Mô hình phát triển “xanh” tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình

Nguyễn Thị Mai Lan
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
22:49, ngày 20-11-2024

TCCS - Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Yên Mô đã bắt tay vào xây dựng lộ trình và tổ chức thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, mục tiêu đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện phát triển hơn nữa, đi vào chiều sâu và bền vững hơn. Đặc biệt, hiện nay Yên Mô thực hiện được nhiều mô hình nông nghiệp xanh, hài hòa thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái theo chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh Ninh Bình về phát triển xanh.

Tăng trưởng xanh: Tiền đề để phát triển bền vững

Phát triển bền vững đang là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong những năm qua và trong tương lai, theo đó tăng trưởng xanh với sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường chính là tiền đề để thực hiện mục tiêu này.

Hiện nay, tăng trưởng xanh là xu hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Tăng trưởng xanh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên. Tại Việt Nam, vấn đề tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương, định hướng phát triển, trong đó có Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Ngày 25-9-2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chính phủ Việt Nam khẳng định: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”. Mục tiêu chung được Chính phủ đặt ra là “Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội”. Trong đó, có ba nhiệm vụ chiến lược được đề ra: Thứ nhất, giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thứ hai, xanh hóa sản xuất; Thứ ba, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là cơ sở pháp lý quan trọng để chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định, phát triển nhanh và bền vững và phát triển kinh tế xanh: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Ngày ngày 1-10-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 cũng đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Chiến lược đặt ra mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, trong đó nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Yên Mô chú trọng phát triển nông nghiệp, công nghiệp xanh

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ để cung cấp thực phẩm an toàn, đồng thời đảm bảo hệ sinh thái bền vững, bảo vệ môi trường... là mục tiêu mà huyện Yên Mô đề ra để hướng tới phát triển ngành nông nghiệp bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, HĐND huyện Yên Mô đã thông qua Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025. Quá trình triển khai, ngành nông nghiệp huyện đã rà soát, lựa chọn đi đôi với thường xuyên tập huấn, hướng dẫn cho các hộ dân ứng dụng, lắp đặt hệ thống nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm và đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào thâm canh. Đến nay, Yên Mô đã xây dựng được gần 2,5 ha diện tích nhà màng, nhà lưới chuyên canh các cây trồng như: dưa vân lưới, dưa kim, dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột baby, nho sữa... theo hướng an toàn, hữu cơ.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Mô, toàn huyện hiện có 38 ha sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, canh tác trong nhà lưới, tưới nước tiết kiệm cho giá trị thu nhập 300 - 500 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại đạt trên 60% diện tích. Các xã Yên Thái, Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Phong đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tổ chức canh tác luân canh 4 vụ/năm các cây màu có giá trị kinh tế cao với quy mô 80 ha cho giá trị thu hoạch 300 - 350 triệu đồng/ha.

Huyện cũng tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mở rộng các vùng sản xuất rau quả hàng hóa tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn sinh thái với quy mô 145 ha ở các xã Yên Hòa, Yên Từ, Khánh Dương, Mai Sơn. Sản xuất vụ đông tiếp tục được tập trung chỉ đạo theo hướng bảo đảm hiệu quả. Cơ giới hóa trong nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi, đến nay 100% diện tích đất làm bằng máy, các trang trại, gia trại trang bị các máy chuyên dụng, trên 90% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch theo hướng trang trại, gia trại với hình thức công nghiệp, an toàn sinh học, số lượng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khu dân cư giảm trên 50% so với năm 2015.

Cùng với đầu tư đổi mới trong phát triển nông nghiệp, những năm gần đây, với sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo và chính quyền địa phương, Yên Mô đã chú trọng đẩy mạnh thu hút đầu tư, mở rộng quy mô và nâng cao giá trị của các cụm công nghiệp trên địa bàn. Huyện không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất mà còn hình thành một môi trường đầu tư hấp dẫn, thúc đẩy các doanh nghiệp đến khai thác tiềm năng sẵn có. Trên địa bàn huyện hiện có 2 cụm công nghiệp là Cụm công nghiệp Khánh Thượng và Cụm công nghiệp Yên Lâm. Cả hai cụm công nghiệp này đều được đầu tư và mở rộng liên tục, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, với định hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, Yên Mô không ngừng nỗ lực để lấp đầy các cụm công nghiệp và ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Huyện đã xây dựng chiến lược thu hút đầu tư hiệu quả, tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng cao và ít gây ô nhiễm, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Theo số liệu thống kê năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng của huyện đạt 1.835 tỷ đồng, có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Tổng vốn đầu tư vào ngành công nghiệp của huyện cũng đạt hơn 4.000 tỷ đồng, thể hiện sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Những kết quả trong phát triển công nghiệp không chỉ giúp Yên Mô tạo nên diện mạo kinh tế mới mà còn mang đến cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng đời sống người dân. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp và dịch vụ đã kéo theo các ngành phụ trợ và thương mại phát triển, từ đó thúc đẩy sự gia tăng doanh thu và đóng góp đáng kể vào ngân sách huyện.

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và giá trị. Năm 1994, toàn huyện có 7 doanh nghiệp và hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp với quy mô nhỏ, giá trị sản xuất mới chỉ đạt 14,25 tỷ đồng thì đến năm 2019, toàn huyện có 188 doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực. Huyện đã quy hoạch được 4 cụm công nghiệp và 17 điểm công nghiệp, có 11 làng nghề được công nhận làng nghề cấp tỉnh và 01 làng nghề truyền thống. Trên địa bàn huyện có Nhà máy Giày ATHENA tại xã Yên Lâm có quy mô thiết kế cho 8 nghìn lao động đang hoạt động hiệu quả và cụm công nghiệp Khánh Thượng đang được tích cực triển khai thu hút các nhà đầu tư.

Xây dựng đường làng xanh, môi trường trong sạch

Song song với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, công tác an sinh xã hội được bảo đảm, bộ mặt nông thôn mới ở Yên Mô có nhiều đổi mới. Hệ thống đường giao thông liên huyện, liên xã cơ bản đạt chuẩn, đảm bảo kết nối, giao thương thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đường giao thông thôn xóm được cứng hóa bằng bê tông xi-măng. Huyện tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp 81,45 km đường giao thông nông thôn. Đến nay, 100% số xã có đường tới trung tâm xã được nhựa hóa, bê-tông hóa đạt chuẩn theo quy định; 100% số thôn, xóm có đường ngõ, xóm bằng bê tông, đường giao thông trục chính nội đồng cơ bản được cứng hóa đảm bảo xe cơ giới đi lại thuận lợi, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất và dân sinh.

Xác định môi trường là yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân và bộ mặt nông thôn, cùng với việc tập trung xây dựng phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Yên Mô đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của hoạt động bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn đến nhân dân trên địa bàn huyện. Tổ chức lễ phát động trồng cây với sự hưởng ứng của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và nhân dân trong huyện, tính riêng trong quý I, toàn huyện đã trồng 8.500 cây xanh trên các tuyến đường giao thông, công sở, trường học, doanh nghiệp.... Trồng thêm 51 km đường hoa, vẽ trên 200 tranh bích họạ, tranh cổ động để tạo cảnh quan nông thôn trên địa bàn các xã, thị trấn. Mặt khác, huyện xác định, phân loại rác thải tại nguồn là việc rất quan trọng để giảm gánh nặng cho môi trường khi những đồ nhựa, túi nilon phải mất vài chục năm mới phân hủy được. Năm 2024, huyện Yên Mô dành gần 2 tỷ đồng cho các hoạt động bảo vệ môi trường, riêng hỗ trợ thực hiện phân loại rác thải gần 400 triệu đồng. Hiện tỷ lệ hộ dân làm tốt phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đạt 58,8%. Song song với đó, huyện đã ban hành các kế hoạch chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Triển khai tháng cao điểm tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường và môi trường chăn nuôi trong tháng 5. Chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra môi trường chăn nuôi của các trang trại, gia trại chăn nuôi, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; đặt thêm thùng chứa bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các khu vực sản xuất.

Huyện Yên Mô đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ và thách thức trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Mô cần tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra./.