Mít tinh phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân số và ngày Dân số Việt Nam 26-12 năm 2018
TCCSĐT - Ngày 26-11-2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2161/QĐ-TTg về việc lấy tháng 12 hằng năm là Tháng hành động Quốc gia về Dân số. Kể từ đó, hằng năm ngành dân số đều tổ chức lễ phát động ra quân cho Tháng hành động Quốc gia về Dân số và hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam 26-12. Năm nay, Tháng hành động Quốc gia về Dân số và ngày Dân số Việt Nam đã được Bộ Y tế cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình phát động với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi”.
Tại Lễ phát động, lãnh đạo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia Đình, Bộ Y tế; Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình; Văn phòng Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam; đại diện thanh niên Việt Nam đã chia sẻ về những thành tựu của ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình đã đạt được trong thời gian qua, cũng như các thách thức trong công tác tuyên truyền vận động và cung cấp thông tin và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên tại Việt Nam trong thời gian tới.
Trong hơn nửa thế kỷ qua Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định dân số là vấn đề gốc của mọi vấn đề, là nền tảng quan trọng trong phát triển bền vững quốc gia, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh công tác dân số, sức khỏe sinh sản và đạt những thành tựu rất đáng tự hào, như:
Trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có 6,4 con năm 1960 giảm xuống còn 2,09 con năm 2006 (đạt mức sinh thay thế) và duy trì liên tục đến nay; tỷ lệ tử vong mẹ trên toàn quốc đã giảm đáng kể từ 233/100.000 ca sinh sống trong những năm 1990 xuống còn 58/100.000 ca sinh sống vào năm 2016; tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm khá nhanh, từ 16,0‰ năm 2007 xuống còn 14,4‰ năm 2017; tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 24,1‰ năm 2007 xuống 21,5‰ năm 2017 đưa Việt Nam thành 1 trong 5 nước đang phát triển có mức tử vong bà mẹ, trẻ em giảm nhanh nhất trên thế giới; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm nhanh; tuổi thọ bình quân của người dân tăng lên, đạt 73,5 tuổi vào năm 2017. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc bảo đảm tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Việc đầu tư liên tục đã giúp Việt Nam bảo đảm sự sẵn có của các phương tiện tránh thai, các dịch vụ và các thông tin về kế hoạch hóa gia đình cho người dân trên toàn quốc. Chính vì vậy, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 37,0% vào năm 1988 lên 65,4% vào năm 2017. Những kết quả quan trọng này đóng góp đáng kể vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đổi mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Nhờ những thành công của chương trình dân số - sức khỏe sinh sản, Việt Nam đã khép lại thời kỳ cơ cấu “dân số trẻ” bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”. Đây là cơ hội có một không hai trong lịch sử phát triển nhân khẩu học của mỗi quốc gia. Hiện tại, với quy mô dân số gần 95 triệu người, Việt Nam là nước đông dân thứ 14 trên thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 khu vực Đông Nam Á; trong đó có hơn 64 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm trên 68% dân số), đây là nguồn nhân lực to lớn cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, cho sự chấn hưng và phát triển của dân tộc. Vì vậy, đầu tư phát triển giáo dục, y tế và việc làm cho lực lượng lao động trẻ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có vai trò cốt yếu trong giai đoạn hiện nay.
Vị thành niên, thanh niên Việt Nam (nhóm dân số từ 10 - 24 tuổi, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới) chiếm khoảng trên 22% dân số, là lực lượng xã hội hùng hậu, có tiềm năng to lớn, xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách mang tính chiến lược như Nghị quyết số 21 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới, Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em (năm 2014) Luật Thanh niên (năm 2005), Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 -2020 nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có đạo đức cách mạng, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa; có trình độ học vấn, nghề nghiệp và việc làm; có văn hóa, sức khỏe, kỹ năng sống và ý chí vươn lên; xung kích, sáng tạo làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến; hình thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành, của gia đình và toàn xã hội, vị thành niên, thanh niên Việt Nam đã có những bước phát triển khá toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; đã và đang đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi. Vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên được Bộ Y tế xác định là một nội dung ưu tiên trong Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định số 906/QĐ-BYT, ngày 15-3-2017 phê duyệt Đề án Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam,… triển khai chương trình giáo dục dân số - sức khỏe sinh sản, giới và bình đẳng giới trong nhà trường; các mô hình “Góc thân thiện cho thanh niên công nhân” tại các khu công nghiệp, “Góc thân thiện cho học sinh” trong các nhà trường phổ thông, “Kịch tương tác cho vị thành niên, thanh niên”; mô hình “Nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trong công nhân lao động”.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền giáo dục, song tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV ở vị thành niên, thanh niên vẫn có xu hướng gia tăng, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu các khu công nghiệp tập trung…; kiến thức, kỹ năng cơ bản về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên còn nhiều hạn chế; giáo dục về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục chưa tiếp cận được ở diện rộng; việc cung cấp thông tin, dịch vụ thân thiện về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của vị thành niên, thanh niên.
Nhu cầu về các biện pháp tránh thai hiện đại trong nhóm dân số trẻ chưa kết hôn hiện vẫn đang ở mức cao. Vẫn còn nhiều khoảng trống trong công tác cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục cho thanh niên và vị thành niên, bao gồm chương trình giáo dục giới tính toàn diện và có chất lượng.
Trong các điều tra về thanh thiếu niên Việt Nam lần 2 (SAVY2) cho thấy, nhóm dân tộc thiểu số kết hôn sớm hơn 6 lần so với dân tộc Kinh (8,4% so với 1,4%), và cao hơn trung bình cả nước 3,5 lần (2,5%). Tỷ lệ từng kết hôn của trong nhóm vị thành niên từ 15 - 19 tuổi là 2,6%. Điều tra quốc gia về sức khỏe sinh sản và tình dục năm 2015 do Quỹ Dân số Liên hợp quốc thực hiện chỉ ra tuổi trung bình lần quan hệ tình dục đầu tiên của các đối tượng điều tra là 18,7, như vậy sớm hơn so với kết quả của các kỳ điều tra trước (trong SAVY2 là 19,6).
Vị thành niên, thanh niên Việt Nam có kiến thức chưa đầy đủ và thực hành chưa đúng về các vấn đề sức khỏe. Theo số liệu của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em của Bộ Y tế, tỷ lệ mang thai ở vị thành niên tại Việt Nam có giảm đôi chút trong những năm gần đây nhưng vẫn ở mức cao và rất đáng lo ngại: năm 2010 là 3,24%, 2012 - 3,39%, năm 2014 - 2,78 %, 2015 - 2,66 %.
Một nghiên cứu trên đối tượng nữ công nhân di cư ở tuổi thanh niên năm 2015 cho thấy, tỷ lệ không sử dụng biện pháp tránh thai chiếm 27,8%. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là tình trạng sử dụng biện pháp tránh thai không thường xuyên trong quan hệ tình dục rất cao. Thiếu kiến thức toàn diện và chính xác về HIV/AIDS, bệnh lây truyền qua đường tình dục và mang thai là kết quả đáng quan tâm ở nữ thanh niên là lao động di cư. Mặc dù đã có các chương trình sức khỏe vị thành niên, thanh niên trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều khoảng trống trong các chương trình, được phản ánh qua kết quả các chỉ số về kiến thức, thực hành sức khỏe sinh sản và tình dục của vị thành niên, thanh niên. Hơn nữa, vị thành niên, thanh niên vẫn gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục bảo đảm chất lượng, ví dụ các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hiện nay tập trung chủ yếu vào những người đã kết hôn. SAVY2 cũng cho rằng các can thiệp, chương trình sức khỏe sinh sản và tình dục vị thành niên, thanh niên còn thiếu hụt trong giải quyết các vấn đề của các nhóm thiệt thòi, dân tộc thiểu số, và vấn đề về giới.
Xóa bỏ những khoảng trống nói trên để có thể mang lại lợi ích cho mọi người dân đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu vùng xa sẽ giúp chúng ta phát huy được hết tiềm năng của họ. Đầu tư vào chăm sóc sức khỏe và phát triển cho thanh niên và vị thành niên sẽ giúp quốc gia gặt hái được nhiều lợi ích kinh tế - xã hội to lớn và lâu dài.
Để thiết thực hưởng ứng chủ đề của Tháng hành động Quốc gia về Dân số và ngày Dân số Việt Nam năm nay, bộ máy làm công tác dân số ở các cấp cần tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục theo chuyên đề tại địa bàn; tăng cường lồng ghép giữa truyền thông và cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe nhân các chiến dịch; chú trọng mở rộng đối tượng vận động là cha mẹ, ông bà,… để giáo dục, động viên con em trong việc chủ động tham gia tư vấn và khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ; các cấp, các ngành, các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đồng hành cùng công tác dân số; tích cực phối hợp, tham gia và động viên mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng chủ đề, thông điệp của Tháng hành động Quốc gia về Dân số và ngày Dân số Việt Nam; cổ vũ và tạo mọi điều kiện để vị thành niên, thanh niên tích cực học tập, lao động, chủ động tham gia các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe nói chung, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục lành mạnh nói riêng; bảo đảm để vị thành niên, thanh niên được quan tâm chăm lo toàn diện và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình. Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội và công tác dân số - sức khỏe sinh sản là nhờ những nỗ lực của Chính phủ và các cấp, các ngành, sự ủng hộ cao của người dân, bên cạnh đó cần kể tới sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, chính phủ các nước về tài chính và kỹ thật về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng. Chúng ta cũng cần tin tưởng rằng vị thành niên, thanh niên Việt Nam sẽ được quan tâm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ tốt hơn; sẽ là nguồn nhân lực chất lượng đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời gian tới./.
Tăng cường phát hiện, chấm dứt kỳ thị với người nhiễm HIV và các bệnh liên quan đến AIDS  (03/12/2018)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ thăm chính thức Hàn Quốc  (02/12/2018)
Tập trung hoàn thiện thể chế phục vụ Chính phủ điện tử  (02/12/2018)
Các hoạt động Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018  (02/12/2018)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
- Quản trị di sản bền vững để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân, Thủ tướng Singapore
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay