Tác động của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với khu vực: cơ hội và thách thức
TCCS - Tháng 11-2017, nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại Đà Nẵng, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm lần đầu tiên công bố “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Ngay sau đó, khái niệm này đã thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế, nhưng đến nay Chính phủ Mỹ chỉ nêu một số nguyên tắc, lập trường chung chứ chưa đưa ra bất kỳ nội hàm cụ thể nào của khái niệm này.
Bối cảnh hình thành Chiến lược
Thực ra, khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không phải là vấn đề mới. Ngay từ trước Chiến tranh thế giới thứ hai (vào khoảng cuối những năm 30 của thế kỷ XX), trong các hoạt động tác chiến, quân đội Mỹ đã sử dụng khái niệm này để chỉ “khu vực trách nhiệm” mà hải quân Mỹ phụ trách kéo dài từ khu vực Ấn Độ Dương sang Tây Thái Bình Dương. Theo các học giả Nhật Bản, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vốn ban đầu là ý tưởng của Nhật Bản. Trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê đã nêu quan điểm về “trục tự do và thịnh vượng dọc theo không gian Âu - Á” và sự kết hợp năng động giữa khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương”. Quan điểm này thực chất nhằm đề cao vai trò của bốn nền dân chủ hàng đầu thế giới là Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a và Ấn Độ. Ngay từ năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê đã thúc đẩy mạnh mẽ sáng kiến này, đồng thời nhiều lần vận động giới chính trị Mỹ ủng hộ và chia sẻ đối với sáng kiến. Nhưng đến khi Tổng thống Mỹ Đ. Trăm đắc cử, chính quyền Mỹ mới chấp nhận và đưa sáng kiến này trở thành một chiến lược ở tầm quốc gia.
Trong Chiến lược An ninh quốc gia mới (NSS), ban hành tháng 12-2017 và Chiến lược Quốc phòng mới (NDS) ban hành tháng 1-2018, chính quyền Mỹ có đề cập tới “tầm nhìn này” nhưng không đi vào chi tiết. Đến tháng 3-2018, Mỹ mới chính thức gọi tầm nhìn này là “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Cũng trong tháng 3-2018, Chính phủ Mỹ đã cử nhiều quan chức cấp cao đi tham vấn các nước trong khu vực. Cuối tháng 5-2018, Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương (APCSS) có trụ sở tại thành phố Ha-oai đã tổ chức một cuộc hội thảo lớn về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với sự tham dự của đông đảo quan chức Chính phủ Mỹ và nhiều quan chức, chuyên gia, học giả đến từ các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ sau cuộc hội thảo quan trọng đó, Mỹ cơ bản định hình xong về khuôn khổ và nội hàm của Chiến lược này. Ngày 2-6-2018, tại phiên họp toàn thể thứ nhất của Đối thoại Shang-gri La lần thứ 17 diễn ra ở Xin-ga-po, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Giêm Ma-tít đã chính thức công bố một số nội dung chủ chốt nhất của Chiến lược.
Quan sát thực tiễn tình hình nội bộ các nước lớn, cục diện thế giới và khu vực thời gian qua, có thể nhận thấy bốn nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc Mỹ, Nhật Bản và các đối tác, đồng minh xây dựng Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở như sau:
Một là, quá trình chuyển dịch quyền lực đang diễn ra rất mạnh mẽ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; sự phân bổ lại quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng đang làm thay đổi căn bản tương quan so sánh lực lượng, gây lo ngại đối với hầu hết các nước lớn.
Hai là, sau khi ông Đ. Trăm đắc cử tổng thống Mỹ, nội bộ Mỹ, nhất là chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của người tiền nhiệm và Đảng Dân chủ; cho rằng các chính quyền Mỹ trước đây đã không làm đủ mạnh để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Do vậy, chính quyền mới của Mỹ hiện nay đã điều chỉnh cách tiếp cận, từ “kiên nhẫn chiến lược” và “tích cực can dự nhằm thay đổi hành vi của Trung Quốc” sang “cạnh tranh trực diện về mọi mặt”. Trong NSS và NDS, Mỹ xác định cả Trung Quốc lẫn Nga đều là các “cường quốc xét lại”, thách thức sức mạnh, ảnh hưởng và các lợi ích của Mỹ trên nhiều phương diện, như tuyên truyền, công nghệ, kinh tế và quốc phòng.
Ba là, trong bối cảnh trào lưu dân túy đang trỗi dậy mạnh mẽ, các chính sách của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm gây lo ngại sâu sắc trong số các đồng minh, đối tác của Mỹ ở khu vực, như Nhật Bản và Ô-xtrây-li-a. Ông Đ. Trăm đã không ít lần đề cập tới khả năng rút quân Mỹ ở Hàn Quốc về nước hoặc gây sức ép buộc các nước này phải gánh thêm chi phí quốc phòng. Do vậy, các nước này đã chủ động điều chỉnh chính sách để tìm cách kéo Mỹ ở lại khu vực, gia tăng vai trò và hình thành các liên kết, tập hợp lực lượng mới có lợi cho mình.
Bốn là, do Ấn Độ có vai trò rất quan trọng ở khu vực (cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương), quan hệ Nhật Bản - Ấn Độ, Mỹ - Ấn Độ đang ngày càng “nồng ấm”... Hai bên cũng chia sẻ nhiều quan điểm, lập trường chung, nhiều lợi ích chung to lớn nên Mỹ và Nhật Bản đều muốn lôi kéo Ấn Độ để gia tăng đối trọng với Trung Quốc ở trên toàn tuyến. Trong khi đó, do bố trí lực lượng của Mỹ và đồng minh từ khu vực Nam Đài Loan (Trung Quốc) tới châu Đại dương còn khá mỏng, nên Mỹ và Nhật Bản có xu hướng muốn lôi kéo cả Ô-xtrây-li-a và các nước có quan điểm, lập trường tương tự để tạo thế cân bằng chiến lược mới ở Nam bán cầu.
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ
Ngày 2-6-2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Gi. Ma-tít khẳng định: “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở là một bộ phận trong Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ”. Trong Chiến lược này, Mỹ coi việc làm sâu sắc hơn quan hệ với đồng minh đối tác là một ưu tiên hàng đầu; vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có ý nghĩa sống còn và hoan nghênh sự hợp tác với Trung Quốc bất cứ khi nào có thể.
Trong khi tìm kiếm các cơ hội mới để thúc đẩy hợp tác đa phương thực chất, Mỹ sẽ đẩy mạnh can dự với các cơ chế khu vực hiện có. Chính quyền Mỹ coi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là địa bàn ưu tiên chiến lược. Về chính trị, Mỹ ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia, bất kể lớn, nhỏ; ủng hộ tự do cho mọi quốc gia, tiếp cận không hạn chế đối với các vùng biển, không gian quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp và không sử dụng sức mạnh chèn ép các nước láng giềng, tuân thủ luật pháp và các chuẩn mực quốc tế - vốn tồn tại từ lâu và là nền tảng cho hòa bình, thịnh vượng từ nhiều thập niên qua... Về kinh tế, Mỹ khẳng định sẽ cạnh tranh công bằng với tất cả các bên; theo đuổi chính sách thương mại công bằng, đầu tư tự do, bình đẳng và “có đi có lại”...
Để thực hiện các nguyên tắc trên, Mỹ công bố các nhóm giải pháp cơ bản, bao gồm:
Thứ nhất, mở rộng sự quan tâm đối với không gian biển. Mỹ sẽ duy trì các không gian chung trên biển bằng cách trợ giúp các đối tác xây dựng những lực lượng hải quân và các lực lượng thực thi pháp luật mạnh, hỗ trợ các đối tác xây dựng năng lực nhằm tăng khả năng giám sát và bảo vệ lợi ích và trật tự trên biển.
Thứ hai, tăng cường năng lực và tính liên thông trong tác chiến. Để thực hiện điều này, Mỹ sẽ tài trợ và bán các trang thiết bị quốc phòng tiên tiến cho các đối tác an ninh khu vực, tạo cơ hội về đào tạo quân sự chuyên nghiệp (theo tiêu chuẩn Mỹ) cho các sĩ quan và hạ sĩ quan quân đội các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thứ ba, tăng cường thượng tôn pháp luật, thúc đẩy pháp quyền và quản trị minh bạch. Mỹ cho rằng điều này sẽ giúp hạn chế những tác động xấu có thể ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Sự can dự về quốc phòng của Mỹ sẽ hỗ trợ, bổ sung thêm cho vấn đề này.
Thứ tư, thúc đẩy phát triển kinh tế do khu vực tư nhân dẫn dắt. Mỹ công nhận khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có nhu cầu rất lớn về đầu tư, bao gồm cả kết cấu hạ tầng.
Về các đối tác và các cơ chế khu vực, Mỹ sẽ tiếp tục tham gia sâu rộng vào các thiết chế khu vực hiện hành. Trong số đó, Mỹ sẽ ủng hộ và trợ giúp để ASEAN đóng vai trò trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Một ASEAN đoàn kết và chung tiếng nói có thể giúp duy trì một khu vực tự do và tôn trọng luật pháp quốc tế. Mỹ sẽ tiếp tục tham gia các cơ chế do ASEAN thành lập, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Cấp cao Đông Á (EAS), APEC và các cơ chế hợp tác ba bên, nhiều bên với các đối tác khác.
Ở khu vực Đông Bắc Á, Mỹ đang tập trung nâng cấp, hiện đại hóa các quan hệ liên minh giữa Mỹ và Nhật Bản để đối phó với các thách thức trong thế kỷ XXI. Ở Đông Nam Á, Mỹ sẽ khôi phục quan hệ đồng minh với Phi-líp-pin và Thái Lan, thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững với Xin-ga-po và phát triển quan hệ đối tác mới với các nước chủ chốt ở khu vực, như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Việt Nam. Ở châu Đại Dương, Ô- xtrây-li-a vẫn là một trong những đồng minh lâu đời nhất của Mỹ. Mỹ cũng sẽ khôi phục quan hệ đối tác quốc phòng với Niu Di-lân, đồng thời tăng cường can dự, kết nối với các đồng minh có lực lượng đang đồn trú ở khu vực Thái Bình Dương, như Anh, Pháp và Ca-na-đa để thúc đẩy lợi ích tương đồng. Ở Nam Á, Mỹ đang tăng cường quan hệ đối tác với các nước trong khu vực, nhất là với Ấn Độ. Mỹ coi quan hệ Ấn Độ - Mỹ là mối quan hệ “đối tác tự nhiên” giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới, dựa trên sự tương đồng về lợi ích chiến lược, các giá trị chung, tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Với Trung Quốc, Mỹ chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, bao gồm việc triển khai tên lửa đất đối hải, đất đối không, các hệ thống ra-đa gây nhiễu và triển khai máy bay ném bom cỡ lớn...
Như vậy có thể khẳng định, chính quyền Mỹ dưới thời của Tổng thống Đ. Trăm có những nỗ lực lớn nhằm định hình các mục tiêu, nguyên tắc, nội hàm và định hướng lớn trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trong thời gian tới, khi các nội hàm của chiến lược này được triển khai, sẽ có nhiều tác động và hệ lụy đối với cả thế giới và khu vực nói chung, cũng như Việt Nam nói riêng.
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Nhật Bản
Tương tự như Mỹ, ngay từ rất sớm, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê đã định hình được các mục tiêu, nguyên tắc, nội hàm của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Theo các chuyên gia Nhật Bản, chiến lược này bao gồm ba trụ cột.
Trụ cột thứ nhất là phổ biến và định hình các giá trị cơ bản, như thượng tôn pháp luật, tự do, an ninh, an toàn hàng hải - hàng không. Để triển khai trụ cột này, Mỹ và Nhật Bản sẽ tăng cường bảo vệ các quy tắc và chuẩn mực chung về hàng hải. Mỹ và Nhật Bản cũng sẽ tăng cường phối hợp để đưa ra các thông điệp tại các diễn đàn song phương và đa phương ở khu vực; tăng cường liên kết đồng minh và các nước có cùng quan điểm, lập trường.
Trụ cột thứ hai là tăng cường sự phồn vinh kinh tế ở khu vực. Để triển khai trụ cột này, Mỹ và Nhật Bản sẽ tăng cường gắn kết kinh tế với khu vực, như kết nối thương mại, xúc tiến đầu tư và đẩy mạnh hỗ trợ các nước trong khu vực xây dựng kết cấu hạ tầng chất lượng cao, kiến trúc kinh tế khu vực với tiêu chuẩn cao và quản trị minh bạch, hiệu quả; hỗ trợ xây dựng năng lực trong các lĩnh vực, như nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh và cải cách thể chế...
Trụ cột thứ ba là bảo đảm hòa bình, ổn định. Để triển khai trụ cột này, Mỹ và Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác giao lưu quốc phòng, mà trọng tâm là hợp tác an ninh biển. Đặc biệt, cả hai nước sẽ đẩy nhanh việc hỗ trợ xây dựng năng lực cho các quốc gia ven biển ở châu Á, chủ yếu là ở xung quanh Biển Đông. Đây là điểm đặc biệt có lợi cho các nước khu vực. Mỹ và Nhật Bản sẽ đồng thời vừa tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin, kể cả thông tin tình báo, tăng cường chống khủng bố, cướp biển, vừa giúp nâng cao năng lực cho các nước trong khu vực về cứu trợ thảm họa, viện trợ nhân đạo...
Trong quá trình triển khai, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ được thúc đẩy theo nhiều hướng, như song phương (Nhật Bản - Ấn Độ...), ba bên (Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ, Nhật Bản - Ấn Độ - Ô-xtrây-li-a), bốn bên (Nhật Bản - Mỹ - Ấn Độ - Ô-xtrây-li-a) và khu vực (hợp tác với ASEAN, EAS, ADB...). Mỹ và Nhật Bản đã tham vấn nhiều lần về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm (tháng 11-2017), hai bên đã đưa Chiến lược này vào nội dung cuộc hội đàm thượng đỉnh Nhật Bản - Mỹ tại Thủ đô Tô-ky-ô.
Nhìn chung, các chuyên gia của Mỹ và Nhật Bản đều cho rằng, ASEAN có vị trí quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhật Bản khi xét tới vị trí địa lý và ảnh hưởng của ASEAN đối với trật tự khu vực trong tương lai. Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ đẩy mạnh can dự đối với ASEAN và Đông Nam Á, chủ yếu tập trung vào các đối tác chủ chốt, như Việt Nam, Phi-líp-pin, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a và trên các lĩnh vực thương mại. ASEAN tiếp tục là đối tác quan trọng của Mỹ và Nhật Bản. Quan hệ Mỹ - ASEAN và Nhật Bản - ASEAN là một phần trong chính sách can dự đa tầng nấc của hai nước này đối với khu vực Ấn - Thái, đồng thời góp phần vào nỗ lực chung nhằm duy trì sự can dự của Mỹ/Nhật Bản ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Một số điểm giống và khác nhau trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và Nhật Bản
Về điểm giống nhau, cả Mỹ và Nhật Bản cùng chia sẻ ba mục tiêu, nguyên tắc và nội hàm của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Một là, cả hai nước đều mong muốn duy trì trật tự khu vực hiện hành, đó là một khu vực hòa bình, ổn định, tự do, mở cửa cho tất cả các bên. Hai là, Mỹ và Nhật Bản đều muốn duy trì tự do, an ninh, an toàn hàng hải - hàng không, một khu vực được quản lý dựa trên luật pháp và quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Nói rộng ra, cả Mỹ và đồng minh, đối tác đều muốn đề cao các nguyên tắc dân chủ, tự do, pháp quyền, kinh tế thị trường, sự cởi mở và minh bạch... Ba là, về phạm vi địa lý, Mỹ lẫn Nhật Bản muốn gắn kết Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương với Biển Đông - điểm nối thông giữa hai đại dương quan trọng này. Do vậy, Biển Đông và đặc biệt là Việt Nam cùng Phi-líp-pin là hai nước với vị trí “đắc địa”, có vai trò đặc biệt quan trọng trong Chiến lược này.
Điểm mới đáng chú ý là: 1- Nhật Bản rất chủ động nêu khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản muốn mở rộng diện hoạt động và đóng một vai trò lớn hơn ở khu vực, giảm dần sự phụ thuộc vào “chiếc ô bảo hộ” của Mỹ; 2- Khi công bố nội hàm, Mỹ đề cao các yếu tố kinh tế - thương mại, như tìm cách duy trì hệ thống thương mại và đầu tư khu vực mở, bình đẳng và “có đi có lại”; đề cao vai trò của khu vực tư nhân, nhấn mạnh nhu cầu về phát triển kết cấu hạ tầng ở các đối tác khu vực, tính tương tác, kết nối sâu rộng về kinh tế, thương mại hiện nay ở khu vực... Như vậy, thực chất Mỹ đã thấy được nhu cầu phải có thành tố kinh tế - thương mại, chứ không chỉ tập trung vào quốc phòng - an ninh như tính toán ban đầu của giới chính trị Mỹ. Nói cách khác, về cơ bản Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở vẫn kế thừa hầu hết các nội hàm của Chiến lược xoay trục/tái cân bằng của chính quyền Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma nhưng được triển khai sâu rộng và quyết liệt hơn.
Bên cạnh đó, các nước như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Ô-xtrây-li-a cũng có những tính toán, những cách tiếp cận khác nhau.
Thứ nhất, đối với Mỹ, nước này muốn thông qua Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở để tạo dựng một phòng tuyến từ xa nhằm đẩy các nguy cơ, thách thức đối với nước Mỹ ra càng xa lục địa Mỹ càng tốt. Mỹ muốn Nhật Bản phát huy vai trò chủ động hơn về an ninh khu vực, tự gánh vác nhiều trách nhiệm hơn và phối hợp với Mỹ tốt hơn.
Thứ hai, đối với Nhật Bản, nước này muốn thông qua Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở để đóng vai trò lớn hơn ở khu vực và lôi kéo, duy trì sự cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ an ninh của Nhật Bản. Hơn nữa ở phía Nam Bán cầu (từ đảo Đài Loan trở xuống), do lực lượng của Mỹ và Nhật Bản ở khu vực tương đối mỏng nên Mỹ và Nhật Bản đều muốn tăng cường tập hợp lực lượng, trọng tâm là các nước có thực lực ở khu vực, như Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, Việt Nam...
Thứ ba, với Ấn Độ, qua bài phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi tại Đối thoại Shang-gri La lần thứ 17 diễn ra ở Xin-ga-po, nhìn chung Ấn Độ coi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là “một khu vực tự nhiên và bao trùm” có nhiều mối liên hệ với Ấn Độ trong lịch sử, trong khi chính quyền Mỹ lại coi đây là “một chiến lược có chính sách nhất quán trong một không gian rộng lớn”.
Thứ tư, đối với Ô-xtrây-li-a, tuy là một đồng minh lâu đời của Mỹ ở khu vực, nhưng Ô-xtrây-li-a quan tâm chủ yếu tới khu vực Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Ô-xtrây-li-a chưa có một chiến lược đầy đủ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mặc dù chia sẻ với Mỹ, Nhật Bản về nhiều mục tiêu, nguyên tắc và nội hàm của chiến lược này. Sự quan tâm của Ô-xtrây-li-a tới khu vực Ấn Độ Dương mới bắt đầu trong thời gian gần đây. Hơn nữa, do nguồn lực có hạn và do cả Ấn Độ cùng Ô-xtrây-li-a đều không muốn làm “mất lòng” Trung Quốc nên Ô-xtrây-li-a đang có cách tiếp cận rất thận trọng trong vấn đề này.
Dự báo tác động của Chiến lược đối với Việt Nam
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang mở ra nhiều cơ hội đối với Việt Nam. Có thể thấy rõ, trong Chiến lược này, Việt Nam có lợi ích to lớn trong hầu hết các vấn đề trên cả ba trụ cột. Quan điểm, lập trường của Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng với các nội hàm của cả ba trụ cột nêu trên.
Một là, đa số các mục tiêu, nguyên tắc, nội hàm của Chiến lược này không mâu thuẫn với các quan điểm, lập trường cũng như lợi ích quốc gia của Việt Nam, nếu không nói là có sự tương đồng đáng kể (ở mức độ cao và phân bổ đều trên cả ba trụ cột).
Hai là, về phát triển, Việt Nam cũng đang có nhu cầu to lớn về xây dựng kết cấu hạ tầng chất lượng cao, thúc đẩy kết nối kinh tế, thương mại, xúc tiến đầu tư. Việc Mỹ, Nhật Bản và các đối tác sẵn sàng hợp tác, chia sẻ là điều rất đáng quý.
Ba là, về xây dựng năng lực, Việt Nam mong muốn các đối tác giúp Việt Nam về trang thiết bị, đào tạo, huấn luyện; sẵn sàng phối hợp với các nước để cùng nhau đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Bốn là, Việt Nam luôn mong muốn châu Á - Thái Bình Dương và cả khu vực Ấn Độ Dương là khu vực hòa bình, ổn định, tự do và mở cửa cho tất cả các bên cùng tham gia.
Do vậy, đến nay sơ bộ có thể khẳng định khi Mỹ và Nhật Bản triển khai chiến lược này, sẽ có nhiều nhiều cơ hội được mở ra đối với Việt Nam. Tuy nhiên, Chiến lược này cũng đang đặt ra không ít thách thức đối với nước ta. Cụ thể là:
Thứ nhất, thúc đẩy hợp tác với các nước lớn thường đi kèm với việc tập hợp lực lượng. Cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực đang gia tăng nhanh chóng, Việt Nam cần hết sức tỉnh táo để tránh phải lựa chọn bên này hay bên kia. Xử lý tốt và cân bằng quan hệ giữa các nước lớn chính là chìa khóa quan trọng nhất để thúc đẩy hợp tác, tranh thủ các cơ hội to lớn do Chiến lược này mang lại.
Thứ hai, hiện nay mục tiêu và nguyên tắc của Chiến lược này đã khá rõ, nhưng nội hàm, phương thức triển khai và bước đi cụ thể của mỗi đối tác còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Do đó, chiến lược này cần được theo dõi thêm.
Thứ ba, vẫn còn không ít sự khác biệt giữa bốn nước chủ chốt (Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a và Ấn Độ), trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do vậy, cần xử lý khéo mối quan hệ giữa các nước này.
Tóm lại, sau gần một năm triển khai xây dựng mục tiêu, nguyên tắc, nội hàm... đến nay về cơ bản Mỹ và Nhật Bản đã xây dựng xong bộ khung cho Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hai nước có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng còn không ít khác biệt. Đối với các đối tác chủ chốt, như Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a cũng vậy. Trong Chiến lược này, ASEAN và Việt Nam được đặt ở vị trí cao, là tâm điểm tập hợp lực lượng của tất cả các bên. Tuy nhiên, phản ứng và thái độ của các nước liên quan ở trong và ngoài khu vực đến nay còn khá dè dặt và thận trọng do tất cả các bên đều chưa đánh giá được tác động và hệ quả của Chiến lược này. Theo đó, Việt Nam cần có những bước đi thận trọng, vừa từng bước xây dựng lập trường, quan điểm riêng, vừa theo dõi chặt chẽ tình hình khu vực để đưa ra những điều chỉnh chính sách kịp thời. /.
Khai mạc huấn luyện tiền triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2  (13/12/2018)
Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng  (13/12/2018)
Bế mạc Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023  (13/12/2018)
Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư tại đại hội Hội Nông dân  (12/12/2018)
Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII  (12/12/2018)
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay
- Nhận diện một số tiêu chí cơ bản của xã hội văn minh ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm