Nguy cơ an ninh mạng không gian vũ trụ và một số đề xuất tham chiếu đối với Việt Nam trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc thời gian tới
TCCS - Cuộc xung đột Nga - Ukraina hơn hai năm qua đã khiến thế giới thấy rõ các mối đe dọa từ an ninh mạng đối với không gian vũ trụ khi các bên tham chiến tấn công mạng kết cấu hạ tầng vũ trụ quan trọng nhằm vô hiệu hóa hệ thống vệ tinh của nhau, gây ra những hậu quả về chính trị, quân sự, an ninh và dân sự. An ninh mạng không gian vũ trụ không chỉ tạo ra các tầng phức tạp và rủi ro đối với chính trị quốc tế, ổn định toàn cầu, nguy cơ gia tăng xung đột, các hoạt động gián điệp, mà còn tạo ra sự gián đoạn đối với các quốc gia trong bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, bao gồm Việt Nam.
Về an ninh mạng không gian vũ trụ
Trong những năm qua, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã tập trung, đầu tư xây dựng chương trình không gian vũ trụ phục vụ các mục đích kinh tế(1), chính trị, tình báo, quân sự và khoa học, đồng thời phát triển những biện pháp đối phó chống lại các mối đe dọa trên không gian vũ trụ từ các quốc gia đối thủ. Không gian vũ trụ được đánh giá là “chiến trường mới” trong tương lai, hay còn gọi là “mặt trận thứ năm”, bên cạnh “mặt trận” trên mặt đất, trên biển, trên không và trên không gian mạng. Không gian vũ trụ đang được sử dụng để cung cấp các dịch vụ quan trọng liên kết với không gian mạng, chẳng hạn như kết nối internet băng thông rộng tới một bộ phận nhân loại rộng lớn hơn, bao gồm cả các cộng đồng với tỷ lệ người nghèo cao, chưa có cơ hội được tiếp cận công nghệ số.
Khác với không gian mạng do con người tạo ra, không gian vũ trụ vốn tồn tại tự nhiên. Không gian vũ trụ gắn kết với hoạt động của các quốc gia, con người thông qua các hệ thống vũ trụ, bao gồm mạng lưới vệ tinh, trạm mặt đất, hệ thống máy tính, phần mềm và người dùng cuối(2). Nói cách khác, hệ thống không gian vũ trụ bao gồm ba phần: 1- Các vệ tinh trên quỹ đạo; 2- Thông tin liên lạc và dữ liệu được gửi đến - gửi đi từ các vệ tinh; 3- Các trạm mặt đất điều khiển vệ tinh hoặc nhận dữ liệu và tín hiệu từ các vệ tinh.
Dự báo trong 10 năm tới, thế giới sẽ có sự thay đổi đáng kể về mức độ phụ thuộc từ hệ thống mạng mặt đất sang phân khúc không gian mạng với việc gần 25.000 vệ tinh phóng vào vũ trụ, hơn 500.000 petabyte dữ liệu được tạo ra cùng 1,2 nghìn tỷ USD doanh thu trong bán lẻ thương mại(3). Sự phát triển này cho thấy rõ những rủi ro về kinh tế và bảo mật dữ liệu liên quan đến mức độ dễ bị tổn thương ngày càng mở rộng do sự phụ thuộc ngày càng lớn vào kết cấu hạ tầng không gian mạng. Đồng thời cũng cho thấy, không gian mạng, nhất là an ninh không gian mạng, ngày càng liên quan nhiều đến không gian vũ trụ, thể hiện ở ba khía cạnh chính: Thứ nhất, những cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống không gian vũ trụ, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật số phục vụ truyền tải dữ liệu trong không gian vũ trụ, xuất hiện với tần suất nhiều hơn; thứ hai, lĩnh vực không gian mạng và không gian vũ trụ có chung những thách thức liên quan đến vấn đề quản trị quốc tế khi phải đối mặt với khó khăn trong xác định nguồn gốc các cuộc tấn công mạng và thiết lập trách nhiệm giải trình của các quốc gia; thứ ba, luật pháp quốc tế, bao gồm luật nhân đạo quốc tế, đều có thể áp dụng cho cả lĩnh vực không gian vũ trụ và không gian mạng, tuy nhiên hệ thống không gian mạng và không gian vũ trụ của các quốc gia thường được sử dụng nhằm hướng tới cả mục tiêu quân sự và dân sự.
Có thể thấy, sự phát triển, diễn biến khó lường về không gian mạng, đặc biệt là an ninh mạng, đã và đang mang đến những nguy cơ đối với không gian vũ trụ khi mà các vệ tinh và tài sản không gian khác dễ bị tấn công mạng.
Các nguy cơ, thách thức từ an ninh mạng không gian vũ trụ
Về chính trị, đối ngoại
Một là, nguy cơ gia tăng căng thẳng địa - chính trị giữa các quốc gia trong không gian vũ trụ. Khi các quốc gia đẩy mạnh cạnh tranh để giành quyền thống trị và ảnh hưởng trong không gian vũ trụ sẽ kéo theo sự gia tăng các hoạt động trong không gian vũ trụ, đồng thời, cũng khiến các hoạt động mạng trong không gian vũ trụ tăng lên. Các quốc gia tích cực theo đuổi những biện pháp nhằm mục đích phá vỡ, làm hư hại hoặc phá hủy bất kỳ thành phần nào trong hệ thống không gian vũ trụ có thể vô tình làm leo thang căng thẳng hiện có giữa các quốc gia, thậm chí tạo ra xung đột trong không gian vũ trụ hoặc ngược lại. Bên cạnh đó, các xung đột lợi ích quốc gia và việc bảo vệ tài sản không gian thiết yếu có thể dẫn đến căng thẳng chính trị, thậm chí là đối đầu. Các quốc gia có nguồn lực tài chính hạn chế nhưng vẫn mong muốn thực hiện phóng vệ tinh riêng, tuy nhiên, do thiếu phương tiện dự phòng hoặc đi thuê nên khi vệ tinh bị chiếm đoạt quyền kiểm soát, vô hiệu hóa, có thể khiến các quốc gia này đối mặt với nhiều rủi ro khó lường, thậm chí là an ninh quốc gia.
Hai là, các nguy cơ về gián điệp mạng dựa trên không gian vũ trụ. Các quốc gia có thể sử dụng kỹ thuật không gian mạng để thu thập thông tin tình báo từ các tài sản không gian vũ trụ, như vệ tinh, hệ thống mặt đất... Các hoạt động gián điệp không gian vũ trụ có thể dẫn đến những cáo buộc vi phạm chủ quyền và vi phạm các thỏa thuận quốc tế, gây căng thẳng trong quan hệ ngoại giao.
Ba là, các cuộc đàm phán và chuẩn mực ngoại giao có nguy cơ thất bại do thiếu những chuẩn mực, quy tắc, quy định quốc tế thiết lập đối với các hoạt động không gian mạng và không gian vũ trụ. Bên cạnh đó, những nỗ lực xây dựng, phát triển các thỏa thuận quốc tế về cách hành xử có trách nhiệm của các quốc gia trong các loại hình không gian mạng vũ trụ chưa đạt được những kết quả như mong muốn, làm gia tăng các hoạt động phát triển, thử nghiệm và triển khai các khả năng ứng phó đối với không gian mạng.
Bốn là, nguy cơ mất kiểm soát của nhà nước đối với các chủ thể phi nhà nước (các tập đoàn công nghệ vũ trụ xuyên quốc gia) khi các chủ thể này có xu hướng hoạt động độc lập, thách thức vai trò quản lý của nhà nước đối với các hoạt động kinh tế vũ trụ, thậm chí là quốc phòng - an ninh, tạo ra những hệ lụy chưa thể lường hết được đối với chủ quyền không gian mạng, không gian vũ trụ của các quốc gia.
Về quân sự - an ninh
Thứ nhất, nguy cơ dẫn đến đối đầu quân sự ngoài ý muốn giữa các quốc gia khi xuất hiện cuộc tấn công mạng vào tài sản không gian vũ trụ bằng các vệ tinh, trạm mặt đất, kết cấu hạ tầng không gian khác, có thể gây ra hậu quả sâu rộng, ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự. Các cuộc tấn công mạng nhằm vào tài sản không gian vũ trụ hoặc tấn công mạng không gian vũ trụ có thể làm nhiễu tín hiệu của hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GPS), vô hiệu hóa việc điều hướng hoặc giả mạo tín hiệu GPS, cung cấp các vị trí sai lệch, làm gián đoạn việc di chuyển, đi lại và dẫn đường của hệ thống vũ khí. Đơn cử như, một ngày trước khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraina vào tháng 2-2022, cuộc tấn công mạng được công khai cho là do Nga thực hiện nhằm vào hệ thống vệ tinh Viasat’s KA-SAT của Ukraina đã gây ra sự cố mất liên lạc ở Ukraina, ảnh hưởng không nhỏ đến quân đội, lực lượng tình báo, cảnh sát, người dân Ukraina và toàn khu vực châu Âu. Vụ tấn công thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề an ninh và phòng thủ chiến lược về không gian vũ trụ(4). Cuộc tấn công này không chỉ được coi là cuộc chiến không gian mạng vũ trụ đầu tiên trên thế giới, mà còn là “chiến trường chính” của các cường quốc toàn cầu trong thế kỷ XXI. Tháng 3-2023, Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ từng phát biểu hàm ý về tương lai của các cuộc chiến trên không gian vũ trụ, rằng: “Chúng tôi đã đi một chặng đường dài trong một thời gian ngắn để có thể tích hợp các miền không gian vũ trụ và mạng không gian”(5). Còn Giám đốc Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin khẳng định, Nga sẽ coi bất kỳ hành động tấn công tin tặc nào vào hệ thống vệ tinh của Nga là hành động chiến tranh(6). Đây là một trong những biểu hiện về nguy cơ bùng nổ mối quan hệ giữa không gian mạng và không gian vũ trụ, nghĩa là việc phát động một cuộc tấn công mạng vào tài sản không gian vũ trụ có thể gây phản ứng dưới hình thức chiến tranh thông thường.
Thứ hai, các quốc gia coi tài sản không gian là một trong những thành phần quan trọng của an ninh quốc gia. Những cuộc tấn công mạng vào hệ thống mặt đất kiểm soát các sứ mệnh không gian có thể thay đổi quỹ đạo, thay đổi các thông số của sứ mệnh hoặc vô hiệu hóa các thiết bị khoa học. Sự can thiệp này có thể dẫn đến những thất bại về khoa học, kinh tế và an ninh. Do vậy, bất kỳ mối đe dọa nào đối với những tài sản này đều có thể kích hoạt phản ứng phòng thủ của các quốc gia, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn, ổn định của khu vực và toàn cầu.
Thứ ba, tấn công mạng nhằm vào hệ thống vệ tinh vũ trụ sẽ dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát của thế giới về răn đe hạt nhân, hiểm họa hạt nhân trong nhiều năm qua(7). Bên cạnh đó là nguy cơ tấn công mạng vào hệ thống cảnh báo sớm phát hiện các vụ phóng tên lửa hoặc các mối đe dọa khác dựa vào hệ thống cảm biến trên không gian vũ trụ. Việc thao túng hoặc phá vỡ các hệ thống này có thể làm suy yếu sự ổn định chiến lược và dẫn đến những tính toán sai lầm quân sự giữa các quốc gia. Ngoài ra, các cuộc xâm nhập mạng chiếm đoạt quyền kiểm soát, vô hiệu hóa các vệ tinh gây ra những thiệt hại khó lường. Năm 1998, khi tin tặc chiếm đoạt vệ tinh thiên văn ROSAT của Đức và điều hướng các tấm pin mặt trời của vệ tinh này về phía Mặt trời gây ra hiện tượng pin được sạc quá tải, dẫn đến vệ tinh bị phá hủy. Các vệ tinh bị phá hủy tiếp tục gây ra rủi ro về an toàn cho các vật thể và các nhà vận hành khác trên quỹ đạo.
Về kinh tế, tài chính, phát triển
Một là, nguy cơ từ các cuộc tấn công không gian mạng vũ trụ có thể “làm mù” các vệ tinh viễn thám cung cấp hình ảnh trạng thái và các dữ liệu khác được thu thập bởi những hệ thống cảm biến khác nhau. Nó có thể phá vỡ hệ thống ngân hàng và thanh toán quốc tế, quốc gia, bao gồm cả việc sử dụng thẻ tín dụng và các máy ngân hàng tự động vốn dựa vào thời gian chính xác trên vệ tinh.
Hai là, các nguy cơ về an ninh mạng không gian vũ trụ làm gia tăng các thách thức về vấn đề tạo được sự đồng thuận chung trong việc coi công nghiệp vũ trụ là một động lực cho phát triển bền vững và chia sẻ, áp dụng các công cụ vũ trụ đối với việc cải thiện khả năng tiếp cận dữ liệu và ứng dụng dựa trên không gian, kết cấu hạ tầng không gian, phục vụ triển khai thực hiện các chương trình nghị sự toàn cầu, Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đến năm 2030 (MDG - 30).
Ba là, thách thức về việc bảo đảm sự minh bạch, công bằng, có tính đến nhu cầu cụ thể của các nước đang phát triển trong khai thác, sử dụng khoảng không gian vũ trụ phục vụ mục đích hòa bình và phát triển bền vững.
Bốn là, thách thức về việc chưa có các chuẩn mực phù hợp với thực tế phát triển trong không gian vũ trụ. Đây là vấn đề không chỉ một quốc gia đơn lẻ có thể tự giải quyết, mà cần có sự chung tay của cả thế giới để kịp thời xử lý, đưa ra các khuôn khổ, “luật chơi” chung để các nước tuân thủ và vận hành, loại bỏ những nguy cơ, đe dọa đối với hòa bình và an ninh thế giới, cũng như hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Về quản lý, quản trị không gian vũ trụ
Thứ nhất, cơ chế không gian vũ trụ quốc tế vốn được thành lập từ thời kỳ Chiến tranh lạnh đến nay không thể thích ứng với sự phát triển của công nghệ vũ trụ và sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, nhất là việc quản lý an ninh mạng và an ninh không gian, khi mà các chủ thể tham gia không gian vũ trụ không chỉ là các quốc gia, nhà nước như trước đây(8).
Thứ hai, rác thải vũ trụ, nhất là những mảnh vỡ từ các vệ tinh bị phá hủy hoặc hư hại hoặc bị tấn công an ninh mạng trong vũ trụ đang là mối quan ngại ngày càng tăng của các quốc gia trên thế giới(9). Nếu rác thải xuất hiện ngày càng nhiều sẽ cản trở quỹ đạo bay của các vệ tinh đang hoạt động và những tên lửa được phóng lên từ Trái đất, khi di chuyển trong vũ trụ dễ va chạm, gây hư hại, thiệt hại đối với các vệ tinh quân sự và dân sự.
Thứ ba, khó có thể phân loại một cách rõ ràng giữa các hoạt động quân sự và dân sự hay phân biệt các ý định giữa phòng thủ và hiếu chiến trong không gian mạng vũ trụ. Các cuộc tấn công mạng sử dụng vũ khí trong không gian vũ trụ với những mục đích xấu có thể làm gián đoạn, hư hỏng, phá hủy hoặc vô hiệu hóa các phương tiện, vật thể lưỡng dụng trong quân sự và dân sự (y tế, giao thông, vận tải, năng lượng và thương mại)(10); gây gián đoạn các hoạt động nhân đạo khẩn cấp, cảnh báo sớm vốn được sử dụng để giảm thiểu những nguy cơ thiên tai và xung đột. Từ đó, làm gia tăng những mối nguy cơ, đe dọa trên theo cấp số nhân(11).
Việt Nam với vấn đề an ninh mạng không gian vũ trụ
Có thể thấy, an ninh mạng không gian vũ trụ là vấn đề mới trên thế giới, hiện đang được quốc tế cũng như nhiều quốc gia, chủ thể lợi ích nghiên cứu, tìm hiểu. Đối với Việt Nam, mặc dù chưa có văn bản nào thể hiện quan điểm, lập trường hay nghiên cứu về vấn đề này, nhưng ngay từ sớm, Đảng ta đã đề ra những chủ trương thúc đẩy việc giải quyết các tác động của an ninh mạng, công nghệ vũ trụ, bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc nói chung, hệ thống quốc phòng - an ninh của đất nước nói riêng.
Về an ninh mạng, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đầu tiên quan tâm đến vấn đề an ninh mạng và những mối nguy cơ, đe dọa từ an ninh mạng. Điều này được thể hiện xuyên suốt trong các Văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng, đó là: “Tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành khác”(12). Những quan điểm, nội hàm về an ninh mạng của Việt Nam đều được thể hiện ở các cấp độ cao nhất tại các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương, nhất là Liên hợp quốc.
Đối với vấn đề không gian vũ trụ, trong nhiều năm qua, tại các diễn đàn đa phương khu vực, quốc tế, Việt Nam luôn nhấn mạnh việc tham gia khoảng không vũ trụ là quyền bất khả xâm phạm của tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt trình độ phát triển; thể hiện ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy việc sử dụng hòa bình khoảng không vũ trụ, kêu gọi các quốc gia kiềm chế không để xảy ra chạy đua vũ trang trong vũ trụ, đồng thời chia sẻ mong muốn tăng cường trao đổi, hợp tác với cộng đồng quốc tế về khoa học - công nghệ vũ trụ, bảo đảm an ninh, an toàn không gian vũ trụ, nhằm phục vụ phát triển bền vững cho tất cả mọi người dân trên thế giới. Đồng thời, Việt Nam luôn nhấn mạnh các hoạt động thăm dò và sử dụng khoảng không vũ trụ phải phục vụ mục đích hòa bình và lợi ích của toàn thể nhân loại, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Theo đó, Việt Nam đã ký kết các hiệp định, bản ghi nhớ về nghiên cứu, hợp tác, sử dụng, khai thác khoảng không vũ trụ vào mục đích hòa bình với Nga (năm 2012), Ấn Độ (năm 2016), Mỹ (năm 2019). Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký kết nghị định thư, thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Airbus Defense & Space ASA (năm 2018), Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA, năm 2011), Cơ quan vũ trụ thuộc Bộ Khoa học Công nghệ Israel (năm 2017). Hằng năm, Việt Nam đều cử các đoàn cán bộ chủ động, tích cực tham dự, đóng góp nội dung chương trình nghị sự của các cuộc họp của Ủy ban sử dụng hòa bình không gian vũ trụ (COPUOS) tại Thủ đô Viên (Áo). Trong khuôn khổ Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Việt Nam chủ động tham gia các phiên họp, đóng góp ý kiến cho các nghị quyết, khuyến nghị, mục tiêu chiến lược,... trong các chương trình của ITU, nhằm bảo đảm quyền lợi của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam; tích cực tham gia các hoạt động về quản lý, vận hành vệ tinh... Ở trong nước, bên cạnh việc triển khai các dự án quan trọng, như xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, các dự án vệ tinh viễn thám VNREDSAT-1, VINASAT-1, VINASAT-2, xây dựng trạm thu, trung tâm xử lý ảnh vệ tinh, hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên, trạm xử lý hình học viễn thám và trung tâm xử lý dữ liệu nhằm phục vụ cho các ngành kinh tế quốc dân và nghiên cứu khoa học; Việt Nam đã và đang xây dựng, ban hành các văn bản quan trọng về công nghệ vũ trụ phục vụ các lợi ích quốc phòng - an ninh và phát triển nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, do các nguyên nhân khách quan và chủ quan, Việt Nam vẫn còn có những hạn chế trong lĩnh vực không gian vũ trụ. Trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển mạnh như vũ bão, đặc biệt là công nghệ vũ trụ, tạo ra không ít cơ hội về kinh tế và phát triển, nhưng cũng mang đến nhiều rủi ro, thách thức, nguy cơ khó lường về chính trị, đối ngoại và an ninh đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đơn cử như, an ninh mạng không gian mạng vũ trụ là vấn đề phát sinh rất mới với những nguy cơ đã và đang khiến cộng đồng quốc tế nói chung và các quốc gia đang phát triển như Việt Nam nói riêng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hướng tiếp cận, giải quyết và bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền quốc gia trong không gian mạng và không gian vũ trụ. Do đó, để nhận diện, giải quyết các nguy cơ đến từ vấn đề an ninh mạng không gian vũ trụ, từ đó tổng kết thành các phương thức đóng góp vào lý luận bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, xin đề xuất một số hàm ý tham chiếu đối với Việt Nam như sau:
Về chủ trương chung, cân nhắc việc sớm coi vấn đề an ninh mạng không gian vũ trụ là một trong những nội dung quan tâm hàng đầu về quốc phòng - an ninh mà Việt Nam cần triển khai nhằm bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, nâng cao vị thế, ảnh hưởng của đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Ở cấp độ toàn cầu: Một là, cân nhắc tham gia tích cực các sáng kiến xây dựng cơ chế toàn cầu về quản trị không gian mạng, không gian vũ trụ, trong đó tập trung vào việc xây dựng nhận thức chung về chuẩn mực, luật lệ và ứng xử trong không gian mạng và không gian vũ trụ, cũng như các quy định trách nhiệm khi vi phạm những chuẩn mực, luật lệ có tính ràng buộc đã được đề ra. Bên cạnh đó, tham gia, thực thi các điều ước quốc tế của Liên hợp quốc về khoảng không vũ trụ nhằm bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh và các lợi ích quốc gia - dân tộc về quốc phòng - an ninh; nghiên cứu, chủ động tham gia xây dựng, cập nhật văn kiện quốc tế tại các cơ chế hợp tác đa phương quốc tế của Liên hợp quốc về kiểm soát vũ khí mạng, không gian vũ trụ, các giải pháp công bằng và minh bạch cho vấn đề quỹ đạo không gian, tài nguyên tần số, trong đó nhấn mạnh cần xem xét đầy đủ sự quan tâm của các quốc gia đang phát triển; ủng hộ việc cấm các hoạt động phi pháp xâm nhập mạng đối với các tài sản không gian vũ trụ và việc triển khai bất kỳ loại vũ khí nào trong không gian, cũng như sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong không gian vũ trụ; nêu các quan ngại, hệ lụy an ninh từ vấn đề rác thải vũ trụ. Hai là, thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực vũ trụ cùng an ninh mạng có chung lợi ích và giá trị chung để tăng cường sự phát triển các khuôn khổ hợp tác trong một số lĩnh vực chính, như phát triển năng lực và công nghệ, duy trì hoạt động và nâng cao năng lực an ninh tập thể. Ba là, theo dõi, nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraina (hay còn được gọi là cuộc chiến không gian mạng vũ trụ đầu tiên) và những căng thẳng địa - chính trị toàn cầu khác đối với cục diện thế giới, nhất là quan hệ giữa Mỹ, phương Tây và Nga, Trung Quốc trong thời gian tới, qua đó, có sự chuẩn bị trước, cũng như tranh thủ nắm bắt thời cơ, chủ động tham gia, đóng góp vào quá trình thảo luận xây dựng các cam kết chính trị toàn cầu về sử dụng hòa bình và bảo đảm bền vững khoảng không vũ trụ gắn liền với an ninh mạng. Bốn là, chủ động tham gia, đóng góp và tranh thủ các cơ hội từ việc thực hiện Chương trình vũ trụ đến năm 2030 (Space 30) của Liên hợp quốc, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết tham gia hợp tác của tất cả các chủ thể liên quan trên thế giới; tham gia đóng góp, thảo luận tại Liên hợp quốc về triển khai 7 ưu tiên trong chương trình đối tác toàn cầu nhằm cung cấp các hỗ trợ, lợi ích thu được từ không gian vũ trụ cho các quốc gia để hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững(13). Năm là, nghiên cứu, đề xuất các đóng góp của Việt Nam đối với những nội dung cập nhật cơ chế quốc tế về quản trị, quản lý không gian vũ trụ và an ninh mạng không gian vũ trụ, trong đó nhấn mạnh biện pháp xây dựng lòng tin trong các loại hình không gian, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam và các nguyên tắc bảo đảm không gian vũ trụ là tài sản chung của nhân loại và là một miền hòa bình.
Ở cấp độ khu vực: Thứ nhất, trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nghiên cứu thúc đẩy xây dựng lập trường, quy tắc của ASEAN về quản trị an ninh mạng không gian vũ trụ, cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về rủi ro mạng đối với các thông tin viễn thám phục vụ các hoạt động nhân đạo, cảnh báo sớm sự xuống cấp của môi trường... Thứ hai, chủ động tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng các quy định ràng buộc hoặc không ràng buộc đối với các chủ thể tham gia trong khai thác và sử dụng không gian vũ trụ và không gian mạng trên cơ sở các khuôn khổ hợp tác (hỗn hợp) hiện có. Thứ ba, tham gia thúc đẩy nội dung hợp tác quốc tế, xây dựng lòng tin, minh bạch, giải quyết các nguy cơ an ninh mạng không gian vũ trụ với cách tiếp cận toàn diện và cân bằng tại các cơ chế về vũ trụ trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).
Ở cấp độ quốc gia: Một là, cân nhắc nghiên cứu, rà soát, bổ sung nội dung về an ninh mạng không gian vũ trụ vào các chiến lược về quốc phòng - an ninh, an ninh mạng, không gian mạng quốc gia của Việt Nam; sớm xây dựng văn bản pháp luật khung về nội dung an ninh mạng không gian vũ trụ phục vụ việc quản lý, phát triển nhanh, bền vững, trong đó có nội dung về bảo vệ, quản lý tài sản vũ trụ thiết yếu phục vụ hoạt động của ngành tài chính, ngân hàng; nghiên cứu, làm rõ nội hàm, đặc điểm, tác động của vấn đề này đối với lợi ích an ninh, phát triển và vị thế của Việt Nam, qua đó đề xuất phương thức triển khai bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới phù hợp với thực tiễn của từng thời điểm(14). Hai là, từng bước xây dựng, phát triển, nâng cấp “đơn vị đặc biệt” (nếu có) về an ninh mạng và không gian vũ trụ trong triển khai bảo vệ Tổ quốc và các lợi ích quốc gia - dân tộc trong tình hình mới. Ba là, thúc đẩy hợp tác quốc tế song phương về an ninh mạng không gian vũ trụ, trong đó chú trọng vào mạng lưới quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, trên một số phương diện, như: 1- Nỗ lực ngăn ngừa và chống những nguy cơ chung về an ninh mạng, chia sẻ thông tin về các hoạt động mạng nguy hiểm hoặc các mối đe dọa không gian mạng và tham gia phối hợp diễn tập, hiệp đồng tác chiến giải quyết các nguy cơ, đe đọa an ninh mạng không gian vũ trụ; 2- Hợp tác, hành động và ứng phó tập thể đối với các biến cố, tấn công an ninh mạng vào không gian vũ trụ, góp phần giải quyết các sự cố và ngăn chặn những hoạt động gây hại trên không gian vũ trụ một cách hiệu quả; 3- Chia sẻ chính sách và xây dựng đồng thuận chung đối với sự ổn định không gian mạng và không gian vũ trụ nhằm thiết lập các quy chuẩn, quy định quốc tế và biện pháp trừng phạt đối với những hành vi đe dọa trên không gian mạng. Bốn là, nghiên cứu xây dựng hệ sinh thái vũ trụ Việt Nam, trong đó tập trung nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về tiềm năng phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực khoa học - công nghệ vũ trụ đi kèm với bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Năm là, cân nhắc nghiên cứu xây dựng cơ chế liên ngành về vấn đề này, trong đó cần có sự tham gia của các ngành khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, thông tin - truyền thông..., đồng thời tính đến sự tham gia hợp tác của các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân về công nghệ; xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về không gian vũ trụ trên cơ sở phát huy các nguồn lực hiện có, có thể tính đến xã hội hóa.
Ở cấp độ doanh nghiệp: Thứ nhất, an ninh mạng không gian vũ trụ đang nổi lên như một thị trường sinh lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi sự phụ thuộc của con người vào vệ tinh để liên lạc, điều hướng và truyền tải dữ liệu ngày càng tăng sẽ dẫn tới tăng nhu cầu về các biện pháp an ninh mạng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tranh thủ nắm bắt cơ hội này đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dịch vụ tiên tiến, đổi mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành an ninh mạng không gian vũ trụ. Thứ hai, an ninh mạng không gian vũ trụ có thể dẫn đến việc hình thành liên minh chiến lược với các chủ thể lợi ích khác trong lĩnh vực này, chẳng hạn như nhà sản xuất vệ tinh, nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh, nhà khai thác vệ tinh..., có thể giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng phạm vi tiếp cận, cũng như củng cố vị thế trên thị trường khu vực và thế giới. Những mối quan hệ hợp tác này cũng có thể mang đến nhiều dự án hợp tác chung, góp phần tăng cường lòng tin trong hợp tác phát triển khoa học - công nghệ vũ trụ.
Tóm lại, an ninh mạng không gian vũ trụ là một vấn đề rất mới, mang đến những cơ hội, thách thức, thậm chí là hậu quả khó lường đối với chủ thể nhà nước và phi nhà nước trong quan hệ quốc tế. Để có thể tránh rủi ro, cũng như quản lý, quản trị tốt các nguy cơ từ vấn đề này, khai thác tối đa các tiềm năng từ các công nghệ đột phá mang tính biến đổi trong không gian mạng và không gian vũ trụ, cần có sự nỗ lực ở cấp chính sách quốc gia và quản trị toàn cầu. Đáng chú ý, cần có sự thiện chí, hợp tác trong việc xác định những nguyên tắc ứng xử có trách nhiệm trong không gian mạng và không gian vũ trụ để mang lại sự đồng thuận đa phương một cách rộng rãi. Các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cần kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách quốc gia để bảo vệ chống lại các mối đe dọa đối với tài sản và ứng dụng trên không gian vũ trụ ngày càng quan trọng đối với cả an ninh quốc gia và an ninh kinh tế. Bên cạnh đó, việc khuyến khích sự phát triển của ngành an ninh mạng vũ trụ, ngoài mục tiêu bảo vệ, chống các mối đe dọa đến từ an ninh mạng không gian vũ trụ, cũng sẽ mang lại các lợi ích căn bản đối với Việt Nam, khi lĩnh vực này đang có tiềm năng trở thành động lực đáng kể cho tăng trưởng./.
---------------------------
(1) Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ vũ trụ trong những năm qua đã thúc đẩy các thành tựu khám phá không gian vũ trụ, thu hút sự tham gia của tất cả các chủ thể lợi ích trên thế giới bao gồm nhà nước và phi nhà nước. Năm 2020, nền kinh tế vũ trụ toàn cầu tăng 4,4%, lên 447 tỷ USD, với nhiều quốc gia tham gia hơn so với trước đây. Tính từ năm 2005 đến nay, kinh tế vũ trụ toàn cầu tăng 176%. Ngân hàng Mỹ dự báo kinh tế vũ trụ sẽ phát triển để trở thành một thị trường trị giá 1,4 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Xem: Nguyễn Việt Lâm: “Vấn đề không gian vũ trụ trong quan hệ quốc tế và hàm ý chính sách đối với Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, số 994, tháng 7-2022, tr. 99 - 106.
(2) Trong công nghệ thông tin, người dùng cuối (end-user) là người cuối cùng sử dụng hoặc là người cuối cùng có dự định sẽ sử dụng sản phẩm, song người dùng cuối không phải là “khách hàng” theo nghĩa thông thường, mà thường là nhân viên của “khách hàng”. Đơn cử như, một tập đoàn bán lẻ lớn mua gói phần mềm cho nhân viên của mình sử dụng, mặc dù tập đoàn bán lẻ lớn là “khách hàng” đã mua phần mềm, nhưng người dùng cuối là nhân viên của tập đoàn sẽ sử dụng phần mềm tại nơi làm việc.
(3) Northern Sky Research: “Space Cybersecurity: Current State and Future Needs” (Tạm dịch: An ninh không gian mạng: Nhu cầu hiện tại và tương lai”, White Paper, tháng 4-2022.
(4) Xem: “Case Study Viasat” (Tạm dịch: Nghiên cứu điển hình Viasat), Cyber Peace Institute, tháng 6-2022.
(5) Demetri Sevastopulo: “US and Australia boost space and cyber co-operation to counter China” (Tạm dịch: Mỹ và Australia tăng cường hợp tác trên hệ thống không gian mạng để chống lại Trung Quốc), Financial Times, 2023.
(6) Xem: “Russia space agency head says satellite hacking would justify war - report” (Tạm dịch: “Người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga nói rằng, việc tấn công vệ tinh sẽ biện minh cho chiến tranh”), Reuters, ngày 3-3-2022.
(7) Thế giới hiện còn hơn 13.000 đầu đạn hạt nhân, được đặt ở tình trạng cảnh giác cao. Các đầu đạn này không chỉ được sử dụng để đối phó với một cuộc tấn công mạng hoặc các vũ khí động lực học nhằm vào các tài sản không gian vũ trụ quan trọng, mà còn có thể được sử dụng trong các trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân.
(8) Hầu hết các tổ chức về không gian tư nhân hiện đang do Mỹ thống trị, trong khi Nhật Bản, Ấn Độ, Israel và các quốc gia khác có tương đối ít loại hình tổ chức này. Trung Quốc và Nga nắm giữ số lượng tương đối các doanh nghiệp tư nhân về không gian, nhưng chưa đủ mạnh về nguồn lực như các doanh nghiệp tư nhân của Mỹ.
(9) Rác thải vũ trụ được định nghĩa là những vật thể nhân tạo không còn giá trị sử dụng tồn tại ngoài vũ trụ, bao gồm những thiết bị được phóng lên hoặc bỏ lại. Số lượng xác tên lửa đẩy, các vệ tinh hết hoạt động và nhiều mảnh vỡ khác trong không gian hiện đã vượt xa số lượng phương tiện đang hoạt động trên quỹ đạo trong không gian. Mỗi lần phóng vệ tinh mới hay mỗi chuyến đi đến Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), nguy cơ va chạm tăng lên.
(10) Ví dụ, các GPS (Beidou, Galileo và GLONASS) đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát không lưu, vận chuyển hàng hải,... đồng bộ thời gian chính xác của kết cấu hạ tầng thiết yếu, như thông tin liên lạc, ngân hàng, tài chính và điện lực. Các hệ thống này cũng được sử dụng trong quân đội làm các vật thể quân sự trong một số trường hợp.
(11) Position paper submitted by the International Committee of the Red Cross to the Secretary-General of the United Nations on the issues outlined in General Assembly Resolution 75/36 (Tạm dịch: Báo cáo quan điểm do Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế trình Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề được nêu trong Nghị quyết số 75/36 của Đại hội đồng Liên hợp quốc), ngày 8-4-2021.
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 160.
(13) Bảy ưu tiên, bao gồm: 1- Khám phá và đổi mới không gian; 2- Viễn cảnh hiện tại và tương lai về chế độ pháp lý của không gian vũ trụ và quản trị toàn cầu; 3- Tăng cường trao đổi thông tin về các mục tiêu và sự kiện không gian vũ trụ; 4- Một khuôn khổ quốc tế cho các dịch vụ thời tiết không gian; 5- Tăng cường hợp tác không gian vì sức khỏe toàn cầu; 6- Hợp tác quốc tế hướng tới các xã hội ít phát thải và có khả năng phục hồi; 7- Xây dựng năng lực cho thế kỷ XXI.
(14) Thời gian tới, thế giới sẽ chứng kiến các cuộc xung đột phức tạp, không chỉ diễn ra trên một không gian như thời gian qua, mà còn có thể là liên không gian: Không gian mạng và không gian vũ trụ. Những cuộc xung đột này đòi hỏi các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng cần có sự thay đổi về nhận thức, tiếp cận, cập nhật, thậm chí là xây dựng mới các nội hàm về quân sự, an ninh của quốc gia trong không gian mạng, không gian vũ trụ...
Phương châm an ninh toàn diện trong bảo đảm an ninh quốc gia hiện nay  (18/04/2024)
Kinh nghiệm phát triển kinh tế số của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam  (29/12/2023)
Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW và quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24-CT/TW của Bộ Chính trị  (22/12/2023)
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phấn đấu tự chủ về công nghệ để bảo đảm an toàn, an ninh mạng  (26/08/2023)
Bảo đảm an ninh quốc gia của đất nước thời kỳ mới  (15/12/2022)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay