Căng thẳng thương mại Mỹ - Liên minh châu Âu và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
TCCS - Trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), mức thâm hụt thương mại của Mỹ có xu hướng ngày càng tăng và điều này là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai bên. Mỹ và Liên minh châu Âu chính thức khởi kiện nhau lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và dẫn tới những phán quyết cho phép áp thuế bổ sung của hai bên lên hàng hóa của nhau, càng làm gia tăng tình trạng căng thẳng trên. Cả Mỹ và EU đều là những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, căng thẳng thương mại giữa hai bên đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp phát triển thương mại với các đối tác này một cách phù hợp.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện cam kết khi tranh cử là thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ với toàn thế giới, không ngoại trừ đối tác lâu đời EU. Thời gian qua, Mỹ thường xuyên đề cập tới việc thâm hụt thương mại với các đối tác thương mại, trong đó có EU. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với EU đã tăng từ mức 169 tỷ USD năm 2018 lên 178 tỷ USD năm 2019. Một thập kỷ trước đó, khoản thâm hụt thương mại của Mỹ với EU chỉ là khoảng 61 tỷ USD (năm 2009)(1).
Còn theo số liệu của EU, trong giai đoạn 2009 - 2019, mức thặng dư trong trao đổi thương mại của khối với Mỹ có xu hướng ngày càng tăng và năm 2019 đã đạt mức kỷ lục là 156 tỷ euro(2).
Căng thẳng thương mại Mỹ và EU được cho là bắt đầu kể từ sau khi Mỹ đánh thuế 10% lên các mặt hàng nhôm và 25% đối với thép nhập khẩu từ EU, từ ngày 1-6-2018(3). Đáp trả lại, ngày 22-6-2018, EU cũng chính thức đánh thuế nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Mỹ trị giá hơn 3 tỷ USD, trong đó có quần jean, xe mô tô hạng nhẹ và rượu whisky…
Ngày 14-10-2019, Cục Giải quyết tranh chấp (DSB) thuộc WTO đã chính thức cho phép Mỹ áp thuế trên lượng hàng hóa trị giá 7,5 tỷ USD của EU(4). Đây là kết quả của một vụ kiện lớn kéo dài trước đó, bắt đầu từ ngày 6-10-2004, với việc Airbus và Boeing nộp đơn khiếu nại lẫn nhau. Quyết định của DBS được dựa trên phán quyết mà tòa trọng tài WTO đưa ra hồi đầu tháng 10-2019, cho rằng Mỹ đã chịu thiệt hại tương tương 7,5 tỷ USD/năm từ những khoản cho vay ưu đãi của chính phủ các nước châu Âu dành cho dòng máy bay A350 và A380 của Airbus. WTO cho rằng, cả Airbus và Boeing đều đã nhận được hàng tỷ USD trợ cấp trong vụ tranh cãi thương mại lớn nhất trên thế giới ở cấp độ doanh nghiệp. Tuy nhiên, Washington được phép đánh thuế trước vì Mỹ khởi kiện trước 9 tháng.
Tuy vậy, tới ngày 13-10-2020, EU đã giành được quyền áp thuế đối với 4 tỷ USD hàng hóa của Mỹ để trả đũa khoản trợ cấp mà hãng sản xuất máy bay Boeing nhận được. Báo cáo của tổ trọng tài WTO cho biết, mức phạt này “tương ứng với mức độ và bản chất của các tác động tiêu cực” do các khoản trợ cấp trái phép của Mỹ dành cho Boeing…
Sau phán quyết của WTO, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị chấm dứt cuộc chiến thuế quan và tìm ra giải pháp hòa giải cho tranh chấp kéo dài 16 năm về trợ cấp cho 2 nhà sản xuất máy bay. Phó Chủ tịch EC phụ trách kinh tế và thương mại Valdis Dombrovskis cho biết, EU sẽ ngay lập tức nối lại tiếp xúc với Mỹ theo cách tích cực và mang tính xây dựng để quyết định các bước tiếp theo. Ông cũng khẳng định thêm: “Ưu tiên mạnh mẽ của chúng tôi là giải quyết bằng thương lượng. Nếu không, chúng tôi sẽ buộc phải bảo vệ lợi ích của mình và đáp trả một cách tương xứng”(5). Về phía Mỹ, Đại diện thương mại Robert Lighthizer khẳng định, các cuộc đàm phán với EU về tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp thương mại đang diễn ra(6). Ông cũng cho biết Mỹ sẽ thúc đẩy đàm phán với Brussels để khôi phục cạnh tranh công bằng và một sân chơi bình đẳng cho lĩnh vực sản xuất máy bay(7).
Tuy nhiên, rõ ràng, căng thẳng thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương đang có xu hướng tăng lên, với những “đòn ăn miếng trả miếng” liên tục. Những biện pháp áp thuế bổ sung mà Mỹ và EU thực hiện và đề xuất có thể làm nghiêm trọng hơn tình trạng căng thẳng này, gây ra những tổn thất rất lớn, trong bối cảnh dịch COVID-19 vốn đã làm tổn hại nặng nề cho nền kinh tế của hai bên.
Trong nhiều năm qua, cả Mỹ và EU đều là những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm do tác động của dịch COVID-19, đây tiếp tục là những thị trường có vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam, nhất là đối với hàng xuất khẩu.
Từ nhiều năm qua, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt 61,33 tỷ USD, tăng 29,1% so với năm 2018 và chiếm 23,2% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019. Các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam như dệt may, điện thoại, máy vi tính, giày dép, đồ gỗ… đều có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ.
Năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới, Mỹ vẫn duy trì là thị trường lớn nhất giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có được sự tăng trưởng khá. Trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng tới 22,7%, trong khi nhập khẩu từ Mỹ lại giảm 3,0% so với cùng kỳ năm 2019(8).
Trong 9 tháng đầu năm 2020, những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Mỹ có hai nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: 3,5 tỷ USD; bông các loại: 1,1 tỷ USD. Còn trong TOP 10 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2020 ghi nhận 9 nhóm hàng kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó, hàng dệt may chạm mốc trên 10 tỷ USD(9).
Một nguyên tắc căn bản trong WTO là cân bằng thương mại. Trong khi đó, nhiều năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam với Mỹ luôn duy trì thặng dư về phía Việt Nam. Để tránh bị Mỹ đưa vào danh sách theo dõi, giám sát về thâm hụt thương mại, Việt Nam cần thực hiện một số khuyến nghị sau:
Một là, Việt Nam cần thẳng thắn trao đổi với Mỹ về những biện pháp phát triển thương mại hai chiều Việt - Mỹ một cách phù hợp. Cần truyền thông cho Mỹ thấy những ngành sản xuất của Việt Nam đang có năng lực sản xuất, cạnh tranh tăng lên một cách lành mạnh, không có sự bảo hộ vi phạm các quy định thương mại.
Hai là, cần chú trọng hợp lý hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam bằng cách tăng nhập khẩu từ Mỹ, nhất là những sản phẩm của Mỹ có khả năng bổ sung cho nền sản xuất của Việt Nam. Cụ thể là, cần chủ động hơn trong việc khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước sử dụng sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao của Mỹ. Chẳng hạn, trong ngành năng lượng, với chủ trương đẩy mạnh và khuyến khích đầu tư vào điện tái tạo, doanh nghiệp Việt Nam có thể lựa chọn công nghệ của Mỹ - nước sản xuất công nghệ về năng lượng tái tạo lớn thứ hai, sau Trung Quốc. Bên cạnh đó, khi thị trường hàng không từng bước khôi phục trở lại, Việt Nam có thể tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ có thế mạnh như máy bay hoặc các trang thiết bị phục vụ bay khác. Ngoài ra, nhiều mặt hàng của Mỹ có lợi thế nổi trội và Việt Nam có thể tiếp tục tăng cường nhập khẩu trong thời gian tới, nhất là các nhóm nông sản thực phẩm như bắp, đậu nành, thịt, sữa các loại, trái cây(10)…
Trong khi đó, nhiều năm qua, EU cũng là một trong những đối tác xuất khẩu quan trọng hàng đầu ở Việt Nam và Việt Nam liên tục đạt được thặng dư thương mại với EU.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều sang thị trường các nước thành viên EU. Điển hình như nhóm hàng lớn nhất là điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 12,36 tỷ USD, dù giảm 7,1% so với năm 2018 nhưng EU vẫn chiếm tới 24% kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này. Ngoài ra, hàng loạt các nhóm hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam đều đang duy trì được kim ngạch hàng tỷ USD trong năm 2019 tại EU như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; giày dép; nông sản; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng…(11). Chỉ tính riêng tháng 8-2020, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thực thi được một tháng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7-2020; tháng 9-2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU duy trì đà tăng mạnh, 14,4% so với cùng kỳ(12)… Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực tại thị trường này, điển hình, tháng 8-2020, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% và kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019(13).
Những năm gần đây, nhất là trong giai đoạn 2019 - 2020, chứng kiến xu thế gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại tại nhiều nước, khu vực trên thế giới. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ trên khắp thế giới và tình trạng căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc và EU có khả năng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng, ngăn chặn tăng trưởng của kinh tế thế giới, nhất là đối với các nước thu nhập thấp và trung bình. Trong xu thế chung đó, EU tích cực thúc đẩy việc đàm phán và ký kết các thỏa thuận thương mại, các hiệp định thương mại tự do (FTA). Thời gian qua, EU đàm phán và ký kết một số thỏa thuận thương mại và FTA với nhiều đối tác chủ chốt, như Canada, Nhật Bản, Ecuador, Ukraine, Singapore và Việt Nam…
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực, vừa tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về thương mại, như gian lận nguồn gốc xuất xứ, lẩn tránh thuế, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… Để tận dụng những cơ hội và giảm thiểu những nguy cơ trong quan hệ thương mại với EU, trong khi căng thẳng thương mại giữa một số nền kinh tế hàng đầu thế giới chưa có dấu hiệu chấm dứt, Việt Nam cần chú trọng:
Thứ nhất, mặc dù EVFTA xóa bỏ các rào cản thương mại giữa hai bên, có thể thúc đẩy số lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU, nhưng việc gia tăng quá nhanh xuất khẩu vào EU có thể dẫn đến việc khối này có xu hướng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại, thông qua việc tăng cường áp dụng các rào cản kỹ thuật đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam(14). Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động và phối hợp nhịp nhàng để nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch của EU và các quốc gia thành viên, kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ tại các hiệp hội cũng như các cơ quan quản lý về lĩnh vực này. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tuân thủ và chuẩn bị tốt để đáp ứng các tiêu chí do EU đưa ra nhằm bảo đảm hoạt động xuất khẩu sang thị trường này bền vững.
Thứ hai, một số doanh nghiệp có thể dịch chuyển sản xuất từ những quốc gia khác sang Việt Nam để tận dụng những ưu đãi của EVFTA nhằm tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang EU. Vì vậy, Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ gia tăng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, mượn xuất xứ để né thuế quan và điều đó sẽ gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, bên cạnh việc tăng cường các giải pháp quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ của các cơ quan quản lý nhà nước, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp Việt Nam, thông qua việc chủ động trang bị kiến thức cơ bản về quy định phòng vệ thương mại trong EVFTA, nỗ lực tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của các nước EU, chủ động hoàn thiện hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại để bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về thông tin. Trong trường hợp trở thành bị đơn của các biện pháp điều tra, doanh nghiệp cần chủ động theo dõi sát các lập luận của nguyên đơn và cơ quan điều tra; cung cấp bằng chứng, thông tin chứng minh sự khác biệt của sản phẩm; phát hiện các thông tin, số liệu mà cơ quan điều tra sử dụng chưa chính xác để phản biện; kiểm tra các lập luận về thiệt hại do nguyên đơn cung cấp. Mặt khác, doanh nghiệp cần có kế hoạch chủ động phòng ngừa và xử lý vụ kiện phòng vệ thương mại khi xây dựng chiến lược xuất khẩu sang EU và các quốc gia thành viên…
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU đã diễn ra trong một thời gian khá dài, mặc dù hai bên đã và đang tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thương lượng nhưng chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt. Điều này mang tới những thay đổi lớn trong quan hệ thương mại trên thế giới nói chung và của mỗi quốc gia nói riêng khi thương mại tự do bị kìm hãm. Hơn nữa, đại dịch COVID-19 khiến các chuỗi cung ứng quan trọng bị phá vỡ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới trao đổi thương mại trên thế giới, gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, để tận dụng được những cơ hội và hạn chế những thách thức đối với hoạt động trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ và EU, cần có sự nỗ lực của các cơ quan nhà nước và bản thân mỗi doanh nghiệp nhằm phát triển thương mại giữa Việt Nam với các đối tác này một cách lành mạnh, hạn chế nguy cơ bị áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, chủ động phòng ngừa và xử lý vụ kiện phòng vệ thương mại./.
--------------------
(1) Alexandre Tanzi (2020): “America’s Trade Deficit With the EU Reaches Record $178 Billion”, https://www.bloomberg.com/news/articles/2020-02-05/china-s-got-more-competition-now-as-info-tech-exporter-to-u-s
(2) Eurostat (2020b): “USA-EU - international trade in goods statistics”, https://ec.europa.eu/eurostat/statistics-explained/index.php/USA-EU_-_international_trade_in_goods_statistics#EU_and_the_United_States_in_world_trade_in_goods
(3) Bryce Baschuk (2018): “Europe, US Escalate Trade War with New Disputes at the WTO”, https://www.industryweek.com/the-economy/article/22026542/europe-us-escalate-trade-war-with-new-disputes-at-the-wto
(4) Philip Blenkinsop, Jonathan Oatis (2020): “EU is 'very concerned' by delayed WTO decision on tariffs vs U.S”, https://www.reuters.com/article/us-usa-trade-eu-idUSKBN23W2L7
(5) The Guardian (2020): “WTO rules EU can apply tariffs on US goods as trade war deepens”, https://www.theguardian.com/world/2020/oct/13/wto-rules-eu-can-apply-tariffs-on-us-goods-as-trade-war-deepens
(6) Jamey Keaten (2020): “WTO says EU can put tariffs on $4 billion of US goods”, https://abcnews.go.com/Business/wireStory/trade-body-eu-sanction-4b-worth-us-goods-73585678
(7) Việt An (2020): “Tranh chấp Airbus-Boeing: Mỹ tăng cường đàm phán, EU đề nghị chấm dứt cuộc chiến thuế quan”, https://baoquocte.vn/tranh-chap-airbus-boeing-my-tang-cuong-dam-phan-eu-de-nghi-cham-dut-cuoc-chien-thue-quan-126187.html
(8) Tổng cục Hải quan (2020): “Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 9 và 9 tháng năm 2020”, https://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan/ViewDetails.aspx?ID=1858&Category=Ph%C3%A2n%20t%C3%ADch%20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20k%E1%BB%B3&Group=Ph%C3%A2n%20t%C3%ADch
(9) Phùng Nguyệt (2020): “Xuất nhập khẩu Việt Nam và Mỹ tháng 9/2020: Xuất siêu 6,6 tỉ USD”, https://vietnambiz.vn/xuat-nhap-khau-viet-nam-va-my-thang-9-2020-xuat-sieu-66-ti-usd-2020102023160833.htm
(10) Phương Nhung - Nguyễn Hải - Ngọc Ánh (2020): “Nỗ lực cân bằng thương mại Việt - Mỹ”, https://nld.com.vn/kinh-te/no-luc-can-bang-thuong-mai-viet-my-20190721212905739.htm
(11) Thái Bình (2020): “Thị trường EU và Mỹ quan trọng thế nào với xuất khẩu của Việt Nam?”, https://haiquanonline.com.vn/thi-truong-eu-va-my-quan-trong-the-nao-voi-xuat-khau-cua-viet-nam-122551.html
(12), (13) Xuân Quảng (2020): “Xuất khẩu 9 tháng: Doanh nghiệp nội vững vàng vượt 'bão' COVID-19”, http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/xuat-khau-9-thang-doanh-nghiep-noi-vung-vang-vuot-bao-covid19-328401.html
(14) Lan Hương (2020): “Xuất khẩu sang EU nhờ EVFTA: Cơ hội lớn nhưng khởi đầu sẽ chật vật”, http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/xuat-khau-sang-eu-nho-evfta-co-hoi-lon-nhung-khoi-dau-se-chat-vat-320068.html
Quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu: Từ Hiệp định khung về hợp tác đến Hiệp định Thương mại tự do  (03/10/2020)
Thực thi quy định về sở hữu trí tuệ trong EVFTA: Góc nhìn từ phía doanh nghiệp châu Âu và một số vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam  (30/09/2020)
“Sức mạnh mềm” của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump  (26/08/2020)
Tự do hóa thương mại: Lý luận, kinh nghiệm và giải pháp cho Việt Nam  (17/08/2020)
Về quan hệ nhân dân Việt Nam - Mỹ  (17/07/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển