Quản lý khủng hoảng trong thời đại internet - Nhìn từ công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 thực sự gây ra một cuộc khủng hoảng và là thách thức vô cùng to lớn của loài người. Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Từ công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 cho thấy, quản lý khủng khoảng trong thời đại internet đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
1. Những thách thức chủ yếu của quản lý khủng hoảng trong thời đại internet
Trong thời đại internet ngày nay, thế giới như một “ngôi nhà toàn cầu” - nơi mọi người nghe thấy nhau, giao tiếp với nhau bằng cách này hoặc cách khác. Sự phát triển mạnh mẽ của quá trình thông tin hóa và internet hóa chính là các tính năng cốt lõi của nó. Internet đã mở ra và làm hình thành các kênh mới để tham gia chính trị, quảng bá văn hóa, động cơ mới để phát triển kinh tế, không gian mới cho đời sống xã hội, các nền tảng mới cho các dịch vụ công và các lĩnh vực quản trị quốc gia mới. Trong bối cảnh lịch sử mới như vậy, quản lý khủng hoảng phải đối mặt với nhiều thách thức, thể hiện những đặc điểm khác biệt so với quản lý khủng hoảng truyền thống, từ các khía cạnh sau:
Thứ nhất, tính lan tỏa của thông tin
Sự lan tỏa thông tin với sự phát triển mạnh mẽ cả về tốc độ, chiều rộng và chiều sâu từ các sự kiện khủng hoảng trong thời đại internet có thể được tóm tắt trong bốn tính chất:
- Lan truyền với tốc độ “photon”([1]) (hạt ánh sáng): Trong thời đại internet, thông tin được truyền đi như có một đôi cánh với tốc độ nhanh như tốc độ của hạt photon, dù thông tin đó là một sự kiện khẩn cấp ở thành phố lớn hay làng quê nhỏ bé nào đó trên thế giới; dù là hình ảnh hay audio, video, chỉ cần nó có thể được lan truyền qua internet thì mọi người trên toàn quốc, thậm chí trên thế giới đều có thể tiếp cận với nó.
- Kết nối với cấp độ “quark” ([2]): Cũng giống như hạt quark - một loại hạt cực nhỏ, internet có thể nhận ra mối liên hệ giữa con người với nhau, tức là từ nguồn thông tin nhỏ nhất để từ đó xác lập nên một trường thông tin lớn nhất theo từng nhóm người. Đây là thời đại mà thông tin có mặt khắp nơi và mọi thứ đều được kết nối.
- Phân phối "phẳng hóa": Phổ biến thông tin thể hiện một cấu trúc kép điển hình. Các phương thức truyền thông mới như Google, Facebook, Youtube… đều có dạng kết nối “điểm với điểm” và “điểm với diện”, tức là bao gồm cả kết nối video và kết nối thoại, cả kết nối hình cây và kết nối hình sao.
- Lưu trữ "vĩnh viễn": Mọi người có thể lấy và lưu trữ một lượng lớn thông tin với chi phí rất nhỏ; có thể truy cập và lưu giữ thông tin bất cứ lúc nào; dù là thông tin tốt hay xấu thì chúng đều có thể được lưu giữ vĩnh viễn và trở thành một "dấu vết không thể xóa nhòa".
Thứ hai, tính mở của internet
Tính mở là thuộc tính tự nhiên của internet, làm cho sự xuất hiện và phát triển của cuộc khủng hoảng trong thời đại internet không còn là bí mật. Internet vượt qua ranh giới của thời gian, không gian, chủng tộc và quốc gia, phá vỡ tình trạng khép kín về huyết thống, địa lý và các mối quan hệ cá nhân. Không có khoảng cách không gian, không có chênh lệch thời gian và không có rào cản vật lý trong việc phổ biến thông tin. Trước đây, người dân phải đối mặt với “khoảng cách thông tin” giữa người dân với nhau, hoặc giữa đơn vị với đơn vị, giữa chính quyền và các tổ chức xã hội; có sự bất cân xứng rất lớn về thông tin, cụ thể là thông tin chủ yếu do chính phủ kiểm soát, tư nhân và đơn vị cơ sở khó có thể tiếp cận được. Nhưng hiện nay, chỉ cần có smart phone hoặc máy tính, được kết nối internet, mọi người có thể lấy và công bố tất cả các loại thông tin qua internet. Cấu trúc phi tập trung của internet và các phương thức kết nối khiến cho việc kiểm soát truyền bá thông tin trở nên khó khăn. Từng mẩu thông tin đều được truyền đến công chúng bằng những cách khác nhau, được công chúng tiếp cận và đánh giá công khai, minh bạch thông qua các phương thức truyền tải khác nhau. Tính mở của internet mang lại sự minh bạch, và nhờ đó, quá trình phát sinh, phát triển của khủng hoảng được bộc lộ ra bên ngoài.
Thứ ba, tính tương tác xã hội
Tính tương tác xã hội là sức hút mạnh mẽ của internet; sự ảnh hưởng và sự gắn kết của internet cũng chính là do dựa trên sự tương tác xã hội. Tính tương tác xã hội mang lại sự chia sẻ và đa dạng hóa. Internet tích hợp giao tiếp đại chúng và giao tiếp giữa các cá nhân. Nền tảng rộng lớn và cởi mở này không chỉ là một công cụ công khai để tương tác trong công chúng, mà còn là một không gian bí mật để thực hiện tương tác giữa các cá nhân. Thông tin đại chúng, dữ liệu đại chúng và người dùng đại chúng được thu thập trên cùng một nền tảng mạng để giao tiếp chuyên sâu, tích hợp xuyên biên giới, học hỏi lẫn nhau và thâm nhập lẫn nhau. Nó có thể được dùng để trao đổi thông tin, kiến thức và ý tưởng rộng rãi hơn, sâu sắc hơn, hiệu quả hơn và thuận tiện hơn bất kỳ phương pháp nào khác.
Loại tương tác này cũng làm tăng nguy cơ phát triển của khủng hoảng. Nhiều dạng “tiếng nói” khác nhau, chẳng hạn như công lý và tội ác, sự thật và tin đồn, tin tưởng và nghi ngờ, tranh chấp xã hội và kích động hận thù… đan xen lẫn nhau, rất khó xác định và kiểm soát. Tương tác đó cũng tạo ra hiệu ứng xúc tác rất lớn, có thể biến một cuộc khủng hoảng nhỏ thành một cuộc khủng hoảng lớn và một cuộc khủng hoảng đơn lẻ thành một cuộc khủng hoảng phức hợp.
Thứ tư, tính tự chủ của cá nhân
Tự chủ có nghĩa là một cá nhân trở thành một thực thể riêng, có quyền tự do lựa chọn, có thể tự mình phán xét và hành động. Internet cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và các nền tảng phổ biến với các phương tiện để cá nhân có thể “tự truyền thông”. Tính tự chủ còn thể hiện ở chỗ, các chính phủ và doanh nghiệp không chỉ dựa vào các phương tiện truyền thông truyền thống để khẳng định tiếng nói của mình, mà còn có thể phổ biến và sử dụng thông tin một cách độc lập. Ngày nay, các thảm họa thiên nhiên lớn, tai nạn lao động, sự cố nhóm xã hội, v.v., xuất hiện đầu tiên thường không phải là trên báo giấy hoặc các phương tiện truyền thông chính thống, mà thường là các hình ảnh và video được quay bằng điện thoại di động từ các phương tiện kết nối internet tại hiện trường.
Thứ năm, tính ảo của các hình thức khủng hoảng
“Ảo” có nghĩa là so với thế giới thực, sự tồn tại của thế giới trực tuyến là ảo, tồn tại dưới dạng kỹ thuật số, hình ảnh và các định dạng điện tử khác. Tính ảo này khiến cho cuộc khủng hoảng chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo. Do đó, mọi người có thể đưa ra thông tin ẩn danh hoặc sử dụng danh tính ảo; tính tự do và ngẫu nhiên rất lớn. Trong không gian ảo, các cuộc gặp gỡ, giao lưu một cách tự nguyện và ngẫu hứng có thể dễ dàng dẫn đến các cuộc tấn công vô cùng nguy hiểm, độc hại, bất hợp pháp, khó giám sát, khó quản lý, làm cho hành vi của các chủ thể trong thế giới ảo có tính bí mật và khó xác định. Các tác nhân ảo trên thế giới internet là hóa thân vật lý của thế giới thực. Hành vi của họ trên không gian mạng thực chất là sự phản ánh và khuếch đại bức tranh xã hội thực. Điều này cũng dẫn đến sự lan rộng của các hoạt động phạm pháp và tội phạm mạng, lừa đảo qua mạng, tin đồn trên internet, các cuộc tấn công của hacker, đánh cắp bí mật và vi phạm quyền riêng tư đang ngày càng phổ biến.
Đằng sau bản chất ảo của mạng internet là các thế lực bên ngoài tấn công người dùng về mặt chính trị và văn hóa nhằm quảng bá các giá trị, quan điểm, ý đồ của họ, can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi quốc gia và cố ý tung tin đồn, kích động dân chúng. Các mối nguy hiểm tiềm ẩn của khủng hoảng có ở khắp mọi nơi và được mở rộng vô hạn bởi "máy gia tốc" và "bộ khuếch đại" của mạng internet, với tính chất phá hoại và độ nguy hiểm ngày càng gia tăng. Điều này làm cho việc quản lý khủng hoảng càng trở nên khó khăn.
2. Những vấn đề mấu chốt cần xử lý nhằm quản lý khủng hoảng trong thời đại internet
Trước đây, các nghiên cứu về quản lý khủng hoảng thường dựa chủ yếu trên các lý thuyết quản lý truyền thống. Gần đây, người ta đã đưa ra mô hình kiểm soát khủng hoảng theo hai chu kỳ, nhiều giai đoạn và đa mục tiêu. Về mặt quản lý khủng hoảng, có thể kể đến hai chu kỳ: Một là, chu kỳ sống của khủng hoảng, bao gồm 5 giai đoạn: (1) giai đoạn manh nha; (2) giai đoạn biểu hiện; (3) giai đoạn phát triển; (4) giai đoạn suy thoái và (5) giai đoạn kết thúc. Hai là, chu trình quản lý khủng hoảng, bao gồm: (1) xác định; (2) phòng ngừa; (3) đối phó; (4) phục hồi và (5) đánh giá.
Trong thời đại internet, cường độ của các sự kiện khủng hoảng có liên quan mật thiết đến mức độ chú ý của người dân trên truyền thông xã hội. Các mục tiêu và các biện pháp được đặt ra trong quản lý khủng hoảng phải tương ứng và tùy thuộc vào các giai đoạn khác nhau. Đây là nội hàm cốt lõi của quản lý khủng hoảng trong thời đại internet. Theo đó, cần tập trung vào những vấn đề mấu chốt sau:
Thứ nhất, xác định các nguy cơ tiềm ẩn xảy ra khủng hoảng
Trong thời đại internet, thế giới đang phải đối mặt với những thay đổi lớn chưa từng thấy trong suốt nửa thế kỷ qua. Xác định nguy cơ tiềm ẩn xảy ra các cuộc khủng hoảng và ngăn chặn không cho chúng xảy ra là bước đi đầu tiên trong quản lý khủng hoảng. Đây là cách quản lý khủng hoảng tốt nhất. Để thực hiện tốt điều này, trước tiên, phải nâng cao nhận thức về ngăn chặn khủng hoảng cho tất cả các thành viên của tổ chức. Không có nhận thức, ý thức về khủng hoảng thì đó chính là cuộc khủng hoảng tiềm ẩn lớn nhất. Nói một cách cụ thể, các tổ chức không có nhận thức về khủng hoảng thì luôn có khả năng xảy ra khủng hoảng bất cứ lúc nào. Cần phải giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức về khủng hoảng cho toàn thể các thành viên lãnh đạo và mỗi thành viên trong các tổ chức. Thứ hai, phải thiết lập cơ chế cảnh báo khủng hoảng sớm, căn cứ theo mức độ cấp bách, đồng thời phân tích khả năng, các loại hình khủng hoảng chủ yếu có thể xảy ra, cũng như nguyên nhân và tác hại tiềm ẩn của các cuộc khủng hoảng. Thứ ba, phải tăng cường điều tra và xác định nguy cơ khủng hoảng có thể xảy ra một cách toàn diện và thông qua việc thu thập, phân tích thông tin, dữ liệu, các yếu tố có thể dẫn đến khủng hoảng.
Thứ hai, phòng ngừa các dấu hiệu khủng hoảng có thể xảy ra
Trước khi khủng hoảng xảy ra thì đều có những dấu hiệu, biểu hiện của cuộc khủng hoảng; việc xảy ra khủng hoảng là kết quả của sự tích lũy về số lượng những biểu hiện cụ thể trước đó.
Có thể nói, các cuộc khủng hoảng có thể dự đoán và ngăn ngừa được. Để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra, cần phải thực hiện 3 nội dung: Một là, xác định trọng tâm của việc phòng, chống khủng hoảng, bao gồm xác định các lỗi kỹ thuật, lỗi hệ thống và các vấn đề có nguy cơ cao như tai nạn lao động, sản xuất, hoạt động khủng bố, sự cố hàng loạt, ô nhiễm môi trường, an ninh mạng,…; Hai là, xây dựng kế hoạch phù hợp để ứng phó với khủng hoảng, bao gồm: chỉ đạo khẩn cấp, ứng phó, xử lý, hỗ trợ, điều tra, đánh giá khủng hoảng và đào tạo nhân viên; Ba là, kiềm chế cuộc khủng hoảng ở trạng thái vừa xuất hiện; trước những biểu hiện và dấu hiệu của cuộc khủng hoảng có thể xảy ra, cần xử lý ngay lập tức để loại bỏ nguy cơ và ngăn chặn khủng hoảng. Trên thực tế, trong thời đại internet, do có nhiều kênh thông tin, phạm vi thông tin rộng và lượng lớn thông tin được phổ biến, chỉ cần quan tâm, chú ý là có thể tìm thấy dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng từ ý kiến của các chuyên gia và công chúng.
Thứ ba, có chương trình hành động mạnh mẽ, thống nhất để đối phó với khủng hoảng
Cần đối phó với khủng hoảng một cách nhanh chóng, chính xác và công tâm, đồng thời, nỗ lực kiểm soát tình hình, trấn an người dân, giảm thiểu tác hại, ổn định tình hình theo nguyên tắc: Một là, phản ứng kịp thời, hành động với tốc độ nhanh nhất, nắm bắt thế chủ động và các cơ hội để kiểm soát khủng hoảng. Hai là, đưa ra quyết sách kịp thời; trước những tình huống khẩn cấp và hỗn loạn, cần đưa ra quyết định tại chỗ dựa trên tình hình thực tế, hành động quyết đoán, không do dự, không chậm trễ. Ba là, nắm chắc các nguyên tắc trọng yếu và cơ bản, xác định được điểm mấu chốt trong vô số vấn đề và giải quyết các vấn đề theo thứ tự ưu tiên.
Ở Việt Nam, trong những tháng vừa qua, công tác phòng, chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương với tinh thần vừa có kế thừa, vừa có đổi mới, vì chưa có tiền lệ nên phải bám sát yêu cầu thực tiễn; vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, bổ sung từng bước để hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, theo phương châm “5K + vắc xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của nhân dân”.
Khi dịch bệnh đã nhiễm sâu tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, chúng ta nhanh chóng điều chỉnh việc tổ chức thực hiện phòng, chống dịch theo cách tiếp cận toàn dân, lấy cấp xã là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” và là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch; đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cấp cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả hơn và bảo vệ an ninh, an toàn cho nhân dân.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm cao và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội, công an, các lực lượng cơ sở và sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phòng, chống dịch ngày càng chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn, nhất là sau khi nâng cấp, kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và kịp thời điều động một lực lượng lớn chưa từng có, trong một thời gian rất ngắn với khoảng hơn 300 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, nhân viên các lực lượng y tế, quân đội, công an từ trung ương và các địa phương khác hỗ trợ cho các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là ở giai đoạn đầu khi dịch bùng phát mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam do biến chủng Delta lây lan nhanh, hết sức nguy hiểm, khó lường, khó kiểm soát; vẫn còn thiếu nhất quán trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là trong thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội tại cơ sở; việc thực hiện các quy định về đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc, phiền hà cục bộ cho nhân dân. Năng lực y tế, nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến quá tải ở một số địa phương và số ca tử vong cao trong giai đoạn đầu. Việc triển khai công tác cứu trợ, bảo đảm an sinh xã hội tại một số địa bàn, nhất là khu cách ly, phong tỏa còn khó khăn do số lượng người cần được hỗ trợ rất lớn([3]).
Thứ tư, xử lý hậu quả và các tác động của khủng hoảng
Xử lý hậu quả và giảm thiểu các tác động, thiệt hại trực tiếp và gián tiếp do khủng hoảng gây ra là một phần quan trọng của quản lý khủng hoảng. Quyết định được đưa ra trong thời kỳ khủng hoảng thường là những quyết định bất thường trong một giai đoạn bất thường. Trước tính chất khẩn cấp và nghiêm trọng của khủng hoảng, quá trình xử lý khủng hoảng thường áp dụng các biện pháp tạm thời, nhằm giảm nhẹ tác động của khủng hoảng, tránh hậu quả xấu nhất.
Để xử lý tốt hậu quả và các tác động của khủng hoảng, cần phải nắm vững các nội dung:
Một là, khủng hoảng thường gây ra các tác động xấu về phát triển kinh tế, tâm lý xã hội và đời sống cộng đồng dân cư; do đó, sau khủng hoảng, cần phải có biện pháp động viên, hàn gắn những tổn thương về tinh thần và vật chất của người dân. Những hậu quả, vấn đề phát sinh do khủng hoảng gây ra phải được giải quyết kịp thời.
Hai là, điều tra toàn diện và chuyên sâu, đánh giá cẩn trọng, chính xác và khách quan để tìm ra nguyên nhân và xử lý tận gốc những vấn đề có liên quan đến khủng hoảng, củng cố lòng tin của nhân dân; rà soát, hoàn thiện các biện pháp để quản lý khủng hoảng có hiệu quả.
Ba là, biến khủng hoảng thành cơ hội. Giống như hai mặt của sự vật, khủng hoảng có cả mặt tác hại và mặt hữu ích, do đó, quản lý khủng hoảng là biến tổn hại thành lợi ích và biến khủng hoảng thành cơ hội. Trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19, nhiều công ty trực tuyến đã nắm bắt cơ hội để mở rộng thị trường. Ví dụ, ở Trung Quốc, nền tảng văn phòng trực tuyến của Công ty Ali Dingding Software cung cấp, hỗ trợ khởi nghiệp trực tuyến cho hơn 10 triệu doanh nghiệp và 200 triệu nhân viên văn phòng; ngoài ra còn hỗ trợ cho việc gọi thoại, tổ chức hội nghị truyền hình, v.v. Doanh thu kinh doanh trực tuyến đã tăng lên hàng chục lần; nhiều công ty ngoại tuyến đã tích cực thúc đẩy việc kết nối và tích hợp các doanh nghiệp ngoại tuyến và trực tuyến để phát triển các cơ hội kinh doanh mới([4]).
3. Các giải pháp cơ bản để quản lý khủng hoảng có hiệu quả trong thời đại internet
Thứ nhất, quản lý khủng hoảng trong thời đại internet cần coi trọng “phòng” hơn “chống”
Đối với quản lý khủng hoảng, phòng ngừa được đặt lên hàng đầu. Nhận diện khoa học, hiệu quả và cảnh báo sớm các cuộc khủng hoảng luôn là nhiệm vụ quan trọng nhất và cũng gặp nhiều thách thức nhất trong quản lý khủng hoảng. Nếu có các kế hoạch phòng ngừa khủng hoảng hợp lý, đầy đủ thì khả năng xảy ra sự cố sẽ thấp, chi phí xử lý sự cố sẽ nhỏ.
Đối với tính chất đặc thù và phức tạp của thời đại internet, cần xác định quản trị rủi ro và quản lý khủng hoảng là một trọng tâm của hệ thống quản trị quốc gia. Quản lý rủi ro là điều kiện tiên quyết của quản lý khủng hoảng, và quản lý khủng hoảng là sự thể hiện cụ thể của quản trị quốc gia. Cần ngăn ngừa và giải quyết các rủi ro trong các lĩnh vực đời sống xã hội, không để xảy ra các cuộc khủng hoảng lớn. Trong quản lý rủi ro và quản lý khủng hoảng, công tác ứng phó khẩn cấp được xem là mắt xích trọng tâm.
Trên thực tế, ở nhiều quốc gia, công tác ứng phó khẩn cấp trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hơn 2 năm qua đã bộc lộ sự yếu kém, lúng túng. Tại Việt Nam, trong các đợt bùng phát dịch COVID-19, đặc biệt là trong lần thứ tư, đã bộc lộ nhiều vấn đề xã hội cũng như quy trình ứng phó với rủi ro của một số cơ quan, tổ chức xã hội, địa phương còn nhiều bất cập. Người dân tiếp nhận quá nhiều thông tin khác nhau, thậm chí có lúc bị nhiễu loạn, tràn ngập trên các phương tiện truyền thông xã hội (như facebook, youtube, tiktok…). Tuy nhiên, nhiều người dân, trong đó có các gia đình thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm hoặc nguy cơ tử vong cao khi nhiễm bệnh như những người lớn tuổi, có bệnh nền, lao động phổ thông,… không nắm được thông tin về phòng, chống dịch bệnh, đời sống xã hội,… Trong khi đó, một số chính quyền cơ sở chưa thể hiện được vai trò đầu mối liên kết, tương tác với người dân thông qua các nhóm “truyền thông nội bộ” ở các tổ dân phố, thôn, xóm, giúp người dân không hoang mang vì nhiễu loạn, đứt gãy thông tin, đặc biệt là thông tin cấp cứu, cứu trợ.
Thứ hai, yếu tố cần ưu tiên hàng đầu trong quản lý khủng hoảng thời đại internet là con người
Cốt lõi của quản lý khủng hoảng là hướng tới con người. Con người là trung tâm và là tâm điểm của nội dung trên internet. Dù là thiên tai hay thảm họa do con người gây ra, hướng đến con người là yếu tố đầu tiên và là nhiệm vụ quan trọng nhất của quản lý khủng hoảng.
Một là, trong quản lý khủng hoảng, bảo vệ sinh mạng và sức khỏe của người dân phải là ưu tiên hàng đầu, giảm thiểu tối đa tổn thương về tinh thần và thiệt hại về vật chất của nhân dân; đặc biệt quan tâm đến người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Hai năm qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân nước ta, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống nhân dân. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Hai là, phát huy cao nhất tính chủ động, sáng tạo của nhân dân, tăng cường trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị. Trong những thời điểm quan trọng, người đứng đầu với ý chí, quyết tâm và mục tiêu kiên định, đóng vai trò quyết định trong việc vượt qua khủng hoảng.
Ba là, đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong phòng, chống rủi ro và khủng hoảng. Trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài đã phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi dịch bệnh.
Thứ ba, quản lý khủng hoảng trong thời đại internet cần tuân thủ cách tiếp cận ba mũi nhọn là: công bố thông tin, giám sát dư luận và chống tin đồn
So với trước đây, các phương tiện truyền thông trong thời đại internet có ảnh hưởng ngày càng lớn đến dư luận và công chúng. Khi khủng hoảng nổ ra, thông tin tràn ngập, làm thể nào để định hướng và dẫn dắt dư luận xã hội đi đúng hướng?
Một là, công bố thông tin. Chủ động và kịp thời công bố thông tin là cách định hướng dư luận tốt nhất, phản ứng tích cực với các mối quan tâm của xã hội đối với các sự kiện trong đời sống xã hội. Nếu thông tin bị che đậy sẽ gây ra sự chỉ trích của công chúng và thậm chí là những tin đồn thất thiệt. Để quản lý khủng hoảng, các cấp có thẩm quyền phải chủ động công bố thông tin kịp thời, chính xác, nhằm ổn định xã hội, phản bác các tin đồn sai sự thật, thông tin độc hại, tiêu cực. Cần truyền đạt thông tin và tôn trọng quyền được cung cấp thông tin của công chúng; xác định việc công bố thông tin là góp phần kiểm soát thông tin. Chính phủ phải nắm bắt được tốc độ phát hành thông tin và định hướng của dư luận trong quá trình bảo đảm việc phổ biến thông tin một cách tự do. Có kiểm soát trong tự do, tự do được phản ánh trong kiểm soát và thực hiện sự cân bằng giữa tự do với kiểm soát.
Hai là, tăng cường sự giám sát của dư luận xã hội. Giám sát của dư luận xã hội là một phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực quản trị và điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; cần lắng nghe và tiếp thu dư luận xã hội để kịp thời sửa chữa khuyết điểm, khắc phục khó khăn, vướng mắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngăn ngừa nguy cơ rủi ro nhỏ phát triển thành rủi ro và khủng hoảng lớn.
Ba là, chống lại những tin đồn sai sự thật, thông tin xấu, độc, tiêu cực. Thời gian gần đây, các lực lượng thù địch, phản động đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để vu cáo, bôi nhọ năng lực lãnh đạo, điều hành, quản lý của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, hòng gây hỗn loạn xã hội, làm gia tăng sự mất ổn định chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại để phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các thông tin sai sự thật, xấu, độc có ảnh hưởng đến ổn định chính trị, xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao năng lực phân tích, điều tra, nghiên cứu công chúng, đo lường thái độ của người sử dụng internet tham gia truyền thông xã hội đối với những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm([5]).
Thứ tư, trong thời đại internet, chính quyền địa phương là nơi đầu tiên cần thực hiện tốt việc phát hiện, ngăn ngừa khủng hoảng
Trong thời đại internet, các cuộc khủng hoảng thường diễn biến từ nguy cơ tiềm ẩn, rồi bộc lộ và bùng phát. Chính quyền địa phương là nơi đầu tiên có thể phát hiện, ngăn ngừa khủng hoảng mở rộng, leo thang, lan rộng và ngăn chặn cuộc khủng hoảng khi còn ở dạng phôi thai. Cán bộ chính quyền địa phương là lực lượng tuyến đầu ở cơ sở, trực tiếp tiếp xúc với người dân; phải thực sự đặt mình vào vị thế của nhân dân, luôn nghĩ đến sự an nguy của đất nước, có cái nhìn sâu sắc, ý chí quyết tâm, tinh thần dũng cảm, dám chịu trách nhiệm, đoàn kết, chấp nhận hy sinh, gian khổ, vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Cần tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý cho địa phương, góp phần phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm để chính quyền địa phương có đủ điều kiện pháp lý và nguồn lực thực tế trong triển khai phòng, chống khủng hoảng, dịch bệnh.
Thứ năm, quản lý khủng hoảng trong thời đại internet cần tập trung vào sự phối hợp đa chiều giữa chính phủ và xã hội
Để đối phó với những tình huống khẩn cấp, cần quán triệt cách tiếp cận nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Chính phủ điều hành, thiết lập các mục tiêu, chương trình hành động thống nhất, thực hiện tinh thần hỗ trợ và đồng hành cùng nhân dân, doanh nghiệp, người dân và tập trung, nỗ lực để giải quyết rủi ro, bất ổn.
Từ sự so sánh nghiên cứu về quản lý khủng hoảng ở các nước phương Đông và phương Tây, có thể thấy, nhiều nước phương Đông nhấn mạnh đến "cơ chế", tức là giải quyết khủng hoảng thông qua cơ chế, thể chế và biện pháp quản lý; còn các nước phương Tây nhấn mạnh "thông tin liên lạc", tức là tăng cường giao tiếp với công chúng và các thành phần xã hội nhằm đạt được mục tiêu trong quản lý khủng hoảng, hỗ trợ các đối tượng trong xã hội để giải quyết khủng hoảng. Nói cách khác, các nước phương Đông chú trọng "quản lý khủng hoảng" (crisis management), còn các nước phương Tây thì chú trọng "quản lý truyền thông khủng hoảng" (crisis communication management). Trong một xã hội có cơ cấu tổ chức quản lý phân tầng, phân cấp theo cơ cấu kim tự tháp, với trật tự thứ bậc chặt chẽ, có sự phân chia chức năng, thì sự liên kết từ trên xuống và những ràng buộc về hành vi phải tuân theo các quy tắc nhất định. Còn trong thời đại internet, các thuộc tính cởi mở, xuyên biên giới, đa dạng, chia sẻ và tự chủ của nó đã đặt ra các yêu cầu mới về phân cấp, phân tầng và giảm cấp trung gian.
Theo xu hướng này, quản lý khủng hoảng trong thời đại internet là một phương thức quản trị hợp tác hiệu quả, tập trung vào sức mạnh tổng hợp và sự tương tác giữa chính phủ, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân, thiết lập mối quan hệ hợp tác, thương lượng, tin cậy và cùng có lợi. Nhiều thành viên của xã hội đã thay đổi, chuyển từ người ngoài cuộc thành người tham gia, ngăn chặn sự xuất hiện của khủng hoảng và giải quyết nguy cơ khủng hoảng ở trạng thái mở và hội nhập. Cần huy động, phát huy vai trò của các tổ chức và các thành viên của xã hội tham gia quản lý khủng hoảng.
Thứ sáu, quản lý khủng hoảng trong thời đại Internet phải vừa cương quyết, vừa linh hoạt
“Cương quyết” có nghĩa là, khi khủng hoảng xuất hiện hoặc khi tình hình khủng hoảng xấu đi, phải xử lý nhanh chóng và bằng các biện pháp bất thường, không theo cách quản lý thông thường, nhằm đạt được một số kết quả quan trọng để giành chiến thắng. Bên cạnh đó, phải có những biện pháp “linh hoạt”, tăng cường truyền thông, lắng nghe ý kiến của tất cả các bên, bảo vệ lợi ích cộng đồng và duy trì sự ổn định chung. Tăng cường sử dụng các phương pháp khoa học để đạt được sự quản lý tinh tế và khác biệt.
Thứ bảy, quản lý khủng hoảng trong thời đại internet cần được điều chỉnh bởi luật pháp
Trong thời đại internet, quá trình xảy ra khủng hoảng và xử lý khủng hoảng thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, trong nước và nước ngoài; chỉ một chút bất cẩn trong quản lý khủng hoảng cũng sẽ như “thêm dầu vào lửa”. Điều cốt yếu là phải thực hiện ba nội dung:
Một là, hành động trong phạm vi luật pháp cho phép. Không vi phạm pháp luật do thực hiện những trường hợp khẩn cấp, tránh vượt qua pháp luật để đạt được cái lợi trước mắt; bắt buộc phải hành động theo pháp luật mọi lúc, mọi nơi.
Hai là, sử dụng các định hướng đạo đức để kiềm chế, kiểm soát hành vi. Không hành động cảm tính và đưa ra những lời hứa vô nguyên tắc đối với công chúng; không áp dụng chính sách “đánh lừa” hoặc “đánh lạc hướng” người dân trong lúc xảy ra khủng hoảng. Không bao giờ được nói dối hoặc đưa ra bằng chứng sai lệch về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng và những tổn thất do khủng hoảng gây ra. Phải luôn bình tĩnh và tránh gây ra những hệ lụy, rắc rối về sau.
Ba là, phát huy vai trò của pháp luật là phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục khủng hoảng, giảm thiệt hại do khủng hoảng gây ra, bảo vệ lợi ích của nhân dân và trật tự xã hội. Cần tổng kết và đút rút ra bài học kinh nghiệm sau mỗi lần xử lý khủng hoảng để sửa đổi, hoàn thiện các quy định, chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý rủi ro và quản lý khủng hoảng, nâng cao trình độ điều hành và xử lý công việc theo quy định của pháp luật.
Thứ tám, quản lý khủng hoảng trong thời đại internet phải tận dụng triệt để ứng dụng các công nghệ internet
Trong công tác phòng, chống đại bệnh COVID-19, có một điểm sáng, đó là các công nghệ internet như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đã đóng một vai trò quan trọng. Nền tảng và công nghệ internet giúp các cơ sở đào tạo xây dựng các lớp học trực tuyến và thực hiện học tập trực tuyến, giúp các cơ quan, doanh nghiệp làm việc trực tuyến và từ xa; thương mại điện tử và chuyển phát nhanh đã trở thành những công cụ không thể thiếu trong đời sống xã hội và bảo đảm nhu cầu sinh kế của người dân. Nền kinh tế số phát triển ngày càng nhanh, mạnh mẽ với quy mô không ngừng mở rộng.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy rằng, việc nghiên cứu, phát triển công nghệ mạng và xây dựng các cơ sở mạng cần phải được cải thiện hơn nữa. Cần đẩy nhanh việc xây dựng kết cấu hạ tầng mới với 5G, trí tuệ nhân tạo (Al), internet vạn vật (IoT), internet vạn vật trong công nghiệp (IIoT) làm cốt lõi; xây dựng các lực lượng cấu trúc mới cho nền kinh tế kỹ thuật số. Đầu tư phát triển các nền tảng ứng dụng internet là một nhu cầu cấp bách và là một sự đầu tư hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện quản trị xã hội.
Tóm lại, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 nhắc nhở nhân loại về những giá trị và bài học mới về kinh nghiệm, kỹ năng phòng, chống khủng hoảng, rủi ro trong thời đại internet với sự xuất hiện của nhiều yếu tố mới. “Cuộc chiến” với kẻ thù vô hình này đã làm thay đổi thế giới và giúp nhân loại ý thức rõ hơn về những yếu tố mới đó, cho thấy vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng một thể chế công, một hệ thống quản lý từ trước - trong - sau khủng hoảng, nhằm bảo đảm các giá trị chung, lợi ích chung, tạo sự đồng thuận và an toàn cho cộng đồng. Cùng với việc ứng dụng các nền tảng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ mới để huy động sự tham gia của cộng đồng, khả năng ứng phó mau lẹ và chính sách, hành động quyết liệt của chính phủ, chính quyền các cấp cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng trong ứng phó với đại dịch COVID-19 nói riêng và ứng phó với khủng hoảng nói chung.
Hành động của địa phương và doanh nghiệp trong huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực và tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thích ứng an toàn./.
-------------------------
(1) Hạt photon: là một loại hạt cơ bản, đồng thời là hạt lượng tử của trường điện từ và ánh sáng cũng như mọi dạng bức xạ điện từ khác
(2) Hạt quark: là một loại hạt cơ bản sơ cấp và là một thành phần cơ bản của vật chất. Các quark kết hợp với nhau tạo nên các hạt tổ hợp, còn gọi là các hadron, với những hạt ổn định nhất là proton và neutron - những hạt thành phần của hạt nhân nguyên tử
(3) Xem: “Chúng ta đã nỗ lực hết mình; đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ”, Trang thông tin điện tử Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, ngày 21-10-2021, https://vncdc.gov.vn/chung-ta-da-no-luc-het-suc-minh-dat-nhieu-ket-qua-quan-trong-dang-khich-le-nd16637.html
(4) 阿里钉钉:做好数字战“疫”防控的“守门人” (Ali Dingding: “Người gác cổng” phòng, chống và kiểm soát “đại dịch” trong cuộc chiến kỹ thuật số), https://baijiahao.baidu.com/s?id=1660654854203222558&wfr=spider&for=pc.
(5) Xem: Vũ Trọng Lâm - Vũ Thị Hương: “Tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm an toàn thông tin trong truyền thông xã hội ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Cộng sản, số 976, tháng 10-2021, tr. 29
Tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn, tạo đột phá cho phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn lực đất đai  (27/05/2022)
Một số khuyến nghị phát triển cộng đồng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam  (27/05/2022)
Phát triển kinh tế biển xanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19: Kinh nghiệm quốc tế và một số giải pháp  (27/05/2022)
Thế kỷ châu Phi - sự thần kỳ mới của thế giới  (09/04/2022)
- Quyết tâm đưa Vĩnh Phúc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Tỉnh Vĩnh Phúc và iMarket Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ về việc nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp và sân golf
- Vĩnh Phúc sẽ phân bổ, giao chi tiết vốn đầu tư công năm 2025 cho các dự án trước ngày 31-12-2024
- Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc: Phấn đấu năm 2025 nằm trong top 10 về chuyển đổi số
- Vĩnh Phúc: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm