Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương
TCCS - Ngày 22-12-2023, tại thành phố Ninh Bình, Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: "Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương".
Các đồng chí: PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; TS.KTS Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS. TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; TS Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình; GS.TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đồng chủ trì hội thảo. Cùng dự hội thảo có đông đảo các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Trưởng Ban Tổ chức hội thảo cho biết, hội thảo khoa học quốc tế: "Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương" là một trong những hoạt động khoa học có ý nghĩa rất quan trọng, đóng góp thêm những luận cứ khách quan, khoa học, những bài học kinh nghiệm cho việc hoạch định chính sách để tỉnh Ninh Bình thực hiện thành công các mục tiêu lớn đã đề ra; đồng thời, góp phần tổng kết thực tiễn, những kinh nghiệm từ thực tiễn đề xuất với Trung ương ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh, Ninh Bình là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa với tài nguyên di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, đa dạng, có giá trị nổi bật, mang bản sắc văn hóa đặc sắc riêng có, hội tụ đầy đủ tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển nhanh và bền vững. Cách đây hơn 3 vạn năm, Ninh Bình từng là nơi cư trú của người tiền sử. Thế kỷ X, nơi đây được chọn làm quốc đô đầu tiên của nhà nước Đại Cồ Việt gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại: Đinh - Tiền Lê - Lý. Ninh Bình sở hữu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, di sản kép đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện nay của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tỉnh có gần 2.000 di tích và danh thắng, trên 400 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu gồm những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất, nghệ thuật diễn xướng dân gian, nghề thủ công truyền thống…Đây là những giá trị căn cốt của không gian văn hóa cố đô xưa, được người dân Ninh Bình các thế hệ gìn giữ, lưu truyền, phát huy trong suốt hành trình lịch sử của vùng đất, của dân tộc; là bằng chứng về sự trường tồn của lịch sử, bản sắc tộc người và sáng tạo văn hóa của người dân Ninh Bình; cũng là tiềm năng, nguồn lực và động lực để Ninh Bình phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, xây dựng thương hiệu di sản văn hóa có tính nhận diện và cạnh tranh cao.
Xác định di sản là thế mạnh của tỉnh Ninh Bình trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiều năm trở lại đây, Ninh Bình đã coi trọng, đầu tư các nguồn lực cho văn hóa, chủ động, tích cực thực hiện nhiều biện pháp, cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh không ít mâu thuẫn, xung đột, đòi hỏi các cấp chính quyền phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện cơ chế, chính sách, mở rộng hợp tác trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương trong vùng, trong nước, quốc tế để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội. Mối quan hệ này nếu được giải quyết tốt sẽ tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển, nhưng nếu không tốt sẽ dẫn đến tình trạng di sản được bảo vệ nhưng không đóng góp được cho sự phát triển hoặc sự phát triển làm cho di sản mai một.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu rõ, Hội thảo khoa học quốc tế về "Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương" có ý nghĩa quan trọng, trước hết là nhằm cụ thể hóa đường lối văn hóa của Đảng, quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Đây cũng là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các nhà lãnh đạo, nhà quản trị cùng nhau thảo luận, tìm các giải pháp cơ bản nhằm giải quyết hài hòa, hiệu quả mối quan hệ giữa phục dựng, phát huy các giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, hiện nay, cách tiếp cận về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chưa sát với thực tiễn; chưa có những đầu tư xứng đáng cả về kinh phí lẫn nguồn lực để phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa một cách xứng đáng. Điều đó dẫn đến việc có thể phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa tốt nhưng lại chưa khai thác được giá trị kinh tế - xã hội của di sản; hoặc ngược lại, có thể tạo ra những giá trị kinh tế cao nhưng lại gây tổn hại đến các di sản văn hóa khi bị khai thác quá mức; hay việc phục dựng, bảo tồn không phù hợp với tính chất của một di sản văn hóa. Bên cạnh đó, việc giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội chưa được đặt trong các chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương, của vùng. Điều này đòi hỏi từ phương diện quản trị vùng và địa phương phải có quan điểm, chủ trương, chính sách đúng đắn giải quyết hài hòa, hiệu quả mối quan hệ biện chứng giữa chúng, nhằm phản ánh quy luật phát triển của văn hóa Việt Nam trong tiến trình xây dựng đất nước; giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế nói chung, giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội nói riêng; đồng thời, khẳng định vai trò quan trọng của phát triển địa phương, liên kết vùng trong tổng thể phát triển quốc gia.
Theo PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà, với Ninh Bình, việc kết nối, học tập kinh nghiệm, thống nhất quan điểm và hành động với các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các tỉnh "hàng xóm" có ý nghĩa rất quan trọng. Kết hợp và giải quyết tốt mối quan hệ liên vùng, liên cấp, liên ngành trong công tác quản trị địa phương, quản trị quốc gia về phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức sâu sắc mối quan hệ biện chứng giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội từ phương diện quản trị vùng và đia phương có ý nghĩa quan trọng để chúng ta khơi dậy, phát huy nguồn sức mạnh mềm, hoán chuyển các tài nguyên di sản văn hóa thành những nguồn lực, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, làm cho các di sản văn hóa ngày càng lan tỏa, thấm sâu hơn trong các hoạt động của chúng ta. Theo đó, hội thảo không chỉ nhằm giải quyết các vấn đề hiện tại của mối quan hệ này trong trước mắt, mà là cơ sở quan trọng để giải quyết những vấn đề mang tính căn cơ, lâu dài, đặt nền tảng cho việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hội thảo được tổ chức thành 3 phiên chuyên đề, với 73 tham luận và 22 ý kiến phát biểu trực tiếp và trực tuyến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản trị đến từ nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về nhận thức chung, từ đó tìm đến các giải pháp cơ bản nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phục dựng, phát huy các di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình trình bày Báo cáo trung tâm đã nêu rõ: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương, tỉnh Ninh Bình đang từng bước thực hiện một số giải pháp giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội, bước đầu đã có những kết quả nhất định. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới được xác định là "Phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội, trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa-lịch sử, cảnh quan thiên nhiên cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư làm nguồn lực và động lực phát triển", hướng tới xây dựng tỉnh Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương với tiêu chí là đô thị di sản thiên nhiên kỷ. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp được xác định là động lực, là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, tạo nền tảng khai thác có hiệu quả và bảo vệ giá trị văn hóa, lịch sử Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, để đạt được mục tiêu đó, Ninh Bình đã và đang đề xuất, tổ chức thực hiện một số giải pháp như: Xác định rõ vấn đề và đổi mới cách tư duy về phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Thường xuyên đổi mới cách thức và phương pháp tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến và thu hút các nhà đầu tư; Đẩy mạnh xây dựng đô thị di sản gắn với đô thị 4.0, để Ninh Bình là một trong những cửa ngõ, là trung kết nối với thế giới; tạo môi trường sống lý tưởng của các thương nhân và gia đình họ từ khắp nơi trên thế giới; phát triển bền vững với sự hỗ trợ của công nghệ gắn với kinh tế tuần hoàn; cho phép thí điểm mô hình chính quyền đô thị hiện đại; Xây dựng môi trường để thử nghiệm những ý tưởng mới, sáng tạo, gắn với những xu hướng mới như: công nghệ block chain, kinh tế tri thức, kinh tế số, và kinh tế tuần hoàn; Xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại… Đồng thời, phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Ninh Bình, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Đồng chí TS. KTS. Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, Ninh Bình nên định vị cho mình một hướng phát triển riêng, mới trong tương lai, như việc chọn hướng đi nào để xây dựng thành phố Ninh Bình; nên làm gì để Ninh Bình trở thành một đô thị di sản - du lịch và phong cảnh. Nếu hướng tới một đô thị phát triển toàn diện theo các tiêu chí đang đặt ra hiện nay thì Ninh Bình khó có thể cạnh tranh được với Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long. Nếu chỉ gọi là đô thị di sản thì không đủ cho dư địa phát triển của Ninh Bình mà cần đặt thành phố Ninh Bình vào sự phát huy tài nguyên và thế mạnh tiềm tàng đang nổi trội, đặc biệt, làm cho Ninh Bình trở thành một thành phố độc nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cần xây dựng Quy chế đặc biệt cho việc cải tạo, phong cảnh hóa thành phố hiện hữu; xây dựng Quy hoạch chung cho thành phố Hoa Lư, lấy yếu tố tài nguyên thiên nhiên sinh thái làm chủ đạo…
Tham luận tại hội thảo, GS.TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tham luận nội dung "Con đường di sản: từ Kinh đô Hoa Lư thế kỷ X đến đô thị di sản thiên niên kỷ Hoa Lư thế kỷ XXI" đã đưa ra những nhận diện về Kinh đô Hoa Lư thế kỷ X; đô thị di sản thiên niên kỷ Hoa Lư đầu thế kỷ XXI để từ đó khẳng định quá trình tiến tới một đô thị di sản thiên niên kỷ văn minh, hiện đại hàng đầu của cả nước và có tầm vóc quốc tế, cũng đồng thời là quá trình hoàn thiện dần các tiêu chí để Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. TS Phùng Quốc Hiển, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định những điểm tốt của Ninh Bình là mô hình trong quản trị vùng và địa phương, Ninh Bình hôm nay là bảo tàng về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa và xã hội. Do đó đề xuất 4 vấn đề cần quan tâm: các di sản văn hóa cần được quy hoạch tổng thể; phải bố trí nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp, thực hiện tốt phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"; làm tốt công tác quản trị vùng, huy động sự vào cuộc của người dân…
GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nêu rõ, hội thảo đã làm rõ hơn, sâu sắc hơn những giá trị văn hóa hết sức quý báu của tỉnh Ninh Bình và quá trình Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Ninh Bình phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Nhìn từ góc nhìn quản trị địa phương, Ninh Bình đã thành công lớn trong việc kết hợp và phát huy sức mạnh của các chủ thể là các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp, các đoàn thể và nhân dân, thành công trong việc phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa, khai thác thành công những tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của phát triển. Qua đó tạo ra những giá trị mới đó là bản sắc Ninh Bình, bản sắc Cố đô, trong đó có những giá trị mang tầm vóc quốc tế. Thực tế cho thấy, văn hóa là nguồn lực nội sinh, là nguồn lực phát triển được tỉnh Ninh Bình chứng minh rất sinh động. Để phấn đấu trở thành di sản đô thị thiên niên kỷ, theo GS.TS Phùng Hữu Phú, Ninh Bình còn nhiều việc phải làm, cần cách tiếp cận mới là tiếp cận từ quản trị vùng; làm sao lấy sức mạnh, lấy giá trị văn hóa Ninh Bình hòa vào giá trị văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng để tạo ra giá trị văn hóa mới, nâng tầm văn hóa Ninh Bình. Hiện nay, Ninh Bình đang đứng trước một vận hội mới khi có đầy đủ về mặt cơ sở pháp lý, chính trị cũng như tiềm năng về văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng là vô cùng phong phú. Nếu làm được việc gắn các di sản văn hóa, gắn quá trình phục dựng, bảo tồn với toàn bộ mạng lưới văn hóa thì văn hóa Ninh Bình còn cất cánh bay xa hơn...
Hội thảo cũng đã nghe chia sẻ kinh nghiệm của các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế đến từ Australia, Italia, Nhật Bản, Tổ chức UNESCO, Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa dưới lòng đất Đông Nam Á... đề cập đến các vấn đề: Tầm quan trọng của việc chia sẻ các cách thức phục dựng, bảo tồn di sản, sử dụng di sản như một phương thức kích thích phát triển kinh tế; những kinh nghiệm trong bảo tồn di sản văn hóa tại địa phương Venice, Italia, nhất là những thách thức trong việc bảo tồn di sản với phát triển du lịch, làm sao để bảo vệ giá trị lịch sử mà vẫn khai thác hiệu quả giá trị kinh tế... Đó là những kinh nghiệm quý mà tỉnh Ninh Bình cũng như các địa phương có di sản có thể học tập.
Các ý kiến tham luận của đại diện doanh nghiệp tại Ninh Bình đã nêu bật một số vấn đề từ thực tiễn phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường xác định mục tiêu "lấy hạnh phúc của người dân" trong phục dựng, bảo tồn di sản, giúp nâng cao đời sống người dân địa phương vùng có di sản; quan tâm tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử; sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và doanh nghiệp là động lực để giúp doanh nghiệp nỗ lực hơn trong hành trình thực hiện phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa. Doanh nghiệp tư nhân Ngôi Sao nêu ra một số vấn đề cần quan tâm trong phát triển du lịch cộng đồng tại Ninh Bình...
Phát biểu kết luận hội thảo, PGS. TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình khẳng định, hội thảo đã thành công tốt đẹp; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn quý về giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội, gợi mở nhiều vấn đề Ninh Bình đang rất quan tâm, như: Tháo gỡ điểm nghẽn về tư duy, nhận thức, gỡ nút thắt về cơ chế, chính sách trong thực hiện bảo tồn và phát huy di sản; về quản trị vùng và địa phương, liên kết vùng trong gìn giữ, phát huy di sản văn hóa; phát huy vai trò của cộng đồng, người dân trong quá trình phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết mối quan hệ của các chủ thể: Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng trong phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội; việc tài sản hóa các di sản văn hóa và phục dựng, cổ trang hóa các nghi lễ, trang phục... của các triều đại. Các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học tại hội thảo góp phần giúp cho chiến lược phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình ngày càng bài bản, hiệu quả hơn./.
Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc tại Cộng hòa Argentina và Cộng hòa Ðông Uruguay  (07/12/2023)
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới  (29/11/2023)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên