Tình hình thu hồi đất của nông dân để thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá và các giải pháp phát triển
Tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo “Nông dân bị thu hồi đất - Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo đánh giá tình hình thu hồi đất của nông dân để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đề ra 4 nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới nhằm ổn định đời sống của người dân vùng bị thu hồi đất.
Diện tích đất nông nghiệp, đất ở bị thu hồi để phát triển các khu công nghiệp, đô thị và các công trình công cộng:
Trong 5 năm, từ năm 2001-2005, tổng diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi là 366,44 nghìn ha (chiếm 3,89% đất nông nghiệp đang sử dụng). Trong đó, diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp là 39,56 nghìn ha, xây dựng đô thị là 70,32 nghìn ha và xây dựng kết cấu hạ tầng là 136,17 nghìn ha.
Các vùng kinh tế trọng điểm là khu vực có diện tích đất nông nghiệp thu hồi lớn nhất, chiếm khoảng 50% diện tích đất thu hồi trên toàn quốc. Những địa phương có diện tích đất thu hồi lớn là Tiền Giang (20.308 ha), Đồng Nai (19.752 ha), Bình Dương (16.627 ha), Quảng Nam (11.812 ha), Cà Mau (13.242 ha), Hà Nội (7.776 ha), Hà Tĩnh (6.391 ha), Vĩnh Phúc (5.573 ha).
Theo số liệu điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại 16 tỉnh trọng điểm về thu hồi đất, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chiếm khoảng 89% và diện tích đất thổ cư chiếm 11%. Đồng bằng sông Hồng là vùng có diện tích đất bị thu hồi lớn nhất, chiếm 4,4% tổng diện tích đất nông nghiệp, tỷ lệ này ở Đông Nam Bộ là 2,1%, ở nhiều vùng khác: dưới 0,5%.
Mặc dù diện tích đất nông nghiệp, đất ở bị thu hồi tại mỗi tỉnh chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số diện tích đất tự nhiên của địa phương nhưng lại tập trung vào một số huyện, xã có mật độ dân số cao. Diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người thấp, có xã diện tích đất bị thu hồi chiếm tới 70-80% diện tích đất canh tác. Các tỉnh nằm ngoài những vùng trọng điểm về phát triển kinh tế, diện tích đất sản xuất và đất ở bị thu hồi còn tương đối nhỏ và nằm trong khoảng từ vài trăm tới dưới 1.000 ha.
Đời sống, lao động và việc làm của các hộ nông dân bị thu hồi đất:
Theo thống kê hiện nay, trung bình mỗi hec-ta đất bị thu hồi ảnh hưởng tới việc làm của trên 10 lao động nông nghiệp. Vùng đồng bằng sông Hồng có số hộ bị ảnh hưởng do thu hồi đất lớn nhất: khoảng 300 nghìn hộ; Đông Nam Bộ: khoảng 108 nghìn hộ. Số hộ bị thu hồi đất ở các vùng khác thấp hơn: Tây Nguyên chỉ có trên 138.291 hộ, Thành phố Hồ Chí Minh: 52.094 hộ...
Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách giúp thực hiện quá trình thu hồi đất và giải quyết việc làm cho các hộ gia đình bị thu hồi đất. Các địa phương đã ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách cụ thể đối với người dân thông qua thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ như: Luật Đất đai năm 2003, Nghị định số 197/2004/NĐ-CP về bồi dưỡng, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị quyết số 01/2004/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện ngân sách nhà nước năm 2004...
Những quy định về giá đất bồi thường, hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ tái định cư... đã được tích cực triển khai tới từng hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp, đất ở. Việc thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất chuyên dùng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển công nghiệp, dịch vụ cũng như xây dựng các khu đô thị mới cho người dân địa phương; tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Số lượng lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chuyển sang làm việc ở các ngành phi nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, phù hợp với định hướng phát triển của đất nước.
Việc bố trí, sắp xếp nơi ở mới cho các hộ dân bị thu hồi đất đến nơi ở mới có quy hoạch tổng thể với hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội hiện đại đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Một số khó khăn, hạn chế trong quá trình thu hồi đất để phát triển các khu công nghiệp, đô thị và các công trình công cộng:
+ Diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi hầu hết là vùng đất tốt, có điều kiện thuận lợi cho canh tác, trong khi các diện tích đất đền bù là đất xấu, cách xa khu dân cư và điều kiện hạ tầng phục vụ sản xuất còn nhiều khó khăn.
+ Việc thực hiện định giá đền bù đất cũng như tài sản trên đất chưa phù hợp với giá thị trường và khu tái định cư.
+ Một số địa phương chạy theo phong trào phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị mà chưa cân nhắc đến hiệu quả; hoặc phát triển công nghiệp, dịch vụ bằng mọi cách mà chưa chú ý đúng mức đến tác động đối với người dân.
+ Hiện tượng quy hoạch treo, quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp tràn lan là khá phổ biến. Quá trình quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng cũng như thẩm định các phương án sử dụng đất và xây dựng phương án bồi thường chưa thực sự khoa học, thiếu sự tham gia đầy đủ của các ngành, cac tổ chức có liên quan hoặc đại diện cho quyền lợi của người dân.
+ Thời gian triển khai công tác thu hồi đất kéo dài nhiều năm gây bất lợi đến tâm lý cũng như việc ổn định đời sống và việc làm của các hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất. Các yếu tố trượt giá hầu như chưa được tính đến trong định giá đền bù cho người dân.
+ Công tác tuyển dụng lao động tại các địa phương có đất bị thu hồi chưa thực sự hiệu quả. Do vậy, lao động nông nghiệp nhìn chung không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Hầu hết các lao động nông nghiệp vẫn giữ nguyên nghề cũ sau khi đất sản xuất bị thu hồi: chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (khoảng vài %) chuyển sang nghề mới và tìm được việc làm ổn định. Có tới 67% số lao động nông nghiệp bị thu hồi đất vẫn giữ nguyên nghề sản xuất nông nghiệp; 13% chuyển sang nghề mới và khoảng 20% không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Đối với các lao động thuộc ngành phi nông nghiệp, lao động làm thuê và công nhân thì cơ hội chuyển sang nghề mới lớn hơn nhiều. Việc làm và thu nhập của các hộ sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (chiếm tới 60%) là đối tượng bị tác động lớn nhất sau khi thu hồi đất và gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm mới. 53% số hộ có thu nhập giảm so với trước khi bị thu hồi đất, chỉ có 13% số hộ có thu nhập tăng hơn trước.
+ Đội ngũ cán bộ làm công tác bồi dưỡng giải phóng mặt bằng tại các địa phương vừa thiếu, vừa yếu, dẫn đến hiện tượng không giải đáp rõ những thắc mắc của người dân hoặc áp dụng không đúng chính sách, chế độ đền bù, hỗ trợ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị thu hồi đất .
+ Trong quá trình bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhiều nơi lại thiên về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư mà chưa cân đối quyền lợi với người dân bị thu hồi đất.
Nhóm giải pháp hỗ trợ nông dân bị thu hồi đất và sử dụng hợp lý đất đai phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ nhất, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đồng bộ các tỉnh, thành; quy hoạch chi tiết sử dụng đất để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, khắc phục tình trạng quy hoạch “treo”.
Đối với trường hợp người đang sử dụng đất thuộc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp hoặc khu đô thị cần nghiên cứu, ban hành chính sách, thực hiện cơ chế cho thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đối với nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, đô thị. Điều chỉnh chính sách giá đền bù đất đai, tài sản hợp lý theo thời điểm và theo mục đích sử dụng.
Đối với các hộ sản xuất nông nghiệp cần xây dựng phương án đền bù phù hợp, cân đối bằng tiền và bằng đất ở, đất sản xuất để nhanh chóng ổn định đời sống cho người dân sau thu hồi đất.
Thứ hai, hỗ trợ chuyển đổi lao động nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp khác thông qua đào tạo, hướng nghiệp, truyền nghề; ưu tiên tiếp nhận vào các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp - dịch vụ tại chỗ.
Phát triển các khu đô thị - dịch vụ liền kề gắn với các khu công nghiệp để người dân có thể có việc làm; hỗ trợ mạnh mẽ để tận dụng quỹ đất nông nghiệp còn lại, chuyển sang phát triển nông nghiệp đô thị đạt giá trị và hiệu quả cao; tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Nghiên cứu và ban hành chính sách khuyến khích các khu công nghiệp, các doanh nghiệp lớn xây dựng các cơ sở đào tạo nghề tại chỗ, nhằm đạo tạo nghề tại chỗ, nhằm đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở địa phương.
- Thứ ba, tiến hành trước một bước việc hỗ trợ và ổn định cho người dân tái định cư. Ưu tiên tạo quỹ đất ở những nơi có điều kiện để bố trí tái định cư các hộ nông dân bị thu hồi đất; xây dựng chính sách đền bù thỏa đáng cho người bị thu hồi đất, giải quyết việc làm trên cơ sở định cư tại chỗ là chính, giao đất tại vị trí có thể làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp như đã quy định tại Thông tư số 69/2006/TT-BTC ngày 2-8-2006 của Bộ Tài chính. Cần có các hình thức tái định cư linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
- Thứ tư, tăng cường tính minh bạch hóa và công tác thông tin tuyên truyền. Xây dựng các phương án đền bù chi tiết, đầy đủ và công khai cho dân biết để tránh thắc mắc; chú trọng bồi thường bằng đất sản xuất cho các hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Tạo điều kiện cho các hộ dân mua lại đất sản xuất hoặc đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề kinh doanh khác; không để tình trạng một số doanh nghiệp giàu có lên trong khi một bộ phận nhân dân khó khăn hơn.
Vị thế công nghệ thông tin Việt Nam đang được cải thiện  (11/07/2007)
Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống dưới 5%  (11/07/2007)
Việt Nam sẽ giữ vai trò lớn hơn trong nền kinh tế khu vực  (11/07/2007)
Việt Nam và Xan Ma-ri-nô thiết lập quan hệ ngoại giao  (10/07/2007)
CHDCND Lào đạt nhiều thành tựu sau hơn 20 năm thực hiện Đổi mới  (10/07/2007)
Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ giải quyết các vấn đề toàn cầu  (10/07/2007)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên