Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
TCCS - Ngày 22-12-2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị của Đảng ta trong phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bởi, đây vừa là điều kiện tiên quyết, vừa là thời cơ, đồng thời là đòi hỏi của thực tiễn đối với Việt Nam khi bước vào kỷ nguyên mới. Để làm được điều này cần phải tận dụng tối đa mọi nguồn lực, trong đó có nguồn trí thức Việt kiều.
Vai trò của khoa học - công nghệ
Tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, Bộ Chính trị đã nêu rõ, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.
Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết đã đưa ra 7 nhóm giải pháp cần thực hiện để đạt được các mục tiêu trên, gồm: 1- Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; 2- Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; 3- Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; 4- Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; 5- Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh; 6- Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp; 7- Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Có thể thấy, trong thế giới ngày nay, dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học - công nghệ đã phát triển bùng nổ trên tất cả các lĩnh vực và đang làm thay đổi sâu sắc các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung theo hướng thông minh hơn, hiệu quả hơn và với tốc độ nhanh hơn, biến động khó lường. Các bài học kinh nghiệm thành công trên thế giới, nhất là ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Phần Lan..., cho thấy vai trò to lớn của khoa học - công nghệ đối với sự phát triển và vượt lên của các quốc gia. Đặc biệt, đối với nước ta, để hướng tới một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, vai trò của khoa học - công nghệ được thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, khoa học - công nghệ là cơ sở quan trọng để xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia hiện đại, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, phát triển khoa học - công nghệ góp phần cung cấp giải pháp công nghệ cho hiện đại hóa các ngành công nghiệp nền tảng.
Thứ ba, khoa học - công nghệ góp phần cung cấp giải pháp công nghệ cho việc hình các ngành công nghiệp mới.
Thứ tư, khoa học - công nghệ bảo đảm tiềm lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Thứ năm, khoa học - công nghệ góp phần nâng cao năng lực tự chủ chiến lược, sức cạnh tranh quốc gia, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu trong hội nhập quốc tế.
Thứ sáu, khoa học - công nghệ góp phần bảo đảm cho các ngành công nghiệp chuyển đổi số theo hướng thân thiện môi trường, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Để thực hiện thành công mục tiêu mà Nghị quyết số 57-NQ/TW đề ra, cần coi trọng phát triển nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực khoa học - công nghệ là lực lượng đảm nhiệm việc nghiên cứu, khảo nghiệm và ứng dụng các quy trình công nghệ mới, các thiết bị, công cụ mới vào sản xuất; cải tiến và hệ thống hóa công nghệ truyền thống, nâng cao trình độ công nghệ; là lực lượng đi đầu trong việc lựa chọn, tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ công nghệ mới của thế giới; thực hiện việc dẫn dắt cho những bộ phận có năng lực và trình độ thấp hơn đi lên, qua đó góp phần nâng cao trình độ hiểu biết về khoa học - công nghệ và kỹ thuật sản xuất, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của lực lượng sản xuất.
Phát huy nguồn nhân lực cho khoa học - công nghệ: Kinh nghiệm thu hút Hoa kiều của Trung Quốc
Số người Trung Quốc sống ở nước ngoài, bao gồm cả những người đã đổi quốc tịch, là khoảng 60 triệu. Con số này tiếp tục tăng thêm cùng với lượng lớn du học sinh. 60 triệu người, tương đương với dân số quốc gia đông dân thứ 25 trên thế giới và họ sở hữu số tài sản tương đương quốc gia đứng ở vị trí thứ 8. Điều đó cho thấy, lực lượng này có thể tạo ra ảnh hưởng tương tự một quốc gia phát triển.
Trung Quốc từng đối mặt với vấn đề “chảy máu chất xám” khi nhiều sinh viên, trí thức ra nước ngoài học tập, làm việc và rất ít người hồi hương. Tuy nhiên, từ thập niên 1990, xác định Hoa kiều là “vũ khí bí mật”, Trung Quốc chuyển sang cạnh tranh thu hút nhân tài Hoa kiều để bứt phá, chuyển từ “công xưởng của thế giới” trở thành một nền kinh tế tri thức. Với những chính sách mạnh mẽ, sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan, tổ chức các cấp, Trung Quốc đã tạo nên một môi trường hấp dẫn và đón nhận “làn sóng hồi hương” của nhân tài Hoa kiều. Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp quan trọng, đó là:
Thứ nhất, sử dụng lực lượng cán bộ tại nước ngoài là cầu nối với Hoa kiều. Để khuyến khích Hoa kiều hồi hương, thông qua cán bộ tại các đại sứ quán, lãnh sự quán, Trung Quốc đã tiếp cận, thu hút trí thức nước ngoài tham gia các tổ chức, như Hiệp hội sinh viên nước ngoài hay Hiệp hội nghề nghiệp... Đây là cầu nối giữa trí thức Hoa kiều ở nước ngoài với Trung Quốc. Nhiều thành phố lớn của Trung Quốc cử các phái đoàn tuyển dụng ra nước ngoài để thu hút trí thức Hoa kiều. Đồng thời, Ủy ban phụ trách các vấn đề du học và hồi hương cũng được thành lập để tăng cường các hoạt động thu hút trí thức hồi hương.
Thứ hai, có các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nhân tài hồi hương. Trung Quốc ban hành nhiều chương trình quốc gia trợ cấp cho sinh viên và trí thức ở nước ngoài về tài chính nếu họ trở về, như “Chương trình hỗ trợ tài chính cho những giáo sư trẻ xuất sắc”, “Quỹ ươm mầm cho trí thức hồi hương”, “Chương trình đào tạo cán bộ xuất sắc xuyên thế kỷ”, “Quỹ khoa học quốc gia dành cho trí thức trẻ xuất sắc” và “Chương trình một trăm, một ngàn, mười ngàn”… Bên cạnh đó, các địa phương cũng đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ, như trợ cấp mua nhà, miễn giảm các loại thuế, mở trường cho con em Hoa kiều, tìm việc cho vợ/chồng, cấp giấy phép thường trú.
Thứ ba, đơn giản hóa thủ tục hồi hương. Để tạo điều kiện cho Hoa kiều hồi hương, Chính phủ Trung Quốc đã thành lập các trung tâm hỗ trợ du học sinh hồi hương tại các tỉnh và thành phố để giúp họ tìm việc. Bộ phận đầu tư tại những trung tâm này giúp đỡ Hoa kiều định cư ở nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc và mang công nghệ tiên tiến về cho đất nước. Nhà nước khuyến khích các thành phố xây dựng trường học cho con em của những người hồi hương. Các “trạm sau tiến sĩ” được thành lập, là nơi dừng chân cho những tiến sĩ đào tạo tại nước ngoài chưa tìm được việc tại Trung Quốc. Đối với trí thức Hoa kiều đã đổi sang quốc tịch nước ngoài, Bộ Ngoại giao cấp hộ chiếu dài hạn nếu họ hồi hương.
Thứ tư, đưa người về phục vụ đất nước trong ngắn hạn. Đối với những Hoa kiều chưa có điều kiện hồi hương, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích những người trở về trong thời gian ngắn để tham gia các dự án hợp tác hay giảng dạy. Ngoài mục tiêu thu hút những đối tượng này, chương trình cũng giúp truyền bá thông tin, công nghệ mới về nước và chuyển thông tin cho những trí thức nước ngoài về tình hình ở Trung Quốc. Cùng với đó, Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều biện pháp tăng cường thông tin về tình hình đất nước như thành lập Tạp chí “Shenzhou xueren” làm cầu nối giữa các trí thức nước ngoài và các tổ chức trong nước. Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng tổ chức các cuộc gặp gỡ, hội thảo hằng năm cho trí thức người Trung Quốc ở nước ngoài để giới thiệu về đất nước, con người và các doanh nghiệp trong nước.
Thứ năm, nỗ lực thu hút nhân tài Hoa kiều ở trường đại học và viện nghiên cứu khoa học. Các trường đại học và cơ quan nghiên cứu được Chính phủ Trung Quốc tài trợ để thu hút người tài, đặc biệt là Viện Khoa học Trung Quốc và 9 trường đại học hàng đầu; trong đó 20% kinh phí tài trợ là để tuyển dụng nhân lực trình độ cao từ nước ngoài. Các trường đại học tính thời gian học tập và làm việc tại nước ngoài là một tiêu chuẩn tuyển dụng và thăng chức; viện nghiên cứu khoa học triển khai “Chương trình 100 nhân tài”.
Chính sách thu hút lao động chất lượng cao của Trung Quốc trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI đã đạt được những thành tựu cơ bản, như ngăn chặn được tình trạng “chảy máu chất xám”, “chảy máu trí tuệ”; lao động chất lượng cao của Trung Quốc tăng rõ rệt; thu hút được số lượng lớn tài năng nước ngoài, đặc biệt là lao động chất lượng cao gốc Hoa.
Xu hướng hồi hương để lập nghiệp của Hoa kiều đem lại cho Trung Quốc một nguồn lao động chất lượng cao dồi dào, trở thành động lực cho nền kinh tế thứ 2 thế giới, vốn đang trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế sáng tạo. Những người hồi hương cũng đem về nhiều công nghệ cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học - công nghệ của Trung Quốc.
Để thu hút nguồn lực từ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài
Mặc dù Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, thời kỳ mà dân số trong độ tuổi lao động cao nhất, nhưng nguồn nhân lực, nhất là nguồn lao động chất lượng cao thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng và bất cập về cơ cấu. Đây là thách thức rất lớn. Nhận thức được điều này, trong những năm qua, đã có nhiều chính sách phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ. Cùng với thu hút, trọng dụng nhân tài trong nước, cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, các chuyên gia hàng đầu quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Với cộng đồng khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay, theo ước tính, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng hơn 10% trong tổng số 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tương đương khoảng 600.000 người, gồm hai bộ phận là trí thức từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và trí thức là con em thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư của người Việt ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở các nước phương Tây. Trong xu hướng phát triển chung của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, lực lượng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tăng nhanh về lượng và chất, ngày càng thành đạt, có uy tín ở nước sở tại, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước. Với lợi thế được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến, có kinh nghiệm thực tiễn, làm việc trong môi trường khoa học - công nghệ phát triển cao, đặc biệt có quan hệ sâu rộng ở nước sở tại cũng như trên thế giới, trí thức kiều bào ta ở nước ngoài là lực lượng lao động đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức.
Lực lượng chuyên gia, trí thức, các nhà khoa học kiều bào luôn hướng về quê hương, chủ động bày tỏ nguyện vọng được đồng hành cùng nhân dân trong nước đóng góp cho sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước. Hằng năm, trung bình có khoảng 300 - 500 lượt chuyên gia, trí thức, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia các hoạt động khoa học - công nghệ, triển khai các dự án hợp tác trong giảng dạy, đào tạo nhân lực, nghiên cứu phát triển (R&D), đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu (chương trình GMVP), kết nối cộng đồng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, được triển khai từ năm 2021 - 2023, có sự tham gia của 17 chuyên gia giàu kinh nghiệm. Các chuyên gia này sinh sống và làm việc tại 7 quốc gia và vùng lãnh thổ, như Việt Nam, Australia, Mỹ,... Chương trình đã kết nối 20 startups tiềm năng trên khắp cả nước, hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa dạng, như blockchain, AI, chuyển đổi số, IoT, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, nông nghiệp, truyền thông,...
Tuy nhiên, số lượng và sự đóng góp của nguồn lực này chưa nhiều, để thu hút nguồn lực khoa học - công nghệ từ người Việt Nam ở nước ngoài, từ những kinh nghiệm thu hút chất xám kiều dân để phát triển khoa học - công nghệ của các nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam như sau:
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị về chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và đây là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, qua đó, triển khai hiệu quả công tác thu hút, sử dụng nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ hai, chính sách thu hút chất xám người Việt Nam ở nước ngoài phải phù hợp với điều kiện thực tế của từng giai đoạn phát triển đất nước. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, khi trình độ kinh tế - xã hội và mức sống trong nước còn kém so với các nước phát triển trên thế giới, cần thực hiện chính sách đột phá theo kiểu lựa chọn và tập trung trong hồi hương nhân tài kiều dân. Họ kêu gọi lòng yêu nước, hỗ trợ, tạo môi trường làm việc thuận lợi, trao quyền và tin tưởng giao trọng trách, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để nhân tài Hoa kiều toàn tâm toàn ý với công việc. Vì vậy, trong điều kiện trình độ kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, môi trường học thuật và mức sống còn hạn chế so với các nước phát triển, Việt Nam cần thực hiện những chính sách đột phá để kiến tạo môi trường thuận lợi và thu hút, trọng dụng “chất xám” người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ ba, cần hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai cơ chế, chính sách về thu hút, tuyển chọn, trọng dụng trí thức, đồng thời hoàn thiện năng lực tổ chức thực thiện chính sách. Thu hút lao động chất lượng cao từ bên ngoài phải đi cùng với việc đầu tư nâng cấp hệ thống giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học để đào tạo lao động chất lượng cao trong nước. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy khả năng trong tổ chức thực hiện và thi hành các chính sách, kế hoạch và chương trình. Quan điểm, mục tiêu thu hút cần kèm theo chính sách và cơ chế thực hiện phù hợp, được bảo đảm dựa trên sự cam kết và ủng hộ. Thực tế Việt Nam cho thấy, còn có khoảng cách giữa kế hoạch và khả năng thực hiện, do đó, cần phải có những chiến lược, chính sách, biện pháp thực hiện hợp lý, hiệu quả, huy động được mọi nguồn lực cần thiết.
Thứ tư, bên cạnh kết hợp giữa thu hút và trọng dụng nhân tài hồi hương, cần tạo môi trường xã hội thuận lợi cho lao động nước ngoài đến làm việc. Chú trọng thu hút bộ phận ưu tú nhất, đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Đây là thành phần cơ bản nhất trong đội ngũ lao động chất lượng cao - đội ngũ có thể tạo ra những đột phá, bước ngoặt và lan tỏa, nhân rộng đội ngũ lao động chất lượng cao. Thu hút phải gắn liền với trọng dụng nhân tài, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để nhân tài phát huy năng lực. Nhân tài khoa học - công nghệ được trọng dụng tạo nên sự thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của xã hội về khoa học - công nghệ. Đồng thời, cần thể hiện sự ghi nhận và tôn vinh của Nhà nước đối với giá trị của nhân tài khoa học - công nghệ, tạo sự tin tưởng, động lực hấp dẫn nhân tài hồi hương; có cơ chế tăng cường sự hợp tác giữa nhân tài hồi hương và đồng nghiệp trong nước.
Thứ năm, huy động doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị nghiên cứu trong thu hút “chất xám” kiều bào để nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển. Theo đó, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp đột phá tạo động lực và áp lực đủ mạnh trong hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ; đề ra các chính sách và biện pháp, cơ chế thưởng phạt nghiêm minh, thỏa đáng. Các chính sách ưu đãi gắn với mục tiêu rõ ràng, cụ thể để các doanh nghiệp phải nỗ lực trong phát triển nhân lực khoa học - công nghệ nhằm đạt mục tiêu và hưởng ưu đãi./.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Hà Nội  (28/11/2024)
Ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Ninh Bình và một số định hướng chính sách  (20/09/2024)
Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình: Bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống làm cói bền vững  (11/09/2024)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên