Petrovietnam: Gần nửa thế kỷ đi từ “không đến có”
TCCS - Trải qua gần nửa thế kỷ với nhiều thăng trầm, phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thử thách, tập thể người lao động Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, miệt mài cống hiến hết mình cho sứ mệnh “tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc”.
Năm 1975, ngay sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, chỉ trong vòng 43 ngày kể từ khi Bộ Chính trị họp quyết định chủ trương, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) ngày nay đã được thành lập. Trong Nghị quyết số 244/NQ-TW của Bộ Chính trị về ngành dầu khí đã nêu quyết tâm chính trị mạnh mẽ và đúng đắn: “Nhanh chóng hình thành một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, bao gồm cả thăm dò, khai thác, vận chuyển, lọc dầu, hóa dầu, cơ khí phục vụ ngành dầu khí…”. Việc Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam ra đời đã đưa ngành dầu khí bước sang một trang mới, mở đầu cho công cuộc xây dựng và phát triển Petrovietnam trở thành Tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước.
Qua gần nửa thế kỷ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã đi từ “không đến có”, làm chủ được công nghệ, khoa học tiên tiến nhất, xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Trong đó, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi.
Năm 1986, năm mở đầu cho một thời kỳ lịch sử của đất nước cũng là năm ngành dầu khí đánh dấu mốc son cho sự đổi thay khi mỏ dầu Bạch Hổ tại thềm lục địa Việt Nam đã cho ra đời những tấn dầu thô thương mại đầu tiên. Sự kiện này không chỉ ghi danh Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí thế giới mà quan trọng hơn, đây được xem như “trụ đỡ” cả về tinh thần và vật chất đối với đất nước trong giai đoạn Việt Nam đang lâm vào hoàn cảnh bị bao vây cấm vận, khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Từ những tấn dầu đầu tiên đó, ngay cả trong giai đoạn khó khăn, thách thức nhất của ngành công nghiệp dầu khí thế giới nói chung và với Petrovietnam nói riêng, cho tới khi giá dầu ở mức thấp kéo dài (từ năm 2014), Tập đoàn vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong giai đoạn này, hằng năm, nộp ngân sách nhà nước của Petrovietnam tiếp tục chiếm tỷ trọng 9% - 11% tổng thu ngân sách nhà nước và chiếm 16,5% - 17% tổng thu ngân sách trung ương, đóng góp cho GDP cả nước trung bình hằng năm từ 10% - 13%. Quan trọng hơn nữa là việc Petrovietnam đã duy trì khai thác an toàn, ổn định, hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí quý giá của đất nước.
Năm 2020 vừa qua được coi là năm khó khăn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của Petrovietnam khi Tập đoàn phải chịu tác động nặng nề từ “khủng hoảng kép” do giá dầu sụt giảm nghiêm trọng và dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt mặt hoạt động. Tuy nhiên, ý thức đầy đủ về trách nhiệm đối với đất nước, nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Petrovietnam đã hành động quyết liệt, kịp thời, triển khai hiệu quả gói giải pháp ứng phó để hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch quan trọng cả năm. Tính đến hết tháng 8 năm 2021, Petrovietnam tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế đất nước khi vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phát huy kinh nghiệm, hiệu quả trong quản trị điều hành, đón bắt cơ hội từ sự phục hồi của kinh tế thế giới để khắc phục khó khăn, bảo vệ mục tiêu tăng trưởng.
Đặc biệt, với sự phát triển đồng bộ của chuỗi công nghiệp dầu khí, Tập đoàn đã trở thành nòng cốt, hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại: Bà Rịa - Vũng Tàu, Hiệp Phước - Đồng Nai, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi, Vũng Áng - Hà Tĩnh, Nghi Sơn - Thanh Hóa... Sự đầu tư đồng bộ này đã làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia, cơ bản đáp ứng yêu cầu về năng lượng, phân bón của cả nước. Các dự án, như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau… vẫn đang hoạt động hết sức hiệu quả không những về mặt kinh tế mà có đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước và từng vùng, địa phương nơi có dự án vận hành. Những dự án công trình mang tầm cỡ khu vực là minh chứng rõ nét cho trình độ, năng lực của cán bộ, kỹ sư dầu khí Việt Nam, là tiền đề quan trọng đẩy mạnh việc xuất khẩu dịch vụ dầu khí ra nước ngoài.
Petrovietnam cũng trở thành đơn vị tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đầu tư ra nước ngoài với việc triển khai thực hiện hoạt động dầu khí tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2019, đánh dấu việc Petrovietnam lần đầu tiên đảm nhận vị trí Tổng Thư ký Hội đồng Dầu khí các quốc gia Đông Nam Á (ASCOPE) nhiệm kỳ 2019 - 2022 càng thể hiện rõ uy tín, khẳng định vị thế của Petrovietnam trong khu vực và trên thế giới.
Là Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, Petrovietnam luôn ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội. Trong nhiều năm qua, cùng với việc đẩy mạnh và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác an sinh xã hội luôn được tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Petrovietnam quan tâm và coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm, là tình cảm của những người lao động dầu khí. Đây cũng chính là một trong những nét văn hoá đặc trưng của Petrovietnam.
Tính riêng trong 2 năm 2020 và 2021, Tập đoàn đã triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội ý nghĩa, thiết thực với tổng kinh phí 650 tỷ đồng. Ngoài ra, do đại dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020 đến hết tháng 8-2021, Petrovietnam và các đơn vị thành viên đã chung tay cùng cả nước chống dịch với tổng kinh phí hỗ trợ trên 700 tỷ đồng thông qua việc hỗ trợ phương tiện, thiết bị, vật tư y tế góp phần bảo vệ tính mạng của nhân dân và đóng góp Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19 của Chính phủ và các tỉnh, thành phố…
Những thành tựu đó là sự đóng góp không mệt mỏi, không quản gian khổ của lớp lớp thế hệ người dầu khí cống hiến hết mình, ngày đêm trên các nhà máy, công trình ở đất liền đến những giàn khoan giữa biển khơi sóng gió, không chỉ khai thác những giọt “vàng đen” phục vụ phát triển kinh tế đất nước mà còn là những người chiến sỹ góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc.
Sự khao khát thực hiện ý nguyện của Bác Hồ: “xây dựng ngành công nghiệp dầu khí mạnh”, đã biến thành niềm hăng say lao động, kích thích sự sáng tạo, nỗ lực vượt mọi gian nan, thử thách của những người lao động dầu khí, xây dựng và phát triển Petrovietnam trở thành thương hiệu uy tín, khẳng định vai trò chủ lực của nền kinh tế đất nước.
Nhìn lại lịch sử 46 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ người lao động dầu khí luôn vững vàng vượt qua muôn vàn thử thách, khó khăn và sóng gió để Petrovietnam có được những bước phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay. Sức mạnh đó có được nhờ sự đúc kết từ truyền thống và tinh hoa văn hóa của những người đi tìm lửa. Trong điều kiện hiện nay, cách tri ân tốt nhất của Petrovietnam với lớp người đi trước là kế thừa, phát huy truyền thống và văn hóa dầu khí, hành động với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả”, không ngừng bồi đắp khát vọng, bản lĩnh, trí tuệ, giữ lửa nhiệt huyết trong tim, làm tròn trách nhiệm tìm dầu, phát triển chuỗi giá trị năng lượng để làm giàu cho Tổ quốc./.
“Ngay lúc này, cán bộ, đảng viên, người lao động dầu khí cũng có thể tự tin, tự hào báo cáo với Đảng, Nhà nước, với nhân dân và các thế hệ tiền bối ngành dầu khí, rằng Petrovietnam đã kiên định vững vàng trước thách thức của đại dịch COVID-19 và biến động thị trường. Trên tất cả các giàn khoan, dự án, công trường, cơ sở hoạt động dầu khí, cán bộ, người lao động dầu khí chủ động tiên phong thực hiện chiến lược vắc-xin + 5K, cùng nhiều biện pháp sáng tạo, quyết liệt duy trì trạng thái hoạt động bình thường, an toàn, ổn định; không để đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm cung ứng các mặt hàng chiến lược, góp phần bình ổn thị trường; chủ động giữ vững an ninh năng lượng, an ninh lương thực, đóng góp cao cho ngân sách nhà nước và góp phần giữ gìn an ninh quốc gia trên biển”.
Đồng chí Hoàng Quốc Vượng
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam
Hydro trong định hướng phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam  (01/09/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội  (01/09/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Đã hy sinh kinh tế, thực hiện giãn cách xã hội thì phải sớm đạt mục tiêu kiềm chế dịch bệnh  (30/08/2021)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm