những dung hòa nhất định với trường phái chủ nghĩa toàn cầu bảo thủ, chính sách đối ngoại của Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm sẽ không hoàn toàn đi ngược lại các nỗ lực xuyên suốt của các chính quyền tiền nhiệm, chuyển hướng “co vào bên trong” như lo ngại của giới tinh hoa chính trị Mỹ. Trên thực tế, chính sách đối ngoại của Chính quyền Đ. Trăm được cho là sẽ vẫn đi theo mạch chảy chính của mục tiêu toàn cầu của nước Mỹ, song yếu tố dân tộc sẽ được phản ánh đậm nét hơn trong mọi quyết sách đối ngoại.

Theo đó, Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm sẽ có nhiều điều chỉnh quan trọng trên các vấn đề cơ bản trong chính sách đối ngoại theo hướng: 1- Duy trì khả năng răn đe quân sự của Mỹ tại tất cả các địa bàn chiến lược, song tránh can dự dưới hình thức triển khai quân trên thực địa; 2- Giảm bớt sự tham gia cũng như hỗ trợ tài chính của Mỹ đối với các cơ chế đa phương và quốc tế trên những vấn đề Mỹ cho rằng không có lợi ích hoặc có ít lợi ích (chẳng hạn theo quan điểm của phái bảo thủ, đó là ứng phó với biến đổi khí hậu, tình trạng nghèo đói, dịch bệnh toàn cầu), nhưng vẫn duy trì sự can dự của Mỹ vào các cơ chế đa phương trên những vấn đề Mỹ có lợi ích (các diễn đàn kinh tế khu vực như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC),...); 3- Theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn trong xử lý các vấn đề quốc tế, như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và I-ran, song chủ yếu thông qua việc gây sức ép kinh tế, răn đe quân sự (triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa, tăng cường tập trận với đồng minh...) hơn là tiến hành can thiệp quân sự trên thực tế; 4- Duy trì quan hệ với các đồng minh và đối tác, song sẽ yêu cầu các nước này chia sẻ trách nhiệm với Mỹ và đóng góp lớn hơn vào việc xử lý các thách thức an ninh chung.

Chính vì vậy, có thể thấy chính sách đối ngoại của Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm có sự tiếp nối xu hướng giảm can thiệp quân sự dù vẫn duy trì sức mạnh quân sự, có cách tiếp cận cứng rắn theo hướng sẵn sàng sử dụng răn đe quân sự để tạo sức ép trong xử lý các “điểm nóng”. Đồng thời, đối với vấn đề chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhiều khả năng Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm sẽ tiếp tục duy trì sáng kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân của tổng thống tiền nhiệm để phối hợp hành động. Song bên cạnh đó, Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm sẽ có sự điều chỉnh theo hướng giảm bớt các biện pháp đơn phương cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, củng cố mạnh mẽ năng lực hạt nhân và sẵn sàng triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa để gây sức ép với các mối đe dọa hạt nhân.

Vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu và theo đuổi các hiệp định kinh tế - thương mại sẽ có những điều chỉnh mạnh mẽ trong chính sách của Chính quyền Tổng thống Đ. Trăm. Trên vấn đề kinh tế - thương mại, việc ông Đ. Trăm ký Sắc lệnh hành pháp ngày 24-1-2017 quyết định việc Mỹ rút khỏi TPP cho thấy, nhiều khả năng Chính quyền Đ. Trăm sẽ xem xét thúc đẩy một thỏa thuận thương mại đa phương tương tự với nội hàm chặt chẽ hơn về các quy định có lợi cho doanh nghiệp và người dân Mỹ (như vấn đề sở hữu trí tuệ, chống thao túng tiền tệ...). Khả năng này hoàn toàn có cơ sở. Điều đó không hẳn do phản đối thương mại tự do mà bởi cho rằng, TPP không đáp ứng được những lợi ích của nước Mỹ.

Về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm có thể sẽ xem xét việc rút khỏi các thỏa thuận về ứng phó với biến đổi khí hậu mà chính quyền tiền nhiệm đã cam kết. Tuy nhiên, kịch bản này không nhiều khả năng diễn ra vì Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nội bộ nước Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế. Thay vào đó, Chính quyền Đ. Trăm sẽ lựa chọn công cụ chính sách năng lượng để can dự vào vấn đề này, như quyết định ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm bãi bỏ hoặc xem xét lại một số quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác năng lượng hóa thạch tại Mỹ./.

----------------------------------------

(1) Chủ thuyết tự do tại Mỹ là tập hợp các luận điểm nhấn mạnh vào quyền tự do của mỗi cá nhân trên ba khía cạnh là 1- Tự do dân chủ của người dân về mặt chính trị; 2- Tự do theo đuổi nền kinh tế tư bản chủ nghĩa; và 3- Tự do nắm giữ niềm tin tôn giáo theo tín ngưỡng của đạo Tin lành

(2) Carney, Jordain (2017): “McCain: D. Trump’s withdrawal from TPP a ‘serious mistake’”, The Hill Online, xem tại: http://thehill.com/blogs/floor-action/senate/315666-mccain-trump-withdrawing-from-tpp-a-serious-mistake

(3) Sanger, David E. & Maggie Haberman (2016): “50 From G.O.P. Declare D. Trump a Security Risk”, New York Times, August 9, p. A1

(4), (5), (6) Republican National Convention (2016), Republican Platform 2016, tr. 53 - 54, 46, 2 - 3