Phương châm an ninh toàn diện trong bảo đảm an ninh quốc gia hiện nay
TCCS - Phương châm an ninh toàn diện trong bảo đảm an ninh quốc gia đòi hỏi việc nhận thức và giải quyết vấn đề phải đặt trong tính tổng thể, song đồng thời thấy được các mặt, các yếu tố, các lĩnh vực trọng tâm, cấp bách để Đảng và Nhà nước ta có những định hướng, giải pháp phù hợp nhằm giữ vững an ninh quốc gia trong giai đoạn hiện nay.
Hiện nay, trên thế giới, vấn đề “an ninh” được tiếp cận ở nhiều phương diện khác nhau, điển hình như: an ninh tập thể (collective securty); an ninh chung (common security); an ninh con người (human security); an ninh toàn diện (comprehensive security)… Quan điểm “an ninh toàn diện” được chính thức đưa ra dưới thời chính phủ Ohira ở Nhật Bản vào giữa thập niên 70 của thế kỷ XX để chỉ các mối đe dọa quân sự và phi quân sự đối với sự phát triển của một quốc gia. Để đối phó với những mối đe dọa đó, theo quan điểm này, cần huy động tổng hợp nguồn lực, từ nguồn lực chính trị đến nguồn lực kinh tế, văn hóa, ngoại giao; trong đó, nguồn lực kinh tế được coi là công cụ hữu hiệu, có vai trò quan trọng trong đối phó với các vấn đề liên quan đến an ninh. Quan điểm này được cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á ủng hộ, do đó, được mở rộng từ phạm vi an ninh quốc gia đến an ninh khu vực với sự ra đời của Tuyên bố Khu vực hòa bình, tự do và trung lập được ký kết vào ngày 27-11-1971, tại Malaysia, với mong muốn hòa bình, ổn định, cũng như ý thức về tự cường khu vực. Với tinh thần đó, năm 2003, Tuyên bố về Thỏa ước ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) II (Tuyên bố Bali II) nhấn mạnh: “Cộng đồng an ninh ASEAN tán thành nguyên tắc an ninh toàn diện như là những khía cạnh rộng về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội”(1). Năm 2007, Hiến chương của ASEAN tiếp tục khẳng định: “Đối phó hữu hiệu với tất cả các mối đe dọa, các loại tội phạm xuyên quốc gia và các thách thức xuyên biên giới, phù hợp với nguyên tắc an ninh toàn diện”(2).
Phương châm “an ninh toàn diện” được tiếp cận, xem xét trên nhiều mặt, từ an ninh quốc gia, an ninh khu vực, an ninh quốc tế; từ an ninh truyền thống đến an ninh phi truyền thống; từ an ninh chính trị đến an ninh kinh tế, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh con người, an ninh mạng… Cần phải nhận rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của từng loại an ninh để có những chính sách, biện pháp xây dựng và phát huy cho phù hợp. Song, yếu tố đầu tiên của an ninh là an ninh quốc gia, là an ninh đối với chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của nhà nước và nhân dân. Việc theo đuổi an ninh khu vực và quốc tế phải dựa trên cơ sở an ninh quốc gia; vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống quan hệ mật thiết với nhau. Những vấn đề an ninh phi truyền thống, như: an ninh môi trường, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe... ngày càng có vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Nguyên tắc xác định phương châm an ninh toàn diện trong bảo đảm an ninh quốc gia
Luật An ninh quốc gia (2004) quy định: “An ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”(3). Theo đó, “bảo đảm an ninh quốc gia” là sự cam đoan, làm cho an ninh quốc gia có được sự vững chắc, mạnh mẽ; phát huy sức mạnh tổng hợp, củng cố mọi tiềm lực và chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa, đấu tranh làm thất bại các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Từ Đại hội VII, Đảng ta đã chỉ ra những nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ, của an ninh quốc gia, bao gồm: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về mặt kinh tế, nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ nạn quan liêu, nguy cơ “diễn biến hòa bình”. Các nguy cơ này, cho đến nay, vẫn còn hiện hữu, thậm chí có một số mặt diễn biến có tính chất phức tạp hơn. Bên cạnh đó là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; sự khó khăn trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, nguy cơ mất ổn định chính trị - xã hội ở một số địa bàn. Những mối đe dọa về an ninh phi truyền thống xen lẫn các mối đe dọa an ninh truyền thống đang dần gia tăng. Đó là sự căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc, ly khai, chiến tranh cục bộ, bạo loạn chính trị, can thiệp, lật đổ, khủng bố, tội phạm công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính - tiền tệ, điện tử - viễn thông, sinh học, môi trường. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Những vấn đề toàn cầu, như: bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, bệnh dịch, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường,… tiếp tục diễn biến phức tạp”(4).
Trong những năm gần đây, tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn ra gay gắt, trên nhiều lĩnh vực, phạm vi ảnh hưởng rộng; vấn đề hợp tác và xung đột, chiến tranh và hòa bình tồn tại đan xen nhau, tạo ra nhiều thách thức đối với việc bảo đảm an ninh quốc gia. Vì vậy, phải thật sự quán triệt phương châm an ninh toàn diện, nghĩa là quan tâm chú ý thực hiện trên mọi phương diện, mọi lĩnh vực, tránh phiến diện, một chiều. Điều này phải được thể hiện từ mục tiêu, quan điểm, chính sách đến nguyên tắc, nhiệm vụ, biện pháp bảo đảm an ninh quốc gia; từ việc kết hợp giữa phòng ngừa và đấu tranh; từ lý luận về bảo đảm an ninh quốc gia đến thực tiễn hiện thực hóa điều đó...
Phương châm an ninh toàn diện trong bảo đảm an ninh quốc gia cần thiết phải chú ý đến mối liên hệ giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, coi đây là hai vấn đề gắn bó chặt chẽ và cần thiết giải quyết đồng bộ. Trong Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia của Đảng nhấn mạnh: “Sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống”(5).
Những mối liên hệ đến an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh quốc gia tuy khách quan, phổ biến, nhưng đồng thời cũng có tính đa dạng, có vai trò, vị trí, tầm quan trọng khác nhau. Bởi vậy, cách nhìn nhận tổng thể khi quán triệt phương châm an ninh toàn diện trong bảo đảm an ninh quốc gia đòi hỏi cần tiến hành vừa bao quát về diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, xác định được yếu tố, lĩnh vực, mặt hoạt động nào là cơ bản, cần thiết, cấp bách là bên trong, chủ yếu, bản chất, phải tập trung giải quyết trước; yếu tố, lĩnh vực, mặt hoạt động nào là bên ngoài, không bản chất, có thể giải quyết sau.
Phương châm an ninh toàn diện đòi hỏi trong xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, phải “đặt độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, đồng thời phải luôn coi trọng lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân”(6); chủ động tiến công, tích cực phòng ngừa, lấy phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào dân, yên dân là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia. Đặc biệt, trong giải quyết các vụ, việc phức tạp về an ninh quốc gia, phải từ cơ sở, dưới sự chỉ huy, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương theo phương châm “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ và hậu cần tại chỗ”; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó công an nhân dân đóng vai trò tham mưu, nòng cốt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Phải xây dựng và lãnh đạo vững chắc lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân, bảo đảm đánh thắng bất cứ kẻ thù nào, bất cứ trong hoàn cảnh nào”(7). Theo đó, một nguyên tắc quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia từ phương châm an ninh toàn diện chính là “công tác bảo vệ an ninh quốc gia phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của các cấp, các ngành; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chịu trách nhiệm chính”(8).
Việc bảo đảm an ninh quốc gia theo phương châm an ninh toàn diện thời gian qua ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Theo đó, chúng ta đã “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, để phát triển đất nước… Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường, thế trận lòng dân được chú trọng”(9). Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, việc bảo đảm an ninh quốc gia còn có những hạn chế nhất định, như lý luận về bảo đảm an ninh quốc gia chưa hoàn thiện; công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược có lúc thiếu chủ động; tội phạm và các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; an ninh trên một số địa bàn chưa thật vững chắc, nhất là an ninh mạng, an ninh trong đầu tư nước ngoài. Một số yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, an toàn con người chưa được quan tâm xử lý triệt để. Việc kết hợp giữa bảo đảm an ninh quốc gia với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở một số địa phương thiếu chặt chẽ, hiệu quả.
Phát huy vai trò của phương châm an ninh toàn diện trong bảo đảm an ninh quốc gia hiện nay
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(10). Mục tiêu này đã thể hiện rõ tầm nhìn tổng thể, toàn diện trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Đảng ta; đồng thời, xác lập nguyên tắc hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia: “Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; phối hợp có hiệu quả hoạt động quốc phòng, an ninh và đối ngoại”(11). Cùng với mục tiêu, nguyên tắc bảo đảm an ninh quốc gia, thì các biện pháp để thực hiện bảo đảm an ninh quốc gia cũng cần thiết phải được xem xét một cách toàn diện.
Trong giai đoạn hiện nay, để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong bảo đảm an ninh quốc gia theo phương châm an ninh toàn diện, cần đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, nhận thức một cách toàn diện, tổng thể các vấn đề có liên quan đến bảo đảm an ninh quốc gia, hoàn thiện lý luận về quốc phòng, an ninh; gắn chặt lý luận với thực tiễn; nắm tình hình một cách khách quan, đầy đủ, tránh bị động, thiếu thông tin; kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm an ninh quốc gia với các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chạy theo lợi ích kinh tế cục bộ mà coi nhẹ an ninh; xem xét và chủ động có biện pháp giải quyết tất cả những yếu tố, lĩnh vực, mặt hoạt động, những nguy cơ đối với an ninh quốc gia, từ an ninh quốc gia tới khu vực và an ninh quốc tế; từ an ninh truyền thống đến an ninh phi truyền thống; lưu ý đến những vấn đề mới nảy sinh trong bảo đảm an ninh quốc gia, không để sót phương diện nào.
Thứ hai, trong quá trình nghiên cứu, xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo đảm an ninh quốc gia, cần có sự phân loại, xác định các nội dung cần thiết, trọng tâm, cấp bách và chủ động có những quan điểm, giải pháp tác động phù hợp. Kiên định bảo đảm an ninh quốc gia theo phương châm đặt độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; giữ vững nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với việc bảo đảm an ninh quốc gia; kịp thời xử lý có hiệu quả những vấn đề chiến lược, cấp bách, phức tạp nổi lên trên lĩnh vực an ninh; phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra khủng bố, phá hoại; kiềm chế gia tăng tội phạm, tạo sự chuyển biến tích cực về an ninh, trật tự tại các địa bàn chiến lược; chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ khi “nước chưa nguy”, trên cơ sở phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số an ninh, an sinh, an toàn quốc gia nhằm phát triển bền vững; rà soát, bổ sung, điều chỉnh, luyện tập, diễn tập các phương án bảo vệ an ninh quốc gia; xây dựng đề án bảo đảm an ninh, trật tự ở các cấp, các lĩnh vực.
Thứ ba, xây dựng công an, quân đội - lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia - cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, trên cơ sở phát huy vai trò, nguồn lực của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước. Thúc đẩy phát triển các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh,… trong một chỉnh thể gắn kết, thống nhất(12), phối hợp với các yếu tố của khoa học - công nghệ của thời đại, như xã hội số, công dân số, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, nguồn lực quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo trong hệ thống chính trị, trên các lĩnh vực có tầm nhìn chiến lược, tư duy sáng tạo, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt đẹp, tinh thần nêu gương, nói đi đôi với làm; có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, có kiến thức về quốc phòng - an ninh, nhận thức đúng đắn về bảo vệ an ninh quốc gia để không chỉ bảo đảm được an ninh, quân sự, mà còn bảo đảm vững chắc toàn diện trên các trận địa an ninh chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, ngoại giao...; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo đảm an ninh quốc gia. Thúc đẩy hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế trong ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Để giải quyết các vấn đề an ninh, trong đó có an ninh môi trường, an ninh năng lượng… thì không một quốc gia riêng lẻ nào có thể giải quyết được. Theo đó, thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Đồng thời, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc./.
-------------------
(1) Tuyên bố về Thỏa ước ASEAN II (Thỏa ước BALI II) tại Indonesia ngày 7-10-2003, nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Tuyen-bo-ve-Thoa-uoc-ASEAN-II-228912.aspx
(2) Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asean Nations): Hiến chương của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại Singapore năm 2007, nguồn: https://www.asean.org/wp-content/uploads/images/archive/AC-Vietnam.pdf
(3) Bộ Công An, Ban Chỉ đạo tập huấn Luật An ninh quốc gia: Tài liệu tập huấn chuyên sâu Luật An ninh Quốc gia, Tập I - Giới thiệu Luật An ninh quốc gia và các văn bản có liên quan, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 205
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 106 - 107
(5), (6), (8) Xem: Nghị quyết số 51 - NQ/TW, ngày 5-9-2019, của Bộ Chính trị, về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 14, tr. 608
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 67 - 68
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 156
(11) Bộ Công An, Ban Chỉ đạo tập huấn Luật An ninh quốc gia: Tài liệu tập huấn chuyên sâu Luật An ninh Quốc gia, Tập I - Giới thiệu Luật An ninh quốc gia và các văn bản có liên quan, Sđd, tr. 207
(12) Phạm Minh Tuấn: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay”, Tạp chí Cộng sản Chuyên đề, số 9-2023, tr. 50
Bộ đội Biên phòng quán triệt quan điểm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia  (15/03/2024)
Bảo đảm quốc phòng - an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Quân đoàn 3 hiện nay  (04/02/2024)
Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW và quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24-CT/TW của Bộ Chính trị  (22/12/2023)
- Quyết tâm đưa Vĩnh Phúc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Tỉnh Vĩnh Phúc và iMarket Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ về việc nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp và sân golf
- Vĩnh Phúc sẽ phân bổ, giao chi tiết vốn đầu tư công năm 2025 cho các dự án trước ngày 31-12-2024
- Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc: Phấn đấu năm 2025 nằm trong top 10 về chuyển đổi số
- Vĩnh Phúc: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm