Phát triển kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm của một số nước châu Âu và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
TCCS - Vấn đề ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên đang ngày càng ảnh hưởng xấu đến cuộc sống con người, đòi hỏi nhiều quốc gia phải chủ động xây dựng và phát triển nền kinh tế tuần hoàn (mang tính bền vững, có lợi cho môi trường), trong đó có Việt Nam. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ giúp có thêm những gợi mở chính sách phù hợp với điều kiện thực tế đất nước để xây dựng nền kinh tế vững mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Một số vấn đề về nền kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn được hiểu là mô hình kinh tế bao gồm các hoạt động từ khâu thiết kế, sản xuất đến cung cấp dịch vụ điều hướng tới tái sử dụng vật chất và loại bỏ những ảnh hưởng xấu đến môi trường. Phát triển kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu hướng của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhằm giải quyết những thách thức ngày càng lớn giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững. Khác với nền kinh tế tuyến tính (mô hình kinh tế truyền thống với đặc trưng là khai thác tài nguyên, sản xuất sản phẩm và phần còn lại của sản phẩm bị vứt bỏ sau tiêu thụ; phát triển theo chiều rộng, phù hợp trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, nhưng để lại nhiều hệ lụy do sự cạn kiệt tài nguyên và lượng phế thải khổng lồ thải ra môi trường), mô hình kinh tế tuần hoàn đặt mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
Mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng đến hoạt động quản lý và tái tạo tài nguyên theo một chu trình khép kín nhằm hạn chế tối đa lượng phế thải, các chất thải được tái chế, trở thành nguyên liệu mới cho sản xuất, từ đó làm giảm các tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người; tận dụng triệt để tài nguyên thông qua các hoạt động, như sửa chữa (repair), tái sử dụng (reuse), tái chế (recycle). Cụ thể, một phần hoặc toàn bộ chất thải sẽ được đưa về vòng sản xuất cũ, cấu trúc lại và tiếp tục được sử dụng, góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đầu vào sản xuất, đồng thời giảm chi phí chế tạo, sản xuất. Bản chất của mô hình kinh tế tuần hoàn được hình thành bởi 3 nguyên tắc: Bảo tồn và tăng cường vốn tự nhiên; tối ưu hóa lợi nhuận tài nguyên; quản lý hiệu quả hệ thống xử lý chất thải(1).
Theo tổng kết của một số chuyên gia, có 4 lợi ích cơ bản mà nền kinh tế tuần hoàn đem lại thông qua tận dụng tối đa các nguồn lực, cụ thể: tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm lợi ích xã hội(2). Bên cạnh những yếu tố tích cực, mô hình kinh tế tuần hoàn cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với các quốc gia đã và đang có ý định xây dựng.
Kinh nghiệm của một số nước châu Âu trong phát triển nền kinh tế tuần hoàn
Kinh nghiệm của Thụy Điển
Thụy Điển là quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu và là nền kinh tế phát triển cao, duy trì một hệ thống phúc lợi xã hội rộng rãi; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người đạt khoảng 52 nghìn USD/người (năm 2017), xếp thứ 11 trên thế giới(3). Từ những năm 1990, Thụy Điển là một trong số ít các nước công nghiệp hóa thực hiện quản lý duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với việc giảm thải tối đa khí các-bon nhằm bảo vệ môi trường. Song song với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, Thụy Điển đã áp dụng nhiều giải pháp thiết thực để giảm thiểu các loại rác thải gây ô nhiễm, như đánh thuế cao các loại chất thải, ưu đãi xanh, sử dụng năng lượng tái tạo từ thủy điện và nhiên liệu sinh học,... Việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn với phát thải các-bon thấp của Thụy Điển được bắt đầu từ thay đổi trong tư duy sản xuất tiêu dùng và trong các kế hoạch áp dụng khoa học - công nghệ vào các ngành sản xuất và xử lý rác thải với sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, cụ thể:
Thứ nhất, thống nhất về tư duy phát triển và xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn trên phạm vi cả nước, từ người dân, doanh nghiệp (DN) đến Chính phủ, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, Thụy Điển thành lập một nhóm chuyên gia về kinh tế tuần hoàn giúp Chính phủ điều phối và hỗ trợ DN, người dân, đồng thời đầu tư nghiên cứu đổi mới trong lĩnh vực tài nguyên và chất thải.
Thứ hai, xây dựng nền kinh tế dựa trên các ngành công nghệ cao. Nền kinh tế tuần hoàn “vì một tương lai không rác thải” ở Thụy Điển được khởi xướng từ những thập niên trước, bắt đầu bằng việc đổi mới sáng tạo ở một số DN, thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch trong các DN, tạo ra các phương pháp tiếp cận theo hướng đổi mới, sáng tạo(4).
Thứ ba, xây dựng các ngành kinh tế tuần hoàn: Đối với ngành thực phẩm, Thụy Điển đã thiết lập một chiến lược quốc gia để thay đổi chuỗi cung ứng với nỗ lực tăng cường hợp tác toàn ngành (thông qua thu gom ống hút nhựa, bìa các-ton đã qua sử dụng); đối với ngành nhựa, Thụy Điển nỗ lực thắt chặt các chính sách quốc gia về sản xuất và sử dụng đồ nhựa với 53% vật liệu nhựa tiêu dùng trong đời sống xã hội được sử dụng lại.
Thứ tư, tái chế rác thải thành điện năng để phục vụ các ngành công nghiệp khác. Tại Thụy Điển, hơn 99% rác thải đều được tái chế thành các sản phẩm mới, nguyên liệu thô, khí đốt và năng lượng nhiệt. Để làm được điều này, Thụy Điển đã áp dụng các giải pháp, như quy định chặt chẽ về địa điểm tái chế rác thải; xe chở rác chạy bằng năng lượng tái chế hoặc khí sinh học; phân loại rác theo màu túi đựng rác để tiết kiệm thời gian với sự tham gia của các DN, nhất là các DN trong ngành may mặc, thực phẩm; đánh thuế cao khi sử dụng năng lượng hóa thạch, chuyển sang sử dụng năng lượng sinh học và năng lượng có khả năng tái tạo; nhập khẩu rác thải.
Kinh nghiệm của Pháp
Ngày 23-4-2018, Chính phủ Pháp đã công bố lộ trình phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, biến rác thải thành nguyên liệu phục vụ cho guồng máy sản xuất trong các ngành công nghiệp. Cụ thể: Pháp đã đề ra mục tiêu giảm 50% số lượng rác thải trước năm 2025, tận dụng tối đa phế phẩm, phế liệu để làm ra những sản phẩm mới và dự kiến trong 7 năm tới sẽ có thêm 300.000 việc làm được tạo ra nhờ mô hình sản xuất mới.
Lộ trình phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn của Pháp bao gồm 50 biện pháp, xoay quanh hai nội dung chính: Khuyến khích các nhà sản xuất cung cấp những mặt hàng có độ bền cao, khi hỏng dễ được sửa chữa và khuyến khích các hoạt động tái chế, sử dụng lại nguyên liệu từ những món đồ trước khi chúng được thải ra bãi rác.
Theo nghiên cứu của Cơ quan Quản lý môi trường và năng lượng (ADEME), ở Pháp 70% rác trên toàn quốc do ngành xây dựng thải ra, tương đương 247 triệu tấn. Mỗi năm, các hộ gia đình thải khoảng 30 triệu tấn rác, các DN không kể ngành xây dựng thải 64 triệu tấn(5). Để khuyến khích các DN chuyển hướng xây dựng mô hình sản xuất ít làm tổn hại cho môi trường hơn, về mặt tài chính, Chính phủ Pháp dự trù giảm đánh thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống còn 5,5% thay vì 20% vào các nguyên liệu tái chế, đồng thời phạt tiền các ngành, nghề không tuân thủ các chuẩn mực mới, tiếp tục thải nhiều rác làm hủy hoại môi trường.
Tuy nhiên, tiền bạc không phải là chìa khóa duy nhất để chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Pháp đang tìm những phương án để khuyến khích các DN sản xuất ra những mặt hàng càng bền vững càng tốt. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng sử dụng lại nguyên liệu từ những mặt hàng bỏ đi (nhưng đòi hỏi nhiều phương tiện về công nghệ lọc lại rác cho tới quá trình sản xuất) và nâng cao thói quen sinh hoạt, sử dụng rác thải của người dân.
Kinh nghiệm của Đức và Hà Lan
Ở Đức, nền kinh tế tuần hoàn được xây dựng theo mô hình “từ trên xuống”. Chính phủ Đức đã ban hành Luật về Quản lý chất thải và chu trình khép kín từ năm 1996 với ý tưởng cốt lõi là “tuần hoàn vật liệu”, khi mà nền kinh tế công nghiệp nặng của Đức luôn cần rất nhiều vật liệu đầu vào thì việc “tuần hoàn vật liệu” sẽ góp phần giảm phụ thuộc vào tài nguyên trong sản xuất, đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Đạo luật trên hướng tới quản lý chất thải theo chu trình khép kín và bảo đảm việc xử lý chất thải tương thích với nhiệm vụ bảo vệ môi trường cũng như khả năng đồng hóa chất thải. Trên cơ sở đó, nước Đức tiếp cận thực hiện nền kinh tế tuần hoàn ở cấp toàn quốc gia, thúc đẩy nhiều mô hình giảm thiểu chất thải, tái sử dụng, tái chế và đốt rác thải để sản xuất điện năng và nhiệt năng, cung cấp nhiên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp khác.
Trong khi đó, từ những năm 70 của thế kỷ XX, Hà Lan thực hiện một số quy định về thứ tự ưu tiên trong quản lý chất thải nhằm ngăn ngừa và hạn chế phát sinh chất thải, thúc đẩy tái sử dụng, tái chế và cuối cùng là xử lý rác bằng phương pháp đốt cháy trước khi áp dụng biện pháp cuối cùng là chôn lấp. Đến năm 2013, Hà Lan triển khai một loạt chương trình và dự án nhằm trở thành “trung tâm tuần hoàn” của châu Âu, đặc biệt là chương trình “Kinh tế tuần hoàn tại Hà Lan vào năm 2050”. Tuy nhiên, khác với Đức, cách thực hiện nền kinh tế tuần hoàn của Hà Lan được xác định là đi “từ dưới lên”, khi mà các chính sách tập trung nhằm đề cao sự đổi mới trong sử dụng vật liệu, thay đổi các mô hình kinh doanh, xuất phát từ chính lợi ích và những sáng kiến của doanh nghiệp(6).
Thực trạng xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và một số hàm ý chính sách
Việt Nam là quốc gia đang phát triển, mặc dù quy mô nền kinh tế không lớn, nhưng lại là quốc gia có khối lượng rác thải nhựa xả ra biển rất lớn, dao động trong khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển và đứng thứ 4/20 quốc gia có lượng rác thải nhựa cao nhất(7). Bên cạnh đó, theo báo cáo thường niên The Environmental Performance Index (EPI) của Mỹ thực hiện, Việt Nam đứng trong tốp 10 các nước bị ô nhiễm không khí ở châu Á. Đáng lưu ý, tổng lượng bụi ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang liên tục tăng cao khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động(8). Vì vậy, việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với các quốc gia nói chung, với Việt Nam nói riêng là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống, gắn với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Để hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường thông qua nhiều văn bản pháp quy, chiến lược, định hướng quan trọng, điển hình như Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050,.... Đồng thời, để đạt được các mục tiêu đề ra, Việt Nam đã và đang triển khai một loạt chương trình liên quan đến phát triển kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, để từng bước hình thành và phát triển kinh tế tuần hoàn, thời gian qua, Chính phủ đã có những ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn, đất đai để xây dựng cơ sở tái chế chất thải; ưu tiên hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực công nghiệp, gồm: tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp làm nguyên liệu cho sản xuất xi-măng, vật liệu xây dựng, sản xuất giấy,... Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đã tăng cường sử dụng năng lượng sinh khối và khí sinh học; xây dựng mô hình sản xuất kết hợp xử lý chất thải, tái tạo năng lượng. Khuyến khích ưu tiên tái chế, sử dụng phụ phẩm và phế phẩm từ các ngành thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày,... trong chuỗi sản xuất cũng như thúc đẩy sản xuất năng lượng từ chất thải đô thị.
Hiện nay, ở Việt Nam đã có một số mô hình kinh tế tuần hoàn được thực hiện, đem lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt và những khó khăn về công nghệ.
Dựa vào thực tế tại Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia nói trên, để hiện thực hóa và phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, cần thực hiện hiệu quả một số giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh việc phổ biến, nghiên cứu lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới nhằm trang bị kiến thức đầy đủ, toàn diện, đúng đắn của mô hình kinh tế này trong cơ quan quản lý, DN và nhân dân. Xây dựng hệ thống pháp luật quản lý phù hợp trong phát triển kinh tế tuần hoàn; xây dựng và phát triển khung chính sách và pháp luật quản lý mô hình kinh tế tuần hoàn theo nhu cầu của thị trường, chuyển dịch sang hướng ngăn ngừa ô nhiễm và sử dụng hiệu quả các nguồn nguyên liệu có thể tái chế; xây dựng và áp dụng chặt chẽ các bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm, chất lượng nguyên liệu đầu vào.
Hai là, Nhà nước và các bộ, ban, ngành cần có chủ trương, hành động thực tế thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trong tất cả các ngành; các chính sách hỗ trợ nguồn vốn, địa điểm sản xuất, mở rộng cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, Nhà nước cần thành lập trung tâm hỗ trợ các DN triển khai nền kinh tế tuần hoàn trong các hoạt động sản xuất, nghiên cứu; đồng thời, đẩy mạnh phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ, sản phẩm tiên tiến trong lĩnh vực tái chế vật liệu và năng lượng mới từ chất thải, thỏa mãn các điều kiện về môi trường, tiết kiệm chi phí.
Ba là, nghiên cứu tạo cơ chế khuyến khích thực hiện mô hình kinh tế này bằng cách đãi ngộ, ưu tiên về thuế và các chính sách hỗ trợ khác. Về lâu dài, cần hình thành các DN cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các DN sản xuất trong thực hiện kinh tế tuần hoàn. Triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn với các cấp độ phù hợp.
Bốn là, kiểm soát chặt chẽ rác thải. Trọng tâm của mô hình kinh tế tuần hoàn là kiểm soát, xử lý và tái chế rác thải, biến đổi chúng thành các tài nguyên tái tạo. Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm thành công của các quốc gia phát triển, như Pháp, Thụy Điển,... về công nghệ quản lý và xử lý rác thải. Theo đó, cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn liên quan tới thu gom, vận chuyển và tái sử dụng tro xỉ từ nhiệt điện than. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng về chất lượng và hiệu quả sử dụng vật liệu xây dựng không nung, phát triển thị trường vật liệu xây dựng từ tro, xỉ... Mặt khác, Nhà nước cần có ưu đãi các DN xử lý, tiêu thụ tro xỉ.
Năm là, tối ưu hóa nguồn nguyên liệu đầu vào; hoạt động kiểm soát, quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào cần được xem xét, triển khai trên toàn bộ hệ thống, bao gồm tất cả các quá trình và kết cấu hạ tầng có mối liên hệ chặt chẽ với nguồn tài nguyên hay hoạt động sản xuất của con người, cũng như cách phân phối nguồn năng lượng tạo ra. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, phát huy vai trò của cộng đồng DN ngoài nhà nước trong thí điểm thực hiện mô hình được cho là mới ở Việt Nam hiện nay.
Sáu là, huy động sự tham gia của cộng đồng vào phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Kinh nghiệm cho thấy, để thực hiện kinh tế tuần hoàn, cần kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan chính phủ, các DN khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác... tham gia, thì mới có thể đạt được thành công trong quá trình triển khai. Theo đó, cần nâng cao ý thức của toàn xã hội về sự tham gia từ Chính phủ, DN và người dân trong phát triển kinh tế tuần hoàn./.
-------------------------
(1) Xem: Kline, M: “What a circular economy is, and why you should care” (Tạm dịch: Kinh tế tuần hoàn là gì và tại sao bạn nên quan tâm), Inc referenced, ngày 28-5-2015, http://www.inc.com/maureen-kline/what-a-circular-economy-is-and-why-you-should-care.html
(2) Xem: Henning Wilts: “Key challenges for transformations towards a circular economy - The status quo in Germany” (Tạm dịch: Những thách thức chính trong quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế tuần hoàn - Thực trạng của nước Đức), International Journal of Waste Resources, tháng 1-2017
(3) Xem: Trương Thị Mỹ Nhân: “Kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và các điều kiện để chuyển đổi ở Việt Nam”, Tạp chí Tài chính điện tử, ngày 30-1-2019, https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/kinh-nghiem-xay-dung-nen-kinh-te-tuan-hoan-va-cac-dieu-kien-de-chuyen-doi-o-viet-nam-317345.html
(4) Xem: Trương Thị Mỹ Nhân: “Kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và các điều kiện để chuyển đổi ở Việt Nam”, Tlđd
(5) Xem: Tuệ Minh: “Pháp phát triển mô hình “kinh tế tuần hoàn””, Báo Sài Gòn giải phóng điện tử, ngày 10-9-2018, http://saigondautu.com.vn/the-gioi/phap-phat-trien-mo-hinh-kinh-te-tuan-hoan-61214.html
(6) Xem: Lê Hải Đường và Đỗ Tiến Dũng: “Kinh nghiệm xây dựng, hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn ở một số nước trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử, ngày 29-7-2022, http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=211226
(7) Xem: Nguyễn Thu Trang, Bùi Thị Thu Hiền và Chu Thế Cường: “Bước đầu đánh giá hiện trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại một số bãi biển Việt Nam”, Trang Thông tin điện tử Bộ Công Thương, ngày 30-7-2020, https://moit.gov.vn/bao-ve-moi-truong/buoc-dau-danh-gia-hien-trang-o-nhiem-rac-thai-nhua-tai-mot-s.html
(8) Xem: Trang Lê: “Việt Nam hiện đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở châu Á”, Tạp chí Nhịp cầu đầu tư điện tử, ngày 2-10-2019, https://nhipcaudautu.vn/phong-cach-song/viet-nam-hien-dang-dung-trong-top-10-cac-nuoc-o-nhiem-khong-khi-o-chau-a-3330585/
Thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh): Triển vọng phát triển ngành năng lượng tái tạo  (28/09/2022)
Ô nhiễm môi trường ở Hà Nội: Thực trạng và giải pháp  (25/09/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma  (29/08/2022)
Phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ở Việt Nam  (26/06/2022)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên