Đảng bộ tỉnh Lai Châu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030
TCCS - Với đặc thù một tỉnh miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, qua các nhiệm kỳ, đặc biệt là nhiệm kỳ gần đây, Đảng bộ tỉnh Lai Châu luôn chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số, trong đó có đội ngũ cán bộ cấp xã. Những kết quả đạt được trong thời gian qua là tiền đề giúp cho tỉnh Lai Châu thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý ngang tầm nhiệm vụ đến năm 2030.
1- Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 84% dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, Tỉnh ủy Lai Châu luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp bảo đảm về số lượng, có năng lực trình độ ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Đặc biệt, Tỉnh ủy Lai Châu xác định việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững.
Nhận thức sâu sắc vấn đề này, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã xác định chương trình trọng điểm và Tỉnh ủy Lai Châu ban hành nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu ban hành kế hoạch để tổ chức, triển khai thực hiện nghị quyết; lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị quán triệt và cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện.
Tỉnh ủy Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trước hết là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số; chăm lo hỗ trợ điều kiện học tập cho học sinh vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Tập trung quy hoạch, xây dựng, sắp xếp lại hệ thống trường, lớp học phù hợp với tình hình thực tiễn; tiếp tục phát triển các trường bán trú tại trung tâm xã, cụm xã phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh, mở rộng quy mô số lớp, giao tăng chỉ tiêu đào tạo cho một số trường phổ thông dân tộc nội trú, nhất là Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, để tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số; đồng thời, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường tổ chức các hội thi, cuộc thi học sinh giỏi, kịp thời phát hiện học sinh giỏi, nhất là học sinh là người dân tộc đặc biệt ít người, có ít cán bộ, như Mảng, Si La, La Hủ, Cống, Khơ Mú để đưa đi đào tạo tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, xét cử tuyển đi học ở các trường chuyên nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Lai Châu có 1.936 học sinh đi học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú trong tỉnh, 117 học sinh học tại Trường Hữu nghị 80, Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc...; 13 học sinh đi đào tạo trình độ đại học hệ cử tuyển tại Trường Đại học Tây Bắc.
Song song với việc tạo nguồn cán bộ, hằng năm, tỉnh Lai Châu dành 40% số chỉ tiêu để ưu tiên tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào làm công chức, viên chức. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã tuyển dụng được 368 công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số vào làm việc tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; một số dân tộc đặc biệt ít người đã có cán bộ, công chức, viên chức ở cả 3 cấp. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành quy định về quy hoạch cán bộ, trong đó quy định rõ tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp; chỉ đạo thực hiện phê duyệt quy hoạch đội ngũ cán bộ cơ bản bảo đảm tỷ lệ người dân tộc thiểu số và thành phần dân tộc phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị; tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong quy hoạch cấp tỉnh là 37%, cấp huyện là 47%, cấp xã là gần 80%.
Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ và tiêu chuẩn chức danh, tỉnh Lai Châu chú trọng cử cán bộ là người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã đi đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị; quan tâm bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới theo yêu cầu vị trí việc làm. Để thực hiện tốt công tác này, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số và ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai thực hiện. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Lai Châu đã cử 2.205 lượt cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số đi đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu cũng thực hiện luân chuyển cán bộ là người dân tộc thiểu số từ các sở, ngành của tỉnh về công tác tại các huyện, thành phố, trong đó 1 đồng chí giữ chức vụ phó bí thư cấp ủy, 1 đồng chí giữ chức vụ phó chủ tịch ủy ban nhân dân huyện. Đồng thời, tỉnh tiếp tục lựa chọn cán bộ ở các phòng, ban của huyện, thành phố có năng lực, uy tín, hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định để luân chuyển về giữ các chức vụ chủ chốt ở cấp xã và luân chuyển giữa các xã; theo đó, đã luân chuyển 11 đồng chí, trong đó từ huyện xuống xã là 8 đồng chí, từ xã này sang xã khác là 3 đồng chí. Công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, công khai, minh bạch. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Lai Châu đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử 230 cán bộ là người dân tộc thiểu số giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện; giới thiệu ứng cử 122 cán bộ chủ chốt cấp xã.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ chủ chốt cấp xã của tỉnh Lai Châu đã được quan tâm kiện toàn, bảo đảm về số lượng, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đến nay, có 60% số sở, ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh có cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số; gần 16% số trưởng phòng, phó phòng và tương đương thuộc các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số; 8/8 huyện, thành phố có cán bộ là người dân tộc thiểu số trong thường trực cấp ủy, lãnh đạo hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân; 130/263 phòng, ban, cơ quan cấp huyện có cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số. Có 7.604 cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện là người dân tộc thiểu số; trong đó cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 463 người (6,09%); tỷ lệ cán bộ có trình độ chuyên môn sau đại học đạt 27,6%, có trình độ cao cấp lý luận chính trị đạt 79,75%, có trình độ quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính trở lên đạt 62,4%. Cán bộ chủ chốt cấp xã có 333 người, tất cả đều bảo đảm điều kiện theo tiêu chuẩn chức danh, trong đó số có trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt 78,67%, số có trình độ lý luận chính trị cao cấp đạt 37,53%, góp phần tạo nguồn cán bộ có chất lượng cho cấp tỉnh, huyện. Hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực, uy tín, bảo đảm các điều kiện về tiêu chuẩn chức danh; cơ bản được đánh giá, xếp loại hằng năm hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (cấp tỉnh đạt 98,52%, cấp huyện đạt 98,08%, cấp xã đạt 93,69%); nhiều đồng chí đã được rèn luyện qua thực tiễn, sâu sát cơ sở; có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần thúc đẩy đội ngũ cán bộ của tỉnh Lai Châu ngày càng phát triển vững mạnh về mọi mặt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; đồng thời, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của cán bộ là nhân tố quyết định đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
2- Để thực hiện thắng lợi mục tiêu về xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ chủ chốt cấp xã của tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Lai Châu tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ chủ chốt cấp xã; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược, lâu dài; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong triển khai thực hiện, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh nói chung, cán bộ là người dân tộc thiểu số nói riêng có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh.
Hai là, tiếp tục làm tốt công tác tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số, coi đây là giải pháp trọng tâm và xuyên suốt; trong đó, chú trọng phát hiện học sinh giỏi, xuất sắc, nhất là học sinh của dân tộc đặc biệt ít người, hiện nay chưa có cán bộ hoặc có ít cán bộ, để đưa đi đào tạo tại các trường phổ thông dân tộc nội trú và cử đi đào tạo đại học cử tuyển. Thực hiện đầy đủ chính sách ưu tiên đối với học sinh là người dân tộc thiểu số. Tiếp tục quan tâm củng cố hệ thống trường đào tạo của tỉnh; tổ chức thực hiện hiệu quả việc điều chỉnh quy mô trường, lớp, học sinh; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhất là Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh và Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn.
Ba là, quan tâm tuyển dụng công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Tiếp tục lựa chọn, tiếp nhận cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số vào làm công chức cấp huyện, cấp tỉnh. Nâng cao chất lượng quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã, lấy hiệu quả công việc, năng lực và uy tín cán bộ làm cơ sở để quy hoạch cán bộ; chú trọng quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ bảo đảm phù hợp với từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực; gắn quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp xã với quy hoạch cán bộ cấp huyện. Qua hiệu quả thực tế công việc, phải kịp thời phát hiện nhân tố mới để bổ sung quy hoạch; đồng thời, đưa ra khỏi quy hoạch đối với cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn, năng lực còn hạn chế.
Bốn là, thực hiên nghiêm túc, dân chủ, chặt chẽ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Chú trọng kiện toàn cán bộ, thực hiện bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số ở các cơ quan, đơn vị bảo đảm lộ trình đề ra. Tiếp tục làm tốt công tác bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng là người dân tộc thiểu số, nhất là ở một số sở, ngành chưa có hoặc có ít cán bộ là người dân tộc thiểu số; chuẩn bị tốt nguồn nhân sự cấp ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031. Quan tâm bố trí cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số giữ các chức vụ chủ chốt cấp xã. Tăng cường luân chuyển cán bộ từ tỉnh về cấp huyện, từ cấp huyện về cấp xã và ngược lại để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh; gắn luân chuyển cán bộ với việc bố trí một số chức danh cán bộ không là người địa phương.
Năm là, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung, cán bộ là người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã nói riêng. Chú trọng đào tạo chuyên sâu để có đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số giỏi trên từng ngành, lĩnh vực; tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ ngày càng cao, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước./.
Đảng bộ tỉnh Bắc Giang xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ  (04/06/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên