Đối ngoại quốc phòng của Thủ đô Hà Nội trong tình hình mới
TCCS - Đối ngoại quốc phòng đóng vai trò quan trọng đối với việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác đối ngoại quốc phòng, nội dung đối ngoại quốc phòng Thủ đô đã được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Những chủ trương lớn về đối ngoại quốc phòng của Đảng trong thời gian qua
Thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI là những năm Việt Nam chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng. Đi liền với hội nhập quốc tế, quan điểm về đối ngoại quốc phòng cũng được Đảng ta chú trọng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, lần đầu tiên đối ngoại quốc phòng được đề cập cụ thể trong văn kiện “Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh” (1). Tiếp đó, ngày 10-4-2013, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 22-NQ/TW “Về hội nhập quốc tế”, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, ngày 25-10-2013, ra Nghị quyết “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 806- NQ/QUTW, ngày 31-12-2013, “Về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”… Đây là những quyết sách mang tính khai lộ cho công tác đối ngoại quốc phòng về sau.
Khẳng định tầm quan trọng của đối ngoại quốc phòng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (năm 2016), Đảng đã xác định: “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác” (2). Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021), công tác đối ngoại quốc phòng tiếp tục được bổ sung, phát triển những quan điểm cơ bản trong văn kiện Đảng: “Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung khổ quan hệ ổn định và bền vững với các đối tác” (3). Văn kiện cũng nhấn mạnh: “Tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Chủ động phối hợp với các quốc gia bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống, tạo vành đai an ninh bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” (4). Như vậy, từ Đại hội XI đến nay, quan điểm của Đảng về đối ngoại quốc phòng ngày càng được chú trọng, từng bước hoàn thiện và đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quán triệt chủ trương của Đảng, trong những năm qua, công tác đối ngoại quốc phòng đã đạt được những kết quả nhất định. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, đạt được nhiều kết quả nổi bật: Đã chủ động, tích cực tham mưu với Đảng, Nhà nước giải quyết tốt các vấn đề chiến lược liên quan đến quốc phòng, an ninh, biên giới lãnh thổ của Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; xử lý tốt quan hệ quốc phòng với các nước, đặc biệt là với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, tạo thế đan xen chiến lược, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc; tích cực, chủ động củng cố tình hữu nghị, đoàn kết quốc tế, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng, tăng cường tiềm lực phục vụ nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần củng cố lòng tin chiến lược giữa Việt Nam với các nước, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Quân đội nhân Việt Nam trên trường quốc tế.
Chủ trương về công tác đối ngoại quốc phòng của Thủ đô Hà Nội
Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về quân sự, quốc phòng: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008, của Bộ Chính trị khóa X “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22-2-2019, của Chính phủ “Về khu vực phòng thủ”; các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị khóa XII “Về chiến lược quốc phòng Việt Nam”, “Chiến lược quân sự Việt Nam”, “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, “Kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh”,... trọng tâm là các nghị quyết về đối ngoại quốc phòng.
Cùng với đó, xây dựng và ban hành nhiều chỉ thị, chương trình, kế hoạch, kết luận, quyết định trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, như Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy “ Về tăng cường quốc phòng - an ninh bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, giai đoạn 2016 - 2020”, Chương trình hành động số 25-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16-4-2018, của Bộ Chính trị khóa XII “Về chiến lược quốc phòng Việt Nam”, Kết luận số 64-KL/TU “Về thực hiện quyết tâm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Kế hoạch số 299/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 25-7-2018, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”. Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đã tiến hành triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; thúc đẩy quan hệ đối ngoại quốc phòng. Do đó, tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ ngày càng được củng cố, hoạt động đối ngoại được tăng cường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, Hà Nội đã phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước. Diện mạo Thủ đô có nhiều đổi mới, quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường, thế và lực trong thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân ngày càng được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, đất nước và Thủ đô đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Hà Nội luôn là mục tiêu trọng điểm chống phá quyết liệt, công khai, trực diện của các thế lực thù địch, phản động; công tác quy hoạch có mặt còn bất cập, quản lý đô thị, trật tự xây dựng còn hạn chế; tình hình an ninh nông thôn, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống vẫn tiềm ẩn phức tạp. Trước yêu cầu cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô trong tình hình mới, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng và sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang, xây dựng Thủ đô Hà Nội thành khu vực phòng thủ vững chắc càng trở nên cấp thiết, là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, trong đó lực lượng vũ trang Thủ đô là nòng cốt. Quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhiệm kỳ 2015 - 2020, cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, các cơ quan, đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, cùng với đó tiếp tục tăng cường công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Nghị quyết Đại hội đại biểu thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025 đánh giá tình hình 5 năm (2015 - 2020) về quốc phòng - an ninh của Thủ đô “tiếp tục được củng cố; trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tốt hơn; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, tạo dấu ấn quan trọng; phối hợp với các cơ quan Trung ương, hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước được đẩy mạnh”.
Về định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm của Thủ đô trong nhiệm kỳ tới, Nghị quyết nhấn mạnh về công tác quốc phòng: “Xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh, toàn diện; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh nhân dân vững chắc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm hiệu quả; bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương và thành phố, các sự kiện quốc gia, quốc tế. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường tranh thủ phối hợp với các ban, bộ, ngành trung ương; đẩy mạnh liên kết vùng” “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô trong mọi tình huống. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô”.
Thành phố quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang, chủ động chỉ đạo xử lý các tình huống về quốc phòng, an ninh; giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, sự kiện quốc tế được tổ chức tại Thủ đô.
Hoạt động đối ngoại quốc phòng, đối ngoại nhân dân, hội nhập quốc tế tiếp tục được tăng cường, mở rộng trên nhiều lĩnh vực bảo đảm đúng quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng; chủ động liên kết, hợp tác, củng cố quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các tỉnh, thành phố trong nước. Qua đó, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô, tạo sức mạnh tổng hợp giữ vững an ninh chính trị, thiết thực góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Hằng năm, thành phố tổ chức đoàn cán bộ đi thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1; hỗ trợ 190 tỷ đồng xây dựng 5 Nhà Văn hóa đa năng và tặng nhiều trang, thiết bị phục vụ công tác, sinh hoạt của bộ đội trị giá trên 18 tỷ đồng; tổ chức đón các đoàn khách quốc tế, đoàn công tác quân đội các nước đến làm việc, giao lưu bảo đảm trang trọng, an toàn tuyệt đối (5).
Đối ngoại quốc phòng Thủ đô trong tình hình mới
Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện công tác đối ngoại quốc phòng, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trước hết, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chủ động, tích cực tham mưu với Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các vấn đề chiến lược liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Xử lý tốt quan hệ quốc phòng với các nước trong khu vực, thế đan xen chiến lược, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; tích cực củng cố tình hữu nghị, đoàn kết quốc tế, thúc đẩy quan hệ, hợp tác quốc phòng, tăng cường tiềm lực phục vụ nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; góp phần củng cố lòng tin chiến lược giữa Việt Nam với các nước, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Tiềm lực quân sự là nhân tố nòng cốt, cốt lõi của tiềm lực quốc phòng. Để nâng cao tiềm lực quân sự, trước hết phải xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, luôn sẵn sàng chiến đấu cao, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân. Cùng với đó phải thường xuyên rà soát, điều chỉnh quy hoạch thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ phù hợp với tình hình thực tiễn; thực hiện đầy đủ yêu cầu về phòng thủ dân sự và phòng chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng; lệnh giới nghiêm, thiết quân luật; chủ động khảo sát, xây dựng, bổ sung kế hoạch động viên cho quốc phòng, kế hoạch bảo đảm nhu cầu vật chất cho năm đầu chiến tranh, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt cho các tình huống quốc phòng, an ninh.
Hà Nội luôn tích cực đầu tư xây dựng bảo đảm quốc phòng, nhất là các công trình phòng thủ, căn cứ chiến đấu; tăng cường đầu tư mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng vũ trang; quản lý chặt chẽ các công trình quốc phòng, kịp thời giải quyết những vướng mắc, tồn đọng, không để những phức tạp nảy sinh.
Thực hiện tốt quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, xác định đối ngoại quốc phòng là một trong những trụ cột trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước; giữ vững, tăng cường quan hệ truyền thống với Bộ Chỉ huy quân sự Thủ đô Viêng Chăn, Quân đội nhân dân Lào và Bộ Tư lệnh Quân khu đặc biệt Quân đội Hoàng gia Campuchia, mở rộng đối ngoại quốc phòng với các nước, đối tác trên thế giới. Trên cơ sở đó góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển Thủ đô và đất nước.
Hà Nội đã có những đóng góp quan trọng cho sự thành công của các diễn đàn hợp tác quốc phòng đa phương khu vực và quốc tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, như Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF)….
Cùng với đó, công tác đối ngoại nhân dân được chú trọng, đặc biệt trong phòng, chống đại dịch COVID-19, lực lượng vũ trang Thủ đô đã phát huy vai trò là lực lượng xung kích, tuyến đầu với trách nhiệm chính trị cao, được Chính phủ, thành phố và nhân dân Thủ đô ghi nhận, đánh giá cao. Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng đã phối hợp với Công an thành phố Hà Nội tổ chức diễn tập phương án đối phó hành vi can thiệp bất hợp pháp tại sân bay Nội Bài. Với tình huống sử dụng phương tiện giao thông tấn công vào sân đỗ tàu bay qua cổng ra vào khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố và giải quyết tình huống cấp bách về an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Hà Nội huấn luyện tập dượt khi có tình trạng khủng bố xảy ra tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Bằng những nỗ lực vượt bậc, những biện pháp linh hoạt, sáng tạo, khắc phục những khó khăn, trở ngại do đại dịch COVID-19, Hà Nội đã cùng với cả nước thực hiện thành công tất cả các nội dung, hoạt động đối ngoại nói chung, đối ngoại quốc phòng nói riêng, góp phần quan trọng vào xây dựng lòng tin giữa Việt Nam và các nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước ngay cả trong những giai đoạn đầy khó khăn và thách thức như thời gian vừa qua./.
---------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 233
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trỊ quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.155
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 69
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 281
(5) Thiếu tướng Bùi Trọng Quỳnh, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Thủ đô: “Nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng và sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang, xây dựng Thủ đô thành khu vực phòng thủ vững chắc”, Tham luận trình bày tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội - Thực tiễn và kinh nghiệm  (05/12/2022)
Nâng cao hiệu quả quản lý đất đai phục vụ quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội  (05/12/2022)
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để phục hồi và phát triển kinh tế Hà Nội sau đại dịch COVID-19  (04/12/2022)
Hà Nội cơ cấu lại đầu tư công theo hướng tập trung, hiệu quả, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư  (02/12/2022)
Lễ trao giải và tôn vinh 22 sáng kiến vì cộng đồng lần thứ IV năm 2022  (30/11/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay