Cải cách cơ chế giám sát và vận hành quyền lực ở Trung Quốc
TCCS - Từ Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 11-2012) đến nay, Trung Quốc đẩy mạnh công cuộc cải cách toàn diện, đặc biệt là cải cách cơ chế giám sát và vận hành quyền lực. Điều này góp phần đẩy mạnh và đưa đến những thành công nhất định trong cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh dấu sự mở màn của thế hệ lãnh đạo thứ năm với hạt nhân lãnh đạo là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Tiếp nối các thế hệ lãnh đạo trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc cải cách thể chế chính trị - vốn được khởi động ngay từ khi Trung Quốc bắt tay vào công cuộc cải cách mở cửa. Trải qua hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng XVIII và Đại hội XIX, công cuộc cải cách thể chế chính trị của Trung Quốc đã và đang được tiến hành theo phương châm “đi sâu cải cách toàn diện”, trong đó cải cách cơ chế giám sát và vận hành quyền lực là một trong những nội dung được chú trọng và gặt hái được những thành công nhất định, cho dù công cuộc này vẫn còn là một quá trình lâu dài và đầy chông gai.
Đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng
Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã quyết tâm tập trung đẩy lùi nạn tham nhũng, đánh đổ các tập đoàn lợi ích, tạo nên “cửa ngõ đột phá”, mở đường cho quá trình đi sâu cải cách toàn diện. Chiến dịch chống tham nhũng này không những nhằm “đánh hổ”, “diệt ruồi”, mà còn “săn cáo” (“cáo” chỉ những kẻ tham nhũng mang tiền chạy ra nước ngoài), được bài binh, bố trận toàn diện, tiến hành quyết liệt và được quần chúng nhân dân ủng hộ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành chiến dịch chống tham nhũng với quy mô, phạm vi và mức độ được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc, với một số đặc điểm chính sau: 1- Chống tham nhũng tiến sâu vào mọi cơ quan, ban, ngành, bao gồm cả doanh nghiệp và quân đội; 2- Cải cách thể chế giám sát nhà nước; 3- Nhiều quan chức bị “ngã ngựa” khi đang tại nhiệm; 4- Đề ra nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy toàn diện công tác chống tham nhũng, như “quy chuẩn, nguyên tắc về liêm khiết trong Đảng”, “điều lệ xử lý kỷ luật trong Đảng”,...
Có thể khái quát bốn nhóm biện pháp chính mà Trung Quốc áp dụng để ngăn chặn và xử lý nạn tham nhũng:
Một là, xây dựng cơ chế chống tham nhũng. Cuộc chiến chống tham nhũng ngày càng được đẩy mạnh, quyền lực từng bước được tập trung vào ủy ban kiểm tra kỷ luật các cấp, đặc biệt là ở cấp Trung ương. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương là cơ quan quan trọng nhất trong công tác chống tham nhũng của Trung Quốc hiện nay. Tháng 5-2013, Trung Quốc triệu tập cuộc họp Tiểu ban Công tác lãnh đạo Tuần hành thị sát Trung ương(1), lập ra bốn tiểu tổ để giám sát công tác chống tham nhũng, tập trung vào các nhóm hành vi, gồm lạm dụng quyền lực vì lợi ích riêng, vi phạm Nghị quyết tám điểm của Bộ Chính trị, vi phạm các quy định, quy chế... Tháng 9-2013, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương lập ra một trang mạng điện tử để thể hiện một số kết quả của công tác chống tham nhũng. Giai đoạn 2014 - 2015, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương đã thành lập các văn phòng chống tham nhũng tại các cơ quan của Đảng, Chính phủ và cả doanh nghiệp trên toàn Trung Quốc.
Hai là, thực hiện cơ chế thanh tra. Trong mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương, cơ chế thanh tra là một bộ phận quan trọng của nền chính trị Trung Quốc và đã phát huy được vai trò tích cực trong công tác chống tham nhũng. Từ năm 2012 đến nay, Trung Quốc đã tích cực triển khai công tác thanh tra, thị sát và đạt được hiệu quả rõ rệt, là cơ sở để quản lý Đảng nghiêm minh, toàn diện. Giai đoạn 2012 - 2014, Trung Quốc đã cử 208 đoàn đến thị sát tại 1.214 điểm bao phủ khắp 31 tỉnh, thành phố trực thuộc trên cả nước. Đến Đại hội XIX (năm 2017), Trung Quốc đặt ra mục tiêu thiết lập chế độ thanh tra ở đảng ủy các thành phố, huyện. Thông qua đó, Trung Quốc thiết lập mạng lưới thanh tra, giám sát thống nhất từ trên xuống dưới, với mục đích “trị cả gốc lẫn ngọn” và làm cho cuộc chiến chống tham nhũng không có “vùng cấm”. Trong nhiệm kỳ Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tiểu ban lãnh đạo công tác tuần hành thị sát Trung ương đã tổ chức 79 cuộc hội nghị nội bộ, 9 hội nghị trung ương về chuyên đề giám sát, 4 hội nghị toàn quốc, 9 đợt giám sát chuyên ngành với các địa phương, ban, bộ, ngành. Đặc biệt, trong triển khai công tác, Ủy ban Giám sát nhà nước đã kết hợp chặt chẽ giữa tự giám sát của cán bộ, cơ quan với giám sát của quần chúng nhân dân. Ủy ban Giám sát nhà nước đã tiến hành giám sát 282 tổ chức đảng của các cơ quan, bộ, ban, ngành và địa phương. Đảng ủy các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 8.194 đợt giám sát tổ chức đảng trực thuộc, bảo đảm bao phủ toàn diện công tác giám sát với các ban, bộ, ngành, địa phương. Riêng trong khối cơ quan Trung ương, có 178 cơ quan triển khai tự giám sát nội bộ. Còn tại các địa phương, thực hiện các hình thức giám sát như đơn vị cấp dưới tự đề nghị, báo cáo cấp trên giám sát, giám sát chéo lẫn nhau và triển khai các tổ giám sát cơ động(2).
Ba là, xây dựng các quy định, quy tắc. Ngay từ những ngày đầu của chiến dịch chống tham nhũng, Trung Quốc đã đề ra một số quy định phòng, chống tham nhũng. Tháng 12-2012, “Tám quy định của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII về cải thiện phong cách làm việc và giữ liên lạc chặt chẽ với quần chúng nhân dân” đã được ban hành. Bộ quy định này chỉ rõ những hạn chế, điều cấm vi phạm, như cấm sử dụng xe công cho việc tư, cắt giảm các cuộc họp mang tính hình thức, tránh gây rối loạn, ách tắc giao thông với các lý do, như cấm đường chào đón các quan chức, thi hành chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu các khoản ăn uống, du lịch, nhà ở... Siết chặt quy chế về việc sử dụng công quỹ cho các hoạt động du lịch của cá nhân trong và ngoài nước; quy chế về việc sử dụng các phương tiện có sẵn và được cung cấp; quy chế về xây dựng các tòa nhà trái phép; quy chế về các khoản thanh toán không hợp lệ hoặc cho các lợi ích bất hợp pháp, quy chế về việc tặng những món quà đắt tiền; chi phí quá lớn dành cho việc hiếu - hỷ, đồng thời, có những quy chế mang tính chế tài, trừng phạt, liên quan vi phạm kỷ luật và các quy tắc trong công việc. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đưa ra sáu điều tuyệt đối không dành cho cán bộ, công chức nhà nước, bao gồm: 1- Tuyệt đối không nhận quà; 2- Tuyệt đối không nhận hối lộ; 3- Tuyệt đối không dự tiệc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc câu lạc bộ tư nhân đắt tiền; 4- Tuyệt đối không chơi golf; 5- Tuyệt đối không sử dụng công quỹ để du lịch cá nhân; 6- Tuyệt đối không sử dụng phương tiện của nhà nước cho mục đích cá nhân. Để cụ thể hóa quy định này, tháng 10-2017, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xem xét và thông qua “Quy tắc chi tiết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về quán triệt, thực hiện tám quy định của Trung ương”. Bên cạnh đó, năm 2017, Trung Quốc công bố “Sách trắng về chống tham nhũng”, thể hiện quyết tâm không khoan nhượng đối với vấn nạn này. Sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục đưa ra chỉ thị quan trọng về việc sửa đổi “tứ phong” (bốn vấn đề về tác phong: chủ nghĩa hình thức, quan liêu, hưởng lạc và hủ bại).
Bốn là, phối hợp với cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống tham nhũng. Năm 2014, Trung Quốc tích cực xây dựng các kênh hợp tác chống tham nhũng quốc tế trên nhiều cấp độ, mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng, như: “Tuyên bố Bắc Kinh về chống tham nhũng” được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2014; “Chương trình hành động chống tham nhũng của G-20 năm 2015 - 2016” được Hội nghị Thượng đỉnh G-20 phê chuẩn ủng hộ (tháng 9-2016); Mạng lưới các cơ quan thực thi pháp luật chống tham nhũng của APEC đi vào hoạt động; “Tuyên bố chung Trung Quốc - ASEAN về tăng cường toàn diện và hợp tác có hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng” được thông qua tại Hội nghị cấp cao Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20 (năm 2017). Ở trong nước, Trung Quốc phát động chiến dịch “săn cáo” và “lưới trời”, truy bắt các phần tử tội phạm tham nhũng trốn ra nước ngoài, thu được nhiều kết quả quan trọng. Trung Quốc đã thiết lập quan hệ hợp tác chống tham nhũng với 89 nước và vùng lãnh thổ, ký kết 44 hiệp ước dẫn độ và 57 hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, tham gia “Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng”, và “Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia”. Kết quả là, trong giai đoạn 2014 - 2020, gần 7.831 nghi phạm đã bị dẫn độ từ hơn 120 quốc gia và khu vực trên thế giới về Trung Quốc, thu hồi được 19,65 tỷ NDT lợi nhuận phi pháp(3). Bên cạnh đó, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng, Trung Quốc đã đề nghị các nhà ngoại giao nước ngoài đang sinh sống tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) hỗ trợ “thành lập một mạng lưới hợp tác chống tham nhũng”.
Tính tới cuối năm 2022, Trung Quốc đã liên tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, đưa ra “bốn chủ trương”: 1- Kiên trì công bằng chính nghĩa, trừng phạt cái ác, đề cao cái thiện; 2- Kiên trì tôn trọng sự khác biệt, bình đẳng học hỏi lẫn nhau; 3- Kiên trì hợp tác cùng thắng, cùng thương lượng, cùng xây dựng; 4- Kiên trì giữ chữ tín, ưu tiên hành động. Trung Quốc còn chính thức khởi động Mạng lưới hợp tác thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng quốc tế, thúc đẩy xây dựng tính liêm khiết trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Trong hành động “Lưới trời 2021”, Trung Quốc đã truy bắt và đưa về nước xét xử 1.273 tội phạm tham nhũng, trong đó có 22 đối tượng thuộc diện “Truy nã đỏ” của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), 318 đối tượng thuộc diện giám sát, truy thu được 16,74 tỷ NDT tiền tham nhũng.
Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, cũng như của người dân trong nước. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố ngày 9-1-2017, gần 93% số người dân Trung Quốc cảm thấy hài lòng đối với thành quả trong công tác xây dựng tác phong liêm chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc và sự hài lòng của người dân đối với chiến dịch chống tham nhũng tăng 17,9% so với năm 2012. Kể từ Đại hội XVIII đến nay, các cơ quan kiểm tra và giám sát kỷ luật trong cả nước đã lập hơn 4.648 triệu hồ sơ vụ án; trong đó, lập hồ sơ điều tra 553 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, xử lý hơn 25.000 cán bộ cấp cục, 182.000 cán bộ cấp huyện(4). Những số liệu này cho thấy hành động kiên quyết của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc chiến chống tham nhũng, đồng thời đã đạt được kết quả trên từng mặt. Về phạm vi, cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc đã mở rộng trên toàn quốc, thậm chí vượt ra khỏi phạm vi biên giới. Hiện nay, 31 tỉnh, thành phố, khu tự trị trong cả nước Trung Quốc đều triển khai thực hiện chiến dịch này. Về mức độ, phạm vi trong cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc là chưa từng có, đã điều tra một loạt “con hổ” lớn, thể hiện quyết tâm lớn lao của Chính phủ Trung Quốc dưới thời kỳ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc chiến chống tham nhũng(5). Cuộc chiến này nhằm vào không chỉ những quan chức cấp thấp, mà còn cả các quan chức cấp cao, thậm chí đã phá vỡ mọi “vùng cấm” và được đánh giá là “trị cả gốc lẫn ngọn”. Về độ sâu, cuộc chiến chống tham nhũng lần này đã bao trùm lên các lĩnh vực, như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,... Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì chủ trương chống tham nhũng không có vùng cấm, bao phủ toàn diện, không khoan nhượng, kiên định “đả hổ”, “diệt ruồi”, “săn cáo”, thực hiện khẩu hiệu “ba không”, gồm: không dám tham nhũng, không thể tham nhũng và không muốn tham nhũng, quyết tâm truy bắt và trừng trị mọi phần tử tham nhũng. Tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2022, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương công bố số liệu cho thấy, trong vòng 10 năm kể từ khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư, Trung Quốc đã đã khởi tố, điều tra 4,388 triệu vụ án; điều tra, xử lý 723.000 trường hợp vi phạm Tám điều quy định của Trung ương và xử phạt 644.000 người(6).
Chiến dịch chống tham nhũng trong lực lượng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc cũng là một trong những vấn đề được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đặc biệt quan tâm. Những năm gần đây, vấn nạn tham nhũng trong quân đội diễn ra ngày càng nghiêm trọng và mang một số đặc điểm chính sau: 1- Số lượng tham nhũng ngày càng lớn; 2- Cấp tham nhũng ngày càng cao; 3- Số lượng người bị lôi kéo vào ngày càng nhiều. Có thể nói, vấn nạn tham nhũng trong quân đội Trung Quốc đã tới mức “cảnh báo” chưa từng thấy, hậu quả sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự ổn định và phát triển của đất nước, thậm chí dẫn đến nguy cơ đánh mất vai trò và vị thế của Đảng nếu không xử lý triệt để. Vì thế, sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, để xử lý mạnh tay đối với những biểu hiện tham nhũng trong quân đội, Trung Quốc đã đề ra một số biện pháp: 1- Thành lập “Tiểu ban chỉ đạo đi sâu cải cách quốc phòng và quân đội thuộc Quân ủy Trung ương” do Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình làm Trưởng tiểu ban; 2- Thành lập Ủy ban Thanh tra kỷ luật của Quân ủy Trung ương với nhiệm vụ “xử lý các lãnh đạo cao nhất trong quân đội”; 3- Thành lập đội thanh tra đặc biệt, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương với nhiệm vụ điều tra trong 15 cơ quan chuyên môn và 5 bộ tư lệnh quân khu của quân đội Trung Quốc.
Đi sâu cải cách cơ chế giám sát và cơ chế vận hành quyền lực
Báo cáo chính trị tại Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ ra ba giải pháp để kiện toàn cơ chế giám sát và ràng buộc quyền lực: 1- Hoàn thiện hơn nữa cơ chế quyết sách, không ngừng nâng cao trình độ “quyết sách khoa học, quyết sách dân chủ, quyết sách theo pháp luật”; 2- Thúc đẩy vận hành quyền lực được công khai hóa, quy phạm hóa; 3- Kiện toàn hệ thống giám sát với bốn hình thức chính là “giám sát trong Đảng, giám sát dân chủ, giám sát pháp luật, giám sát dư luận”“kiên trì đi theo con đường xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, phấn đấu xây dựng toàn diện xã hội khá giả”(7).
Điểm nhấn nổi bật trong cải cách thể chế giám sát ở Trung Quốc dưới thời kỳ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình được thể hiện qua việc thành lập Ủy ban Giám sát nhà nước. Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra bố trí chiến lược quan trọng về đi sâu cải cách hệ thống giám sát nhà nước và mở rộng thí điểm trên quy mô toàn quốc. Trước khi thành lập Ủy ban Giám sát nhà nước, Trung Quốc đã xây dựng các ủy ban giám sát ở địa phương, chia thành ba cấp là cấp tỉnh, cấp thành phố và cấp huyện, nhằm tạo nên một cơ chế giám sát tích hợp “mang tính hợp nhất, hiệu quả và có thẩm quyền”. Mô hình này được thí điểm ở thành phố Bắc Kinh, tỉnh Sơn Tây và tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc. Đến cuối tháng 2-2018, Trung Quốc đã hoàn thành việc thành lập ủy ban giám sát ở các tỉnh, thành phố và huyện trên cả nước, do Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát các cấp đứng đầu. Theo quy định, Ủy ban Giám sát nhà nước sẽ được đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc với mục tiêu chính là hợp nhất tất cả cơ chế chống tham nhũng thuộc Đảng và Chính phủ với quyền được truy tố không chỉ đối với đảng viên, mà còn với tất cả cán bộ nhà nước, nhằm tạo ra một mạng lưới giám sát “hiệu quả, thống nhất, tập trung, dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Tuy nhiên, do cơ quan này được quy định là một cơ quan chính trị độc lập với Chính phủ, tòa án và viện kiểm sát nên cũng có những lo ngại về nguy cơ lạm quyền.
Về tổ chức bộ máy, Ủy ban Giám sát nhà nước trực thuộc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại toàn quốc), do đó có thể giám sát toàn bộ cán bộ, công chức thực hiện công vụ. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương tập trung vào kỷ luật đảng đối với tất cả đảng viên, còn Ủy ban Giám sát nhà nước tập trung vào việc thực thi pháp luật của công chức lãnh đạo (bao gồm cả cán bộ không phải là đảng viên). Bên cạnh đó, để tăng cường kiểm soát cơ chế vận hành quyền lực, Trung Quốc tập trung kiện toàn vai trò của Đảng đối với các công tác quan trọng, thành lập một loạt ủy ban lãnh đạo của Trung ương Đảng và sáp nhập các cơ quan có chung chức năng thuộc hệ thống Chính phủ (đặt trụ sở làm việc tại các cơ quan chính phủ). Việc đặt văn phòng các cơ quan Đảng tại trụ sở của bộ liên quan thuộc Chính phủ tạo thuận lợi cho việc điều phối, kết nối, liên thông và chỉ đạo công tác kịp thời. Đây là một cải cách mới trong việc bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy thực thi nhiệm vụ giám sát việc vận hành quyền lực của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan, là một bước tiến mới trong cải cách cơ chế giám sát và cơ chế vận hành quyền lực của Trung Quốc.
Là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, trải qua thực tiễn hơn 90 năm phát triển, đặc biệt là trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đã chứng minh rằng, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là nhân tố then chốt quyết định sự thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, phát triển và đổi mới đất nước. Trải qua các thời kỳ, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cũng đã có những thay đổi, đổi mới cho phù hợp với tình hình đất nước, thích ứng trước sự đổi thay nhanh chóng, phức tạp của tình hình quốc tế. Và trong bất kỳ thời kỳ, giai đoạn nào, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định rõ và ra sức đẩy mạnh công cuộc chỉnh đốn nội bộ Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bởi đây là sự bảo đảm căn cốt để Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn thành tốt sứ mệnh “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp được đẩy mạnh, đạt kết quả khá toàn diện, nhất là ở cấp Trung ương. Qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kỷ cương, kỷ luật trong Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”(8). Trên thực tế, kể từ khi triển khai đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng đến nay, những kết quả tích cực thu được đã khẳng định quyết tâm phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực, xây dựng và chỉnh đốn Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhìn chung, công cuộc chống tham nhũng của Trung Quốc và công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam có một số điểm khá tương đồng: 1- Phòng, chống tham nhũng được coi là trụ cột, nổi bật trong công tác chỉnh đốn Đảng; 2- Phòng, chống tham nhũng được đưa lên vị trí công tác ưu tiên, với quyết tâm chính trị cao, đặc biệt vai trò đầu tàu của lãnh đạo cấp cao, nhất là đồng chí Tổng Bí thư; 3- Công tác phòng, chống tham nhũng được tiến hành khá bài bản, triển khai mạnh với các vụ án trọng điểm, dần mở rộng chống tham nhũng ở các cấp, trong các lĩnh vực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; 4- Tăng cường và phát huy mạnh mẽ vai trò của Ủy ban Kiểm tra ở Việt Nam và Ủy ban Kiểm tra kỷ luật ở Trung Quốc; 5- Phát huy vai trò của các đoàn kiểm tra phòng, chống tham nhũng Trung ương; 6- Các kết quả tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng đã tạo được chuyển biến quan trọng trong chỉnh đốn Đảng, bước đầu hình thành được áp lực răn đe trong toàn xã hội.
Ngày 11-7-2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW, “Về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”, trong đó xác định rõ những hành vi được coi là tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng; và biện pháp xử lý vi phạm trong vấn đề này. Có thể nói, với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở, công tác kiểm tra, giám sát, vận hành quyền lực, bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền toàn diện và duy nhất của Đảng Cộng sản sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phù hợp với tình hình ở mỗi nước./.
-----------------------
(1) Tiểu ban được thành lập năm 2009, ban đầu do ông Hạ Quốc Cường làm Tổ trưởng, sau đó là Vương Kỳ Sơn, Triệu Lạc Tế và hiện nay là Lý Hy.
(2) 十九届中央纪律检查委员会向中国共产党第二十次全国代表大会的工作报告 (Tạm dịch: Báo cáo công tác của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương khóa XIX trình bày tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc), ngày 27-10-2022, http://cpc.people.com.cn/20th/n1/2022/1027/c448334-32553373.html
(3) 从120多个国家和地区追回外逃人员7831人 反腐追逃 一追到底 (Tạm dịch: Cuộc chiến chống tham nhũng đến cùng: 7.831 nghi phạm đã bị dẫn độ từ hơn 120 quốc gia và khu vực), ngày 9-11-2020, https://www.ccdi.gov.cn/toutiao/202011/t20201109_229634.html
(4) Thạch Bình: “Trung Quốc: Cuộc chiến chống tham nhũng và những thách thức phía trước”, Báo điện tử Vietnamplus, ngày 16-5-2029, https://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-cuoc-chien-chong-tham-nhung-va-nhung-thach-thuc-phia-truoc/862887.vnp
(5) Hoa Nguyễn: “Phòng, chống tham nhũng ở Trung Quốc: Trị cả “gốc” lẫn “ngọn””, Báo điện tử Công an nhân dân, ngày 19-4-2017, https://cand.com.vn/Ho-so-Interpol/Trung-Quoc-chong-tham-nhung-Tri-ca-goc-lan-ngon-i429604/
(6) 党的十八大以来全国纪检监察机关共立案审查调查438.8万件470.9万人 (Tạm dịch: Kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các cơ quan kiểm tra, giám sát kỷ luật trên cả nước đã khởi tố, điều tra 4,388 triệu vụ án và 4,709 triệu người),ngày 30-6-2022, http://www.scjc.gov.cn/scjc/rdzx/2022/6/30/d23031f031a04df89b9a34ed8c79b08d.shtml?eqid=ecd3684b000401e80000000664354636
(7) 十八大报告解读:如何健全权力运行制约监督体系 (Tạm dịch: Giải thích Báo cáo Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc: Làm thế nào để cải thiện cơ chế giám sát và ràng buộc quyền lực), ngày 21-1-2013, https://www.gov.cn/jrzg/2013-01/24/content_2318812.htm
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 197 - 198
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thăm và làm việc tại Trung Quốc  (29/04/2023)
Sự thống nhất hữu cơ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ đất nước và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc hiện nay  (29/03/2023)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi điện chúc mừng đồng chí Tập Cận Bình tái cử Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX  (23/10/2022)
Chiến lược của Trung Quốc và Nhật Bản trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam  (29/11/2021)
Quan hệ Nga - Trung Quốc: Triển vọng hợp tác trong giai đoạn mới  (06/07/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên