TCCSĐT - Ngày 05-12-2017, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tạp chí Cộng sản đã phối hợp đồng tổ chức Hội thảo khoa học: “Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển đất nước hiện nay - Vấn đề và giải pháp”. GS, TS. Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chủ trì Hội thảo.
Đến dự Hội thảo có đồng chí GS, TS. Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và nhiều nhà lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh, có nhiều cách tiếp cận khác nhau về vấn đề nguồn lực và động lực phát triển đất nước ta hiện nay, tựu trung lại là sự tổng hợp các yếu tố vật thể và phi vật thể tạo nên nền kinh tế của một đất nước và thúc đẩy nó phát triển. Các nguồn lực có thể chia thành các nhóm cơ bản: Nguồn lực con người mà trung tâm là nguồn lực lao động; Nguồn lực đất đai và tài nguyên; Các nguồn lực tài sản, tài chính; Nguồn lực khoa học - công nghệ; Nguồn lực phi vật thể (các giá trị văn hóa, tinh thần…). Đó là những thành phần cốt lõi tạo ra nền kinh tế của một quốc gia và bảo đảm cho nó phát triển liên tục, bền vững. Là những yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển của một đất nước, nhưng các nguồn lực đều có đặc trưng là tính giới hạn hoặc khan hiếm. Do đó, Hội thảo cần tập trung làm rõ vấn đề đang đặt ra là, sử dụng nguồn nhân lực như thế nào cho hợp lý, hiệu quả, tránh lãng phí, nhất là khi nguồn nhân lực truyền thống tới hạn.

Thực tiễn phát triển những năm qua cho thấy, chúng ta còn gặp khá nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực và tạo ra động lực phát triển (cả trong nhận thức cũng như trong hành động). Mô hình phát triển của nền kinh tế nước ta vẫn chủ yếu dựa trên khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ, các yếu tố này đã gặp trần giới hạn. Toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới tạo ra cho nước ta nhiều cơ hội, đồng thời nhiều thách thức lớn. Để cơ cấu lại, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực càng là một yêu cầu lớn, cấp bách hiện nay của đất nước.


Với một khoảng thời gian không nhiều nhưng các ý kiến của đại biểu đã tập trung thảo luận sôi nổi về nhiều vấn đề như: thế nào là nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao; có những nguồn nhân lực nào chưa được quan tâm, chú trọng trong việc khai thác; sự cần thiết phải huy động các nguồn lực bên ngoài như thế nào; xác định các nguồn nhân lực cơ bản hiện tại nằm ở đâu; làm thế nào để thích nghi với sự biến đổi khí hậu trong khi các nguồn lực thiên nhiên đang cạn kiệt dần; các nguồn nhân lực được phân bổ theo cơ chế nào, có những điểm gì hợp lý và chưa hợp lý cần điều chỉnh, bổ sung; bối cảnh mới của quốc tế nói chung và trong nước nói riêng đang đặt ra những vấn đề gì…

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh, nguồn lực để phát triển đất nước rất dồi dào nhưng đang bị lãng phí nghiêm trọng, cả về đất đai, khoa học - công nghệ, các giá trị văn hóa, tinh thần… Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng đó là do chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường nhưng chưa có những điều kiện cần thiết để theo kịp cơ chế này; do vấn đề nguồn nhân lực chưa được quan tâm đúng mức; chưa nghiên cứu thấu đáo những vấn đề cốt lõi của tính tư hữu, tính tự tư, tự lợi đã chi phối như thế nào đến quá trình vận hành nền kinh tế. Nếu vấn đề lợi ích kinh tế được giải quyết thỏa đáng chắc chắn sự vận hành nền kinh tế sẽ có những biến chuyển tốt. Mặt khác, muốn giải phóng lực lượng sản xuất cũng phải nghiên cứu sâu về con người Việt Nam, đặc biệt là đặt nó vào trong cơ chế thị trường như thế nào. Chính sách tiền lương và an sinh xã hội tuy đã có nhiều cải tiến nhưng vẫn tồn tại nhiều sự bất bình đẳng, tạo ra những cản trở sâu xa trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Kết luận Hội thảo, đồng chí Phùng Hữu Phú cho biết, Hội thảo đã thu nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý và các nhà khoa học, điều này được thể hiện qua 38 bản tham luận hết sức chi tiết và sâu sắc về những vấn đề đặt ra. Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tiếp cận được những vấn đề phong phú và mới mẻ, gợi mở được nhiều định hướng quan trọng, thể hiện trong một số vấn đề cơ bản sau:

- Làm rõ được những yêu cầu mới đang đặt ra đối với việc phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

- Đưa ra những cách tiếp cận mới về nguồn lực, cụ thể là các nguồn lực tự nhiên, nguồn lực xã hội và yếu tố con người. Các vấn đề này được thảo luận dưới những cách nhìn đa chiều, bao gồm nguồn lực trong quá khứ, hiện tại và tương lai; nguồn lực hữu hình và cả những nguồn lực vô hình nhưng vô cùng quý giá như thời cơ, sự cạnh tranh, kinh nghiệm… Đặc biệt, có những cách tiếp cận mới mẻ phát hiện ra những nguồn lực quan trọng mà chúng ta chưa nhận ra và bỏ lỡ.

- Đánh giá tổng quát tình hình phân bổ nguồn lực hiện nay của đất nước, về thực trạng chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực, đã biến một nước nghèo, thiếu lương thực thành một đất nước có nhiều phát triển tích cực như hiện nay. Song mặt hạn chế là chúng ta đã duy trì quá lâu mô hình phát triển theo chiều rộng nên cả 3 chiều huy động, phân bổ và sử dụng đều đang tồn tại những vấn đề khó khăn cần giải quyết, nhất là sự suy giảm và cạn kiệt về nguồn lực.

- Phân tích các mâu thuẫn, điểm nghẽn, các vấn đề bức xúc đang đặt ra, làm rõ những hạn chế trong quá trình huy động, sử dụng và phân bổ nguồn lực.

- Làm rõ những vấn đề nhận thức chung, những tư duy cần thay đổi trong bối cảnh mới, những yếu tố tác động và ảnh hưởng đến quá trình huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực, những cơ chế, chính sách trong thời gian tới cần thay đổi như thế nào để sử dụng hiệu quả nguồn lực trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước./.