TCCS - Những năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc phát huy vai trò chủ động của đồng bào Công giáo tham gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần để Ninh Bình trở thành một trong những địa phương đi đầu, hoàn thành và về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới.

Những kết quả đạt được

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn xác định xây dựng nông thôn mới với mục tiêu tổng quát là: “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hoà giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" (1). Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, các địa phương đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; các địa phương chưa đạt chuẩn sẽ tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới; đưa nông thôn mới đi vào chiều sâu, hướng tới sự phát triển bền vững, phát triển nông thôn hài hòa với phát triển đô thị.

Ninh Bình là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, là vùng đất nằm ở vị trí giao thoa của các vùng văn hóa: miền núi, đồng bằng, ven biển; là điểm kết nối giữa miền Bắc và miền Trung, giữa miền núi và miền xuôi. Với đặc điểm đó, địa bàn tỉnh cũng là nơi Phật giáo và Công giáo du nhập và phát triển từ rất sớm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 tôn giáo là Công giáo và Phật giáo; trong đó, Công giáo được du nhập từ thế kỷ XVII, phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, với trung tâm là giáo phận Phát Diệm. Toàn tỉnh hiện có 162.015 tín đồ Công giáo, chiếm 16% dân số toàn tỉnh; có Tòa Giám mục Phát Diệm, 87 giáo xứ, 315 nhà thờ, nhà nguyện. Một số địa phương có tỷ lệ người dân theo đạo Công giáo cao, như huyện Kim Sơn (các xã Văn Hải, Kim Mỹ, Kim Trung, Cồn Thoi... của huyện có tỷ lệ giáo dân trên 84% dân số). Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo phát huy vai trò làm chủ, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều giáo xứ, giáo họ và đồng bào Công giáo tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, thực hiện dồn điền, đổi thửa… Trong đó, tiêu biểu có thể kể đến như: huyện Kim Sơn có 25/25 xã có đông đồng bào Công giáo đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Nho Quan có 27/27 xã có đông đồng bào Công giáo đạt chuẩn nông thôn mới, có 42/42 giáo họ hoàn chỉnh dồn điền đổi thửa và hoàn thiện 100% đường làng, ngõ xóm; huyện Yên Khánh đã được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới và các xã có đông đồng bào Công giáo được tỉnh công nhận là những xã tiêu biểu đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới(2).

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 691/QĐ-TTg, ngày 5-6-2018, ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020, ngày 14-5-2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ra Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND, ban hành Bộ tiêu chí “Xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu” tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2019 - 2020, thay thế Quyết định số 30/2017/QĐ-UBND, ngày 29-9-2017. Theo đó, chỉ đạo các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; mỗi huyện, thành phố lựa chọn ít nhất 1 xã để đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, toàn tỉnh có 8 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu gồm: xã Gia Vân, huyện Gia Viễn; xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư; xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn; xã Đồng Phong, huyện Nho Quan; xã Khánh thành và xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh; xã Yên Từ, huyện Yên Mô; xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND, ngày 23-8-2018, ban hành Bộ tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, chỉ đạo ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lựa chọn mỗi xã đạt chuẩn nông thôn mới đăng ký ít nhất 1 thôn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh Ninh Bình đã tích cực vào cuộc, phát huy sức mạnh tổng hợp, sự năng động, sáng tạo của người dân nói chung, đồng bào Công giáo nói riêng để triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới một cách đồng bộ và toàn diện, đạt được nhiều thành tích ấn tượng. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch, đồng thời tạo ra được phong trào thi đua mạnh mẽ trong nhân dân. Tính đến tháng 6-2024, tỉnh có 119/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (tỷ lệ 100%); 50/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao (tỷ lệ 42%); 18/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu (tỷ lệ 15%); 6/6 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới (tỷ lệ 100%); 2/2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (tỷ lệ 100%)(3).

Quán triệt quan điểm “nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu nông nghiệp là then chốt, người nông dân là chủ thể”, kế thừa và phát huy những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2024, trong giai tiếp theo, tỉnh Ninh Bình chủ trương tiếp tục khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể của đồng bào Công giáo trong xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng các huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Một số bài học kinh nghiệm

Từ quá trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Ninh Bình, có thể rút ra một số kinh nghiệm trong việc phát huy vai trò chủ thể của đồng bào Công giáo tham gia xây dựng nông thôn mới như sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo tham gia xây dựng nông thôn mới.

Ngay từ khi có chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp của tỉnh Ninh Bình đã kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tỉnh ủy ban hành các nghị quyết, chỉ thị, thông tri chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các nghị quyết thông qua đề án, phê duyệt đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh về xây dựng nông thôn mới; Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn xây dựng chương trình hành động trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, tỉnh còn xây dựng bộ máy chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới một cách đồng bộ. Thành lập các ban chỉ đạo, văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới ở cấp tỉnh, huyện; ban chỉ đạo và quản lý xây dựng nông thôn mới ở cấp xã; ban phát triển ở thôn, làng thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Sự đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp đã tạo nên sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, góp phần tuyên truyền, vận động có hiệu quả người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó có đồng bào Công giáo tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào Công giáo về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với việc hoàn thiện công tác tổ chức, công tác tuyên truyền được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành của tỉnh Ninh Bình chú trọng triển khai thực hiện, qua đó, tạo được sự chuyển biến về nhận thức và hành động cho cán bộ và nhân dân, trong đó có đồng bào Công giáo về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Bình đã tổ chức 1.728 chuyên mục, 5.750 bản tin, bài, phóng sự truyền hình để tuyên truyền về thực hiện xây dựng nông thôn mới, 10 chương trình truyền hình trực tiếp, 10 chương trình tọa đàm phát triển bền vững. Báo Ninh Bình đăng 946 bài, 435 tin, 966 ảnh về các vấn đề liên quan đến thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trên địa bàn tỉnh đã dựng hơn 25.600 pa-nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền; tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo, hội thi, hội diễn, tọa đàm tuyên truyền trực tiếp và lồng ghép, tham quan các mô hình xây dựng nông thôn mới. Tỉnh cũng phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”,... góp phần thực hiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới.

Để phát huy có hiệu quả vai trò của nhân dân nói chung, đồng bào Công giáo nói riêng trong xây dựng nông thôn mới, một kinh nghiệm từ thành công xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Ninh Bình là phát huy nền nếp dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Thời gian qua, các địa phương của tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị để người dân, đồng bào Công giáo tham gia ý kiến vào các nội dung, biện pháp xây dựng nông thôn mới. Chẳng hạn, xã Khánh Vân (huyện Yên Khánh) tổ chức 152 hội nghị với hơn 20.000 lượt người tham gia; xã Văn Hải (huyện Kim Sơn) - địa phương có trên 84% dân số theo đạo Công giáo, tổ chức 29 buổi tọa đàm, 37 cuộc họp dân chính đảng về chương trình, đề án xây dựng nông thôn mới...(4)

Không chỉ huy động nhân dân hiến kế xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh Ninh Bình còn tích cực vận động người dân, đồng bào Công giáo đóng góp tiền của, công sức cho việc thực hiện từng tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong 9 năm, từ năm 2011 đến năm 2019, nhân dân trong toàn tỉnh đã đóng góp 670 tỷ đồng, trên 450.000 ngày công, hiến trên 1.185ha đất và phá dỡ, di chuyển hàng nghìn công trình để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước đồng bộ, hiện đại. Trong phong trào chung đó, xuất hiện nhiều tấm gương sáng trong đồng bào Công giáo đóng góp tiền của, công sức, đất đai cho xây dựng nông thôn mới. Đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh còn tích cực tham gia tất cả các khâu, bước, nội dung xây dựng nông thôn mới, như xây dựng kế hoạch, quy hoạch, đề án; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất; xây dựng văn hóa, môi trường,…

Thứ tư, phát huy có hiệu quả vai trò của chức sắc, chức việc, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo tham gia xây dựng nông thôn mới.

Trong các giáo xứ, chức sắc, chức việc giữ vị trí, vai trò quan trọng trong việc tổ chức, điều hành hoạt động tôn giáo theo giáo lễ, giáo điều, đồng thời cũng có vai trò to lớn trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội. Ở những địa phương có đông đồng bào Công giáo, ảnh hưởng của các chức sắc, chức việc đối với việc tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia xây dựng nông thôn mới là không nhỏ.

Quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Ninh Bình thời gian qua, các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong đồng bào Công giáo đã có nhiều hoạt động thiết thực để tuyên truyền, giúp đồng bào hiểu rõ về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung xây dựng nông thôn nới. Các linh mục, chức sắc, chức việc còn vận động đồng bào xây dựng đường làng, ngõ xóm, kênh mương, với tinh thần “Đẹp xóm làng, đẹp xứ, họ đạo, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng”; vận động đồng bào thực hiện dồn điền đổi thửa, tổ chức lại sản xuất, tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình công cộng. Theo đó, có thể thấy, để phát huy vai trò của đồng bào Công giáo trong xây dựng nông thôn mới, cần chú trọng tuyên truyền để các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong đồng bào Công giáo hiểu sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa nhân văn, mục tiêu, tiêu chí, các nội dung xây dựng nông thôn mới, thông qua họ để truyền đạt các nội dung này đến đồng bào Công giáo và động viên đồng bào tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Thứ năm, chú trọng tổ chức tốt các phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong đồng bào Công giáo về xây dựng nông thôn mới.

Để đạt được những mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới, cần phát động và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin, phổ biến và nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến, kinh nghiệm hay trong xây dựng nông thôn mới… Đối với đồng bào các tôn giáo, để phát huy vai trò của đồng bào trong xây dựng nông thôn mới, thực tiễn tỉnh Ninh Bình thời gian qua cho thấy, tỉnh đã phát động, tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua gắn với đặc điểm tôn giáo của địa phương nhằm thực hiện thắng lợi nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ở những địa phương có đông đồng bào Công giáo, các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”; xây dựng “Xứ, họ đạo bình yên về an ninh trật tự gắn với xây dựng nông thôn mới”; hiến tặng giác mạc;… được triển khai đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Qua đó, nhiều khu dân cư của đồng bào Công giáo đã trở thành khu dân cư điển hình tiên tiến về phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; nhiều gia đình đồng bào Công giáo đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới… Có thể nói, khơi dậy truyền thống yêu nước kết hợp với tổ chức và đổi mới nội dung thi đua sát với tình hình, đặc điểm đồng bào tôn giáo của địa phương trong xây dựng nông thôn mới chính là một bài học kinh nghiệm quý báu để tỉnh Ninh Bình đạt được nhiều thành công trong xây dựng nông thôn mới những năm vừa qua./.

--------------------

(1) Xem: Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Hội nghị Trung ương 7 khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

(2) Xem: Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010 - 2020) của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình

(3) Xem: Minh Đường: “Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024”, Báo Ninh Bình điện tử, https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-don-doc-hoan-thanh-muc-tieu-659517.htm

(4) Xem: Báo cáo phong trào thi đua yêu nước, “Sống tốt đời đẹp đạo” trong đồng bào Công giáo lần thứ V, giai đoạn 2015 - 2020 của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình