Đối đầu tên lửa Nga - Mỹ: cuộc chiến mang tính toàn cầu
Tên lửa đạn đạo của Nga
Từ những nghi ngại của người Mỹ…
Sau mười lăm năm, kể từ khi Liên Xô chính thức tan rã, vào năm 2005, khi Nga bắn thử thành công tên lửa đạn đạo hệ “Bạch dương” vượt đại châu mang đầu đạn kiểu mới, cơ quan tình báo Mỹ đã hết sức quan tâm đến động thái này. Mỹ tập trung điều động 12 vệ tinh gián điệp phân bố trên khắp bầu trời nước Nga để theo dõi; đồng thời, sử dụng các trang bị kỹ thuật công nghệ cao được bố trí ở trong nước và ở Nhật Bản, Hàn Quốc để hỗ trợ theo dõi.
Theo một số chuyên gia quân sự, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ chủ yếu được tổ hợp từ hệ thống dự cảnh bằng vệ tinh và ra-đa, với hệ thống quản lý và chỉ huy điều khiển thông tin tác chiến (BM/C3) và tên lửa mang đầu đạn bắn chặn. Vì vậy,thủ đoạn đối phó là công kích vệ tinh dự cảnh, làm nhiễu ra-đa theo dõi của đối phương, lắp đặt hệ thống điều khiển trên đầu đạn, khiến tên lửa đạn đạo biến đổi quỹ đạo bay. Đây là giải pháp có hiệu quả nhất để phá giải hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Để làm được việc đó, Nga đã đẩy mạnh nghiên cứu kỹ thuật “biến đổi quỹ đạo” của tên lửa. Sau nhiều lần cải tiến, cuối cùng tên lửa đạn đạo hệ “Bạch dương” mà Nga bắn thử vào tháng 11-2005 có thể bay biến đổi quỹ đạo với 5 lần tăng tốc, có năng lực đột phá phòng tuyến rất mạnh và công kích chính xác.
Tên lửa đạn đạo của Hải quân Mỹ
…Đến việc hiện đại hóa “Hệ thống tên lửa phòng thủ quốc gia”
Vào cuối tháng 4-2007, Quốc hội Mỹ đã thông qua “Văn bản về phòng thủ tên lửa quốc gia”. Theo đó, Chính phủ Mỹ được phép tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có và triển khai xây dựng thêm hệ thống phòng thủ tên lửa mới, nhằm chống lại mối nguy cơ ngày càng gia tăng đối với an ninh nước Mỹ từ phía Nga cũng như từ phía một số nước Trung Đông và châu Á như I-ran, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Hệ thống phòng thủ tên lửa mới của Mỹ là hệ thống tên lửa đánh chặn tích hợp giữa các căn cứ mặt đất (GBI), được bố trí trên lãnh thổ nước Mỹ. Đồng thời, Mỹ tăng cường triển khai xây dựng hệ thống tên lửa khu vực mạnh ở các nơi khác trên thế giới, nhằm bảo vệ các mục tiêu quan trọng của Mỹ và các đồng minh thân cận ở ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Vì thế, hệ thống này mang tính toàn cầu rõ rệt. Mục tiêu đặt ra đối với hệ thống phòng thủ tên lửa mới của Mỹ là khả năng đánh chặn tên lửa đối với tất cả các mục tiêu tìm thấy trên quỹ đạo bay. Ngoài ra, để đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, Mỹ sẽ sử dụng các tổ hợp tên lửa phòng không Pa-tri-ốt PAC - 3 được trang bị các tên lửa MIM - 109 có đầu nổ động năng, thay thế dần các tổ hợp tên lửa phòng không Pa-tri-ốt PAC - 2 trước đây.
Để phát hiện nhanh nhất các tên lửa vừa phóng của đối phương, Mỹ sẽ triển khai trên quỹ đạo hệ thống vệ tinh SBIRS trong những năm tới, bao gồm SBIRS - High có 4 vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh và quỹ đạo e-líp. Chúng đảm nhiệm việc phát hiện các tên lửa đạn đạo vừa phóng ra khỏi bệ trong vòng 20 giây. Còn các vệ tinh SBIRS - Low sẽ xác định chính xác quỹ đạo bay của các tên lửa, phân biệt các đầu nổ với các bộ phận thân vỏ khác của chúng và với các mục tiêu giả.
Theo kế hoạch, hệ thống phòng thủ tên lửa mới sẽ được triển khai trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2012. Hiện tại, Mỹ đã triển khai xong một số thành phần của hệ thống. Với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mới, Mỹ đã khởi động cuộc chạy đua vũ khí chiến lược mới trên thế giới, tạo nên thế đối đầu chiến lược chủ yếu với Nga và một số nước khác ở Trung Đông và châu Á.
Người Nga ra tay ứng phó
Vào ngày cuối cùng của tháng 5-2007, quân đội Nga đã phóng thành công một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa kiểu mới, mang tên RS - 24. Nga cho biết, đây là loại tên lửa có thể xuyên phá bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào hiện nay trên thế giới. Động thái này của Nga ngay lập tức đã thực sự làm Mỹ và các nước phương Tây hết sức quan ngại. RS - 24 là loại tên lửa có thể xuyên qua các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa, vì nó có khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân và sau một quãng đường bay, có thể bắn trúng mục tiêu khoảng 5.500 km. Loại tên lửa này có thể được sử dụng ở tầm xa, với độ chính xác tuyệt đối. Nga cần loại vũ khí như thế này để duy trì thế cân bằng chiến lược với Mỹ và các nước đồng minh NATO.
Ngoài ra, Nga cũng đã thử thành công một loại tên lửa hành trình mới. Tất cả những việc này đều nằm trong một phần kế hoạch đối phó của Nga trước việc triển khai các căn cứ quân sự, cũng như bố trí các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở các nước thuộc Liên Xô cũ. Ông V. Pu-tin nói rằng, việc Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu sẽ biến châu Âu trở thành thùng thuốc súng khổng lồ, có thể nổ tung cả lục địa này vào bất cứ lúc nào, nên Nga buộc phải “ra tay ứng phó”.
Cuộc đối đầu chiến lược toàn cầu
Theo một số nguồn tin, Nga có khả năng phá được “lưới trời” của Mỹ với hệ thống tên lửa phòng thủ quốc gia bằng kỹ thuật “phóng tên lửa trên không”. Cho đến nay, kỹ thuật “phóng tên lửa trên không” của Nga đang đạt trình độ đứng đầu thế giới. “Phóng tên lửa trên không” có thể tiến hành ở mọi vị trí trên không trung, trong khoảng 60 độ vĩ Bắc đến 40 độ vĩ Nam; góc độ bay từ 0 độ đến 115 độ. Trong khi đó, giá thành của kỹ thuật này thấp, có thể sử dụng cả trong quân sự và dân sự. Chi phí để phóng 1 kg trên không chỉ bằng 1/6 đến 1/5 chi phí để phóng 1 kg trên mặt đất và bằng 1/2 chi phí khi phóng trên biển. Thành công của kỹ thuật này sẽ làm thay đổi triệt để thế bị động của Nga trong cuộc đối đầu chiến lược giữa Nga và Mỹ. Bởi lẽ, cho đến nay, trạng thái hòa bình và an ninh của hai nước Mỹ - Nga nói riêng và toàn thế giới nói chung chủ yếu được xây dựng trên cơ sở sự “uy hiếp có hiệu quả lẫn nhau”. Như vậy, điều đó nhất định sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới, có tác động đến sự phát triển vốn đang thuận lợi trong quan hệ giữa các nước liên quan, và do vậy, sẽ làm gia tăng khủng hoảng khu vực và toàn cầu.
Động thái mới nhất là, ngày 4-7-2007, Nga đưa ra ý tưởng chuyển nhiều tên lửa vào Ka-li-nin-grát, gần với Ba Lan và Lít-va, đồng thời đưa ra lời cảnh báo: sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ từ chối những lời đề nghị trước đó của Nga. Thủ tướngNga Xéc-gây I-va-nốp đã đưa ra ý tưởng trên,nhằmđối phókế hoạch lá chắn tên lửa mà Mỹ muốn lắp đặt ở Ba Lan và Cộng hòa Séc. Mát-xcơ-va đề nghị Oa-sinh-tơn nên sử dụng hệ thống ra-đa của Nga ở A-déc-bai-dan và một hệ thống khác hiện đang được xây dựng ở miền Nam nước Nga. Mặc dù trước đấy hai tuần, Mỹ đã phát biểu với Nga rằng, lời đề nghị của Điện Krem-li về việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa chung ở A-déc-bai-dan không thể thay thế cho kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Rô-bớt đã nói thẳng tại cuộc họp rằng, Mỹ xem việc lắp đặt lá chắn tên lửa ở A-déc-bai-dan chỉ là một phương án thêm vào, và vẫn giữ nguyên kế hoạch tiến hành việc lắp đặt hệ thống ra-đa ở Cộng hòa Séc. Còn Tổng thống Mỹ G. Bút-xơ khẳng định, ý tưởng trên của Nga là một “sáng kiến” nhưng cũng ám chỉ rằng, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục kế hoạch lắp đặt trạm ra-đa ở Cộng hòa Séc và một hệ thống lá chắn tên lửa ở Ba Lan.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga xung quanh vấn đề chạy đua tên lửa chưa dịu đi thì ngày 13-7-2007, Tổng thống Nga Pu-tin đã ký Sắc lệnh “Về việc Liên bang Nga đình chỉ hiệu lực của Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường tại châu Âu (CFE) và các hiệp ước quốc tế liên quan tới văn kiện này”. Rõ ràng, động thái này của Nga là biểu hiện của sự phản ứng gay gắt nhất đối với việc triển khai tên lửa của Mỹ trong thời gian gần đây. Khó mà nói trước được rằng, động thái đó chỉ là hậu quả của tình hình căng thẳng nói trên, hay sẽ còn là nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng khác giữa hai siêu cường trong thời gian tới. Hiện nay, người ta chưa có đủ bằng chứng để khẳng định rằng, sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh lần thứ hai. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga có thể sẽ xuống dốc hơn nữa.
Việc gia tăng hệ thống tên lửa phòng thủ quốc gia của Mỹ, hay sự phát triển kỹ thuật phóng tên lửa của Nga, không phải là điều mà loài người mong đợi. Ngược lại, điều đó chỉ có thể khiến cho hòa bình của nhân loại ngày càng trở nên mong manh hơn, vì nó sẽ phá vỡ sự ổn định chiến lược toàn cầu đã được duy trì gần nửa thế kỷ qua.
Đoàn đại biểu tạp chí A-lun-may (Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào) sang thăm và làm việc tại Việt Nam  (01/08/2007)
Báo Inđônêxia đánh giá cao tiềm năng kinh tế của Việt Nam  (01/08/2007)
2,46 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam  (01/08/2007)
ASEAN trong quá trình phát triển hợp tác ASEAN + 3  (01/08/2007)
Đô thị hóa bền vững ở Hàn Quốc: Thành tựu và những vấn đề đặt ra  (01/08/2007)
Thành phố Hồ Chí Minh với chiến lược phát triển nông thôn trong đô thị  (01/08/2007)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên