Một số vấn đề về ứng phó với bão, lụt - góc nhìn từ tỉnh Ninh Bình qua cơn bão số 3
TCCS - Bão số 3 (Yagi), cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua đổ bộ vào Việt Nam đã gây ra những hậu quả nặng nề về người và tài sản. Tỉnh Ninh Bình tuy không trực tiếp bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão, nhưng lượng mưa lớn cộng với lũ trên thượng nguồn đổ về không chỉ gây ngập lụt trên diện rộng trong một số khu vực dân cư, một số vùng đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản ngoài đê, mà còn trực tiếp gây áp lực lên các tuyến đê trọng điểm của tỉnh, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn và đời sống của hàng chục nghìn hộ dân.
Nhìn lại những ngày đối diện, ứng phó với lũ lụt vừa qua ở Ninh Bình có thể thấy một số vấn đề:
Thứ nhất, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát, đặt ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân
Ngày 12-9-2024, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ tại tỉnh Ninh Bình, nghe các phương án của tỉnh Ninh Bình về khả năng phải xả tràn trong trường hợp khẩn cấp. Ưu tiên số một được các đồng chí lãnh đạo đưa ra là phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho nhân dân; bảo đảm sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân.
Với tinh thần chủ động, trên dưới đồng lòng, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện nghiêm túc các công điện của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương, quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão. Tỉnh đã ban hành 5 công điện, 1 Lệnh di dân; đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh trực tiếp phụ trách, chỉ đạo, bám sát địa bàn, đôn đốc các địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, thực phẩm, các đồ dùng thiết yếu để ứng phó, cứu trợ người dân.
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy “trực chiến” tại Trung tâm Chỉ huy phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh, nắm bắt tình hình, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3. Nhấn mạnh sự đồng lòng, đồng tâm, không chủ quan, không nóng vội, đồng chí cùng tập thể lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các địa phương tập trung phân tích, đánh giá tình hình trên cơ sở khoa học - thực tiễn, cộng với kinh nghiệm nhiều năm, bình tĩnh xử lý các tình huống theo phương án, kịch bản đề ra; chỉ đạo bố trí lực lượng kiểm tra theo dõi đê toàn tuyến 24/24 giờ, có phương án xử lý ngay những điểm xung yếu; chỉ đạo vận hành hiệu quả các công trình phân lũ, chậm lũ, bảo đảm an toàn cho các tuyến đê.
Huyện Kim Sơn là địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3, đã chủ động kêu gọi toàn bộ 119 phương tiện, 267 thuyền viên về bờ an toàn; toàn bộ 347 lao động tại 218 lều chòi khu vực từ đê biển Bình Minh 3 đến Cồn Nổi cũng được đưa vào bờ tránh trú bão an toàn. Huyện cũng thành lập các chốt kiểm soát không để người dân đi ra ngoài đê biển Bình Minh 2 cho đến khi bão tan.
Ngày 12-9 và 13-9-2024, khi nước sông Hoàng Long và sông Đáy dâng cao, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình, đặc biệt là hai huyện Gia Viễn, Nho Quan đã chủ động, bình tĩnh, lãnh đạo, chỉ đạo và các bộ phận liên quan đã trực chiến 24/24 ở những khu vực trọng yếu, sẵn sàng ứng phó với tình huống phải xả tràn. Theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong trường hợp mực nước sông Hoàng Long lên mức 4.9m thì ban hành Lệnh di dân; mức 5.3m phải cân nhắc phương án phân lũ, trong đó phương án nghiêm trọng nhất sẽ phải xả tràn. Nếu xả tràn sẽ có khoảng 60.000 người dân, tại 12 xã của 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn bị ảnh hưởng, hàng nghìn ha đất bị ngập lụt, không chỉ gây thiệt hại lớn, ước tính lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng mà còn mất nhiều thời gian khắc phục, ảnh hưởng đến môi trường xã hội, môi trường đầu tư...
13 giờ ngày 12-9-2024, khi mực nước lũ đạt 4,9m tại Bến Đế, tỉnh Ninh Bình đã ban hành Lệnh di dân khu vực xả tràn Lạc Khoái. Hơn 8.232 hộ dân với khoảng 30.000 nhân khẩu ở 12 xã trên địa bàn huyện Nho Quan và huyện Gia Viễn đã được các lực lượng đã phối hợp hỗ trợ di dời đến nơi an toàn.
Thứ hai, tình người trong lũ lụt
Ngày 12-9, tại Ninh Bình, Đoàn công tác Tạp chí Cộng sản do PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập làm Trưởng đoàn cũng đã trao nhu yếu phẩm cứu trợ tới người dân vùng bị ngập lụt ở thôn Cao Thắng, xã Đức Long, huyện Nho Quan - đây là một trong những địa bàn có 100% hộ bị ngập nặng trong đợt mưa lũ này. Những ngày gắn bó với Ninh Bình, Đoàn công tác đã chứng kiến sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đã chia sẻ với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, lãnh đạo hai huyện Kim Sơn và Nho Quan những trăn trở khi phải ra những quyết định đầy khó khăn liên quan đến hàng chục nghìn hộ dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của hàng trăm đơn vị, doanh nghiệp,… trên địa bàn.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 3.682 nhà ở ngoài đê bị ngập sâu khoảng 1m - 2m, chủ yếu ở huyện Gia Viễn và Nho Quan; tuyến đường 477 đoạn đầu cầu huyện Nho Quan ngập khoảng 200m; sạt chân mái đê Hữu Đáy, xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn; nứt bể xả tại trạm bơm Gia Trấn... Ước thiệt hại ban đầu do bão và mưa lũ trên địa bàn tỉnh trên 50 tỷ đồng.
Có thể thấy, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”; triển khai mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ nhân dân. Với tinh thần “4 tại chỗ”, Ninh Bình đã tập trung huy động đầy đủ lực lượng quân đội, công an, lực lượng tại chỗ và dân quân trực tuần tra các tuyến đê và sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Chiều ngày 11-9, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ninh Bình đã tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3. Ngay tại lễ phát động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận 7,6 tỷ đồng từ 59 cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... Tính đến 16 giờ, ngày 20-9-2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận ủng hộ của 330 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm với tổng số tiền hơn 23,2 tỷ đồng (trong đó vận động ủng hộ trên địa bàn tỉnh được hơn 16,2 tỷ đồng, còn lại do Trung ương phân bổ và một số tỉnh bạn hỗ trợ); tiếp nhận bằng hiện vật như lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm khác trị giá 104 triệu đồng.
Thứ ba, tinh thần khẩn trương tái thiết trước mắt và kiến nghị về lâu dài cho người dân vùng lũ
Với tinh thần chủ động, tỉnh đã chỉ đạo, các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục hậu quả, bảo đảm sớm ổn định đời sống nhân dân. Đặc biệt, đối với những vùng bị ngập lụt, môi trường bị ô nhiễm nặng do rác, nước thải, chất thải rắn, cây cối, hoa màu bị ngâm nước, gia súc, gia cầm chết bị cuốn chung vào nguồn nước, do đó cần nhanh chóng thanh tẩy, xử lý kỹ bằng hóa chất khử khuẩn tẩy uế, bảo đảm vệ sinh môi trường; khôi phục sản xuất nông nghiệp, tái cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi…
Bên cạnh đó, bảo đảm an sinh xã hội, giáo dục, y tế cho nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng... Động viên các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp tục triển khai đẩy mạnh sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Ninh Bình là tỉnh có hệ thống di sản văn hóa có giá trị về nhiều mặt, từ các giá trị về văn hóa, lịch sử đến những đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, do đó, tỉnh yêu cầu Sở Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư, ban quản lý các khu di tích, danh lam thắng cảnh, điểm du lịch, các hãng lữ hành có biện pháp bảo vệ, cảnh báo, thông tin kịp thời nhằm giảm thiểu thiệt hại; có kế hoạch bảo vệ, phục hồi,… sau lũ lụt.
Đối với Trung ương, để bảo đảm tăng cường khả năng tiêu, thoát lũ nhanh chóng, tỉnh đã đề nghị Trung ương nạo vét khu vực Cửa Đáy. Với mục tiêu tái thiết bền vững cho vùng lũ, tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị Trung ương có chính sách chung hoặc giao cho tỉnh ban hành chính sách để thực hiện di dời các hộ dân thường xuyên bị ngập lụt, nhất là trong vùng di sản. Về lâu dài, tỉnh Ninh Bình cũng kiến nghị Chính phủ xem xét: Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ninh Bình đã đề xuất các giải pháp cụ thể để ứng phó với thiên tai, nhằm xóa bỏ vùng phân lũ, chậm lũ, bảo đảm đời sống ổn định cho gần 25.000 hộ dân với khoảng 100 nghìn nhân khẩu. Đồng thời tạo điều kiện cho tỉnh sử dụng, phát huy giá trị gần 15.000ha vùng phân lũ, chậm lũ thuộc 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững.
Nhìn chung, khái quát lại một số vấn đề về ứng phó với bão, lụt - góc nhìn từ tỉnh Ninh Bình qua cơn bão số 3, có thể thấy, trong những tình huống đặc biệt, yêu cầu đặt ra là phải phát huy “4 phải”: Phải chủ động nắm bắt tình hình; phải phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái; phải biết người dân cần gì để hỗ trợ; phải có quyết sách mạnh mẽ, kịp thời./.
Tỉnh Ninh Bình bảo tồn và phát huy các giá trị làng nghề truyền thống  (24/09/2024)
Ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Ninh Bình và một số định hướng chính sách  (20/09/2024)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm